Lễ kỉ niệm 40 năm ngành Hán Nôm, Khoa Văn học Trường ĐHKHXH&NV đã được tổ chức trang trọng vào ngày 17/11/2012.
Tới dự lễ kỉ niệm có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Nhà trường cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên và sinh viên Nhà trường.
Mở đầu buổi lễ PGS.TS Phạm Văn Khoái – Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm - đã ôn lại quá khứ đầy tự hào và gian nan trong buổi đầu thành lập và đề ra những mục tiêu phương hướng phát triển cho ngành để tiến tới thành lập khoa Hán Nôm.
Điểm lại những thành tựu 40 năm xây dựng và trưởng thành, GS.TS Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh, năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, ngành Hán Nôm của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã mở khoá đào tạo đầu tiên. Đây là một sự kiện phản ánh tầm nhìn và nhận thức sáng suốt của các nhà khoa học trước nguy cơ giãn cách về văn hoá, và cũng thể hiện tình cảm nồng nàn với văn hoá dân tộc và di sản văn hiến Hán Nôm của đất nước. Nhìn lại 40 năm qua, ngành Hán Nôm đã khẳng định được vị trí của mình trong đời sống văn hoá dân tộc, tạo cầu nối trao truyền các giá trị văn hoá giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Bằng ý chí phấn đấu không mệt mỏi và tinh thần lao động sáng tạo, các thế hệ thầy giáo, cô giáo ngành Hán Nôm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá Hán Nôm của Việt Nam. Tại ngành Hán Nôm đã có nhiều giáo sư, nhà giáo đầu ngành nổi tiếng về tài năng và đức độ như Cao Xuân Huy, Đinh Gia Khánh, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Duy Tân, Nguyễn Đình Thạc, Lê Văn Quán,... Trong đó có những người đã trở thành nhà văn hoá lớn của Việt Nam và là niềm tự hào trí tuệ dân tộc.
Bốn mươi năm qua, đã có 36 khoá cử nhân và hơn 10 khoá sau đại học ngành Hán Nôm ra trường, các cựu sinh viên có mặt trên nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các cơ quan thông tấn, văn hoá nghệ thuật trung ương, địa phương,... Họ đã làm việc và phấn đấu không mệt mỏi vì trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp vì tình yêu và danh dự của Khoa, của Nhà trường trong việc sưu tầm tập hợp, khai thác các tài liệu cổ góp phần giữ gìn và phát huy di sản Hán Nôm trong kho tàng văn hoá Việt Nam.
Hướng tới tương lai, Giáo sư Hiệu trưởng tin tưởng rằng, trên nền tảng thành tựu của 40 năm, bằng trí tuệ sáng tạo và sự tâm huyết, ý thức trách nhiệm cao, cán bộ, học viên và sinh viên ngành Hán Nôm nhất định sẽ phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đi đầu trong hệ thống cơ sở đào tạo và nghiên cứu Hán Nôm của đất nước, từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.
Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, những thành tựu mà ngành Hán Nôm đã đạt được trong 40 năm qua là sự cố gắng không mệt mỏi, phi thường của những người vượt qua bão tố của kinh tế thị trường để ngồi bên những trang giấy, hiểu từng giá trị của cổ nhân để lại. Những thành tựu đó rất to lớn nhưng cũng có thể nói rằng sứ mệnh của ngành cũng hết sức nặng nề. Đó là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, phát huy những giá trị tinh hoa của dân tộc, lan toả giá trị truyền thống và tạo lập những giá trị nhân văn mới.
Chia sẻ với ngành Hán Nôm, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần đưa những giá trị trong sách vở của cổ nhân đi vào đời sống trong xã hội được nhiều hơn nữa, thư viện Hán Nôm phải là nơi đặc sắc, hấp dẫn mọi người, Hán Nôm cần phải vượt ra ngoài cánh cửa hàn lâm của các viện nghiên cứu và trường đại học.
Phó Giám đốc chỉ rõ, vấn đề cấp bách hiện nay đối với ngành Hán Nôm là tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên - cần phải có một lực lượng lớn đủ sức đối thoại với thế giới trong thời đại toàn cầu hoá, thời đại mà Hán học của Trung Quốc, Nhật Bản,... đã phát triển rất xa.