Ngôn ngữ
Hội trường tầng 3, nhà E với gần 200 chỗ ngồi chật kín bởi các thầy cô giáo, sinh viên các khoa Ngôn ngữ học, Văn học, Việt Nam học. Đặc biệt đến dự cuộc tọa đàm còn có nhà giáo lão thành, giáo sư sử học cao niên Vũ Dương Ninh, GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cùng đại diện Ban chủ nhiệm các khoa văn học, Ngôn ngữ học, Sử học, Triết học, Hội Cựu chiến binh nhà trường và đông đảo các báo đài Trung Ương và Hà Nội.
Mở đầu cuộc tọa đàm, GS.TS Phạm Quang Minh, đã có lời phát biểu cảm ơn tác giả Hữu Đạt, tác giả bản trường ca, cùng toàn thể các thầy cô giáo, các diễn giả cuộc tọa đàm, đặc biệt là các cử tọa sinh viên, những người mà theo giáo sư Hiệu trưởng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Theo ông, những hình thức tương tự như cuộc tọa đàm này sẽ góp phần quan trọng bồi đắp lý tưởng cho các thế hệ sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước, hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn lịch sử hào hùng một thời của dân tộc.
GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu tại tọa đàm
Tâm sự về quá trình hình thành bản trường ca – lịch sử Cuộc chiến mười ngàn ngày, nhà giáo – nhà thơ Hữu Đạt bộc bạch rằng, cảm hứng của ông đến từ chính những trang sử hào hùng của dân tộc. Thế hệ của ông sinh ra và lớn lên trong hai cuộc chiến tranh, những mất mát, đau thương và sự dũng cảm quật cường của những người con đất Việt, khiến ông xúc động không thể không viết. Là một nhà thơ, nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo, ông bày tỏ lòng cảm ơn đối với các thế hệ cha anh, những người đã làm nên chiến công của một thời, góp phần quan trọng vào việc đánh đuổi hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Cuộc chiến mười ngàn ngày được cấu trúc trong 12 chương, bắt đầu với “Khát vọng mùa thu” (chương 1), qua “Ngày toàn quốc kháng chiến” (chương 2), “Mãi mãi Điện Biên” (chương 3), “Khi chúng tôi lớn lên” (chương 4), “Cuộc đối đầu lịch sử” (chương 5), “Những người Mẹ” (chương 6), “Mái trường đại học” (chương 7), “Những ngôi làng” (chương 8), “Trận đánh cuối cùng” (chương 9), “Đất nước chuyển mình” (chương 10), “Thách thức” (chương 11) và cuối cùng là chương mang tên “Thế hệ chúng tôi” (chương 12).
Các diễn giả tham gia tọa đàm, đại diện cho các nhà khoa học đến từ các khoa Văn học, Lịch sử, Ngôn ngữ học đã tập trung trao đổi về những thành công trong nội dung và hình thức của bản trường ca. Giáo sư sử học Vũ Dương Ninh cho rằng, không có cách gì tốt hơn về việc truyền tải những bài học lịch sử qua những vần thơ hấp dẫn và dễ nhớ như trong bản trường ca của Hữu Đạt. Giảng viên chính Trần Hinh tập trung phân tích những thành công về mặt hình thức của tập trường ca qua cấu trúc và lối viết thơ hình họa của tác giả. Cùng ý tưởng này, PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa bổ sung hệ thống hình tượng hóa trong trường ca là biểu trưng cho văn hóa truyền thống lâu đời. Từ hệ thống biểu tượng này, nhà thơ muốn truyền đạt, chiến thắng của dân tộc Việt Nam là chiến thắng của nền văn hóa dân tộc với văn hóa thực dân và văn hóa thực dụng kiểu Mỹ. Đây là chiều sâu trong thơ hình họa của Hữu Đạt. PGS. TS Phạm Thành Hưng liên hệ với thơ thị giác ở Anh và khẳng định, những bài thơ thị giác trong Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày của Hữu Đạt đã được viết rất công phu. Đó cũng là một thành công đáng kể của tác giả. Nhà giáo Bùi Việt Thắng thì nhấn mạnh, ông thích cái giọng tâm tình, thủ thỉ, những lời thơ đầy ân tình của Hữu Đạt. PGS.TS Phạm Quang Long không đi thẳng vào tập trường ca, mà qua những câu chuyện thú vị trong những chuyến công tác ngoại giao với một số người Mỹ, về cách hai bên hiểu về cuộc chiến của nhau, mới thấy hết được những đóng góp của dòng văn chương viết về chiến tranh. Một diễn giả đại diện cho sinh viên, những người rất trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường thì ngoài cảm nhận về tính hấp dẫn của bản trường ca, còn bộc bạch những cảm xúc của thế hệ ngày nay đối với những trang sử hào hung của dân tộc qua những vần thơ của thầy Hữu Đạt.
Nhà giáo Bùi Việt Thắng nhận xét về lời thơ của TS Nguyễn Hữu Đạt
Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, đồng thời cũng là một cựu chiến binh, khẳng định, tuy không am hiểu nhiều về trường ca, nhưng đọc và nghe những ý kiến trong buổi tọa đàm, ông đã hiểu được sâu sắc tấm lòng và tài năng của người viết. Với tư cách là người phụ trách công tác chính trị và công tác sinh viên, lại là người trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức buổi tọa đàm này, khẳng định thêm một lần nữa, đây là một hoạt động rất hữu ích với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu nhận xét về tập trường ca Cuộc chiến 10 ngàn ngày
Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng TS Nguyễn Hữu Đạt
Tác giả: Trần Hinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn