Tin tức

Những ấn tượng cho mùa xuân mới

Thứ năm - 19/02/2015 03:31
365 ngày của năm Giáp Ngọ đã đi qua, diện mạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHXHNV) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có thêm những đổi thay. Mỗi cán bộ, giảng viên, mỗi một sinh viên đều có những suy nghĩ khác nhau về trường trong năm vừa qua nhưng tất cả đều có chung một cảm nhận đọng lại trong hai chữ: “Ấn tượng”.
Những ấn tượng cho mùa xuân mới
Những ấn tượng cho mùa xuân mới

Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu (Trưởng phòng Chính trị và Công tác Sinh viên): “Hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng phải thiết thực với sinh viên”

Năm 2014, Phòng Chính trị & Công tác Sinh viên (CT&CTSV) đã tổ chức được nhiều chương trình, hoạt động thiết thực và bổ ích dành cho sinh viên toàn trường. TS. Nguyễn Quang Liệu không giấu khỏi niềm hứng khởi khi nói về những  thành công của 365 ngày đã qua: “Chương trình “Đại sứ Sinh viên”, Lễ trao bằng Tiến sĩ đầu tiên được tổ chức tại trường hay khóa sinh viên Việt Nam đầu tiên của khoa Việt Nam học và tiếng Việt tốt nghiệp…Và có biết bao sự kiện, biết bao kỷ niệm khi nhắc lại đều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Nhất là vì đó đều là những sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Trường. Nhưng có lẽ hai tuần phim dành cho sinh viên là chương trình tôi ấn tượng hơn cả”.

Hai tuần phim mà thầy Nguyễn Quang Liệu nhắc đến là các buổi chiếu phim lịch sử kỷ niệm  60 năm giải phóng Điện Biên và 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chương trình được tổ chức nhờ sự phối hợp giữa Viện phim Việt Nam, ban Quản lý kí túc xá Mễ Trì và Nhà trường. Đây là một chương trình thiết thực dành cho sinh viên, đặc biệt khi bộ phim “Mùi cỏ cháy” được chiếu tại trường, thì sinh viên, cán bộ, giảng viên  Nhà trường còn được trực tiếp giao lưu với đạo diễn, nhà biên kịch, các diễn viên chính. Từ những hình ảnh sống động, các bạn sinh viên có dịp hiểu hơn về những năm tháng lịch sử hào hùng mà các thế hệ cha anh đã trải qua. Cũng qua những thước phim ấy, có thể thấy lại được hình ảnh của một thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp xưa trong phong trào  “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, thể hiện lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.  

Sinh viên chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sỹ tại buổi chiếu phim "Mùi cỏ cháy"

Dường như những chương trình nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc thiếu vắng trong mô hình đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học lớn. Thế nhưng, trường ĐHKHXHNV đã duy trì và làm rất tốt nhiệm vụ này rất thực chất, với cách làm khác biệt là lồng ghép công tác giáo dục chính trị tư tưởng với hoạt động văn hóa, văn nghệ hoặc các chương trình sự kiện dành cho giới trẻ. Như vậy mới thức tỉnh được trong sinh viên lòng tự hào dân tộc và ý thức được trách nhiệm trong quá trình học tập, rèn luyện”, TS Nguyễn Quang Liệu đánh giá.

Trong năm 2015, hình thức tổ chức của các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống sẽ có những đổi mới phong phú hơn để đáp ứng một đối tượng đầy “khó tính” là sinh viên, thầy Liệu khẳng định: “Phải phong phú, không đơn thuần năm nào cũng là chiếu phim, hay ca nhạc đơn thuần. Đối với tôi, làm thế nào để các bạn trẻ, các sinh viên nhận thức được vấn đề một cách thực chất nhất mới là yếu tố quan trọng”..

Bí thư Đoàn trường – Th.S Trần Bách Hiếu: “Ngày hội tân sinh viên đã trở thành dấu ấn”

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường ĐHKHXHNV luôn là lá cờ đầu trong phong trào thanh niên, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2014, với Đại hội giữa nhiệm kỳ, phong trào Đoàn đón chào “thủ lĩnh” mới là thạc sĩ Trần Bách Hiếu - giảng viên khoa Khoa học Chính trị và ngay trong những tháng đầu đảm nhận nhiệm vụ, tân Bí thư Đoàn Trường ĐHKHXHNV đã để lại dấu ấn với sự kiện “Ngày hội tân sinh viên 2014”.

Nhắc đến sự kiện, đôi mắt Bí thư Đoàn trường như bừng sáng, anh bày tỏ: “Hoạt động này tạo ra sự thay đổi rất lớn trong cách thức tổ chức của Đoàn thanh niên - Hội sinh viên trường trong nhiều năm qua. Ngày hội tạo được ấn tượng đặc biệt cho tân sinh viên nói riêng và toàn bộ những sinh viên khác của trường”.

Ngày hội tân sinh viên” là một chuỗi các sự kiện liên tiếp nhau từ các hoạt động chính trị, học thuật đến các hoạt động giải trí mang đậm nét trẻ trung, năng động của sinh viên. Sư kiện được bắt đầu từ lễ phát động “Sinh viên nói không với bạo lực gia đình” đến buổi chiếu phim và giao lưu với đoàn làm phim “Sống cùng lịch sử”, kết thúc sự kiện là đêm chung kết “Tài năng Nhân văn” (USSH’s Got Talent). Chỉ tính riêng, “Ngày hội Nhân văn xanh” được phát động với hơn 500 Đoàn viên, thanh niên tham gia, khiến chuỗi sự kiện này càng thêm nhiều ý nghĩa. Những ánh mắt, nụ cười, những dấu ấn kỷ niệm đẹp đõ sẽ tạo động lực rất lớn, là đòn bẩy để tiếp lửa cho anh em cán bộ Đoàn - Hội hứng khởi tạo nên những thành công mới trong năm 2015.

Một hình ảnh của Ngày hội Nhân văn xanh 

Thạc sĩ Phạm Văn Huệ (Chuyên viên phòng Đào tạo) và một năm “bội thu”

Th.S Phạm Văn Huệ là cựu sinh viên ngành tâm lý học, nhưng trở thành chuyên viên tại phòng Đào tạo của trường từ năm 2008. Với thầy, ĐHKHXHNV không đơn thuần là một ngôi trường đến để học tập mà từ lâu nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai.

Thầy tâm sự: “Khi là sinh viên năm thứ nhất tôi rất buồn vì trường phần lớn là nữ. Nhưng khi các thầy cô trong khoa Tâm lý nói riêng và các thầy cô trong trường nói chung quan tâm, hướng dẫn làm nghiên cứu khoa học, tôi đã tìm được sự say mê, và  từ đó và cứ thế tham gia mọi hoạt động. Điều bất ngờ là tôi được giữ lại trường công tác, đó là cái duyên lớn của tôi với Nhân văn. Nơi đây giống như một gia đình, ở đó mối quan hệ giữa thầy - trò, sinh viên - sinh viên, đồng nghiệp - đồng nghiệp vô cùng khăng khít”.

Khi được hỏi về ấn tượng năm 2014, thầy Huệ không giấu niềm hạnh phúc vì năm vừa qua nhận được rất nhiều bằng khen, thành tích do nhà trường trao tặng: “ Năm 2014 là năm “bội thu” của riêng cá nhân tôi. Trong một năm mà tôi nhận được cả giấy khen của thầy Hiệu trưởng, được tuyên dương là chiến sĩ thi đua, gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở và hạnh phúc hơn hết là tôi đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam”.

Đầu xuân 2015, Th.S Phạm Văn Huệ cũng đã gửi gắm những lời chúc tốt đẹp tới toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường. Đồng thời là những hy vọng vào một năm mới với nhiều thành công: “Ông cha ta vẫn nói có sức khỏe là có tất cả. Tôi cũng chúc mọi người mạnh khỏe. Sinh viên đạt được những điểm tốt trong các kỳ thi, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Các em có học tốt thì trường ta mới có nhiều hy vọng tươi sáng, thành công”..

Th.S Phạm Văn Huệ

Sinh viên Mai Mai (K56 Quốc tế học) và chuyến đi Singapore đáng nhớ

Mai Mai là một trong năm sinh viên Trường ĐHKHXH&NV tham dự “Hội thảo hình mẫu thanh niên ASEAN” năm 2014 được tổ chức tại trường đại học Singapore Polytechnic (Singapore). Đến với hội thảo, cô gái có tên gọi đặc biệt này được “đóng vai” nguyên thủ quốc gia, cùng các sinh viên của các nước khác trong khu vực Đông Nam Á giải quyết các vấn đề đang nóng nhất đang diễn ra trong khu vực - một vinh dự mà không phải một sinh viên Việt Nam nào cũng có được.

Mai Mai ra nước ngoài, hình ảnh trường ĐHKHXHNV cũng mang theo trong tim. Cô tâm sự chân thành: “Luôn luôn tâm niệm rằng, đi đến Singapore không phải là với tư cách một “Mai Mai” nữa mà là một sinh viên trường ĐHKHXHNV, một sinh viên Việt Nam. Tôi luôn luôn tự hào là một sinh viên trường ĐHKHXHNV”.

Hình ảnh trường ĐHKHXHNV được Mai Mai quảng bá một cách tinh tế: “Khi tham gia vào một sự kiện chung có quy mô lớn như vậy của ASEAN, sinh viên chủ yếu nhớ tên nước của nhau. Những khi giới thiệu bản thân, dù biết tên trường Đại học KHXH & NV khi chuyển ngữ sang tiếng Anh khá dài, nhưng tôi luôn nói chính xác, đầy đủ tên trường với các sinh viên nước ngoài khác. Không những thế, tôi cũng đeo huy hiệu của trường, có những đồ vật mang hình ảnh của trường,… để có thể chỉ vào đó và nói rằng đây là trường của tôi, hoặc tặng cho sinh viên nước bạn. Để hình ảnh quê hương Việt Nam, hình ảnh trường Đại học KHXH & NV sáng trong tâm trí mọi người”.

Mai Mai cũng có so sánh khá dí dỏm giữa trường đại học Polytechnic Singapore và trường ĐHKHXHNV: “Quy mô của ngôi trường này lớn hơn rất nhiều so với trường mình. Thế nhưng cũng có nhược điểm là trường rộng quá nên sinh viên ít biết đến nhau, có bạn sinh viên kể rằng dù đến trường từ sớm cũng có thể bị muộn vì từ cổng trường vào đến lớp học vẫn là rất xa. Thế mới thấy trường mình nhỏ cũng vẫn có cái hay của nhỏ”.

 Mai Mai (giữa) chụp ảnh cùng các bạn sinh viên tham gia Hội thảo hình mẫu thanh niên ASEAN

Tạm kết

Bốn góc nhìn từ bốn cá nhân là bốn ấn tượng khác nhau về trường Đại học KHXH & NV trong năm 2014. Còn rất nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường, họ cũng có những ấn tượng riêng của mình về trường. Họ cống hiến cho trường và tự nhận thấy ngôi trường này đã trở thành một phần không thể thiếu. Một mùa xuân mới đã đến, một năm với rất nhiều các ngày kỉ niệm lớn của dân tộc và đặc biệt hơn cả là kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Đại học Văn Khoa, 20 năm ngày truyền thống Nhà trường. Cán bộ, giảng viên, sinh viên cùng hướng đến ngày lễ lớn đó và cùng hướng đến năm 2015 với thêm những kỉ niệm không quên. 

Tác giả: Quế Đỗ - Hiếu Lương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây