Đó là chủ đề của chương trình giao lưu văn nghệ nhân kỉ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 do Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Công ti HASTEC và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức ngày 18/10/2012.
Đến dự đêm giao lưu có bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; ông Phạm Tất Thắng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Quốc hội; ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hà Nội; bà Lê Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam; ông Võ Văn Cận - Phó Chủ tịch TW Hội TNXP Việt Nam. Về phía ĐHQGHN có GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS Nguyễn Văn Khánh đã nhắc đến những tấm gương chiến đấu, hi sinh của nhiều nữ TNXP đã trở thành huyền thoại trong lịch sử cách mạng của dân tộc như: mười cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), 13 cô gái ở Truông Bồn (Nghệ An), các cô gái ở Hang Tám cô (Quảng Bình), ở ga Gôi (Nam Định), ở Đò Lèn, cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá)… Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, lực lượng TNXP đã hi sinh sức lực, tuổi trẻ và cả xương máu của mình để đảm bảo sự thông suốt các tuyến đường chiến lược đưa bộ đội, vũ khí, lương thực kịp vào chiến trường miền Nam. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, TNXP với tinh thần “đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất kì việc gì Tổ quốc cần” đã tiếp tục viết nên nhưng trang sử mới trên mặt trận lao động, sản xuất, với các chiến dịch xung kích phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá, giáo dục… “Các anh chị là biểu tượng sáng ngời, là niềm tự hào không chỉ của các thế hệ thanh niên Việt Nam mà còn của cả dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ chức, đấu tranh thống nhất nước nhà”. GS Hiệu trưởng cũng khẳng định, buổi biểu diễn văn nghệ và giao lưu với các cựu TNXP là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tri ân những cống hiến, hi sinh của các thế hệ TNXP, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc và lí tưởng cống hiến cho đất nước, cho cộng đồng của thế hệ trẻ.
Trong đêm văn nghệ, khán giả đã được nghe lại nhiều ca khúc nổi tiếng một thời đã trở thành những “bài ca không quên” trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, do những ca sĩ trong đội văn nghệ cựu TNXP TP Hà Nội trình bày. Đó là các tác phẩm “Vui mở đường” (Đỗ Nhuận), “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Đất nước” (Phạm Minh Tuấn), “Người con gái sông La” (Doãn Nho), “Cô gái mở đường” (Xuân Giao), “Về đây với đường tàu” (Lưu Cầu), “Mẹ Việt Nam anh hùng” (An Thuyên)… Những tiếng hát cất lên từ tâm hồn và trái tim của chính những cựu TNXP từng đi qua chiến tranh đã tạo những cảm xúc mãnh liệt và làm sống dậy không khí hào hùng của thời kì cả dân tộc anh dũng vùng lên trong khói lửa. Trong tinh thần chung ấy, hiện lên đẹp đẽ và đậm nét nhất là hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trẻ tuổi, với tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu lao động, sẵn sàng xả thân trong bom đạn để mở đường, đảm bảo sự thông suốt trên những tuyến đường ác liệt; hay hình ảnh những người mẹ Việt Nam anh hùng cả đời tần tảo, gạt nước mắt, nén nỗi niềm riêng để tiễn những người con ra mặt trận…
Tâm điểm của chương trình là phần giao lưu với các vị khách mời: bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; GS.TS Nguyễn Hữu Đức – PGĐ ĐHQGHN; ông Lê Trung Sơn - Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Thanh Hoá, ông Lê Trọng Thăng – Giám đốc HASTEC. Các vị khách mời chia sẻ nhiều kỉ niệm về TNXP trong chiến tranh, đồng thời bày tỏ mong muốn Nhà nước và các tổ chức xã hội cần có những chính sách, chủ trương, hay những hoạt động thiết thực hơn nữa để động viên, giúp đỡ các cựu TNXP. Bên cạnh đó, một thông điệp ý nghĩa cũng được gửi đến thế hệ trẻ: hãy biết trân trọng và tiếp nối xứng đáng truyền thống của thế hệ đi trước; hãy phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo để xây dựng đất nước, viết tiếp trang sử mới cho thanh niên Việt Nam hôm nay.