Tin tức

Lưỡng quốc tiến sĩ Đỗ Văn Khang

Thứ ba - 03/11/2015 22:36
Từ người thợ sắp chữ nhà in trở thành một Tiến sĩ khoa học, từ một cán bộ trẻ theo cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp đã tròn 50 tuổi Đảng, giáo sư Đỗ Văn Khang với hình dáng đẹp, quắc thước, trái tim vẫn sôi nổi như ban đầu.
Lưỡng quốc tiến sĩ Đỗ Văn Khang
Lưỡng quốc tiến sĩ Đỗ Văn Khang

Trong một số công trình lý luận về mỹ học anh thường ký tên Lưỡng quốc tiến sĩ Đỗ Văn Khang. Anh còn giải thích thêm là trong hai bằng Tiến sĩ, trong đó có một là Phó tiến sĩ chuyển thành Tiến sĩ Việt Nam, và một là Tiến sĩ khoa học Nga. Có người nói thân tình: Anh chỉ nên để một danh hiệu là Tiến sĩ khoa học thôi. Chuyện lưỡng quốc có vẻ cổ xưa rồi. Anh trả lời: “Sao lại xưa? Ngày nay có lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, còn trước kia có lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Tôi tuy nhỏ bé nhưng sự thực là có được kết quả đó, thì tôi sử dụng ngôn từ phù hợp. Cũng tự nhiên thôi, có nhiều từ ngữ lúc đầu lạ tai rồi nghe cũng quen như phường, quận, nhậu… Chỉ sợ từ ngữ chứa đựng đồ giả như tiến sĩ giấy, tiến sĩ gỗ - những hiện tượng khá phổ biến hiện nay.

Con đường học thuật của Phó Giáo sư Lưỡng quốc tiến sĩ Đỗ Văn Khang là một hành trình gian khổ. Theo lời kể, anh con một gia đình viên chức nghèo ở Hà Nội. Từ nhỏ, cậu bé Khang đã tham gia các hoạt động của khu phố thời kỳ đầu cách mạng. Kháng chiến theo gia đình lên Việt Bắc rồi làm công nhân cho Nhà in Tô Hiệu - một nhánh của Nhà in Tiến Bộ. Ở đây, Đỗ Văn Khang lần đầu được gặp những nhà văn tên tuổi từ lâu anh đã ngưỡng mộ như Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyên Hồng. Một lần, tôi hỏi anh Xuân Diệu: “Anh Khang - thầy giáo ở khoa tôi - hỏi thăm sức khỏe của anh. Anh Khang trước là công nhân nhà in Tô Hiệu ở Việt Bắc, thường in sách báo văn nghệ và có nhiều lần được gặp anh, hỏi chuyện anh”. Anh Xuân Diệu lắc lắc nhẹ đầu như để nhớ lại và nói “Cậu Khang! Cậu Khang! Mình nhớ rồi, bọn mình thường gọi là cậu em nhỏ đẹp trai… Mấy chục năm rồi bây giờ đã dạy đại học, cho mình gửi lời chức mừng”.

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, anh Khang về lại Hà Nội và vẫn làm công nhân cho Nhà in Tiến Bộ từ 1954 đến 1958. Trong bốn năm được bầu hai lần là Lao động Tiên tiến và Chiến sĩ thi đua và được chọn đi học Bổ túc công nông. Ở đây, được học thầy học bạn, trí tuệ khai sáng nhanh. Mở trường Bổ túc công nông là một sáng kiến của Đảng, của Nhà nước tạo điều cho con em công nông vì chiến tranh không được học hành đầy đủ có cơ hội phát triển khả năng. Anh Khang cho biết anh học nhanh, học cấp tốc một năm hai lớp, hai năm ba lớp. Ở đây, anh gặp các vị đã có tên tuổi như ông Trần Xuân Giá, Nguyễn Duy Quý, Châu Đình Du. Năm cuối học ngoại ngữ, anh Khang cùng học một lớp với ông Phan Văn Khải sau này là Thủ tướng Chính phủ. Cùng sang Nga, ông Khải về trường Plékhanov, còn anh Khang về Đại học Lomonossov. Từ đấy con đường đi mỗi người mỗi khác. Năm 1965, anh Khang về công tác ở Trường Đại học Tổng hợp, trước còn ở bộ phận chính trị sau chuyển về Khoa Ngữ văn, vẫn theo mạch Lý luận Văn học và Mỹ học.

Từ đấy, chúng tôi quen nhau. Sống ở vùng quê sơ tán, anh mang theo một con nhỏ, chăm sóc cho cháu ăn ở học hành. Ở vùng rừng núi, anh thường kể chuyện ở bên Nga: “Tôi ở vùng biển đẹp Xô-chi thuộc biển Đen nay thuộc Gru-di-a nên rất nhớ biển. Mỗi buổi chiều khi làm việc xong tôi ra biển bơi hàng giờ không chán”. Anh Khang người cao to, sức lực, dáng đẹp. Anh được anh em trong khoa bầu chọn là “bốn tốt” trong đó có một tiêu chuẩn là “ngực trắm”. Con trắm ấy xuống biển chắc là loại kình ngư rồi. Anh kể: “Tôi bơi đẹp nên một ông bà người Nga và cô gái ngồi chơi trên bờ nhìn tôi và bàn luận với nhau. Khi lên bờ, bà mẹ và cô con gái đến gặp tôi: “Anh bơi rất đẹp, con gái tôi cũng rất thích bơi, chắc là anh ở trong khu ký túc xá của trường gần đây. Nếu được anh dạy giúp cho cháu bơi vào buổi chiều, cũng vào giờ giấc này, tôi xin cám ơn”. Tôi dè dặt rồi nhận lời”. Và cứ thế trong khoảng gần nửa tháng, kình ngư đã hướng dẫn nhẹ nhàng cho em gái Nga biết bơi. Anh vui vẻ nói: “Ở tuổi mười bảy, dưới nước nó quấn quít quá”. Hạnh phúc đến một lần nhưng với anh chắc niềm vui không đến một lần. Khang tủm tỉm gật đầu: “Cũng còn nhiều bí mật sẽ kể dần với anh”.

PGS.TSKH.NGƯT Đỗ Văn Khang 

Lại trở về với khu sơ tán Vạn Thọ và những ngày gian khổ. Anh Khang được sống và làm việc với những thầy giáo văn có hạng như các giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ. Anh Khang mê văn và say mê học tập tìm hiểu vào khu vực văn chương. Là học trò sáng ý nên chẳng mấy chốc đã có một vốn kiến thức có thể vận dụng được và chuẩn bị làm Phó Tiến sĩ. Tôi ủng hộ và nhiệt tình giúp đỡ anh. Luận án Phó Tiến sĩ của anh nêu vấn đề lý thuyết vùng trong văn chương. Lý thuyết vùng có căn cứ thực tiễn, từ vùng kinh tế, vùng văn hóa đến vùng văn học. Anh Khang đi sâu khảo sát vùng văn học gắn với các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa. Không tránh khỏi những chỗ thiếu sót về kiến thức văn học, nhưng suy nghĩ của anh mạnh dạn, nhiều dự cảm đúng. Mọi người góp ý sửa chữa và anh đã bảo vệ thành công. Anh Khang là người năng động, luôn mải mê tìm tòi khám phá, mặc dù các luận điểm có lúc chênh vênh. Đỗ Văn Khang không dừng bước, anh xin đi Nga làm Tiến sĩ. Anh đậu phó tiến sĩ năm 1984 và xin làm tiến sĩ trong vòng 4, 5 năm. Anh lại trở về với trường cũ, thầy cũ - giáo sư Ốp-xian-ni-cốp. Lúc này nước Nga đã bắt đầu có những chuyển động lớn. Các lý thuyết văn hóa văn nghệ không phát triển một chiều mà đa chiều và có nhiều ý kiến phản biện. Ông thầy vui vẻ với người học trò cũ nhưng nói thẳng: “Anh có học thuyết hay tìm tòi nào mới không? Không thì đi về thôi. Tôi hẹn cho anh sáu tháng để chuẩn bị rồi đến gặp tôi”. Sau mấy tháng chuẩn bị. Đỗ Văn Khang lại mang lý thuyết vùng thẩm mỹ đến trình bày với giáo sư. Anh nói: “Tôi khéo biến báo kết hợp giữa hiện thực XHCN với lý thuyết vùng thẩm mỹ nên giáo sư đã đồng ý và thích lý thuyết vùng thẩm mỹ của tôi”. Cơ sở của vùng thẩm mỹ là lý thuyết trường rộng lớn trong không gian, thời gian, chi phối đến nhiều quan hệ tự nhiên và xã hội. Lý thuyết trường còn chi phối đến cả tình yêu. Anh tâm sự thêm “Thời trẻ cô nào mà lọt vào trường thẩm mỹ của tôi thì cũng khó thoát ra được. Tôi làm xong và bảo vệ Tiến sĩ sớm và được thưởng đi du lịch trong vòng một năm. Đi chơi hết nửa thời gian thì hết tiền và lại nghĩ đến chuyện về nước”. Đỗ Văn Khang là người hăng hái tìm tòi, khám phá. Nhiều ý kiến của anh đến sớm và không dễ được tiếp nhận. Anh đề xuất nhiều vấn đề có lúc như viển vông nhưng thời gian đã ủng hộ anh. Thời kỳ có chủ trương thay đổi quốc ca, Đỗ Văn Khang hăm hở tham gia dự thi. Lời bài hát của anh hùng mạnh nhưng còn chung chung, ước lệ:

Đất nước từ Hùng Vương và Hồ Chí Minh

Sừng sững đón gió biển Đông

Thiêng liêng ghi dấu trong tim ta

Mãi mãi vì non sông này

Một dân tộc bao đời nay

Vì độc lập tự do và hạnh phúc

Ta đi vang lừng Xô Viết

Thắp lên bão lửa anh hùng

Anh Khang cho biết cái tứ nhạc và lời là của tôi. Tôi nhớ anh Nguyễn Đình Tấn chỉnh và phổ cho tôi. Anh Tấn khen là sáng tác có cảm hứng mạnh, nếu có kèn đồng kết hợp thì hùng tráng. Bài hát dự thi, song chuyện thi cử này có đầu không có cuối nên bài hát dự thi trở thành bài hát gia đình. Thỉnh thoảng, anh và các con trai cùng hát vang nhà. Đỗ Văn Khang và các cháu đều thích nhạc. Gia đình có không khí âm nhạc, như một dàn nhạc nhỏ. Anh Khang có măng-đô-lin, cháu Khanh và Thảo chơi Vi-ô-lông. Anh quan tâm đến tổ ấm gia đình và xây dựng nền nếp. Đến bữa ăn, nếu chị Thiệp vợ anh đi vắng thì chiếc ghế của chị để trống, các con không được ngồi vào ghế dành cho mẹ. Con cái anh thành đạt, học hành chu đáo. Con gái đầu là Viện trưởng ở Trường Đại học Văn hóa, chồng là Viện trưởng Viện Tôn giáo. Một gia đình nhỏ có đến hai viện trưởng. Anh bảo: “Gia đình tôi biết buôn bán nên tập trung cho các cháu học hành. Cùng khu vực văn hóa nếu khi có bút chiến, tôi có các cháu trợ lực”. Chị Thiệp vợ anh cũng phấn đấu vượt cấp từ một cô gái quê ra tỉnh làm thợ đã học hai bằng tại chức ở Bách khoa rồi học Trường Nguyễn Ái Quốc. Ở cương vị Thư ký công đoàn ngành dệt và ủy viên Chủ tịch đoàn Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chị được bầu vào Quốc hội khóa 3. Anh Khang cho biết đồng chí Phạm Thế Duyệt bảo: “Chính tôi đã phát hiện ra cô Thiệp”. Chị có xe riêng và hay đi công tác ở các tỉnh, anh Khang thường tháp tùng. Anh Khang nói “Xe đẹp lại chở ông chồng tiến sĩ, phối hợp hài hòa giữa khoa học và chính quyền”. Đến đâu anh chị cũng được đón tiếp sang trọng. Chị Thiệp nói chuyện về phong trào, anh Khang tiếp chuyện khoa học. Tiến sĩ Khang thao thao nói chuyện văn học trong và ngoài nước. Cán bộ công đoàn có người ngẩn ngơ cảm phục.

Ảnh: Thành Long

Tổ ấm gia đình đang vui tươi, ấm áp thì bất ngờ chị Thiệp lâm bệnh hiểm nghèo và ít tháng sau ra đi. Gia đình đau đớn, hẫng hụt, anh Khang chăm lo các cháu. Thời gian trôi qua, người sống phải sống và lại tìm đến niềm vui mới. Tình cờ trong một lần đi dạy, anh Khang quen chị Hường, một giáo viên phổ thông. Không có chuyện tình duyên sét đánh như thời trẻ nhưng tình yêu của anh chị cũng ở dạng siêu tốc. Anh Khang tâm sự với tôi: “Trời lấy của tôi đi một người vợ hiền, thương tôi lại bù cho tôi một cô vợ trẻ”. Hai người khi đã yêu nhau thì tuổi tác chẳng cản trở gì… Chị Hường ba mươi tư tuổi, anh Khang ở tuổi 64, chênh nhau ba mươi tuổi. Ở một quốc gia Trung Đông, luật hôn nhân quy định chỉ được lấy người thua nhiều nhất là 25 tuổi. Nếu ở quốc gia này, anh Khang đã phạm luật. Còn ở Việt Nam, ba mươi tuổi cũng chẳng sao, miễn là hòa hợp. Hiện tại thì thế nhưng nói về tương lai, nếu giáo sư Khang cộng thêm mười tuổi chắc không tránh khỏi vất vả. Nhưng mọi sự vẫn bình yên, hạnh phúc. Một hôm, anh Khang mời bạn bè dự cuộc vui gọi là Mười năm giữ vững chính quyền. Mười năm vẫn giữ vững nền chuyên chính, kẻ dòm ngó lảng xa. Trời phú cho anh sức khỏe tuyệt vời. Anh để bộ râu dài, nhiều sợi đã bạc trắng. Chị Hường nhận xét: “Nhà tôi để râu trông già, nhưng tâm hồn và sức lực anh vẫn trẻ trung”. Có người tò mò hỏi: “Anh Khang để râu chắc có xin phép chị?”. “Dạ, việc đó là quyền của anh Khang, tôi chỉ dặn là anh đừng để quá dài”. Từ đấy bộ râu của anh Khang ngắn hơn và cắt thành một đường ngang trông đẹp và lạ mắt. Anh vẫn dạy học đều môn Mỹ học cho các trường Đại học Mỹ thuật, Đại học Văn hóa, Học viện Âm nhạc, Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Anh nói vui “Một vài thầy cùng dạy với tôi nhưng cũng mệt mỏi và nghỉ dần”. Từ người thợ sắp chữ nhà in trở thành một Tiến sĩ khoa học, từ một cán bộ trẻ theo cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp đã tròn 50 tuổi Đảng, giáo sư Đỗ Văn Khang với hình dáng đẹp, quắc thước, trái tim vẫn sôi nổi như ban đầu.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHOA HỌC, NHÀ GIÁO ƯU TÚ ĐỖ VĂN KHANG

  • Năm sinh: 1934.
  • Quê quán: Hà Nội.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Triết học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Nga năm 1964.
  • Nhận học vị Tiến sỹ Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1984.
  • Nhận học vị Tiến sỹ khoa học Mỹ học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Nga năm 1987.
  • Nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1992.
  • Nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008.
  • Thời gian công tác tại trường: 1964 - 2000.
    • Đơn vị công tác: 

Khoa Triết học.

  • Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Bộ môn Mỹ học - Đạo đức học, Khoa Triết học (1993 - 2002).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Triết học, Mỹ học, Nghệ thuật học.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:
    1. Lịch sử Mỹ học (Giai đoạn nguyên thủy và cổ đại Hy-lạp), NXB Văn hóa, 1984.
    2. Mỹ học Mác – Lênin cao cấp (giáo trình, chủ biên), NXB Đại học Sư phạm I, 2004.
    3. Lịch sử Mỹ học (trọn bộ, chủ biên), NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.
    4. Mỹ học cơ sở (giáo trình, chủ biên), NXB Giáo dục Việt Nam, 2011.
    5. Cơ sở lý luận văn học (Mỹ học của văn chương), NXB Thông tin & Truyền thông, 2013.
  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:
    • Giải Ba các tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2015 với cuốn sách Cơ sở lý luận Văn học.           

Tác giả: GS.NGND Hà Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 5 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây