Ngôn ngữ
Tham dự hội thảo, về phía các cơ quan nghiên cứu, viện quản lý có GS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, GS.TS Lê Quang Thiêm - Chủ tịch hội Ngôn ngữ học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Ngôn ngữ - ngoại ngữ, GS.TS Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội; về phía Trường ĐHKHXH&NV có PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; về phía Khoa Ngôn ngữ học có Nguyễn Văn Chính - Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học; cùng các nhà giáo lão thành, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên của Khoa.
Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi những nội dung nghiên cứu giảng dạy ngôn ngữ học và trình bày các kết quả nghiên cứu mới của mình. Đây cũng là cơ hội tốt để phát triển quan hệ hợp tác, nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa giữa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Hội thảo là một điểm nhấn đánh dấu sự phát triển của ngành Ngôn ngữ học chung và khoa Ngôn ngữ học nói riêng.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS. TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) nhấn mạnh tầm quan trọng và sự hấp dẫn của ngôn ngữ học, với tư cách là một khoa học vừa có tính hàn lâm, vừa có tính thực tiễn sâu sắc. Điều này được thể hiện qua các con số biết nói của Khoa Ngôn ngữ học, một đơn vị gạo cội của Trường ĐHKHXH&NV. Đến năm 2015, Khoa Ngôn ngữ học đã đào tạo hơn 1500 cử nhân, hơn 400 thạc sĩ và 130 tiến sĩ về Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Hiện nay, nếu mỗi năm có 800-1000 sinh viên đến học ngắn học tại Trường, Khoa Ngôn ngữ học đã đóng góp một nửa – khoảng 500 sinh viên. Do đó, ngành ngôn ngữ học còn có sự hấp dẫn trong khía cạnh đào tạo, phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. Phó Hiệu trưởng cũng gửi lời chúc tới toàn thể các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Khoa nhận dịp 60 năm truyền thống từ khi thành lập Đại học Tổng hợp Hà Nội và 20 năm thành lập Khoa Ngôn ngữ học.
PGS. TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu khai mạc tại hội thảo
Sau phát biểu khai mạc, hội thảo đã tổ chức phiên toàn thể dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Văn Chính và GS Nguyễn Văn Hiệp với 3 tham luận sau: "Giao tiếp của người Việt hiện nay với sự phân tầng xã hội (Một số vấn đề chung và khảo sát thăm dò)” của GS.TS Nguyễn Văn Khang – Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), "Cấu tạo và ngữ nghĩa của tục ngữ trong hành chức (Trên tự liệu truyện ngắn và lý thuyết)” của GS. TS Đỗ Thị Kim Liên (Khoa Ngữ văn - Đại học Vinh), “Các phạm trù từ loại có tính loại hình hay phổ quát? (Một số cách tiếp cận về từ loại trong hình học ngôn ngữ)” của PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Khoa Ngôn ngữ học - Trường ĐHKHXH&NV).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau phiên toàn thể
Sau phiên toàn thể, hội thảo diễn ra liên tục với 3 tiểu ban:
Tiểu ban 1: “Giảng dạy ngôn ngữ học, Việt ngữ học và tiếng Việt” với một số tham luận như: “Tầm quan trọng của phân tích diễn ngôn trong việc dạy và học ngôn ngữ”, “Ngôn ngữ học miêu tả mỹ học với việc dạy ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ”, “Tích hợp ngôn ngữ và văn hóa trong dạy học tác phẩm văn học dân gian ở trường phổ thông”, “Về thiết kế chương trình giảng dạy ngữ âm tiếng Việt cho người nước ngoài”….
Tiểu ban 2: “Những vấn đề ngôn ngữ học và Việt ngữ học” với một số tham luận như: “Bàn thêm về vai trò của hư từ tiếng Việt đối với vị tố trong cấu trúc nghĩa miêu tả của câu”, “Ferdinand de Saussure với quan điểm về cương vị của người bản ngữ”, “Những dị biệt ở trung tâm danh ngữ tiếng Việt cổ - cận đại so với hiện nay”, “Giải mã nghĩa hàm ngôn trong giao tiếp mua bán”…
Tiểu ban 3: “Những vấn đề ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam và khu vực” với một số tham luận như: “Lợi ích của việc phân tích từ ngữ trong ‘Mo mường’ của người Mường ở Việt Nam”, “Tính từ chỉ màu sắc trong tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga”, “Chủ nghĩa cấu trúc và việc nghiên cứu ngôn ngữ học nhân chủng: Thử phân tích một vài trường hợp kiêng kị tên động vật trong ngôn ngữ”, “Đối chiếu ngữ âm tiếng Việt - tiếng Nhật và vấn đề giao thoa ngữ âm”…
Tác giả: Bích Ngọc - Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn