Ngày 16/11/2012, Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức gặp mặt các giáo sư, nhà giáo lão thành nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và tổ chức toạ đàm với chủ đề “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng - chủ trì buổi gặp.
Những thành tích nổi bật
Tại buổi toạ đàm Đảng uỷ, Ban Giám Hiệu Nhà trường đã báo cáo tóm tắt những thành tích nổi bật của Nhà trường đã đạt được trong năm học 2011 – 2012 trên các mặt hoạt động, cụ thể:
Năm học vừa qua Trường đã tổ chức bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho khoá thứ hai đào tạo hoàn toàn theo tín chỉ; năm qua Trường cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế;
Đặc biệt năm 2012 có 2 nhà giáo của Trường đã vinh dự nhận giải thưởng Hồ chí Minh, 3 nhà giáo nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, 3 nhà giáo được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú năm 2012.
Năm học 2012 – 2013 này Trường vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm trường và dự lễ khai giảng.
Cùng với đó Ban Giám hiệu Nhà trường cũng đã trình bày 4 Chương trình công tác của Nhà trường giai đoạn 2012 – 2015 gồm: xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ đạt chuẩn giai đoạn 2012 – 2015, nhanh chóng đưa Nhà trường hội nhập vào nhóm các trường đại học tiên tiến trong khu vực; xây dựng và phát triển ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nghiên cứu chất lượng cao phục vụ đào tạo và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước; đổi mới quản trị đại học từng bước tiến tới hệ thống quản trị đại học tiên tiến.
Cốt lõi của triết lí giáo dục
Góp ý cho nền giáo dục Việt Nam nói chung và chương trình phát triển của Nhà trường nói riêng GS. Phan Hữu Dật – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV - nhấn mạnh ba vấn đề đó là: triết lí giáo dục; xây dựng đội ngũ cán bộ; dân chủ hoá đại học. Theo GS Phan Hữu Dật về vấn đề triết lí giáo dục Nhà trường cần phải xác định nhân vật trung tâm là người thầy, thầy phải gương mẫu và trò phải tôn trọng thầy. Và triết lí giáo dục đúng đắn nhất của nền giáo dục đó là “một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân”. Cùng với đó xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề cốt lõi, là ưu tiên số 1 do vậy cần bảo đảm đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho giáo viên.
Nhấn mạnh đến vấn đề dân chủ hoá đại học, PGS. Nguyễn Trường Lịch cho rằng: cốt lõi vẫn là giáo viên và dân chủ hoá ở trường đại học tức là quyền quyết định phải có được từ cấp Khoa cho đến Chủ nhiệm Bộ môn. Để thực hiện được điều này Chủ nhiệm Khoa không những chỉ là những người giỏi về quản lí mà phải giỏi cả về mặt chuyên môn, học thuật.
Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng, vị trí của triết lí giáo dục trong Nhà trường hiện nay PGS. Đỗ Văn Khang đưa ra đề nghị: ngoài vai trò của người thầy và trách nhiệm của trò thì Nhà trường cần phải quan tâm, khuyến khích những người sáng tạo, ghi danh những người vượt ngưỡng, không ngừng tìm tòi, sáng tạo tri thức.
Bàn về vấn đề đổi mới nền giáo dục Việt Nam GS Hà Minh Đức nhấn mạnh đến tình trạng lạm phát đại học, hiện nay số lượng các trường đại học quá nhiều, khuynh hướng tự phát ngày càng mạnh. Do đó đổi mới nền giáo dục tức là phải có kỉ cương và phải xây dựng lại kỉ cương. Bên cạnh đó, giáo sư cũng đã đưa ra đề xuất cần phải quan tâm hơn nữa đến đời sống của đội ngũ nhà giáo hiện nay đây không chỉ là vấn đề của quá khứ mà ngay cả hiện tại và tương lai vẫn là vấn đề còn nhiều điều trăn trở, băn khoăn...
Thay mặt lãnh đạo Nhà trường GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Nhà trường - cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các giáo sư, các nhà giáo lão thành. Và gửi lời tri ân sâu sắc tới các nhà giáo lão thành đã gắn bó với Trường, góp phần xây dựng và phát triển Nhà trường trong suốt những năm qua. Đồng thời, Hiệu trưởng bày tỏ mong muốn các giáo sư, nhà giáo lão thành tiếp tục quan tâm, ủng hộ và ưu ái giúp đỡ các thế hệ cán bộ trẻ tiếp nối truyền thống, tiếp tục vững bước xây dựng, phát triển Nhà trường.