Ngôn ngữ
Talk show không chỉ nhận được sự hưởng ứng, tham gia và chia sẻ của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường mà còn nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh và người dân ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội. Diễn giả là các giảng viên đang công tác tại Khoa Tâm lý học của Trường: PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, TS. Trần Thị Thu Hương, TS. Trương Quang Lâm. Nhiều vấn đề về tâm lý trong mùa dịch và các giải pháp ổn định tâm lý để vượt qua thời điểm khó khăn trong đại dịch Covid 19 đã được đưa ra bàn luận, trao đổi sôi nổi trong talkshow.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu khai mạc Talkshow
TS. Trần Thu Hương chia sẻ về những vấn đề mà cá nhân gặp phải trong đợt dịch Covid-19 và cách tự chăm sóc bản thân để cân bằng tâm lý: Thực tế, trong thời gian giãn cách, con người có thể tự phá vỡ hầu hết các giới hạn, các thói quen thường nhật của mình, lúc bận rộn thì ước có những ngày được tự do muốn làm gì thì làm, giờ được “tự do trong giới hạn” thì lại thấy áp lực và chợt nhận ra sự “được - mất” trong cái tự do mà trước đây đã từng mong chờ. Với một người trưởng thành, công việc, gia đình và tương tác xã hội là ba đích đến có tầm ảnh hưởng sống còn với họ. Giãn cách làm gián đoạn, ngắt con người khỏi các tương tác xã hội, tạo ra những “khoảng lặng trong các mối quan hệ”. Những khoảng lặng này có thể xuất hiện ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết nhất, trong khoảng lặng ấy, bạn cảm thấy mọi thứ chậm lại, tẻ nhạt, chán chường... Nhưng bạn hãy tận dụng nó để suy ngẫm: cùng một vấn đề xảy ra, cách tiếp cận tích cực sẽ đưa đến hành động và thái độ lạc quan, mang lại sự bình yên cho tâm hồn, vượt lên chính mình, vượt qua thách thức “không mời mà đến”. Do dó, mỗi người cần giữ niềm tin vào bản thân, nhẫn nại, yêu thương, tôn trọng và biết ơn mọi thứ mình đang có, luôn tươi vui lạc quan tận hưởng từng phút giây được sống. Những ngày này chỉ cần khỏe, “sống sót” đã là may mắn và tuyệt vời hơn nếu chúng ta vẫn có một công việc để làm, có gia đình, người thân để yêu thương - đó là trạng thái tâm lý bình thường mới.
PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái chia sẻ về "Dịch Covid và những thách thức/cơ hội đặt ra cho các mối liên hệ gia đình". Theo đó, các yếu tố gây căng thẳng lớn từ bên ngoài như thiên tai hoặc đại dịch không chỉ tác động đến tâm lý của mỗi cá nhân, làm gia tăng nguy cơ đối với các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng mà còn tác động đến những mối quan hệ mật thiết như vợ - chồng, cha mẹ - con cái. Từ góc độ của người làm tham vấn, PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái cho rằng, không có công thức chung nào cho từng cá nhân, từng gia đình cụ thể trong giải quyết vấn đề. Mỗi đặc điểm như cấu trúc gia đình, các điều kiện kinh tế-xã hội, tính chất mối quan hệ vợ-chồng, cha mẹ-con cái trước dịch đều có thể trở thành yếu tố nguy cơ hoặc yếu tố bảo vệ các mối quan hệ gia đình trước những biến cố trong cuộc sống. Do đó, nếu đã cố gắng áp dụng các cách thức khác nhau mà người trong cuộc vẫn cảm thấy bế tắc, khó chịu, không cảm nhận được niềm hạnh phúc trong cuộc sống, hãy nghĩ đến việc tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý. Việc có người đồng hành, lắng nghe và giúp bạn khám phá bản thân là điều hữu ích trong tiến trình bạn giảm thiểu những căng thẳng và ra được các quyết định lành mạnh, hiện hữu trong đời sống.
TS. Trương Quang Lâm thì chia sẻ sự gắn bó trong mối quan hệ cha mẹ - con cái và cảm nhận hạnh phúc của trẻ. Sự gắn bó thường mang nghĩa tích cực, hàm ý rằng cá nhân nhận được sự an toàn trong các mối quan hệ, nhờ đó sẽ giúp con trẻ cảm nhận được sự tin tưởng, yêu thương nhiều hơn, bình ổn cảm xúc và ứng phó với tình huống khó khăn tốt hơn. Những hoạt động tương tác giữa cha mẹ và con cái: nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, chơi trò chơi… giúp củng cố sự gắn bó cảm xúc giữa cha mẹ và con. Trẻ hạnh phúc khi cha mẹ hạnh phúc. Bản thân cha mẹ cũng cần cân bằng cảm xúc, cần có những cảm xúc tích cực bởi chính cha mẹ cũng là đối tượng chịu những tác động tiêu cực do dịch bệnh, áp lực tài chính, áp lực về công việc, bị bó hẹp các hoạt động... gây ra. TS. Trương Quang Lâm nhấn mạnh, điều quan trọng là cha mẹ phải nhận ra điều này, vì đại dịch là điều bất khả kháng và điều chỉnh nhận thức là để kịp thời nhận ra những điều có giá trị cho bản thân và con cái trong hoàn cảnh hiện tại.
Talkshow nhận được sự tương tác chủ động, tích cực từ các đại biểu tham gia. Nhiều câu hỏi cụ thể đã gửi tới các chuyên gia ngay cả sau khi toạ đàm kết thúc và nhiều ý tưởng mới cũng đã mở ra đối với BTC Talkshow cho những hoạt động tiếp theo trong tương lai, với mục tiêu hỗ trợ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên trong mùa dịch.
Tác giả: Hằng Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn