Tin tức

PGS.TS. Nhà giáo Ưu tú Hoàng Lương với “Người Tày - Thái cổ ở Việt Nam”

Chủ nhật - 15/02/2015 09:38
Cuốn sách Người Tày-Thái cổ ở Việt Nam là tập hợp những bài viết đã công bố trên một số tạp chí chuyên ngành và kỷ yếu Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế của PGS.TS, NGƯT, nhà Dân tộc học/Nhân học, nhà Thái học Hoàng Lương về NGƯỜI TÀY-THÁI CỔ Ở VIỆT NAM mà Ông theo đuổi suốt một đời dạy học và nghiên cứu khoa học.
PGS.TS. Nhà giáo Ưu tú Hoàng Lương với “Người Tày - Thái cổ ở Việt Nam”
PGS.TS. Nhà giáo Ưu tú Hoàng Lương với “Người Tày - Thái cổ ở Việt Nam”

Nghiên cứu Thái học đã định hình trong Ông từ rất sớm. Với tâm huyết và tình cảm của người con được nuôi dưỡng bởi “cơm Mường Hoa, cá suối Tấc’’, nghề dệt truyền thống với những sản phẩm thổ cẩm và mặt phà (Nả pha Tay) của người phụ nữ Thái mà trực tiếp là những sản phẩm của bà, của mẹ mà Hoàng Lương được chiêm ngưỡng chở che và sau này là của người bạn đời yêu quý đã tiếp sức cho Ông, thôi thúc Ông say mê nghiên cứu, khám phá và sáng tạo về hoa văn Thái nói riêng và văn hóa Thái nói chung trên hành trình vào Dân tộc học. Chính vì thế vào những năm 80 của thế kỷ trước, Hoàng Lương đã lựa chọn hướng nghiên cứu này làm đề tài luận án PTS (TS) mà theo nhận xét của GS. Hà Văn Tấn là “Luận án có tư tưởng độc đáo. Cho dù còn nhiều nhược điểm, luận án này vẫn phân biệt được với những luận án nhạt nhẽo khác’’.

Tôi nhớ trong lễ bảo vệ luận án của PGS.TS. Hoàng Lương, có nhà khoa học đặt câu hỏi về việc khai thác tư liệu, Hoàng Lương đã không ngần ngại mà trả lời rằng: tôi khai thác nguồn tài liệu chủ yếu từ quê hương tôi mà trực tiếp là từ vợ tôi- người không chỉ góp phần làm nên sự thành đạt của nhà giáo, nhà khoa học Hoàng Lương mà còn là người gần nửa thế kỷ qua đã chia sẻ, gánh vác, lặng lẽ cùng Ông vượt qua những gian truân trên con đường gập ghềnh của khoa học và cuộc sống. Tiếp nối truyền thống của người phụ nữ Thái, người bạn đời của PGS.TS. Hoàng Lương đã góp phần vun đắp kho tàng văn hóa Thái, làm ra những tấm hoa văn mặt phà“phong cách riêng trong kho vốn chung”, góp phần tạo nên dấu ấn Hoàng Lương  độc đáo trong cộng đồng các nhà Thái học Việt Nam.

Với những thành công bước đầu đó, từ những năm 80 của thế kỷ XX, ý tưởng nghiên cứu về người Tày-Thái cổ, trong đó có nhóm Thái Trắng Mường Tấc, Phù Yên, Sơn La đã được PGS.TS. Hoàng Lương tiếp tục triển khai không mệt mỏi với cách tiếp cận liên ngành sử học, khảo cổ học, dân tộc học, nghệ thuật học, văn hóa học, ngôn ngữ học ...Ông không chỉ thâm canh trên cánh đồng Mường Tấc (nhất Thanh, nhì Lò tam Tấc, tứ Than theo cách gọi dân gian), trên hành trình nghiên cứu của mình, PGS.TS.  Hoàng Lương đã mở rộng tầm nhìn đến các vùng TAY khác ở Việt Nam và trên thế giới, từ Tay Tấc, Tay Xang, Tay Thanh ở Sơn La, Điện Biên đến Tày Khong, Tày Đeng, Tày Mương ở miền tây Thanh-Nghệ, từ Tay Xíp Xong Păn Na ( Vân Nam- Trung Quốc) đến Tay Lan Na (Chiềng Mai-Thái Lan), từ Tay Khửm ( Asam- Ấn Độ) đến Tày Nhày (Minanma) ...nhằm nhận diện văn hóa Thái trong cái nhìn đối chiếu, so sánh văn hóa Thái trong không gian văn hóa từ Nam Trung Quốc đến Đông Nam Á và Nam Á. Trên cơ sở đó từng bước nhận diện tiến trình lịch sử, văn hóa của cộng đồng Tày - Thái cổ ở Việt Nam trong mối liên hệ với các cộng đồng cư dân Việt-Mường, Môn Khơ me từ thời dựng nước, góp phần giải mã sự tham góp của người Tày-Thái cổ trong việc tạo dựng văn hóa dân tộc- quốc gia từ buổi bình minh cho đến hôm nay.

Với tư cách là người đồng sáng lập Chương trình Thái học tại Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều năm làm chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học/Nhân học, PGS.TS. Hoàng Lương đã có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy việc nghiên cứu các tộc người thuộc ngữ hệ Thái-Kađai ở Việt Nam, đồng thời bắc nhịp cầu đưa Thái học Việt Nam hội nhập vào cộng đồng nghiên cứu Thái học quốc tế với sự hỗ trợ tích cực của nhiều đồng nghiệp và các thế hệ học trò.

Tập sách này tuyển chọn trên 40 công trình suốt 40 năm qua trong số gần 130 công trình của PGS.TS. Hoàng Lương đã công bố tập trung vào một trong những chủ đề tâm huyết nhất mà tác giả dày công khám phá và sáng tạo. Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây những nghiên cứu về địa danh học liên quan đến sự hình thành và giao thoa của khối cộng đồng Việt cổ và Tay cổ; các mảng màu văn hóa Tháitrong bức tranh đa sắc của cộng đồng các dân tộc ở nước ta;  các quá trình tộc nguời trên khu vực bắc Việt Nam vốn khá đa dạng và không ít khó khăn trong việc giải mã mà nhiều vấn đề khoa học còn bỏ ngỏ...Tuy nhiên, do khuôn khổ của cuốn sách, một số nghiên cứu về văn hóa Thái trong quá trình phát triển và biến đổi chưa có điều kiện giới thiệu một cách đầy đủ, nhưng những gì được tập hợp ở đây đã là một đóng góp quý giá của PGS.TS., Nhà giáo ưu tú Hoàng Lương đối với ngành Dân tộc học/Nhân học nói chung và công tác đào tạo tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói riêng.

Bộ môn Nhân học đã đề nghị tác giả tiến hành tuyển chọn để xuất bản tập sách này làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và đào tạo các ngành khoa học xã hội nói chung và ngành Nhân học nói riêng. Thay mặt Bộ môn Nhân học, tôi xin trân trọng những đóng góp quan trọng và cống hiến quý giá của PGS.TS., NGƯT, Giảng viên cao cấp Hoàng Lương đối với sự phát triển của Bộ môn Dân tộc học, khoa Lịch sử trước đây và Bộ môn Nhân học hiện nay. 

Tác giả: PGS.TS. Lâm Bá Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây