Tinh thần khởi nghiệp của Sinh viên VNU-USSH: Muốn thành công không sợ thất bại

Thứ sáu - 26/05/2023 03:54
Hào hứng, say mê với nhiều trải nghiệm thực tiễn cùng các diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp, đó là không khí của Tọa đàm “GenZ khởi nghiệp: Muốn thành công không sợ thất bại” được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) ngày 23/5/2023.
Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; TS. Đinh Tiến Hiếu - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chính trị và công tác học sinh - sinh viên; TS. Tạ Bích Ngọc - Bí thư Đoàn Thanh niên, đồng chí Dương Tất Thành - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường.
Tọa đàm nhận được sự tham dự và chia sẻ của ba diễn giả uy tín: Chị Lưu Thị Hòa - Giám đốc HTX Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Thương mại tổng hợp Po Mỷ, Phó Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, Cựu sinh viên khoa Quốc tế học - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN; anh Phan Quốc Dũng - Nhà sáng lập thương hiệu, Giám đốc truyền thông Gu candles, tác giả cuốn sách “Được rồi, bay thôi” và “365 ngày tự ôm lấy mình; sinh viên Khuất Thanh Mai - Phó chủ nhiệm CLB SurE - Startup Networking Club; Top 24 cuộc thi Khởi nghiệp VNU Innovation Startup 2021, Co-founder - Trưởng phòng Nhân sự - Công ty Reditex.
Đặc biệt, hội trường tầng 8 nhà E tràn đầy không khí hào hứng của gần 200 sinh viên đến từ các khoa/viện của toàn trường.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chia sẻ tọa đàm sẽ là nơi mang đến cho sinh viên USSH nhiều trải nghiệm và bài học mới về khởi nghiệp từ các cựu sinh viên thành đạt
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh: “Khởi nghiệp là khát vọng của rất nhiều bạn trẻ, trong đó có sinh viên VNU-USSH. Không ít thế hệ sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã gặt hái được thành quả trên con đường tạo dựng doanh nghiệp của riêng mình. Với việc chuẩn bị cho sinh viên các kiến thức chuyên môn tốt, kỹ năng mềm với các học phần tự chọn phong phú, nhà trường còn đồng hành cùng các em trong việc mở ra các cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ các CEO, các nhà khởi nghiệp thành công. Nhà trường sẽ là cái nôi để nâng đỡ những ước mơ, khát vọng của các em trên hành trình khởi nghiệp”.
Phó Hiệu trưởng nhà trường vui mừng khi buổi tọa đàm có sự tham dự của những cựu sinh viên, sinh viên VNU-USSH, những con người đã tìm ra lối đi riêng và đạt được những thành công. Chính các anh các chị đã truyền ngọn lửa cảm hứng để các thế hệ sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tự tin vun đắp và thực hiện ước mơ khởi nghiệp.
Tọa đàm nhận được sự quan tâm của các thầy cô đến từ các đơn vị của nhà trường
   
Các diễn giả khách mời của Tọa đàm “GenZ khởi nghiệp: Muốn thành công không sợ thất bại” do Đoàn Thanh niên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chủ trì tổ chức
Sinh viên VNU-USSH sôi nổi tham gia mini game và phần trao đổi với các vị diễn giả

Từ con số 0 đến thành công trên con đường khởi nghiệp với nông sản quê hương
Câu chuyện bắt đầu từ những ngày “nhàm chán” với công việc bàn giấy đầy áp lực tại một doanh nghiệp sau thời gian đi làm công sở, chị Lưu Thị Hòa đã quyết tâm nghỉ việc để tìm kiếm con đường đi của riêng mình. Các sản phẩm đặc sản của quê hương Hà Giang đã mang lại cho chị Hòa nhiều cảm hứng. Với số vốn ít ỏi tích lũy sau thời gian đi làm, chị Lưu Thị Hòa đã quyết định thành lập doanh nghiệp kinh doanh các sản vật đặc sắc của địa phương. Tuy nhiên những hăm hở ban đầu của một người trẻ đã vấp phải không ít thất bại do sản phẩm không đạt yêu cầu, người mua ngày càng ít đi. Chị Hòa đã phải trăn trở rất nhiều.
Từ câu nói trùng xuống của mẹ “Hay con dừng lại đi!” và hình ảnh mẹ cặm cụi nhặt những mảnh vụn thành phẩm, chị Hòa đã vực dây tinh thần, bởi phía sau mỗi bước đi của chị còn có cả gia đình.
Chị Lưu Thị Hòa - Giám đốc HTX Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Thương mại tổng hợp Po Mỷ, Cựu sinh viên khoa Quốc tế học chia sẻ cùng sinh viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN
Sản phẩm mật ong bạc hà của chị có tính đặc trưng vùng miền cao, có lợi thế về văn hóa của vùng đất Hà Giang. Tuy nhiên, để sản phẩm của mình có tính khác biệt so với các doanh nghiệp kinh doanh đặc sản tại địa phương, chị Lưu Thị Hòa đã dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu mô hình sản xuất mới. Theo đó, sản phẩm mật ong bạc hà được khai thác từ 100% hộ nuôi là người dân tộc thiểu số, có số ngày nuôi mật dài, áp dụng công nghệ cao, giữ lại trên 90% dưỡng chất của tinh dầu bạc hà. Từ những nghiên cứu kỹ lượng của người chủ doanh nghiệp về công nghệ để mang đến sản phẩm tốt nhất cho người dùng, các sản phẩm của chị đã dần chiếm được tình cảm của người dùng.

Học hỏi những điều thú vị từ việc du học nước ngoài để trở về khởi nghiệp
Đó là câu chuyện của anh Phan Quốc Dũng về những ngày tháng học tập và cảm nhận cuộc sống du học tại Copenhagen, Thụy Điển. Cảm nhận xu hướng “chữa lành” của thế giới, nhất là sau dịch Covid-19, anh Dũng đã nảy ra ý tưởng sản xuất các loại nến thơm để kinh doanh tại Việt Nam.
Anh Phan Quốc Dũng và những câu chuyện truyền cảm hứng tới sinh viên VNU-USSH
Không phải con đường thành công nào cũng trải hoa hồng, từ ý tưởng đến việc mang sản phẩm ra thị trường và để người dùng biết đến sản phẩm, anh Dũng cũng gặp không ít khó khăn. Đó là việc mang suy nghĩ, góc nhìn từ một quốc gia khác về Việt Nam, nơi có truyền thống, văn hóa riêng biệt. Anh Dũng cũng chia sẻ những thách thức và cơ hội khi cạnh tranh với các “ông lớn” trên thị trường, doanh nghiệp khởi nghiệp cần tìm tới những thị trường ngách để phát triển các sản phẩm chiến lược. Lựa chọn đi theo con đường mà mình có nhiều hiểu biết, kiến thức, chớp được cơ hội, cộng với tinh thần “muốn thành công không sợ thất bại”, các bạn sinh viên sẽ tìm được thành quả cho mình.
“Ngọn lửa khởi nghiệp vẫn đang cháy hừng hực như những ngọn nến đang thổi bùng trong tâm hồn mình” – đó là tinh thần mà anh Dũng đã truyền cảm hứng tới hơn 200 bạn sinh viên VNU-USSH tại tọa đàm.

Từ cuộc thi khởi nghiệp của trường ĐH đến những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Khuất Thanh Mai là cái tên quen thuộc với sinh viên USSH khi nằm trong Top 24 cuộc thi Khởi nghiệp VNU Innovation Startup 2021, thành viên đội thi giải Nhì cuộc thi VNU Innovation Startup 2022, Thanh Mai chia sẻ, đây là những bước đi đầu tiên giúp cô sinh viên K65 Khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trau dồi tri thức từ hai học phần tự chọn về khởi nghiệp của VNU-USSH. Tuy nhiên, cô sinh viên năm thứ 3 đã vấp phải khó khăn khi xác định đối tượng khách hàng hướng tới cũng như sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường. Những trải nghiệm, học hỏi và quyết tâm với ý tưởng khởi nghiệp đã mang đến cho Thanh Mai những thành quả ban đầu.
Thanh Mai đã cùng các bạn của mình đã tìm ra những sản phẩm xanh, sáng tạo, sử dụng “rác điện tử” để tái chế thành các sản phẩm xanh, bền vững. Sản phẩm của Thanh Mai đã nhận được sự đón nhận của khách hàng, và đó là thành quả đền đáp cho những đam mê của cô gái 2K2.
Cô sinh viên Khuất Thanh Mai – nhân vật quen thuộc với sinh viên USSH
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có lợi thế và thách thức gì trong Khởi nghiệp?
“Có nhiều người nghĩ rằng sinh viên khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ ít cơ lợi thế và cơ hội để khởi nghiệp, tuy nhiên, thực tế lại chứng minh sinh viên VNU-USSH có nhiều lợi thế trong quá trình khởi nghiệp”. Đây là chia sẻ của chị Lưu Thị Hòa cũng như các khách mời của tọa đàm.
Vậy lợi thế của sinh viên VNU-USSH khi bước chân vào khởi nghiệp là gì? Đó chính là việc các bạn có thế mạnh lớn trong khảo sát và nghiên cứu về thị trường với nhiều phương pháp đã được rèn luyện trong các học phần cũng như trong quá trình làm bài tập nhóm, tiểu luận, các đề tài nghiên cứu khoa học hay khóa luận tốt nghiệp. Mặt khác, một số học phần về khởi nghiệp đã khai phá, khơi dậy và phát huy tính sáng tạo của sinh viên VNU-USSH, trong đó các học phần như Tư duy sáng tạo và thiết kế ý tưởng, Khởi nghiệp… được nhiều sinh viên yêu thích, hứng thú. Kỹ năng “dắt túi” của sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn còn là khả năng viết tốt, được các doanh nghiệp đánh giá cao trong việc sáng tạo nội dung để truyền thông, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp.
 
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có nhiều lợi thế được trang bị từ khi ngồi trên ghế nhà trường
Chị Lưu Thị Hòa chia sẻ, sinh viên VNU-USSH có tính đồng cảm xã hội cao, tìm hiểu về con người và nhạy cảm với các vấn đề về xã hội, cùng với phong trào nghiên cứu khoa học đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian học tập đã giúp sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có những giải pháp kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, các cuộc thi về khởi nghiệp, giải thưởng nghiên cứu khoa học được nhà trường tổ chức thường niên, cuộc thi VNU Innovation Startup dành cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội… chính là điểm tựa vững chắc để nâng bước những khát vọng khởi nghiệp của sinh viên.
“Tuy nhiên, sinh viên USSH cần trau dồi thêm tri thức về quản trị kinh doanh để phát triển các mô hình khởi nghiệp một cách hiệu quả” - Giám đốc HTX Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Thương mại tổng hợp Po Mỷ cho biết.
Tọa đàm “GenZ khởi nghiệp: Muốn thành công không sợ thất bại” không chỉ là nơi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp từ những cựu sinh viên đi trước, mà hơn nữa còn là nơi kết nối các thế hệ sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn trong một mạng lưới USSHer để cùng nhau hợp tác, cùng nhau thành công.

Tác giả: Thùy Dzung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây