Một người thầy giàu lòng nhân ái và vị tha

Thứ sáu - 30/10/2015 02:27
Trong cuộc sống, GS.TS.NGƯT Nguyễn Cao Đàm là người ôn hòa, nhẹ nhàng. Trong khoa học, ông cũng là người ôn hòa nhưng kiên định, nhất quán. Suốt mấy mươi năm làm công tác nghiên cứu, ông có nhiều bài viết tập trung bàn về mô hình câu trong tiếng Việt trên hai bình diện cấu trúc và ngữ nghĩa từ một góc độ và cách nhìn đậm dấu ấn riêng.
Một người thầy giàu lòng nhân ái và vị tha
Một người thầy giàu lòng nhân ái và vị tha

Giáo sư Nguyễn Cao Đàm sinh ngày 24/10/1930 tại thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Ông là người tham gia cách mạng sớm. Năm 1950, ông đã là sĩ quan Cục quân y, Bộ Quộc phòng. Nhưng bởi có duyên với nghề giáo dục nên ông đã chuyển sang gắn bó với nghiệp dạy cho đến khi về nghỉ hưu. Năm 1953, Nguyễn Cao Đàm được điều chuyển sang làm chuyên viên Vụ Giáo dục chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục. Hai năm sau đó (năm 1955) ông được cử đi học tại Đại học Lomonosov, Maxcơva, Liên xô (cũ). Là một đảng viên, lại là cán bộ quản lý có kinh nghiệm, ông được đại sứ quán Việt Nam tại Liên xô cử làm phụ trách khối lưu học sinh. Tại đây, ông có cơ duyên gặp hai bạn đồng nghiệp tương lai là GS. Nguyễn Hàm Dương và GS. Hoàng Thị Châu cũng sang học Đại học Lomonosov một năm sau đó. Mối cơ duyên này đã tạo nên một tình đồng nghiệp hiếm có giữa ba vị giáo sư tiền bối của ngành Ngôn ngữ học, sau này. Cả ba đều trưởng thành từ một nước xã hội chủ nghĩa và về nước công tác trong cùng một bộ môn, đó là Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nếu nói tới lịch sử của ngành ngôn ngữ, không ai có thể quên những đóng góp của ba vị giáo sư trên ngay từ những ngày ngành này còn non trẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Cao Đàm (1930-2013)/Ảnh: Thành Long

Một điểm đặc biệt mà các thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đều nhận thấy ở GS. Nguyễn Cao Đàm, đó là vẻ phúc hậu, cởi mở, vô tư toát ra ngay trên gương mặt của ông. Hình  như từ nụ cười, ánh mắt, cho đến lời nói, cử chỉ của ông đều khiến mọi người ngay từ lần đầu gặp ông cũng cảm đã có cảm giác ấm áp, dễ gần. Suốt những năm tháng chiến tranh phá hoại, ông cùng các đồng nghiệp đưa học trò đi sơ tán ở khắp mọi nơi. Khi thì Hà Tây, Hà Bắc, lúc Đại Từ (Thái Nguyên)…, ở nơi nào, ông cũng cùng các thành viên trong tổ luôn vận dụng phương châm dạy và học gắn liền với thực tập thực tế, khắc phục mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt các công việc chuyên môn. Nhờ vậy, trong những năm tháng gian khổ, mặc dù giặc Mỹ đánh phá ác liệt, Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vẫn hoàn thành được những công trình nghiên cứu tập thể công phu, bề thế, tiêu biểu nhất là công trình nghiên cứu ngôn ngữ Tày Nùng. Chính qua những đợt đi thực tế, sinh viên ngành ngôn ngữ không những có điều kiện thâm nhập vào đời sống mà còn biết vận dụng kiến thức chuyên ngành của mình vào phục vụ đời sống, xã hội.

Là một nhà giáo kiêm nhà nghiên cứu, lúc nào GS. Nguyễn Cao Đàm cũng thể hiện tấm lòng nhiệt huyết với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Vốn tính giản dị, ông luôn lặng thầm mang hết khả năng và lòng đam mê cống hiến cho khoa học. Trong nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, ông có một quan điểm riêng bên cạnh những quan điểm, những cách nhìn nhận khác. Sự khác biệt về quan niệm, những tranh luận học thuật của ông có thể dẫn đến những hệ luỵ nho nhỏ cho bản thân GS, cho học trò. Phạm Đức Dương – một giáo sư Ngôn ngữ học hàng đầu Việt nam vốn là sinh viên được GS. Nguyễn Cao Đàm hướng dẫn luận văn đã nhận được điểm 3 – (ba trừ) trên thang điểm 5 thời ấy. Sinh thời, có lúc nhớ lại chuyện này GS. Nguyễn Cao Đàm  nói:

- Đúng là khi bảo vệ, Phạm Đức Dương suýt bị đánh trượt thật. Vấn đề là quan điểm khoa học mà! Phức tạp lắm khó có thể rạch ròi. Nhưng điều quan trọng nhất là sau này thực tế đã khẳng định. Phạm Đức Dương đã là một giáo sư có rất nhiều công trình giá trị, được thừa nhận.

Phẩm chất của GS. Nguyễn Cao Đàm là vậy. Trong cuộc sống, ông là người ôn hòa, nhẹ nhàng, trong khoa học ông cũng là người ôn hò nhưng kiên định, nhất quán. Suốt mấy mươi năm làm công tác nghiên cứu, ông có nhiều bài viết tập trung bàn về mô hình câu trong tiếng Việt trên hai bình diện cấu trúc và ngữ nghĩa từ một góc độ và cách nhìn đậm dấu ấn riêng. Ngoài phần nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực mà ông phụ trách (ngữ pháp tiếng Việt), ông còn chú ý đến việc xây dựng các bộ sách công cụ phục vụ cho việc dạy tiếng Việt và học tiếng nước ngoài. Đó là những cuốn như Tiếng Việt thực hành, Tiếng Việt thực hành cho người nước ngoài, Từ điển phân tích từ vựng Việt Nam – Nhật Bản – Anh (Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản, 1975). Ngoài ra, ông còn cho ra mắt một số loại sách chuyên khảo như Thuyết thiên mệnh và Truyện Kiều (in bằng tiếng Nhật tại NXB Đồng Minh Hội 1978-1980), sách nghiên cứu đối chiếu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản…

Với rất nhiều cống hiến, GS. Nguyễn Cao Đàm đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý: GS.TS, NGƯT, Huân chương chiến thắng hạng 3. Huân chương Kháng chiến Hạng nhì, Huân chương Lao động Hạng 3. Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ. Huy chương Vì sự nghiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật. Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế.

Giờ Giáo sư đã thành người thiên cổ, nhớ đến ông, đồng nghiệp, bạn bè, các thế hệ hậu sinh luôn nhớ đến một vị giáo sư đẹp lão, ôn hoà, suốt đời lặng thầm kiên định với khoa học và vì các thế hệ học trò.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN CAO ĐÀM

  • Năm sinh: 1930.
  • Năm mất: 2013.
  • Quê quán: Bắc Giang.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn tại Đại học Lomonosov, Matxcơva (Liên bang Nga) năm 1961.
  • Nhận bằng Tiến sỹ tại Đại học Lomonosov, Matxcơva (Liên bang Nga) năm 1989.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2002.

  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008.

  • Thời gian công tác tại trường: 1961-2004.

         + Đơn vị công tác:

Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1961-1964; 1971-1972).

Tổ Ngoại ngữ (1965-1971).

Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV.

         + Chức vụ quản lý:

Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ (1964-1971).

Tổ phó Tổ Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn (1979-1985)

  • Hướng nghiên cứu chính: Lí luận ngôn ngữ, Loại hình học ngôn ngữ, Ngữ pháp đại cương, Ngữ pháp tiếng Việt.

  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Thuyết thiên mệnh và Truyện Kiều, sách chuyên khảo Kiều (in bằng tiếng Nhật Bản), NXB Đồng Minh Hội, 1978-1980.

Nhật Bản – Việt Nam, Những vấn đề văn hoá – Những sự thật kì lạ và những suy nghĩ có tính chiến lược kinh tế – văn hoá của Nhật Bản, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1994.

Tiếng Việt thực hành, Hội thoại Việt Nhật, Khoa Thái – Đông Dương, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản, 1975.

Từ điển phân tích từ vựng Việt Nam – Nhật Bản – Anh, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản, 1975.

Từ điển những cụm từ Anh – Việt thông dụng (đồng tác giả), NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây