Kĩ năng tự học

Chủ nhật - 14/10/2012 08:25
Khẩu hiệu “đại học là tự học” được hầu hết sinh viên biết và thuộc nằm lòng, song rất nhiều ý kiến tại toạ đàm bày tỏ sự băn khoăn: hiểu thế nào cho đúng về tự học? Tự học thế nào cho hiệu quả? Khi học cần những kĩ năng gì?
Khẩu hiệu “đại học là tự học” được hầu hết sinh viên biết và thuộc nằm lòng, song rất nhiều ý kiến tại toạ đàm bày tỏ sự băn khoăn: hiểu thế nào cho đúng về tự học? Tự học thế nào cho hiệu quả? Khi học cần những kĩ năng gì? Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng tự học trước hết phải bắt đầu từ việc tự giác và tự lập ra kế hoạch cho mình. Tiếp đó, bên cạnh kiến thức thì các kĩ năng trong học tập là những yếu tố vô cùng quan trọng và phải được rèn giũa liên tục trong suốt 4 năm học. Càng chủ động, tích cực với việc học, bạn càng nhanh chóng có được kĩ năng tốt như: kĩ năng đọc tài liệu, kĩ năng viết báo cáo, kĩ năng phản biện, phân tích, tổng hợp vấn đề, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng làm việc nhóm… Các kĩ năng đó không chỉ giúp sinh viên tiếp thu kiến thức mà còn giúp các bạn tự tin, trưởng thành hơn rất nhiều trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh. Nói về hạn chế của sinh viên hiện nay, PGS.TS Dương Xuân Sơn phê phán: “Sinh viên rất nhiều bạn lười nghe trên lớp. Sau đó, các bạn cũng lười đọc tài liệu, lười tự nghiên cứu. Điều đó gây hạn chế cho việc mở rộng kiến thức của các em vì trong giờ giảng ngắn ngủi, các thầy cô không thể nói được hết”. Cô Kim Hoa cũng nhận xét: có sự khác biệt về kết quả học tập giữa những lớp học, sinh vên có ý thức chăm chú nghe giảng với những bạn không tập trung nghe giảng trên lớp. Và đương nhiên điểm số cao thường thuộc về những bạn học có ý thức hơn, mà bắt đầu bằng việc có ý thức tập trung ghi nhận kiến thức mà thầy cô trao đổi trên lớp. Rất đồng tình với quan điểm trên, TS. Hoàng Khắc Nam khẳng định: “Tự học là cái khác biệt lớn nhất của học ĐH so với các bậc học dưới, nó thể hiện ở chỗ học tự chủ, học có tư duy, chọn lọc sao cho việc lĩnh hội kiến thức phù hợp và hiệu quả nhất với điều kiện riêng của mỗi cá nhân”. Thầy cũng chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm cụ thể về việc học tự chủ khi chỉ ra những công đoạn quan trọng không thể bỏ qua của việc học, gồm: học trên lớp khi nghe giảng - ghi chép lại - đọc tài liệu, ôn tập. Theo đó, lắng nghe chăm chú trên lớp đã giúp học và hiểu được 30%; biết cách ghi chép lại vào vở những điều thầy cô giảng theo tư duy của mình, trên cơ sở khái quát và nắm bắt những điều quan trọng nhất là đã thêm được 20% hiệu quả. Nhưng đừng nên chỉ nghe giảng và ghi chép lại mà sinh viên cần về nhà đọc tài liệu tham khảo, đào sâu suy nghĩ, tổng hợp lại kiến thức dưới dạng mô hình hoá. Khi ấy thì mới đạt 100% hiệu quả. Thầy Nam cũng lưu ý sinh viên cần chú ý kĩ năng đọc sách, tài liệu tham khảo: “Đừng đọc tràn lan, chỉ đọc một, hai cuốn nhưng có ích và cần thiết. Cũng đừng đọc ào ào mà phải chọn những cụm từ quan trọng, câu quan trọng nhất, cốt lõi để gạch chân ghi nhớ. Nhờ đó, sinh viên còn rèn luyện được khả năng phát hiện vấn đề quan trọng, nhận biết những thông tin cốt lõi, khái quát được nội dung tài liệu một cách logic, nhanh gọn”. Là giảng viên trẻ nhất tham gia toạ đàm nhưng TS. Nguyễn Tuấn Cường đã gây ấn tượng với các bạn sinh viên với thành tích học tập 2 trường một lúc với kết quả tốt, đạt học vị tiến sĩ khi còn khá trẻ cùng những thành tích nổi bật khác trong nghiên cứu và đào tạo. Thầy cũng bộc bạch về kinh nghiệm tự học của mình: “Khi tôi bắt đầu học ĐH thì đã có định hướng rất sớm về ngành nghề. Tôi mạnh dạn học hai trường để khỏi “phí” thời gian 4 năm ĐH dù biết sẽ rất vất vả. Điều tôi muốn chia sẻ với các em nhất là làm thế nào để học tốt trong quỹ thời gian eo hẹp? Đó là tôi luôn luôn phải chuẩn bị bài trước mỗi tiết học để có một tâm thế nghe giảng chủ động khi mình đã ít nhiều hiểu vấn đề. Thậm chí có sẵn tâm thế “phản biện” và “phê phán” với những điều mình tiếp nhận”. Không chỉ thế, khi nắm được lịch các môn học tiếp theo, thầy đã chủ động tìm hiểu trước nội dung kiến thức, tài liệu tham khảo các môn học đó. Dù cách học như vậy khá vất vả, không có thời gian xả hơi, song bù lại hiệu quả rất cao. Bên cạnh những câu hỏi về kĩ năng, phương pháp học, các sinh viên năm thứ nhất đã sớm bày tỏ mối quan tâm và cả những lo lắng của mình về nghề nghiệp tương lai, về việc vận dụng kiến thức chuyên môn vào những công việc cụ thể sau này. Một sinh viên Khoa Lịch sử chia sẻ: liệu có thể trở thành một nhà văn trong tương lai? Hay một sinh viên Khoa Quốc tế học lại bày tỏ nguyện vọng được trở thành nhà báo? Những băn khoăn này đưa đến những phản hồi thú vị của các thầy cô giáo. TS. Hoàng Khắc Nam hóm hỉnh: “Tôi có thể nhìn thấy trước tương lai của bạn là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử. Và rất nhiều sinh viên Khoa Quốc tế học đã trở thành những cây bút bình luận thời sự quốc tế xuất sắc, vượt mặt cả những sinh viên đúng chuyên ngành Báo chí”. Còn TS. Nguyễn Tuấn Cường thì đưa ra lời khuyên: “Nếu không thể làm được những điều mình thích thì hãy biết yêu thích những điều mình làm. Kiến thức nào thì cũng bổ ích cho bạn trong cuộc sống cũng như công việc sau này. Chỉ cần có ý chí và quyết tâm đến với nghề mà bạn yêu thích thì bạn sẽ tự biết cách bổ sung những kiến thức và kĩ năng mà mình thiếu”.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây