Thuyết trình " Anne Frank – Một lịch sử dành cho hôm nay”

Thứ hai - 21/11/2016 03:56
Sáng ngày 21/11/2016, GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) và đông đảo các cán bộ, giảng viên Khoa Quốc tế học đã đón tiếp và lắng nghe bài thuyết trình của Đại sứ Israel tại Việt Nam là bà Meirav Elon Shahar về chủ đề “Anne Frank – Một lịch sử dành cho hôm nay”.
Thuyết trình
Thuyết trình " Anne Frank – Một lịch sử dành cho hôm nay”

Tại buổi tiếp đón, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã chào đón sự có mặt của Đại sứ Israel tại Việt Nam tới Trường. Hiệu trưởng cho biết, buổi thuyết trình của bà Meirav Elon Shahar có ý nghĩa rất lớn với không chỉ các cán bộ giảng viên mà còn với sinh viên của Trường, nhằm giúp chia sẻ hiểu biết về con người Do Thái và Chiến tranh Thế giới thứ 2.

GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) chào đón sự có mặt của Đại sứ Meirav Elon Shahar

Mở đầu bài thuyết trình, bà Meirav Elon Shahar giới thiệu về tiểu sử Anne Frank và bối cảnh lịch sử nước Đức thời kỳ Quốc xã. Anne Frank sinh ngày 12/6/1929, là con gái thứ hai của Otto và Edith Frank, cả hai đều sinh ra trong những gia đình người ĐỨc gốc Do Thái được kính trọng. Gia đình nhà Frank có rất nhiều bạn bè thuộc nhiều tín ngưỡng và quốc tịch khác nhau. Năm 1933, Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa, gọi tắt là Đảng quốc xã, lên nắm quyền và phát động một chiến dịch loại bỏ người Do Thái khỏi nước Đức. Khi đó, Phát xít Đức đổ lỗi lên người Do Thái về những khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội xảy ra với Đức.

Đại sứ Meirav Elon Shahar giới thiệu về tiểu sử Anne Frank

Trong bối cảnh này, rất nhiều người Đức gốc Do Thái không quan tâm đến tình trang xã hội lúc bấy giờ. Nhưng gia đình nhà Frank thì khác, do đó, họ quyết định rời Đức để chuyển đến Amsterdam, Hà Lan, nơi từ lâu đã trở thành chỗ trú chân an toàn của những người theo đạo. Tuy nhiên, vào tháng 5/1940, Đức xâm lược Hà Lan và một lần nữa nhà Frank phải sống dưới sự thống trị của Quốc xã. Lo sợ cho mạng sống của mình, nhà Frank lên kế hoạch tìm nơi ẩn trốn, nên họ chọn dãy phòng áp mái phía trên văn phòng của Otto Frank tại số 263 Prinsengracht ở Amsterdam.

Ngày 5/7/1942, chị gái Anne là Margot nhận được một cuộc gọi báo bị trục xuất đến “trại lao động”. Anne đã chia sẻ về nỗi sợ hãi trong nhật ký ngày 8/7/1942: “Đi trốn…gia đình mình sẽ trốn ở đâu đây? Trong thành phố? Ngoài nông thôn?...”. Dù nơi ẩn náu chưa được chuẩn bị xong, nhà Frank đã rời đi ngay lập tức. Tối ngày 6/7, họ chuyến đến tầng áp mái. Vì tầng áp mái nằm phía trên một công ty và các tòa nhà bên cạnh đều đã bị chiếm, 8 người sống trong đó phải giữ im lặng hoàn toàn để không bị phát hiện. Anne Frank viết về sự u uất khi phải sống ở nơi đây: “Mỗi khi ai đó bước vào nhà, gió vẫn còn bám lấy quần áo họ và cái lạnh còn vương tren má họ…Khi nào chúng ta mới được hít thở không khí trong lành?”

Căn hộ nơi Anne Frank sinh sống

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 4/8/1944, nỗi sợ hãi tột cùng của gia đình Frank trở thành sự thật khi cảnh sát Đức xuất hiện tại căn nhà để truy tìm người Do Thái lẩn trốn tại đây. Những người sống trong nhà bị bắt lên xe tải và đưa đến nhà tù. Họ bị giam ở đó gần 1 tháng, đến ngày 3/9 thì bị trục xuất đến tại tử thần Auschwitz ở Ba Lan. Anne Frank bày tỏ sự lo sợ pha lẫn niềm hy vọng trong nhật ký ngày 15/7/1944: “Mình nghe thấy những lời như sét đánh ngang tai rằng đến một ngày họ sẽ giết…hàng triệu người. Thế nhưng…mình nghĩ rằng điều tàn bạo này rồi cũng sẽ chấm dứt, hòa bình và yên ổn sẽ quay trở lại”.

Tháng 3 năm 1945, dịch sốt lây lan khắp trại cướp mạng sống khoảng 17.000 tù nhân. Margot vì quá yếu đã rơi khỏi giường và chết vì suy kiệt, lúc đó Anne quá yếu không hề biết biết chị mình đã chết. Nhưng cô linh cảm được điều đó và nói rằng có lẽ chị mình đã chết. Vài ngày sau, Anne qua đời, khi ấy cô mới tuổi mười lăm.

Mộ của Margot và Anne Frank

Bài thuyết trình của Đại sứ Meirav Elon Shahar nhận được nhiều bình luận và câu hỏi từ các giảng viên và sinh viên của Khoa Quốc tế học về những vấn đề như chủ nghĩa chống Xê mít và giải pháp với vấn đề này, vai trò của tầng lớp thanh niên và giới trẻ đối với sự công bằng xã hội, sự khác biệt giữa cảm nhận của người trưởng thành và trẻ em khi đọc cuốn nhật ký, bí quyết vươn lên sau chiến tranh của dân tộc Do Thái, và mối liên hệ giữa sự phân biệt chủng tộc và sự giữ gìn căn tính sắc tộc.

GS. TS Phạm Quang Minh và các sinh viên Khoa Quốc tế học chụp ảnh lưu niệm với Đại sứ Meirav Elon Shahar

Nhật ký Anne Frank là một cuốn sách bao gồm các trích đọan từ một cuốn nhật ký do Anne Frank viết trong khi cô bé đang trốn cùng gia đình trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Xuất bản lần đầu với tựa Het Achterhuis: Dagboekbrieven van 12 Juni 1942 – 1 Augustus 1944  bởi Nhà xuất bản Contact ở Amsterdam năm 1947, cuốn sách đã nhận được sự chú ý của công chúng và bình phẩm rộng rãi khi có bản dịch tiếng Anh với tên Anne Frank: The Diary of a Young Girl bởi Doubleday & Company (Hoa Kỳ) và Vallentine Mitchell (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) năm 1952. Năm 2009, Nhật ký Anne Frank được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa vào Danh lục ký ức thế giới. Theo UNESCO, Nhật ký Anne Frank là một trong "10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trên toàn thế giới."

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây