Hướng tới kỉ niệm 38 năm truyền thống đào tạo và 15 năm trở thành đơn vị độc lập của Trường ĐHKHXH&NV, ngày 27/10 Khoa Thông tin Thư viện đã tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Sự nghiệp Thông tin – Thư viện Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế”. Tham dự hội thảo có 80 đại biểu là nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lí đến từ nhiều cơ quan thông tin thư viện khác nhau trong cả nước với tổng số 50 tham luận.
Nội dung chính của hội thảo tập trung thảo luận về những vấn đề lí luận và thực tiễn hoạt động của sự nghiệp Thông tin – Thư viện Việt Nam sau 25 năm đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, đề xuất những giải pháp thiết thực cho quá trình đổi mới và hội nhập đóng góp cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập trong chặng đường tiếp theo của ngành Thông tin – Thư viện Việt Nam.
PGS.TS Trần Thị Quý (Chủ nhiệm Khoa Thông tin Thư viện) đã điểm lại những thành tựu nổi bật của ngành Thông tin - Thư viện trong 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế. Đặc biệt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực sau 25 năm đổi mới đã phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Trước năm 1986, chỉ có 2 cơ sở đào tạo chuyên nghiệp bậc cử nhân và 2 cơ sở đào tạo không chuyên nghiệp, chưa có đào tạo sau đại học. Đến nay, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp gồm: 3 cơ sở đào tiến sĩ, 15 cơ sở đào tạo cử nhân, 20 cơ sở đào tạo cao đẳng, 18 cơ sở đào tạo trung cấp và 10 cơ sở đào tạo không chuyên cho các lớp ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ. Ngoài ra, một số thành tựu tiêu biểu trong công tác nghiệp vụ, phát triển đội ngũ, nghiên cứu khoa học, đối ngoại và hợp tác quốc tế… cũng đã được PGS.TS Trần Thị Quý nêu rõ tại hội thảo.
Tham luận về “Những cơ hội, thách thức đối với hoạt động thông tin – thư viện và vai trò của cơ sở đào tạo đối với sự phát triển của hoạt động Thông tin – Thư viện Việt Nam” của ThS. Ngô Văn Chung (Giám đốc Thư viện Quân đội) đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của các cơ sở đào tạo nói chung, Khoa Thông tin – Thư viện Trường ĐHKHXH&NV nói riêng đối với sự phát triển hoạt động Thông tin – Thư viện Việt Nam: các cơ sở đào tạo đóng vai trò quan trọng tạo nên trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện. Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện ThS. Ngô Văn Chung đã đưa ra 2 đề xuất: Một là, nội dung chương trình đào tạo cần đổi mới để đáp ứng một số yêu cầu: cung cấp cho sinh viên một hệ thống kiến thức tổng hợp tạo cho sinh viên ra trường thích ứng với xu thế phát triển của xã hội, của ngành; tập trung cung cấp những kiến thức quản lí thông tin thư viện trong nền kinh tế thị trường; nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng sử dụng phương tiện kĩ thuật hiện đại. Hai là, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan chủ quản phải có chính sách đầu tư thoả đáng cho công tác đào tạo.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo cán bộ Thông tin – Thư viện trong xu thế hội nhập và phát triển ThS. Trần Hữu Huỳnh (Phó chủ nhiệm Khoa Thông tin – Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV) nêu rõ thời gian tới Khoa cần thực hiện một số giải pháp: giảm thiểu các môn khoa học thư viện truyền thống, tăng cường công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nội dung, marketing; đổi mới nội dung và nâng cao kĩ năng áp dụng chuẩn nghiệp vụ quốc tế: khung phân loại DDC, khổ mẫu MARC21; trang bị giảng đường chuẩn để sinh viên thực hành các kĩ năng; biên soạn giáo trình, tài liện tham khảo; nâng cao chất lượng ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên; mở rộng các môn học mới mang tính chiến lược theo yêu cầu xã hội…
Tiếp tục đổi mới và hội nhập ngành thư viện Việt Nam, theo ông Vũ Văn Sơn (Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thì ngành thư viện đã và đang có những điều kiện thuận lợi: nhiều thư viện lớn của nước ta đã tham gia vào cộng đồng thư viện thế giới và khu vực, đã có những văn bản pháp lí làm cơ sở cho hôi nhập và đảm bảo nguồn lực cho phát triển bền vững mà văn bản có hiệu lực cao nhất là Luật thư viện. Đồng thời Việt Nam đã tham gia Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế và Nhà nước và cũng đã thành lập Ban Tiêu chuẩn TCVN46 để biên soạn và trình chính phủ ban hành các tiêu chuẩn tương thích với ISO.
Và rất nhiều tham luận, ý kiến khác tại hội thảo đã đề cập đến từng vấn đề, công tác hoạt động cụ thể của ngành: “Xu hướng phối hợp, liên kết xây dựng chia sẻ nguồn lực thông tin tại Việt Nam”, “Quản lí nguồn lực thông tin – thư viện trong xã hội hiện đại”, “Chia sẻ nguồn lực thư viện trong thời kì sơ khởi của Google”… góp phần làm sáng tỏ hơn nữa vai trò của ngành Thông tin – Thư viện và sự phát triển của ngành trong tương lai.