Dự án là kết quả của sự hợp tác giữa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Justus Liebig GieBen (CHLB Đức), với sự hỗ trợ từ Tổ chức Hanns Seidel Foundation.
Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS. Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo, giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh Khoa Quốc tế học và nhiều khoa trong trường; TS. Detlef Briesen - Đại học Justus Liebig GieBen, đồng chủ biên Báo cáo; ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam.
Tọa đàm thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến từ bộ, ban, ngành, cơ quan nghiên cứu: ông Nghiêm Xuân Nam - Phó Vụ Trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Thảo Griffiths - Giám đốc Chính sách Công tại Thị trường Việt Nam, Văn phòng Châu Á – Thái Bình Dương, Công ty Meta; Bà Nguyễn Thị Tuyết - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; TS. Lailufar Yasmin - Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Dhaka, Bangladesh và TS. Dương Kim Anh - Phó Giám đốc, Học viện Phụ nữ Việt Nam,...
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Đào Thanh Trường đã khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hết mình vì công cuộc gìn giữ và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại và hội nhập hiện nay, việc phát huy vai trò, đóng góp của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực còn gặp những khó khăn nhất định. Chính vì vậy, các nghiên cứu tổng quát, toàn diện về phụ nữ, bình đẳng giới có vai trò hết sức quan trọng. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong báo cáo quốc gia thường niên “Phụ nữ trong xã hội Việt Nam” đem đến cái nhìn khách quan và đề xuất những kiến nghị trong công cuộc xây dựng và củng cố quyền bình đẳng giới.
Cùng quan điểm trên, ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam cũng khẳng định tầm quan trọng của chủ đề của buổi tọa đàm, cho rằng đây là một trong những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và đánh giá tại Việt Nam. Ông cũng bày tỏ sự kì vọng vào những thành quả đã được gặt hái xuyên suốt quá trình hoàn thiện báo cáo, rằng với sự nỗ lực chung của mọi người thì sau những sự trao đổi ngày hôm nay, sẽ có nhiều ý tưởng và sự nhận thức về quyền bình đẳng giới được lan tỏa đến với nhiều người hơn.
Theo TS. Detlef Briesen - đồng chủ biên Báo cáo, mục tiêu chính của báo cáo nhằm cung cấp cho công chúng thông tin và tình hình phụ nữ tại Việt Nam trong các vấn đề như những thực tế, điều kiện, đời sống của phụ nữ trong xã hội Việt Nam, những khó khăn, những nỗ lực để cải thiện sự bình đẳng nam nữ. Thông qua đó trả lời câu hỏi: Tại sao vị thế của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam lại cao hơn so với phụ nữ ở các nước Đông Nam Á? TS. Detlef Briesen cho rằng, phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới tuy đã có được những quyền và vị trí vững chắc trong xã hội nhưng vẫn có một bộ phận thuộc dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận với hỗ trợ về bình đẳng giới, vẫn còn tồn tại những bất cập về vị trí lãnh đạo của những phụ nữ. Với những thách thức đặt ra vậy, nhóm tác giả Detlef Briesen, Nguyễn Thị Thùy Trang và Phạm Quang Minh đã đưa ra những khuyến nghị, cần tập trung giải pháp vào những vấn đề như: bạo lực với nữ giới, giám sát tốt hơn về bình đẳng giới, nâng cao sự tiếp cận công nghệ của phụ nữ và sự giám sát chặt chẽ hơn về chính sách nhân sự về thăng tiến cho phụ nữ.
Đại diện cho góc nhìn của cơ quan nhà nước về bình đẳng giới, ông Nghiêm Xuân Nam đã có những chia sẻ tích cực về vấn đề khi khẳng định sự hoàn thiện hóa những bộ luật và các dự thảo luật đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ. Nổi bật nhất là luật chống hành vi bạo lực gia đình mở rộng lên 16 loại hành vi nhằm đảm bảo sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong hôn nhân. Ngoài ra các bộ luật như bảo hiểm xã hội, luật việc làm đang được chuyển đổi và luật chuyển đổi giới tính đang được nghiên cứu, và trong năm 2023, Quốc hội sẽ thảo luận kết quả thực hiện bình đẳng giới tại kỳ họp hàng năm, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho trẻ em gái và phụ nữ trong tương lai. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ những khó khăn gặp phải do tính chất mới của lĩnh vực, và vì vậy còn một chiến lược và sự cam kết dài hạn nhằm đem lại những tác động sớm và tích cực nhất đến xã hội Việt Nam ngày nay.
Với tư cách là Giám đốc Chính sách công của Công ty Meta, cũng là một người đã trải qua nhiều vị trí, bà Thảo Griffiths nhận mạnh về việc nhạy cảm giới trong đời sống hàng này là việc vô cùng quan trọng. Bà khẳng định về tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong đời sống lao động hiện nay, và những chính sách hỗ trợ phát triển cho phụ nữ là điều đáng kỳ vọng và cần thiết. Những người phụ nữ đứng làm lãnh đạo, đứng ở vị trí chuyên gia, nên được tạo điều kiện, được chia sẻ cơ hội để đứng cạnh nam giới trong các cuộc họp lớp, trước công chúng. Theo chia sẻ của bà, đây sẽ là những ảnh hưởng tốt, những thay đổi tốt đến nhận thức của công chúng trong việc nhận thức khả năng và giá trị của phụ nữ trong xã hội hiện đại, cũng như trở thành những nguồn cảm hứng cho những lớp trẻ hơn về sự bình quyền nam và nữ.
“Trong bình đẳng giới, chúng ta đã đạt được những gì? Và từ đây những điều gì chúng ta có thể hy vọng sẽ đạt được trong tương lai?” - đây là câu hỏi được TS. Detlef Briesen đặt ra tại tọa đàm. Ông nhấn mạnh, bất bình đẳng giới là vấn đề mang tính toàn cầu, rằng dù việc bình đẳng giới dù ngày càng được đẩy mạnh, thì bình đẳng giới tuyệt đối cũng sẽ tạo ra những thách thức đặc thù trong tương lai. Chính vì vậy, dự kiến trong tháng 7/2023, một báo cáo về thị trường người lao động tại Việt Nam sẽ được công bố, hứa hẹn một cái nhìn sâu hơn vào thị trường chính thức và phi chính thức, phân tích vai trò của nhóm người khác nhau, đặc biệt là phụ nữ. Ông cũng bày tỏ hi vọng rằng những báo cáo này sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho những người phụ nữ còn đang chịu nhiều bất công của nhiều nơi trên thế giới.