Tin tức

Nhà nghiên cứu Việt ngữ học thâm hậu, đam mê

Thứ bảy - 31/10/2015 00:30
GS. Vũ Đức Nghiệu đang tiếp bước những thế hệ khai mở ngành đi trước, trở thành một nhà nghiên cứu Việt ngữ học thâm hậu, nghiêm túc, mãi mãi đam mê cùng cái nghề lao tâm khổ tứ trót đa mang.
Nhà nghiên cứu Việt ngữ học thâm hậu, đam mê
Nhà nghiên cứu Việt ngữ học thâm hậu, đam mê

Anh sinh Giáp Ngọ (1954), tôi sinh Ất Mùi, sau anh một năm và học sau một khóa Văn khoa Tổng hợp Hà Nội.

Tôi coi việc được sống bên anh, được làm bạn với anh là một điều may mắn của cuộc đời mình. Sáu mươi tuổi hơn cả rồi, nói điều này không sợ sai. Con người ta sống cạnh nhau, người này là tấm gương soi của người khác. Soi vào một đứa cháu nhỏ, ta sống lại tuổi thơ. Soi vào đời thầy ta, ta ngậm ngùi già cả. Bạn bè soi vào nhau, rút ra được vô vàn kinh nghiệm thực sinh.

Nhiều khi ngồi trò chuyện, tôi đùa: “Cùng mệnh với nhau nhưng anh là Sa Trung Kim, còn tôi là Kim Trung Sa mới chuẩn”.

Tôi cố gắng hàng ngày hàng giờ để học được triết lí sống bất di bất dịch ở anh: “Hướng tới sự TỬ TẾ”. Thế thôi mà thật khó. Thật khó vẫn phải thế thôi.

Chúng tôi là thế hệ rất hợp với câu thơ: Những kẻ quê mùa cũng thành trí thức. GS. Vũ Đức Nghiệu sinh ra trong một gia đình Nho phong thôn dã vùng quê Giao Tiến, Giao Thủy. Từ một học sinh giỏi Văn thời cấp III Phổ thông đất Nam Hà nổi tiếng lúc đó, anh trúng tuyển Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Nghiệu

Anh được phân công học ngành Ngôn ngữ. Lớp đầu tiên chỉ có 21 người, nhập học vào thời điểm chiến tranh phá hoại của Mĩ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất và cũng là quyết định nhất. Từ nơi sơ tán Yên Phong, Hiệp Hòa tỉnh Hà Bắc, bạn bè, cũng đều nhà quê như nhau, dần yêu mến một “cụ” Nghiệu người nhỏ nhắn, da trắng xanh nhưng thỉnh thoảng hay bày trò “nát non” mấy chị em quần phíp áo chiết yêu. Thỉnh thoảng “cụ” lại nói bằng những thành ngữ vừa cổ kính vừa dân gian thâm thúy khiến mọi người dỏng tai rồi tủm tỉm cười. Khi đó, mấy ai đã hiểu cái sâu xa của môn khoa học này. Đều là văn chương cả mà, ở quê ra, tổ chức phân công học gì thì theo vậy. “Học cũng vì cách mạng, anh em ta/ Đói cũng cùng cách mạng chẳng phiền hà” - mọi người thường đùa vui.

Lên lớp, câu đầu tiên thầy nào cũng dạy: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Tưởng các thầy mào đầu cho oai, ai ngờ theo Ngôn ngữ hết cuộc đời mới nhận ra đôi điều cái lí của nó. Và phải có sống đến hai ba đời chưa chắc đã tường minh câu tục ngữ may ra mới non trăm tuổi đó.

GS. Vũ Đức Nghiệu là một trong ít người của lớp xưa sớm đốn ngộ nghiệp Ngữ và được các bậc lão sư tin cậy truyền y bát khoa học.

Đoạn này thì tôi bắt đầu được chứng kiến. Vào 1976, tôi gặp anh ở bể nước, hỏi: “Anh làm luận văn cái gì?”. “Tớ làm từ điển ngược”. “Nó là cái gì vậy?”. “Là không phải từ điển xuôi!”. “Nói ngược à?”. “Không! Nó là chép ngược. Như ĂN thì sắp N trước rồi Ă sau. Sau đó xếp theo an pha bê thành cuốn từ điển”. “Rỗi hơi!”. “Chơi thôi mà!”. Thầy hướng dẫn là Tiến sĩ Toán làm Ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân, đẹp trai thôi rồi, từ Ba Lan về, hay chơi bóng bàn cùng tôi. Nói thật lúc đó tôi chả hiểu mô tê gì về cách làm lạ lẫm đó nhưng thầm phục rằng, thầy hướng dẫn đã chọn đúng một người trò tỉ mỉ, nghiêm nhặt, suốt ngày vật vã với tư liệu. Và cũng qua anh, tôi hiểu thế nào là các loại phiếu đục lỗ K3 hay K5 và thầm khen bọn tây nó hơn hẳn bọn ta. Sau này, khi chuyển chỗ ở, có 3 hộc tủ chứa khoảng mét khối phiếu mà chúng tôi lễ mễ bê theo. Không biết là bao nhiêu cái nữa nhưng tôi đùa: “Mất phiếu dầu 2 tháng thì cũng đủ giấy nấu cơm”.

Bản thảo từ điển ngược ấy vẫn còn (trọn 70 thếp giấy bảy hào hai ngày trước chi chít chữ chép tay). Nay hỏi lại sao chưa in, anh nhẹ nhàng: “Cũng phải xem lại ứng dụng thực tiễn tiếng Việt cái đã”. Anh cầu toàn còn tôi thì lại lôi ra ngâm cứu khi cần đối chiếu để hiểu phong cách thơ nôm cổ nhân hoặc đem ra “búa” mấy câu lạc bộ thơ quê về chuyện vần vèo xướng họa. Nó như một bộ vận thư khi xưa, rất tiện cho việc định vị, nhận dạng vần, nhận dạng ngữ âm trong thơ, cái thứ mà tôi cần khi tiếp cận phong cách ngôn ngữ tác giả.

Chính nhu cầu cần nền tảng lí luận cho luận văn tốt nghiệp mà từ thời sinh viên, với vốn tiếng Nga của mình, anh đã dịch gần 200 trang tư liệu liên quan đến từ điển ngược. Điều mà sinh viên đào tạo thời chiến không phải ai cũng có gan.

Cái đoạn hậu chiến chúng tôi vẫn sống cùng nhau. Nghèo không thể tả. Xem lại ảnh thời đó, ai cũng gầy như ho lao cả lượt. Đây là thời anh giáo Vũ Đức Nghiệu với chiếc xe cọc cạch, đêm đêm đạp 20 cây số đi về học chữ Nôm ngoài Hà Nội. Anh rủ tôi nhưng tôi lười và không thích làm phiền con xe quí báu của bạn. Tôi sang trường Ngoại ngữ kiếm dăm bảy chữ Pháp ngữ rồi “để gió cuốn đi”.

Anh đi học vì lúc này có người đã nhìn ra “phẩm” của anh: bền bỉ, cẩn trọng, tỉ mỉ, chín chắn, cầu toàn và cầu tiến. Người có con mắt xanh đó là GS. Nguyễn Tài Cẩn. Tuy nhiên, anh cũng mất một thời gian ứng xử lưỡng lự giữa hai hướng đi: ngữ nghĩa hiện đại hay ngữ văn lịch sử của hai bậc thầy siêu chặt chẽ và sắc sảo của mình: thầy Cẩn và thầy Dân. Cái thời ấy các thầy tin tưởng và kì vọng vào lớp sau lắm nên anh có nhiều thuận lợi. Tôi thì trò gì cũng chơi, cái gì cũng mê. Anh thì cặm cụi suốt ngày dịch thuật (trước là tiếng Nga) các tài liệu ngôn ngữ, kiên nhẫn làm tư liệu bất tận về từ vựng, ngữ pháp lịch sử.

Những trang dịch thuật đầu tiên của năm thứ nhất làm thầy nằm trong cuốn sách Dẫn luận ngôn ngữ học của Reformatskij. Rồi Ngôn ngữ học đại cương của Kasevich (in roneo do Chi đoàn Ngôn ngữ học tổ chức và xuất bản). Đọc nó lúc đó, tôi chỉ nghĩ: đã có cụ F. Saussure nhai vỡ hàm mấy năm rồi còn sinh ra cụ Kasevich làm gì nữa. Thế thôi.

Những ngày đêm anh làm tư liệu về thơ Nôm Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến tôi ngạc nhiên. Nhưng khi bài viết về ngôn ngữ thơ Nguyễn Trãi (1980) chung tên với GS. Nguyễn Tài Cẩn, tham gia hội nghị Ngữ học thì tôi mới vỡ nhẽ. Trước đó, tôi làm Nguyễn Trãi nhưng là về tư tưởng. Đọc bài của anh, tôi ý thức được giá trị vô song của tri thức ngôn ngữ khi tiếp cận văn bản văn chương. Tôi càng mê ngôn ngữ học từ đó.

Từ đó, anh giáo đại học Vũ Đức Nghiệu sớm vững vàng đứng lớp và sớm được tin cậy cầm giáo trình dạy cho nhiều trường khác nhau: Khoa Ngữ văn Tổng hợp, Khoa tiếng nước ngoài Đại học Tổng hợp, các khoa Đại học Ngoại ngữ Quân đội, Đại học Cảnh sát, Sĩ quan Chính trị, Trường Tuyên huấn Trung ương… Lớp trẻ không phải ai cũng đủ năng lực như vậy. Người thì trẻ, nói thì nghiêm chỉnh, nhiều khi là riết róng. Học viên vừa thích vừa sợ. Hai lăm tuổi, mọi người đã gọi là “Cụ Nghiệu”.

Những bài viết khoa học của giáo sư Vũ Đức Nghiệu vào thời điểm đó (1980 -1983), tuy chưa nhiều nhưng chậm mà chắc, sớm định hình một phong cách nghiên cứu theo hướng khảo cứu: nói có sách mách có chứng, thuật ngữ chắc chắn, lập luận mạch lạc, kiệm lời nên nén chặt, gọn gàng nên khúc chiết, chặt đứt chém đoạn một việc, một vấn đề.

Thầy là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học (1996 - 2000), Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (2003-2014)/Ảnh: Thành Long

Không tranh đua chuyện xuất ngoại học lên, anh đăng kí học và làm nghiên cứu sinh trong nước. Vừa lo ăn vừa lo cái đề tài luận văn tiến sĩ Những từ có liên hệ lịch sử với nhau về nghĩa và về phụ âm đầu trong tiếng Việt. Một đề tài tưởng hẹp nhưng đòi hỏi một tầm tri thức sâu sắc về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng - ngữ nghĩa lịch sử. Lúc này, thầy cũ của anh là GS. Nguyễn Đức Dân, đã chuyển vào Sài Gòn, cũng đang đam mê về “trường ngữ nghĩa” với những bài viết gọn gàng trên tạp chí Kiến thức ngày nay Thế giới mới. Hai thầy trò tuy xa nhưng mỗi lần gặp lại trò chuyện rỉ rả. Người hướng dẫn anh làm luận án là hai giáo sư uy tín trong giới ngữ học: GS. Lê Quang Thiêm và GS. Nguyễn Thiện Giáp, thân tình vừa như thầy vừa như anh, lại vừa là đồng nghiệp. GS. Nguyễn Tài Cẩn xuất tư liệu nhà và hướng dẫn tài liệu thư viện cho mà ngồi chép tay dằng dặc.

Những tưởng công việc suôn sẻ lại phải sang Phnom Pênh dạy tiếng Việt, chúng tôi gọi là đi “dân công hỏa tuyến”. Anh ôm tài liệu sang bên đó tranh thủ trùm màn viết luận văn. Người ta thì buôn bắc bán đông kiếm mấy đồng, anh lọ mọ đọc, viết. Đi đâu cũng hỏi dân từ này chữ nọ rồi ghi chép, so sánh. Đêm mất điện khoe chữ này gốc nọ rồi cãi nhau chơi. Khổ mà vui. Nhưng cơ bản, 8 tháng thì bản thảo coi như xong, về nước bảo vệ. Cũng bằng bạn bằng bè cái khoản ấy.

Lúc này, với uy tín khoa học đã được xác định, anh được Đại học Cornell, Khoa Các ngôn ngữ hiện đại và ngôn ngữ học mời dạy ba năm liên tiếp. Một hôm giúp anh quét vôi dọn phòng tầng hai, tôi thấy rơi ra kẹp giấy mỏng dính mấy tờ. Nhặt lên tôi kêu: “Thư ông Diffloth này!”. Anh cầm lên kêu: “Ối! Không thư đâu. Nhận xét của cụ và một ông nữa đấy! Tí chết, mất thì tiếc lắm! Thủ bút mà!”. Thay cho lời viết, tôi trích các cụ vậy.

Cornell University …. 21 April 93.

From G. Diffloth. To Language Comittee.

“Nghieu is a talented teacher, appreciated by students and open to suggestions”… “This is absolutely invaluable to our students and will serve them in their future endeavours having to do with Vietnamese” (Nghiệu là một giảng viên tài năng, cởi mở chia sẻ ý kiến và được các sinh viên đánh giá cao ...  Điều này thật vô cùng quý giá đối với sinh viên của chúng ta và nó sẽ giúp khuyến khích họ nỗ lực đến với tiếng Việt).

From J. Wheatley. To G. Diffloth.

“Nghieu is extremely competent and conscientious teacher…. I found him the best Vietnamese teacher I have even worked with. He is very aware of nuances; he thinks up wonderful conversational material” (Nghiệu là một giảng viên cực kỳ có năng lực và tận tâm, chu đáo ... Tôi nhận ra rằng anh ấy là một giảng viên tiếng Việt tốt nhất trong những giảng viên mà tôi từng làm việc cùng. Anh nhận thức rất rõ các sắc thái tinh tế trong dạy tiếng và làm những ngữ liệu hội thoại thật tuyệt).

Hai bức thư họ báo cáo cho Chủ nhiệm khoa của họ còn chứa đựng những đánh giá tốt đẹp nữa cùng kế hoạch cộng tác khoa học. Đây rõ ràng không phải là ngôn ngữ “ngoại giao” vì nó là trao đổi nội bộ với nhau. Ông Chủ nhiệm khoái quá đưa luôn cho anh. Mỗi ý kiến đầy một trang A4. Được kỉ vật như vậy cũng thật là yên lòng.

Anh không thoát khỏi trách nhiệm quản lí. Trước hết là làm Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học. Năm 2000, PGS. Phạm Quang Long, lúc đó đang là Hiệu phó, Bí thư Đảng ủy Trường Nhân văn nói với tôi: “Nghiệu nó đi Mĩ về rồi, cũng có tí “má” rồi, tham gia quản lí với anh em đi chứ, cậu về gắng thuyết phục nó hộ tí”. Anh lên làm Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học rồi sau đó là Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV hơn hai khóa liền.

Phòng làm việc trên trường của anh như một góc thư viện chuyên môn, vừa quản lí vừa chuẩn bị cho chuyên luận sau này. Đó là tác phẩm Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt in năm 2011. Những bài báo vẫn đều đặn ra đời. Những sách chuyên luận in chung, riêng vẫn xuất bản, riêng 2014 - 2015 đã có đến 3 cuốn.

Được trở về với công tác chuyên môn ở Khoa Ngôn ngữ học đối với anh là một hạnh phúc. “Nó hợp tạng và nó yên” - anh bảo thế.

GS. Vũ Đức Nghiệu đang tiếp bước những thế hệ khai mở ngành đi trước, trở thành một nhà nghiên cứu Việt ngữ học thâm hậu, nghiêm túc, mãi mãi đam mê cùng cái nghề lao tâm khổ tứ trót đa mang.

Một lần nữa, nhấp chén trà, anh nhắc lại: “Bọn ta luôn luôn hướng đến sự tử tế thôi ông ạ!”

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ VŨ ĐỨC NGHIỆU

  • Năm sinh: 1954
  • Quê quán: Nam Định.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1976.
  • Nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội năm 1996.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2002.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2012.
  • Thời gian công tác tại trường:  1977 đến nay.
    • Đơn vị công tác:

Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV.

  • Chức vụ quản lý:

  Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học (1996 - 2000).

Trưởng phòng Khoa học (2000 - 2002).

Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (2003-2014).

Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu (2009 đến nay).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Lí luận ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Dạy tiếng.
  • Công trình khoa học tiêu biểu:
    1. Dẫn luận ngôn ngữ học (đồng tác giả, chủ biên), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.
    2. Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011.
    3. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (đồng tác giả), NXB Giáo dục, Hà Nội; 2011.
    4. Chứng tích của âm đầu */ɓ / trong một số văn bản viết bằng chữ Quốc ngữ thế kỉ VII - đầu thế kỉ XIX, Ngôn ngữ, S.9 - 2014.
    5. Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt của học viên quốc tế (đồng tác giả), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.
    6. Tiếng Việt lịch sử trước thế kỉ XX: những vấn đề quan yếu. (Đồng tác giả). Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2015.

 

Tác giả: Nguyễn Hùng Vỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 5 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây