Tin tức

Chi bộ Khoa Khoa học Chính trị: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Thứ hai - 18/05/2020 23:14
Hiện nay, Chi bộ Khoa Khoa học Chính trị có 25 đảng viên, trong đó 20 đảng viên là cán bộ của Khoa, 05 đảng viên là sinh viên. Sau 9 năm hình thành, phát triển, Khoa đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Uy tín và học hiệu của Khoa Khoa học Chính trị được khẳng định trong nước và quốc tế.
Chi bộ Khoa Khoa học Chính trị: Dấu ấn một nhiệm kỳ
Chi bộ Khoa Khoa học Chính trị: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Công tác chính trị - tư tưởng: Đoàn kết tạo sự đồng thuận

Điểm nhấn quan trọng của Chi bộ Khoa Khoa học Chính trị trong nhiệm kỳ vừa qua là thường xuyên thực hành dân chủ, đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao trong đơn vị. Chi bộ đã xây dựng được tập thể đoàn kết, thống nhất, kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề phát sinh nhằm ổn định tư tưởng của cán bộ, học viên, sinh viên. Công tác chính trị - tư tưởng được triển khai gắn kết với các hoạt động chuyên môn của cán bộ, thông qua các hoạt động cụ thể của học viên và sinh viên. Chi bộ, chi ủy là tập thể đoàn kết, thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện trong xây dựng và phát triển Khoa.

Công tác tổ chức, chuẩn học vị và đào tạo chuyên gia

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tổ chức của Khoa được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới trên cơ sở tinh gọn các đầu mối. Hiện tại, Khoa có 03 bộ môn: Bộ môn Hồ Chí Minh học, Bộ môn Chính trị học và Bộ môn Chính trị truyền thông. Khoa cũng đã có những chuẩn bị bước đầu cho việc nâng cấp Khoa thành Viện Khoa học Chính trị nhằm tăng tính chủ động, năng động trong tổ chức, phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, quản trị Khoa và gia tăng các nguồn lực tài chính. Việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, chuẩn học vị và đào tạo chuyên gia cho cán bộ, giảng viên đã được Ban lãnh đạo Khoa chú trọng và quan tâm sát sao. Nhiều cán bộ, giảng viên của Khoa đã được tạo điều kiện đi đào tạo trong và ngoài nước, tham gia các hội thảo ở Hàn Quốc, Đức, Nga, Lào, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... Bên cạnh đó, Khoa cũng tổ chức đón nhiều đoàn học giả quốc tế đến hội thảo, giảng dạy và làm việc tại Khoa như các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Ấn Độ... để đáp ứng yêu cầu xây dựng đại học nghiên cứu của Nhà trường. Chất lượng đội ngũ cán bộ đã có bước phát triển đáng kể. Trong nhiệm kỳ 2017-2020, Khoa đã có 02 cán bộ đảng viên được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư, có 03 cán bộ đảng viên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, 03 cán bộ đảng viên thi đỗ nghiên cứu sinh, 01 cán bộ đảng viên bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, 01 cán bộ đảng viên tốt nghiệp đại học văn bằng 2 ngành tiếng Anh.

Công tác chuyên môn: Chất lượng, phát triển

Bên cạnh việc duy trì các hình thức đào tạo ngắn hạn truyền thống, Khoa cũng đã mở rộng hình thức đào tạo ngắn hạn mới, trên cơ sở hợp tác với các đối tác nước ngoài như: mời chuyên gia trong nước và nước ngoài thuyết trình theo chủ đề chuyên môn cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh; ký các văn bản ghi nhớ về chương trình trao đổi giảng viên, học viên, sinh viên với đối tác nước ngoài. Việc tuyển sinh sau đại học đã được chú trọng, phương pháp tuyển sinh thường xuyên được đổi mới nhằm thu hút nghiên cứu sinh và học viên cao học. Mỗi cán bộ, giảng viên trong Khoa luôn chủ động và trực tiếp tham gia vào công tác tuyển sinh, nhiều kênh quảng bá mới đã được triển khai. Do đó, thời gian vừa qua, Khoa Khoa học Chính trị luôn nằm trong top đơn vị dẫn đầu trong việc tuyển sinh sau đại học của Nhà trường.

Công tác chuyển đổi chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học hai chuyên ngành Chính trị học và Hồ Chí Minh học được thực hiện tốt và cập nhật theo hướng liên thông có tính mở gắn liền với đòi hỏi của thị trường nhân lực. Khoa có kế hoạch xây dựng các ngành học, chuyên ngành mới ở bậc đại học, sau đại học đáp ứng nhu cầu xã hội.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa đã có những kết quả nổi bật. Trên 95% cán bộ, giảng viên của Khoa đã trực tiếp chủ trì hoặc tham gia vào nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (cấp Nhà nước thuộc chương trình KX04, Tây Bắc; đề tài Nafosted, cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia và cấp cơ sở). Nhiều kết quả nghiên cứu của các đề tài này đã được chắt lọc thành các kiến nghị, tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương và địa phương, cũng như đã được áp dụng hiệu quả trong thực tế. Cuối năm 2019, cán bộ Khoa Khoa học Chính trị đã đăng ký thành công 04 đề tài cấp Đại học Quốc gia trên tổng số 13 đề tài thuộc về Trường Đại học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong nhiệm kỳ vừa qua, cán bộ trong Khoa đã công bố trên 60 công trình ở trong nước, đặc biệt công bố khoảng 20 công trình quốc tế, trong đó có 01 công trình thuộc danh mục tạp chí có uy tín thế giới.

Trong ba năm qua, Khoa đã tổ chức được hơn 20 buổi thuyết trình, seminar của chuyên gia trong và ngoài nước cho cán bộ, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh về các chủ đề liên quan đến Chính trị học, Quan hệ quốc tế, Hồ Chí Minh học... Khoa làm đầu mối tổ chức 10 cuộc hội thảo quốc tế, hội thảo và tọa đàm khoa học cấp Khoa, cấp Trường, trong đó có hội thảo được tổ chức ở nước ngoài. Sau hội thảo, các kết quả nghiên cứu được xã hội hóa thành các kỷ yếu hội thảo, sách tham khảo, sách chuyên khảo được xuất bản ở trong nước hoặc nước ngoài.

Công tác hợp tác phát triển là một thế mạnh của Khoa Khoa học Chính trị. Khoa đã tạo dựng được uy tín và duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới như: các trường đại học Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Lào... Hợp tác quốc tế mang lại lợi ích nhiều mặt cho Khoa, góp phần nâng cao vị thế của Khoa và Nhà trường trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác phát triển, đồng thời cũng nâng cao trình độ chuyên môn, đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, đảng viên của Khoa.

Với khẩu hiệu hành động cho nhiệm kỳ 2020-2022: “Chủ động, đổi mới, phát triển”, Chi bộ Khoa Khoa học Chính trị phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra: xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; phát triển tổ chức; tăng cường chuẩn hóa giảng viên, đào tạo chuyên gia; nâng cao chất lượng đào tạo; đột phá trong đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển; nâng cao đời sống cán, bộ đảng viên; xây dựng Khoa trở thành trung tâm học thuật chuyên ngành về khoa học chính trị có uy tín quốc gia, quốc tế, góp phần vào sự phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

 

Tác giả: Chi bộ Khoa Khoa học Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây