Ngôn ngữ
Trên thế giới hiện có trên 200 quốc gia với thể chế chính trị khác nhau. Mỗi thể chế lại có hình thức tổ chức, mô hình hoạt động, tính chất và đặc trưng khác nhau. Làm thế nào để có thể hiểu được một cách cơ bản bản chất chính trị của các quốc gia đó? Cuốn giáo trình Thể chế chính trị thế giới được biên soạn với mục đích cung cấp cho sinh viên các ngành khoa học xã hội và những người quan tâm những kiến thức cơ bản, hệ thống, cập nhật về nguồn gốc, đặc điểm, loại hình và tính chất của thể chế chính trị của thế giới đương đại. Để đạt được mục đích trên, giáo trình sử dụng phương pháp so sánh là chủ yếu để làm nổi bật sự khác biệt giữa các mô hình thể chế chính trị trên thế giới và từ đó có những gợi ý cho Việt Nam.
Về nội dung, cuốn giáo trình được cấu trúc thành 11 bài. Bốn bài đầu (1,2,3 và 4) tập trung vào những vấn đề có tính chất phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu; trả lời những câu hỏi cơ bản như: Chính trị, thể chế chính trị thế giới là gì? Nhà nước, quốc gia, dân tộc, quốc gia-dân tộc khác nhau như thế nào? Dân chủ, quyền lực có những nội hàm gì? Làm thế nào để phân biệt thể chế tổng thống, nghị viện và hỗn hợp. Bốn bài tiếp theo (5,6,7 và 8) đi sâu phân tích các vấn đề quan trọng nhất của một thể chế chính trị như hiến pháp, cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, và mối quan hệ giữa các cơ quan đó. Ai, làm thế nào và bằng cách nào để các thể chế chính trị có thể hình thành là nội dung chính của hai bài 9 và 10 khi phân tích về vai trò của đảng phái, nhóm lợi ích, bầu cử, công luận và truyền thông. Bài cuối cùng dành cho thể chế chính trị toàn cầu quan trọng nhất là Liên hợp quốc (UN) và hai thể chế khu vực không thể bỏ qua là Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Để người học có thể tập trung vào những vấn đề chính, cuối mỗi bài học đều có các câu hỏi ôn tập.
Rất mong nhận được sự góp ý của độc giả để giáo trình ngày một hoàn thiện hơn.
Tác giả: ussh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn