Sinh viên VNU-USSH và đam mê Khởi nghiệp Kinh doanh Xanh

Thứ tư - 19/07/2023 07:01
Sáng ngày 19/7/2023, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề "Khởi nghiệp tạo tác động” trong khuôn khổ Cuộc thi Khởi nghiệp Kinh doanh Xanh (ClimateLaunchpad Việt Nam - CLP) năm 2023.

Chương trình hội thảo gồm chuỗi 03 phiên diễn ra từ ngày 19 - 21/7/2023 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN với sự tham dự của nhiều chuyên gia, CEO tại các tổ chức, doanh nghiệp và sinh viên một số trường đại học tại Hà Nội. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ của Hội thảo quốc tế “Khởi nghiệp tạo tác động” thuộc Cuộc thi Khởi nghiệp Kinh doanh Xanh (ClimateLauchpad Việt Nam - ClimateLaunchpad Bootcamp: Training in Green Start-ups).
Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN: TS. Trịnh Văn Định - Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học; TS. Phạm Hoàng Hưng - Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển; TS. Tạ Thị Bích Ngọc - Bí thư Đoàn trường; Ths. Dương Tất Thành - Phó bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên trường; Lê Nguyễn Cam Ly - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên VNU-USSH.
Hội thảo vinh dự đón tiếp ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation Việt Nam (HSF); bà Trịnh Ngọc Mai - Giám đốc chương trình HSF Việt Nam; Ông Nguyễn Hồng Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS); PSG.TS Nguyễn Minh Tân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất thiên nhiên, ĐH Bách Khoa Hà Nội cùng hơn 30 sinh viên đến từ các trường đại học tại Hà Nội tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp Kinh doanh Xanh.

Khởi nghiệp Kinh doanh Xanh – tiếp sức cho đam mê khởi nghiệp của sinh viên VNU-USSH
Phong trào Sinh viên 5 tốt của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được phát động và triển khai từ đầu năm học 2022 - 2023 với hàng loạt các hoạt động khác nhau, trong đó, Tuần lễ Sinh viên 5 Tốt - Twinkle Week 2023 đã trở lại với một hình thức mới, quy mô và thực tế chuyên sâu qua sự phối hợp của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cùng Quỹ Hanns Seidel Stiftung (HSF) và Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS) đồng tổ chức. Tại chương trình này, sinh viên VNU-USSH đã được thử sức trong cuộc thi Khởi nghiệp Kinh doanh Xanh (CLP) cùng sinh viên đến từ nhiều trường đại học danh tiếng trên cả nước.
CLP là cuộc thi khởi nghiệp kinh doanh xanh lớn nhất toàn cầu, bắt nguồn từ Hà Lan từ năm 2014 và tới nay đã được tổ chức tại 60 quốc gia. Việt Nam bắt đầu tham gia và tổ chức CLP từ năm 2019 và đến năm 2022 đã có 02 đội tham gia thi Chung kết toàn cầu.
Sinh viên tham gia CLP sẽ được nâng cao kiến thức về kinh doanh tạo tác động, hoàn thiện mô hình kinh doanh, quản lý tài chính, tính toán phát thải nhà kính trong vòng đời sản phẩm… bởi các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Sinh viên được hỗ trợ tiếp cận các dự án năng lượng sạch, sản xuất và tiêu dung bền vững, tiếp cận tài chính từ các nhà đầu tư tiềm năng và đơn vị tài trợ; được hỗ trợ mở rộng mạng lưới về khởi nghiệp xanh, tham gia các cộng đồng khởi nghiệp, các sự kiện giao lưu kết nối với các bộ/ban/ngành liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực. Ngoài ra, các dự án tham gia sẽ được quảng bá thương hiệu tới cộng đồng khởi nghiệp kinh doanh xanh quốc tế.
Tại cuộc thi này, các bạn sinh viên sẽ được tham dự các phiên thảo luận cùng các chuyên gia CLP Việt Nam, như: TS. Trần Lương Sơn - Chuyên gia cao cấp về Chiến lược kinh doanh và đánh gía tác động cho các start-ups; Ths.Đặng Bảo Khánh - Chuyên gia cao cấp về Tài chính và phát triển sản phẩm; ông Ron Bloemers - Chuyên gia quốc tế từ CLP Hà Lan với hơn 25 năm kinh nghiệm thực hành trong ngành công nghệ sạch toàn cầu; ông Richard D.Mcclellan - Cố vấn chiến lược và chính sách độc lập, Thành viên BGK Chung kết quốc gia CLP năm 2022…
TS. Trịnh Văn Định - Trưởng phòng Quản lý và Nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Trao đổi tại Hội thảo, TS. Trịnh Văn Định - Trưởng phòng Quản lý và Nghiên cứu khoa học cho biết, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với vai trò là thành viên nòng cột của Đại học Quốc gia Hà Nội, với sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc khơi dậy các tiềm năng sáng tạo, tư duy và tinh thần khởi nghiệp trong nhiều thế hệ sinh viên. Sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp với sinh viên VNU-USSH trong cuộc thi Khởi nghiệp Kinh doanh Xanh sẽ góp phần hiện thực hóa đam mê kinh doanh, khởi nghiệp của sinh viên ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em học hỏi kinh nghiệm từ cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế. TS. Trịnh Văn Định nhấn mạnh, từ khóa “Khởi nghiệp xanh” xuyên suốt trong chuỗi hội thảo của chương trình cũng sẽ là một phần hành trang của sinh viên VNU-USSH trong quá trình khởi nghiệp sau này.
Ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation Việt Nam (HSF)
Đánh giá cao tinh thần ham học hỏi của sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation Việt Nam (HSF), cho biết, HSF tự hào khi được đồng hành và hỗ trợ sinh viên các trường đại học, trong đó có sinh viên VNU-USSH trong quá trình khởi nghiệp. Đại diện đơn vị tổ chức cũng mong rằng, các em sinh viên sẽ phát triển những ý tưởng từ cuộc thi để khởi nghiệp thành công.
Tại hội thảo, sinh viên VNU-USSH đã được lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp xanh với chủ đề về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học, khởi nghiệp trong kinh doanh tác động. Nhiều tri thức mới cùng những bài học kinh nghiệm của các chuyên gia đã mang tới cho sinh viên VNU-USSH cái nhìn toàn diện về những mô hình khởi nghiệp kinh doanh xanh tại Việt Nam và trên thế giới.
Ông Nguyễn Hồng Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) chia sẻ một số thông tin về Hội thảo Quốc tế Khởi nghiệp tạo tác động và cuộc thi Climate Launchpad.
PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất thiên nhiên (ĐH Bách Khoa Hà Nội), Trưởng nhóm nghiên cứu Smojeva chia sẻ về chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong trường đại học”
 
Sinh viên VNU-USSH và những ưu thế để hiện thực hóa đam mê khởi nghiệp
Từ góc nhìn của một sinh viên về câu chuyện sáng tạo, khởi nghiệp, sinh viên Khuất Thị Thanh Mai - Phó Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Nhân văn (SURE) cho biết, các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN rất hào hứng và có nhiều tiềm năng, đam mê để khởi nghiệp.
Sinh viên Khuất Thị Thanh Mai - Phó Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Nhân văn (SURE)
Từ năm thứ nhất, với 02 học phần bắt buộc là “Khởi nghiệp” và “Tư duy sáng tạo và thiết kế ý tưởng”, Thanh Mai và nhiều bạn sinh viên VNU-USSH đã được truyền cảm hứng và trang bị một số kiến thức, kỹ năng để khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp. Theo đó, trong quá trình học, sinh viên VNU-USSH đã được gợi mở những ý tưởng kinh doanh ngay từ các sản phẩm có trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Thanh Mai, em đã được các thầy cô và Đoàn Thanh niên hỗ trợ để đưa ý tưởng “Tái chế rác thải điện tử” tham gia các cuộc thi, trong đó ý tưởng trên đã lọt Top 24 cuộc thi Khởi nghiệp - Sáng tạo VNU năm 2021, đạt giải Nhì của cuộc thi này năm 2022. Cô sinh viên VNU-USSH đang tiếp tục phát triển sản phẩm của mình để tham dự cuộc thi đổi mới sáng tạo tại Đài Loan năm 2023.
Cô sinh viên K65 ngành Công tác Xã hội, Khoa Xã hội học chia sẻ: “Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các ý tưởng khởi nghiệp cũng như nhận được sự hỗ trợ của nhà trường để hiện thực hóa ý tưởng đó. Vì vậy, các bạn sinh viên VNU-USSH hoàn toàn tự tin để theo đuổi đam mê khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên giảng đường”.
Từ kinh nghiệm khởi nghiệp từ năm thứ hai, cô sinh viên nhắn nhủ, các bạn sinh viên khi hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp, hãy tìm kiếm những người bạn cùng chí hướng, luôn luôn tin tưởng nhau và am hiểu về lĩnh vực khởi nghiệp. Ngoài việc tìm những cộng sự là chuyên gia trong các lĩnh vực như quản trị kinh doanh, quản trị nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm, truyền thông, marketing…, sinh viên khởi nghiệp cần trau dồi, học hỏi và mở rộng những mối quan hệ trong cộng đồng. “Ham học hỏi là tiền đề để phát triển các kỹ năng trong khởi nghiệp” - Thanh Mai cho biết.
 
Hội thảo thu hút nhiều sinh viên đến từ các khoa/viện của VNU-USSH và các trường ĐH khác tại Hà Nội
Trước câu hỏi của các bạn sinh viên về những khó khăn của sinh viên khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn khi bước chân vào khởi nghiệp, PSG.TS Nguyễn Minh Tân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất thiên nhiên, ĐH Bách Khoa Hà Nội đánh giá, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có nhiều ưu thế khi khởi nghiệp với các câu lạc bộ về khởi nghiệp hoạt động sôi nổi, được nhà trường trau dồi kỹ năng qua các học phần cũng như hỗ trợ sinh viên trong quá trình khởi nghiệp. Đặc biệt, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có tư duy sáng tạo, ham học hỏi thì việc khởi nghiệp không phải là khó khăn.
Cuộc thi ClimateLaunchpad 2023 sẽ diễn ra từ tháng 01/2023 – 10/2023 qua các vòng như sau:
Vòng đơn: 01/03 – 10/05/2023
Vòng chọn hồ sơ: Tháng 6/2023
Chuỗi đào tạo Bootcamp với Chuyên gia quốc tế từ Hà Lan: Tháng 7/2023
Chuỗi đào tạo 1:1 với các Cố vấn quốc gia về khởi nghiệp xanh: Tháng 7-8/2023
Chung kết Quốc gia (10 đội được chọn vào vòng Chung kết): Tháng 8/2023
Chung kết Khu vực Châu Á (3 đội thắng cuộc của Chung kết Quốc gia): Tháng 9/2023
Tư vấn chuyên sâu cho 10 đội thi Chung kết Quốc gia: Tháng 8-10/2023


Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:
 
 
 
 
 

 
 

Tin bài liên quan:
Tinh thần khởi nghiệp của Sinh viên VNU-USSH: Muốn thành công không sợ thất bại
Cuộc thi "Ý tưởng Khởi nghiệp Nhân văn - S-Star 2022" gắn Khởi nghiệp với quyền sở hữu trí tuệ tại Đại học KH&NV ĐHQGHN

Tác giả: Thùy Dzung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây