Ngày 10/11, Khoa Văn học đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tiếp nhận văn học nghệ thuật ở Việt Nam thời kì hội nhập”. Hội thảo là một trong những hoạt động hướng tới lễ kỉ niệm 55 năm truyền thống Khoa Ngữ Văn. Dự hội thảo có PS.TS Vũ Đức Nghiệu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các cán bộ giảng dạy, các nhà khoa học trong và ngoài trường.
56 báo cáo gửi tới hội thảo tập trung bàn thảo về nội dung chính là các vấn đề lí thuyết và thực tiễn trong tiếp nhận văn học nghệ thuật ở Việt Nam thời kì hội nhập.
Phát biểu khai mạc hội thảo PGS.TS Vũ Đức Nghiệu nhấn mạnh: Những vấn đề của mĩ học tiếp nhận phương Tây trên cơ sở kinh nghiệm nghệ thuật phương Tây, quan niệm của phương Đông và của ông cha ta về văn học, thưởng thức văn học, bình văn, cách tiếp thu di sản văn học, nghệ thuật của dân tộc và nhân loại cũng như các hoạt động phê bình, giảng dạy văn học trong giai đoạn hội nhập quốc tế, trong bối cảnh phát triển rất mạnh của những ngành và bộ môn khoa học trực tiếp liên quan như ngôn ngữ học, kí hiệu học, phân tích diễn ngôn, nhân học, xã hội học, tâm lí học… là những vấn đề hết sức hấp dẫn, nhưng cũng vô cùng phức tạp. Các vấn đề này có thể được giải quyết triệt để, đạt tới sự nhất trí, nhưng cũng có thể sẽ còn để ngỏ, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi và thảo luận.
Tại hội thảo bàn về việc tiếp nhận văn học nghệ thuật ở Việt Nam trong thời kì hội nhập PGS.TS Đoàn Đức Phương (Chủ nhiệm Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV) cho rằng tiếp nhận văn học từ góc nhìn văn hoá là một phương thức tiếp nhận cần thiết, nhất là trong thời kì hiện nay. Theo PGS.TS Đoàn Đức Phương thì tiếp nhận văn hoá thực chất là một quá trình giao tiếp. Sự giao tiếp giữa tác giả với người tiếp nhận là mối quan hệ giữa người nói và người nghe, người viết và người đọc, người bày tỏ và người chia sẻ, cảm thông. Tiếp nhận văn học từ góc nhìn văn hoá không chủ trương tìm hiểu thế giới nghệ thuật của tác phẩm như một vũ trụ khép kín mà đặt ra nhiệm vụ đối chiếu, so sánh, truy nguyên các quan niện văn hoá của thời đại nơi tác phẩm được sản sinh để tìm nguồn gốc của các dạng thức quan niệm về con người, về không gian, thời gian trong tác phẩm.
Tác giả Nguyễn Hoà (Vụ trưởng, Ban Văn hoá – Văn nghệ báo Nhân dân) nêu ý kiến đề cập tới một tình trạng đã và đang tồn tại trong cảm thụ tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Tác giả nhấn mạnh rằng phần đông công chúng Việt Nam vẫn chưa thích ứng với các trường phái, các trào lưu nghệ thuật hiện đại có nguồn gốc Phương Tây, mọi người hầu như đã quen và chỉ quen sử dụng cái tiêu chí “giống hay không giống” của truyền thần để đánh giá tác phẩm.
Tập trung thảo luận nhiều về vấn đề thực tiễn trong việc tiếp nhận văn học Việt Nam thời kì hội nhập, PGS.TS Lê Huy Bắc (Đại học Sư phạm Hà Nội I) thì lại đề cập đến văn chương hậu hiện đại Việt Nam. Tác giả nêu ra vấn đề đó là: trong bối cảnh “chuộng vật chất” ngày nay, những giá trị tinh thần bị xem nhẹ bằng chứng là môn văn trong trường học và cả ngoài đời bị bỏ bê nên văn chương hậu hiện đại càng khó có thể tiếp cận cuộc đời.
Tác giả Đặng Anh Đào (Khoa Văn học) có ý kiến trao đổi nhấn mạnh đến việc “ứng dụng văn học so sánh – một cách tiếp nhận tất yếu và độc đáo trong nghiên cứu so sánh hiện nay”, văn học so sánh không phải là hư cấu của nghệ sĩ, nó phụ vào kiến thức chuyên ngành khoa học, khả năng bao quát chất liệu và cá tính sáng tạo ở cả hai nguồn phát – nhận.
Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng đã tập trung trao đổi từ các vấn đề lí thuyết chung: tiếp nhận các khái niệm và trào lưu văn nghệ hiện đại yêu cầu về tính hệ thống - PGS.TS Nguyễn Văn Dân (Viện nghiên cứu văn học), vấn đề tiếp nhận văn học văn học nước ngoài - PGS.TS Nguyễn Trường Lịch (Khoa Văn học)… Đến những vấn đề thực tiễn cụ thể: tiếp nhận lí thuyết tiểu thuyết của M.Baktine ở Việt Nam – GV. Bùi Việt Thắng (Khoa Văn học), vấn đề người đọc – tiếp nhận trong lí luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho đến nay – Nguyễn Ngọc Thiện (Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ)…