Tin tức

Thái độ của các cường quốc trước sự kiện 19-12-1946

Thứ bảy - 17/12/2016 23:46
Thái độ của các cường quốc trước sự kiện 19-12-1946
Thái độ của các cường quốc trước sự kiện 19-12-1946

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhưng nền độc lập non trẻ ngay từ đầu đã đứng trước thách thức vô cùng quyết liệt. Đó là sự trở lại xâm lược của thực dân Pháp. Đêm 23-9-1945 tiếng súng bùng nổ ở Sài Gòn, sau đó lan ra vùng Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Từ ngày 19-12-1946 chiến sự nổ ra trên phạm vi cả nước. Đây là cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm (1945-1954) giữa Việt Nam và Pháp, cuộc đấu tranh của một thuộc địa cũ vừa giành độc lập chống lại hành động tái xâm lược của một đế quốc thực dân. Nhưng dính líu vào sự kiện này - trực tiếp hay gián tiếp - có đủ mặt các cường quốc: Pháp, Anh, Trung Hoa1, Mỹ và Liên Xô. Bài viết này điểm lại thái độ của các nước đó đối với chiến tranh ở Việt Nam.

1. Thực dân Pháp quyết tái chiếm Đông Dương.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Pháp phải từng bước nhượng bộ những đòi hỏi của quân đội phát xít Nhật ngày càng xâm nhập sâu vào Đông Dương. Đến đêm 9-3-1945, Nhật làm đảo chính, bắt Toàn quyền Decoux và toàn bộ hệ thống cai trị của Pháp, trực tiếp nắm lấy Đông Dương. Hai tuần sau, ngày 24-3 Tướng De Gaulle - người lãnh đạo phong trào nhân dân Pháp kháng chiến chống Đức - ra tuyên bố, chủ trương nước Pháp sẽ trở lại, lập Liên bang Đông Dương gồm 5 xứ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao và Cao Miên) là một bộ phận của Liên hiệp Pháp; thành lập chính phủ Đông Dương do Toàn quyền người Pháp đứng đầu; bầu một nghị viện có cả người Pháp ở Đông Dương tham gia, chỉ có quyền thảo luận về kinh tế, thuế khóa… còn các vấn đề đối ngoại do Pháp quyết định. Như vậy, về thực chất, giới cầm quyền Pháp vẫn chủ trương khôi phục chế độ thuộc địa ở Đông Dương sau khi cuộc Thế chiến chấm dứt.

Để thực hiện ý đồ này, ngày 17- 4 De Gaulle quyết định điều động các đơn vị quân đội lập thành Lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông do tướng Leclerc chỉ huy để đưa sang Đông Dương. Leclerc qua Ấn Độ gặp Tư lệnh quân đội Anh ở đó, đề nghị giúp đỡ quân Pháp trở lại Đông Dương. Để thực hiện kế hoạch này, ngay sau khi Nhật đầu hàng, De Gaulle vội cải tổ bộ máy chỉ huy ở Đông Dương, giao Đô đốc hải quân D’Argenlieu làm Cao ủy với chỉ thị: “Sứ mệnh đầu tiên của Cao ủy là khôi phục chủ quyền của nước Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương” và giao Tướng Leclerc làm Tư lệnh tối cao đạo quân viễn chinh với nhiệm vụ “thi hành mọi biện pháp quân sự cần thiết nhằm khôi phục chủ quyền đó”2. Trong cùng thời gian, De Gaulle đi Anh và Mỹ để vận động ngoại giao, đề nghị chính phủ hai nước này ủng hộ kế hoạch của Pháp trở về chiếm đóng Đông Dương. Từ Washington, tướng De Gaulle tuyên bố: “Lập trường của nước Pháp ở Đông Dương rất đơn giản. Nước Pháp khẳng định sẽ thu hồi chủ quyền ở Đông Dương”3. Trước câu hỏi của nhà báo về việc nước Pháp có ý định gì khác trong vấn đề Đông Dương, vị tướng trả lời với giọng điệu cao ngạo: “Không, chúng ta sẽ trở lại Đông Dương bởi vì chúng ta là những người mạnh nhất”4.

2. Đế quốc Anh tiếp tay cho Pháp trở lại Đông Dương

Theo hiệp định Potsdam ký giữa ba vị nguyên thủ các nước lãnh đạo lực lượng Đồng minh là Truman (Mỹ), Atlee (Anh) và Stalin (Liên Xô)5, ở Đông Dương, quân Anh sẽ vào phía Nam, quân Trung Hoa Dân quốc vào phía Bắc vĩ tuyến 16 (ngang qua Đà Nẵng) với danh nghĩa Đồng minh để tước vũ khí quân Nhật.

Ngày 22-8, ba ngày sau khi nhân dân Hà Nội đã tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, máy bay của Anh từ căn cứ Calcutta (Ấn Độ) đã bí mật chở 2 “Ủy viên Cộng hòa của Pháp” là Cédile nhảy dù xuống Nam Kỳ trót lọt và Messmer xuống Bắc Kỳ bị dân quân Việt Nam bắt giữ. Giữa tháng 9, quân Anh do tướng Gracey chỉ huy đổ bộ vào Sài Gòn. Trà trộn vào đó là những đơn vị lính Pháp. Ở Sài Gòn, Gracey cho thả những người Pháp bị Nhật giam cầm trước đây, số này trở thành nguồn bổ sung cho lực lượng của Pháp tại Việt Nam. Đêm 23-9, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa.

Sở dĩ Anh hoàn toàn ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương là vì nước Anh có nhiều thuộc địa trên các châu lục, được mệnh danh là đế quốc “mặt trời không bao giờ lặn”. Ngay ở châu Á, Anh có Ấn Độ, Malay (khi đó bao gồm cả Singapore), Miến Điện (nay là Myanmar) và nhiều nước khác nên không muốn những biến động ở Việt Nam sẽ tác động đến các nước thuộc Anh.

Ngày 8-10 tại London, Anh và Pháp ký Tạm ước về việc Chính phủ Anh giao cho Pháp quyền quản lý hành chính và tư pháp ở phía nam vĩ tuyến 16. Thủ tướng Anh Atlee công khai tuyên bố chính sách của Anh về Đông Dương gồm 3 điểm chính: 1) Chính phủ Anh yểm trợ cho Pháp tái chiếm Việt Nam; 2) Anh công nhận chính quyền Pháp tại Sài Gòn; 3) Giao quyền cai trị ở phía Nam cho Pháp quản lý. Nội dung trên có nghĩa khi quân Anh hoàn thành việc giải giáp quân Nhật và rút về nước thì Pháp đương nhiên sẽ là người chủ của mảnh đất này. Như vậy, sự câu kết giữa Anh và Pháp đã khởi động trên thực tế cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

3. Trung Hoa và Pháp thỏa hiệp sau lưmg Việt Nam

Cũng theo Hiệp ước Potsdam, quân đội Trung Hoa Dân quốc của Tường Giới Thạch sẽ vào miền Bắc Việt Nam dưới danh nghĩa quân Đồng minh để giải giáp quân Nhật. Điều đó làm cho chính phủ Pháp lo ngại về ý đồ của Trung Hoa muốn chiếm đóng Đông Dương. Để làm yên lòng Pháp, Thủ tướng chính phủ Trùng Khánh là Tống Tử Văn đã cam kết với De Gaulle trong buổi gặp tại Paris ngày 19-9 rằng Trung Hoa không có tham vọng lãnh thổ ở Đông Dương và nếu có thể sẽ sẵn sàng yểm trợ Pháp trở lại Đông Dương6. Ngày 10-10, trong buổi tiếp Cao ủy D’Argenlieu ở Trùng Khánh, Tống Tử Văn cũng nhắc lại lời cam kết này. Nội dung trên còn được Tưởng Giới Thạch tuyên bố và sau này được Tướng Lư Hán chính thức phát biểu trong buổi lễ ra mắt tại Hà Nội. Thực ra bài toán ban đầu của họ là sử dụng lực lượng tay sai Viết Quốc và Việt Cách để nắm quyền lực mà không cần ra mặt chiếm đóng và cai trị Việt Nam.

Nhưng tình hình ở Trung Quốc chuyển biến rất khẩn trương. Sau khi Thế chiến kết thúc, sự hợp tác giữa hai đảng Quốc dân (Tưởng Giới Thạch) và Cộng sản (Mao Trạch Đông) trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật nhanh chóng tan vỡ. Ngày 16-6-1946 cuộc nội chiến giữa hai đảng bùng nổ. Chính phủ Tưởng ráo riết chuẩn bị đối phó với lực lượng Cộng sản từ phía Bắc tràn xuống nên sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp về vấn đề Đông Dương. Mặt khác, Trung Hoa cũng muốn nhân dịp Pháp có ý định trở lại Đông Dương nên ra điều kiện đòi những quyền lợi mà triều đình nhà Thanh trước đây đã nhường cho Pháp theo những hiệp ước đã ký hồi 1900 – 1903. Sau quá trình thương thuyết từ tháng 10-1945 tại Trùng Khánh, ngày 28-2-1946 hiệp ước Pháp Hoa được ký giữa Đại sứ Pháp Jacques Mayrier với Ngoại trưởng Vương Thế Kiệt. Có thể tóm tắt trong 3 điểm chính sau đây: 1) Pháp trao trả Trung Hoa các tô giới và vùng ảnh hưởng ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông (kể cả Quảng Châu Loan); cắt trả Trung Hoa phần đường sắt Hải phòng – Vân Nam đoạn chạy qua lãnh thổ từ Hà Khẩu đến Côn Minh; hàng hóa Trung Hoa xuất nhập qua cảng Hải Phòng được miễn thuế. 2) Pháp được đưa quân vào miền Bắc Việt Nam thay quân Trung Hoa sẽ rút về nước trong thời gian từ 15-3 đến 31-3-1946 (nhưng thực tế đến cuối tháng 10 mới rút hết). Pháp ứng trước số tiền trả cho việc chuyển quân Trung Hoa mỗi tháng 60 triệu đồng tiền Đông Dương (tổng cộng là 7 tháng). 3) Trung Hoa sẽ vũ trang cho 5000 thường dân Pháp đang ở Hà Nội (điều này được giữ bí mật, không công bố)7.

Như vậy là Hiệp ước Pháp Hoa đã được hai bên ký kết không tính gì đến lợi ích của nhân dân Việt Nam. Giới cầm quyền Trùng Khánh đã mở cửa cho quân Pháp có điều kiện trở lại Việt Nam. Tuy thế, sự tồn tại của Chính phủ Hồ Chí Minh được nhân dân ủng hộ là một thực tế buộc Pháp phải tiến hành thương lượng nếu muốn đưa quân vào miền Bắc Việt Nam. Đó chính là lý do mà đại diện Pháp ở Việt Nam là J. Sainteny có cuộc thương lượng kéo dài với Chủ tịch Hồ Chí Minh và kết thúc bằng bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946.

4. Hoa Kỳ từ phản đối đến “trung lập” trước mưu đồ của Pháp

Trong khi chiến tranh thế giới đang diễn ra quyết liệt, tướng De Gaulle tìm mọi cách vận động quốc tế để Pháp có tư thế trở về Đông Dương. Ngày 18-9-1943 De Gaulle gửi công hàm cho nguyên thủ nước Anh (Churchill), Mỹ (Roosevelt) và Liên Xô (Stalin) đề xuất “sự tham gia của các đơn vị Pháp vào việc giải phóng Đông Dương (khỏi phát xit Nhật)”. Nhưng Pháp vấp phải sự phản đối của Tổng thống Mỹ Roosevelt, ông đã từng tuyên bố: “sau một trăm năm nước Pháp cai trị Đông Dương, người dân ở đây vẫn phải sống tồi tệ như họ đã từng chịu đựng trước đây” và gợi ý thiết lập chế độ ủy trị quốc tế để chuẩn bị cho người dân địa phương tiến tới độc lập trong một thời gian được xác định, có thể là 20 – 30 năm”8. Trước đề nghị của Anh ủng hộ Pháp, Tổng thống Mỹ lại nhấn mạnh: “Nước Pháp đã vắt sữa Đông Dương 100 năm rồi. người Đông Dương có quyền được hưởng những điều tốt đẹp hơn thế… Tôi không muốn có một người Pháp nào được trở lại Đông Dương”9. Nhưng về sau, do sự vận động của Anh và Pháp, luận điểm của Mỹ có dịu đi. Tháng 8-1944, Mỹ đưa ra đề nghị mới về các lãnh thổ bị phụ thuộc sau chiến tranh, theo đó chế độ ủy trị quốc tế chỉ được thiết lập trong 3 trường hợp sau đây: a) Nếu lãnh thổ đó vẫn dưới quyền quản trị của Hội Quốc Liên; b)Nếu lãnh thổ đó nằm trong tay kẻ thù trong chiên tranh; c) Nếu lãnh thổ đó được các nước có trách nhiệm quản lý hành chính tự nguyện đặt dưới chế độ ủy trị.10.

Ngày 12-4-1945 Tổng thống Roosevelt qua đời, người kế nhiệm là Harry Truman. Đầu tháng 5, phát xít Đức đầu hàng, cuộc chiến tranh đi vào giai đoạn kết thúc, chỉ còn việc tiêu diệt phát xít Nhật. Điều đó được định liệu tại Hội nghị Potsdam (7-1945). Ngày 15-8, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện, cuộc Thế chiến 2 chấm dứt.

Lợi dụng thời cơ này, ngày 11-8-1945 chính phủ Pháp gửi công hàm đến 4 cường quốc là Mỹ, Anh, Trung Hoa và Liên xô đề nghị được có đại diện trong Ủy ban đình chiến của Đồng minh, có đại diện quân sự bên cạnh các tư lệnh Dồng minh. De Gaulle muốn dùng sự kiện này để nâng cao vị thế của nước Pháp, lấy lại địa vị ngang hàng với các cường quốc, điều mà nước Pháp đã đánh mất do việc chính phủ Vichy đầu hàng Đức trong thời gian chiến tranh. Đề nghị này không được chấp thuận.

Ngày 14-8 đại diện chính phủ Paris ở Trùng Khánh là Tướng Peckhoff xin cử 5000 lính Pháp tham gia lực lượng Đồng minh giải giáp quân Nhật ở Đông Dương. Ba hôm sau ông ta nhận được câu trả lời: “sẵn sàng cho 5000 lính Pháp trở lại Đông Dương nhưng phải đặt dưới quyền chỉ huy của các tướng lĩnh Trung Hoa Dân quốc“. Quả là liều thuốc khó nuốt nên ngày 28-8 Đại sứ Pháp ở Mỹ đưa ra đề nghị để người Anh tước vũ khí quân Nhật trên toàn cõi Đông Dương, hoặc là các tướng lĩnh Nhật ở phía Bắc làm lễ đầu hàng tại một địa điểm trên lãnh thổ Trung Hoa, còn ở miền Nam thì Pháp tiếp nhận lễ đầu hàng dưới danh nghĩa của Anh (!). Những điều trên nói lên một sự thực là De Gaulle - người đứng đầu nước Pháp giải phóng - không hề được tham dự 2 hội nghị quan trọng của ba nước Đồng minh ở Yalta và Potsdam, không được coi là một nước chiến thắng có quyền tước vũ khí những kẻ đầu hàng. Cho nên những “sáng kiến“ của Pháp chỉ nhằm lấy lại uy tín và vị thế cường quốc, tham dự những hoạt động của Đồng minh, nhúng tay vào công việc hậu chiến ở Đông Dương để chuẩn bị cho những bước tiếp theo.

Ngày 30-8 Ngoại trưởng Mỹ trả lời Pháp là không thể đi ngược lại những quyết nghị của hội nghị Potsdam nhưng Pháp có thể dàn xếp với Anh. Cùng hôm đó, Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh nhận được thông báo từ Bộ ngoại giao Mỹ là Washington hoàn toàn đồng ý nếu Pháp và Trung Hoa có thể thỏa thuận với nhau. Như vậy với sự thay đổi chính sách của Truman, Mỹ có thái độ mập mờ, đẩy “quả bóng“ vào chân Anh và Trung Hoa, trên thực tế là để ngỏ cửa cho Pháp trở lại Đông Dương. Ngày 28-10, trong diễn văn về chính sách đối ngoại của Mỹ, Truman nhắc đến vấn đề Đông Dương với những lời lẽ chung chung về quyền bình đẳng dân tộc như trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc.

Ngày 22-8, De Gaulle sang Washington gặp Tổng thống Mỹ Truman. Cuộc gặp không được mặn mà lắm, De Gaulle cảm thấy nước Pháp không được đối xử như một cường quốc hạng nhất, còn Truman thì nghi ngờ Pháp đang tìm kiếm quan hệ với Liên Xô. Tuy vậy, người đứng đầu nước Pháp không gặp sự phản đối gay gắt như thời Roosevelt, thay vào đó là thái độ do dự, không rõ ràng. Nước Mỹ chuyển sang chính sách được gọi là trung lập, cuối cùng để ngỏ cửa cho Pháp trở lại Đông Dương. Trong bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Đại sứ của họ ở Trùng Khánh có thông báo: “Nước Mỹ không phản đối và cũng không ủng hộ việc lập lại quyền cai trị của người Pháp ở Đông Dương”11. Và ra chỉ thị: “ đại diện Mỹ ở Việt Nam phải tuyệt đối trung lập“12. Những người Mỹ thuộc đội Con Nai đã tham gia hoạt động cùng Mặt trận Việt Minh ở căn cứ địa Việt Bắc được lệnh lần lượt rút về nước.

Như vậy, De Gaulle đã tiến được một bước quan trọng trong việc khắc phục trở ngại từ phía nước Mỹ.

5. Liên Xô - sự im lặng không khó hiểu

Theo Hiệp ước Potsdam, quân Liên Xô vào miền Bắc vĩ tuyến 38, quân Mỹ vào miền Nam bán đảo Triều Tiên nên ở Việt Nam, họ chỉ có đại diện trong các phái bộ Đồng minh. Người đại diện Liên Xô là Stephane Solosieff – một sĩ quan cấp tá, một cán bộ chính trị của Moscow, giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng Nhật.

Về thái độ của Liên Xô đối với việc Pháp muốn trở lại Đông Dương, Solosieff nêu quan điểm: Người Pháp sẽ phải đi theo một đường lối rút lui dần mà không thể chủ trương quay trở lại nguyên trạng như trước. Nhưng người Việt Nam chưa sẵn sàng cho một nền độc lập hoàn toàn và đang còn cần sự bảo trợ của một nước lớn. Pháp vẫn là nước được trang bị tốt nhất trong các nước lớn phương Tây để tái thiết đất nước này và đưa nhân dân Việt Nam đến một chính phủ tự quản. Còn về vai trò của Liên Xô thì “Sự can thiệp của xô viết sẽ gây ra những xung đột với quyền lợi truyền thống của Anh và Pháp mà điều đó không đáp ứng quyền lợi tối cao của Liên Xô trong lúc này„13. Quyền lợi tối cao của Liên Xô lúc này là tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và nâng cao vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế. Do vậy, Liên xô không muốn đụng chạm đến quyền sở hữu thuộc địa của Anh và Pháp, nhất là vào tháng 12-1944, Liên Xô đã ký với Pháp bản Hiệp ước quy định không nước nào tham gia liên minh chống lại bên kia14. Đó là lý do giải thích vì sao Liên Xô giữ thái độ im lặng trước những biến động ở Việt Nam mặc dầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho nguyên thủ các nước Đồng minh, trong đó đương nhiên có Liên Xô. Cũng do vậy mà người đại diện Liên Xô trong phái bộ Đồng minh “không có liên hệ gì với chính quyền cách mạng Việt Nam „15.

Nhìn sâu xa hơn, thái độ đó có thể bắt nguồn từ mối quan hệ không mấy tin cậy giữa Quốc tế III với Nguyễn Ái Quốc từ những năm cuối 30 – đầu 40 thế kỷ XX xung quanh vấn đề lập trường dân tộc hay lập trường quốc tế cộng sản. Sự kiện tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 11-1945) dù là biện pháp sách lược nhưng cũng làm tăng mối hoài nghi của Moscow. Mặc dầu năm 1947 đã có tiếp xúc trực tiếp tại Thái Lan giữa đại diện Việt Nam (Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai) với đại diện sứ quán Liên Xô ở Bangkok, tình hình vẫn không thay đổi cho đến tháng 1-1950, do nhiều biến động trên trường quốc tế, Liên Xô mới chính thức công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Kết: Đối sách của Việt Nam trước thái độ của các cường quốc.

Việt Nam cuối năm 1945 – đầu năm 1946 rơi vào tình thế hết sức hiểm nguy. Trên đất nước hiện diện gần 30 vạn quân nước ngoài gồm quân Anh vào miền Nam, 1500 quân Pháp bị Nhật bắt nay được thả, chưa kể số các đơn vị lính Pháp trà trộn trong lực lượng của Anh dưới danh nghĩa Đồng minh, 200 ngàn quân Trung Hoa vào miền Bắc và 60 ngàn quân Nhật chưa rút về nước có thể bị sử dụng để chống lại cách mạng Việt Nam. Đi theo các đội quân trên còn có một lực lượng người Việt làm tay sai cho nước ngoài.

Trong khi đó, về mặt ngoại giao Việt Nam cũng bị bao vây cô lập. Các nước lớn nếu không ra mặt ủng hộ kế hoạch tái xâm lược của Pháp (Anh) thì cũng tiếp tay cho Pháp (Trung Hoa), giữ thái độ gọi là trung lập (Mỹ) hoặc im lặng (Liên Xô).

Nhưng nguy cơ này đã được dự báo từ trước. Tại Hội nghị Tân Trào ngày 13-8-1945, Đảng đã thấy trước tình hình, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, xác định nhiệm vụ đối ngoại là 16:

- Lợi dụng mâu thuẫn giữa 2 phe Đồng Minh về vấn đề Đông Dương (Mỹ Tưởng và Anh Pháp) nhưng phải thấy mâu thuẫn giữa các nước TBCN với Liên Xô có thể làm cho Anh Mỹ nhân nhượng để Pháp trở lại Đông Dương.

- Hết sức tránh trường hợp ta phải đối phó cùng một lúc với nhiều lực lượng Đồng Minh tràn vào nước ta và dựng chính phủ tay sai của họ. Tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ để chống âm mưu của Pháp và Tưởng.

- Khẳng định rằng chỉ có thực lực của ta mới quyết định thắng lợi cho ta.

- Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước nhược tiểu, nhân dân Pháp và nhân dân Trung Quốc.

Thông cáo của Đảng nhấn mạnh: “Chú ý rằng: Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy. Nhất là đừng có ảo tưởng rằng quân Tàu và quân Anh, quân Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta. Không, trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, dĩ nhiên là phải kiếm bạn đồng minh dầu rằng tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, nhưng công việc của ta, trước hết ta phải làm lấy17.

Nội dung trên phản ánh sự tính toán sáng suốt của Đảng trong việc phân tích những mâu thuẫn chính trên đất nước ta, dự báo khả năng tái chiếm Đông Dương của quân Pháp và kế hoạch “nhập Việt” của quân Trung Hoa. Trước tình hình phức tạp đó, Đảng đề ra quyết sách hết sức tránh trường hợp phải đối phó cùng một lúc với nhiều kẻ thù, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô và Mỹ, sự đồng tình của nhân dân Pháp và nhân dân Trung Quốc nhưng điều cốt yếu vẫn phải là dựa vào thực lực của chính mình.

Như vậy, chỉ trong hơn 15 tháng từ ngày Tuyên bố độc lập đến ngày Toàn quốc kháng chiến, hoạt động đối ngoại của Nhà nước VNDCCH vô cùng khẩn trương và phức tạp. Trong khi quân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam, Đảng và Chính phủ vẫn đẩy mạnh công tác ngoại giao với các nước, chủ yếu là với Trung Hoa và Pháp.

Việc ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 là sự thể hiện sách lược Hoà để tiến, tránh tình thế phải đối phó cùng một lúc với nhiều kẻ thù. Ta đẩy quân Trung Hoa về nước, kéo dài thời gian hoà bình để củng cố lực lượng, chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.

Trong quan hệ với Pháp, từ Hội nghị Đà Lạt đến Hội nghị Fontainebleau, từ chuyến đi của phái đoàn Quốc hội đến cuộc thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Việt Nam luôn bày tỏ một lập trường nhất quán: Độc lập và Thống nhất đất nước, Hữu nghị và Hợp tác với nước Pháp.

Hiểu rõ bản chất hiếu chiến của thực dân phản động, ta vẫn đưa ra đối sách mềm dẻo cần thiết từ Hiệp định sơ bộ 6-3 đến Tạm ước 14-9 để tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược. Khoảng thời gian không dài nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực đối với một dân tộc vừa giành được chính quyền, phải đối phó với thù trong giặc ngoài, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến đầy thử thách. Đó cũng là thời gian để lại nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng về sự kết hợp giữa đối nội và đối ngoại, giữa lập trường kiên định với biện pháp mềm dẻo, giữa nhân nhượng sách lược với quyết tâm chiến lược, giữa tranh thủ khả năng hòa bình với chuẩn bị tiến hành chiến tranh. Nhờ đó, toàn thể nhân dân vững bước tiến vào cuộc kháng chiến gìn giữ nền Độc lập, bảo vệ Nhà nước Dân chủ Cộng hòa.

GS. Vũ Dương Ninh

_____________________________________________

1. Trong bài này đề cập đến Trung Hoa Dân quốc tức Chính phủ của Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch làm Tổng thống, đóng đô ở Trùng Khánh.

2. Philippe Devillers: Paris – Sài Gòn – Hà Nội. Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1933, tr. 131

3William H.Wainwright: Faits et événements essentiels trong sách Le général de Gaulle 1940-1946. Nxb Plon, Paris, tr. 68

4. William H.Wainwright: Sđd, tr.73

5. Lưu ý: Trong Thế chiến thứ 2, tháng 6-1940 chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức, nên không được coi là nước Đồng minh nên không có đại diện trong các hội nghị Teheran, Yalta, Postdam. Chỉ có lực lượng do De Gaulle lãnh đạo hoạt động chống phát xit ở ngoài nước, đến tháng 6.1944 trở về giải phóng Paris, thành lập chính phủ lâm thời do De Gaulle đứng đầu.

6. Chính Đạo: Việt Nam niên biểu 1939 – 1975. Tập I 1939 – 1945. Nxb Văn hóa, Houston 1996, tr. 253

7. Tham khảo Kinh C.Cheng: Vietnam and China 1938-1954. Princeton University Press. Princeton 1969 tr. 141-142; Ellen J. Hammer: The struggle for Indochina 1940 – 1955. Stanford University Press. California 1967, tr 146-147; Chính Đạo Sđd, tr. 311

8. William J. Duiker: Lé Etats Unis et l’Indochine Francaise” trong cuốn L’Indochine francaise 1940 – 1945, Nxb PUS, tr. 190-191. Chế độ ủy trị quốc tế ((International Trusteeship còn dịch là Thác quản quốc tế): trao quyền cho một ủy ban gồm đại diện một số nước để dần dần chuyển giao cho người dân bản địa có nhiệm vụ quản lý đất nước của họ.

9. Dẫn theo Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 33

10. William J. Duiker: Les États Unis et l’Indochine Francaise. Sđd, tr 203 -204

11. A. Patty: Tại sao Việt Nam? Nxb Đà Nẵng, 1994, tr 368

12A. Patty: Sđd, tr 360

13. Dẫn theo Archimedes L.A. Patti: Tại sao Việt Nam? Nxb Đà Nẵng 1995, tr. 188 - 192

14. Xem Jean Baptiste Duroselle: Lịch sử ngoại giao từ năm 1919 đến ngày nay. Học viện Quan hệ quốc tế, H. 1994, tr.332

15. A. Xôlôcôp: Từ lịch sử quan hệ Nga – Việt, một số sự kiện và nhân vật còn chưa biết đến. Dẫn theo Hội thảo quốc tế Việt Nam học trong thế kỷ XX. Tóm tắt báo cáo. Nxb Thế giới, H. 2000. Tr. 207

16. ĐCSVN: Văn kiện Đảng. Toàn tâp, Tập 7, sđd , tr 113-114

17. ĐCSVN: Văn kiện Đảng. Toàn tập, Tập 7, sđd, tr. 244

Tác giả: GS. Vũ Dương Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây