Tin tức

Hồ Chí Minh với mùa xuân xây dựng Đảng

Chủ nhật - 02/02/2020 12:45
Ra đời ở một nước thuộc địa, gắn liền với học thuyết “dân tộc cách mệnh” của Hồ Chí Minh, nhiệm vụ trước mắt là lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập tự do, “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” .
Hồ Chí Minh với mùa xuân xây dựng Đảng
Hồ Chí Minh với mùa xuân xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà cách mạng, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ XX, một chiến sĩ cộng sản quốc tế

Giữa thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản bắt đầu chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, cũng là lúc những đạo quân của họ mang đại bác đến gõ cửa các quốc gia phong kiến phương Đông. Từ năm 1858, thực dân Pháp tiến công Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam. Gần 30 năm sau, vua quan nhà Nguyễn “để cho đế quốc Pháp đạp trên đầu”, buộc phải ký các hàng ước Harmand (1883) và Patenotre (1884), làm cho “hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa”[1]. Bóng mây đen của chủ nghĩa thực dân bao trùm toàn cõi Việt Nam. Cả dân tộc bước vào một mùa đông ác khắc nghiệt.

Tuy nhiên, sự thống trị, áp bức và bóc lột dân tộc càng tăng thì mâu thuẫn dân tộc với chủ nghĩa đế quốc càng sâu sắc, cuộc đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc càng quyết liệt, gay gắt về tính chất, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức. Với tinh thần “người trước ngã, người sau đứng dậy”, các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra liên tục và anh dũng, nhưng đều bị đế quốc Pháp dìm trong biển máu.

Thất bại của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX chứng tỏ sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc. Đầu thế kỷ XX, tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài dội vào Việt Nam, nhiều chí sĩ xả mình cứu nước, nhưng cũng chẳng thành, chứng tỏ ngọn cờ tư tưởng tư sản cũng không đủ khả năng cứu dân tộc Việt Nam thoát khỏi kiếp nô lệ. Sự nghiệp cứu nước lâm vào “tình hình đen tối tưởng như không có đường ra”.

Trong bối cảnh của "thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc"[2] được mở ra từ Cách mạng tháng Mười, sau khoảng 10 năm vượt qua các đại dương, tới nhiều quốc gia trên thế giới, ở cả phương Đông và phương Tây, nhất là các nước tư bản phát triển (Anh, Pháp, Mỹ); vừa nghiên cứu lý luận, vừa khảo sát thực tiễn; Nguyễn Ái Quốc đến với “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Người thấy “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng”, và khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta! Đây là con đường giải phóng cho chúng ta”[3]. Người khẳng định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản, mở đường để giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước đầu thế kỷ XX.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp năm 1920

Suốt những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc kiên trì, bền bỉ, xây dựng và truyền bá “lý luận giải phóng dân tộc[4], đồng thời tích cực chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.

Vượt lên những khuôn mẫu giáo điều, với tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo và bản lĩnh khoa học, Nguyễn Ái Quốc hoạch định một học thuyết độc đáo về cách mạng ở thuộc địa, bởi vì “nọc độc và sức sống của của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa”, nếu coi thường cách mạng ở thuộc địa tức là “muốn đánh chết rắn đằng đuôi”[5].

Thực tiễn lịch sử cho thấy, ở các nước thuộc địa "cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây… Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó không thể chối cãi được"[6]. Xuất phát từ mâu thuẫn chủ yếu ở thuộc địa là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với đế quốc xâm lược và tay sai, khẳng định “dân tộc cách mệnh chưa phân giai cấp”, học thuyết “Dân tộc cách mệnh” của Hồ Chí Minh hết sức nhấn mạnh cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Lực lượng của “dân tộc cách mệnh” bao gồm toàn dân tộc, bởi vì “sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”, trong đó, công nhân và nông dân là “chủ cách mệnh”, “gốc cách mệnh”, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là “bầu bạn cách mệnh của công nông”. Cách mạng thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, mà có thể giành thắng lợi trước, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa đế quốc, “họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”[7].

Là ngọn cờ hướng đạo phong trào dân tộc Việt Nam trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, học thuyết “Dân tộc cách mệnh” của Hồ Chí Minh trở thành vũ khí tư tưởng cho mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, giữ vị trí quyết định trong việc chuẩn bị về tư tưởng chính trị cho sự ra đời của Đảng và đặt nền móng để xây dựng nên cương lĩnh chính trị của Đảng sau này.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản ở Liên Xô năm 1924

Cùng với sự chuẩn bị về tư tưởng chính trị, Nguyễn Ái Quốc còn tích cực chuẩn bị điều kiện về tổ chức cho sự ra đời một chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Cuối năm 1924, Người rời Liên Xô, về Quảng Châu (Trung Quốc); tiếp xúc với những thanh niên yêu nước Việt Nam trong Tâm tâm xã và nhận thấy họ không hiểu gì về lý luận, lại càng không biết việc tổ chức. Người chọn một số thanh niên tiến tiến, lập ra nhóm Cộng sản đoàn (2-1925) làm hạt nhân để sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6-1925). Đây là một tổ chức yêu nước có khuynh hướng cộng sản, một bước quá độ để tiến lên thành lập Đảng Cộng sản, bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng về sau.

Đến năm 1929, phong trào đấu tranh yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản. Vai trò của những tổ chức quá độ đã đến lúc kết thúc để tiến lên thành lập một tổ chức cao hơn. Yêu cầu đó tác động vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niênTân Việt cách mạng Đảng, dẫn tới cuộc đấu tranh nội bộ và sự chuyển hóa tích cực trong những tổ chức này, hình thành nên ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam: Đông Dương cộng sản Đảng (6-1929), An Nam cộng sản Đảng (8-1929) và Đông Dương cộng sản Liên đoàn (9-1929). Điều đó chứng tỏ học thuyết “Dân tộc cách mệnh” của Hồ Chí Minh đã thấm sâu trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, và xu thế thành lập Đảng Cộng sản đã trở thành tất yếu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong một quốc gia dân tộc lại có tới ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ với nhau, làm cho lực lượng và sức mạnh của cách mạng bị phân tán. Đó là điều không phù hợp với lợi ích của phong trào cách mạng và nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản. Phải chấm dứt tình trạng biệt phái giữa các tổ chức cộng sản và thống nhất thành một đảng là yêu cầu cấp thiết. Nhưng tự bản thân những tổ chức cộng sản lại không thống nhất được với nhau do ảnh hưởng của những tư tưởng bản vị, cục bộ, vốn là con đẻ của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và phân tán. Đông Dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản đảng “sử dụng nhiều - nếu không nói là tất cả - nghị lực và thời gian trong cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái”. “Cả hai đều cố gắng thống nhất nhau lại, nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì càng hiểu lầm nhau bấy nhiêu và hố sâu ngăn cách ngày càng rộng bấy nhiêu”[8]. Nếu để tình trạng đó kéo dài sẽ là một nguy cơ đối với phong trào cách mạng Việt Nam.

Ngày 18-10-1929, phiên họp của Hội đồng Ban Bí thư các nước Phương Đông thảo luận Dự thảo nghị quyết về việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương và về nhiệm vụ sắp tới của những người cộng sản Đông Dương. Ngày 27-10-1929, Ban Bí thư các nước Phương Đông hoàn tất Dự thảo nghị quyết với tiêu đề: Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương, nêu rõ “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản ở Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một Đảng Cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”[9].

Ngày 31-10-1929, văn kiện trên được gửi tới các ủy viên Ban chính trị của Quốc tế Cộng sản để xem xét và góp ý sửa đổi “trước khi Ban Bí thư chính trị thông qua bản nghị quyết chính thức”[10]. Tháng 12-1929, Quốc tế Cộng sản thông qua nghị quyết. Tuy nhiên, vào thời gian cuối năm 1929, chưa có một người cộng sản nào ở Đông Dương tiếp được nghị quyết này.

Trước khi Quốc tế Cộng sản thông qua nghị quyết, tháng 11-1929, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm và đang cố gắng tìm đường về nước, thì một đồng chí từ Hồng Kông đến báo cho Người biết về “tình hình Hội An Nam thanh niên cách mạng bị tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái”. Người lập tức rời Xiêm đi Trung Quốc và tới đó vào ngày 23-12-1929.

Lấy tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản, có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Người triệu tập đại biểu của hai nhóm Đông Dương cộng sản đảng và An nam cộng sản đảng họp Hội nghị hợp nhất tại Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc). Hội nghị bắt đầu họp ngày 6-1-1930.

Không chỉ là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc còn là người sáng lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên trước đây, lại là người thầy của lớp thanh niên yêu nước đầu thế kỷ XX, nên có uy tín tuyệt đối và đưa Hội nghị đến thành công. Sau khi nghe Nguyễn Ái Quốc nói về những sai lầm của sự chia rẽ và nhiệm vụ phải thành lập Đảng Cộng sản, các đại biểu đều đồng ý thống nhất vào một đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không chỉ có vai trò quyết định trong việc thống nhất tổ chức, Nguyễn Ái Quốc còn là người soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đầu tiên của Đảng. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chống đế quốc và tay sai được nhấn mạnh trên cả hai phương diện chính trị và kinh tế: về chính trị, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công - nông - binh và tổ chức ra quân đội công nông; về kinh tế, tịch thu hết các sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v.) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh quản lý; tịch thu hết ruộng đất của bọn đế quốc chủ nghĩa làm của công và chia cho dân cày nghèo... Trong khi chủ trương tịch thu ruộng đất đang nằm trong tay kẻ thù dân tộc, Cương lĩnh đặt vấn đề “chuẩn bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ phong kiến”[11]. Cương lĩnh chủ trương tập hợp lực lượng toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do.

Báo Thanh niên – tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam

Kết hợp lý luận Mác - Lênin về Đảng Cộng sản với thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xây dựng và truyền bá một học thuyết về cách mạng giải phóng dân tộc trong nhân dân Việt Nam; giải quyết vấn đề đường lối cứu nước gắn liền với sự chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng chính trị và tổ chức để sáng lập một đảng cách mạng, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gắn bó với nhân dân, với dân tộc, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, được nhân dân, được dân tộc thừa nhận là đội tiên phong của mình.

Ngay từ ngày mới thành lập, "Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế phản phong"[12]. “Mặc dù non trẻ và nhỏ bé, Đảng Cộng sản được tổ chức tốt nhất và hoạt động mạnh nhất trong tất cả các lực lượng”[13], qui tụ sức mạnh toàn dân tộc. Đó là một đặc điểm, đồng thời là một ưu điểm của Đảng.

Mùa Xuân 1930 - mùa Xuân dựng Đảng, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm đầu thế kỷ XX. "Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng"[14].


[1] Hồ Chí Minh Toàn tâp, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2000, tr. 262.

[2] Hồ CHí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000, tr. 563.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000, tr. 127.

[4] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn nghệ, 1956, tr. 71.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập1, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2000, tr. 273.

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000 , tr. 464.

[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2000, tr. 36.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1998, tr. 21 và 35.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập1, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1998, tr. 614.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 1, Sđd, tr. 621.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1998, tr. 6.

[12] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Sđd. tr.3.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Sđd, tr. 21.

[14] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Sđd. tr.8.

Tác giả: PGS.TS Vũ Quang Hiển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây