Ngôn ngữ
Năm 1966, khi chiến tranh chống Mỹ đã lan rộng khắp hai miền Nam Bắc, nhà thơ Nam Hà viết những câu thơ đọc thật nghẹn ngào:
Đất nước!
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt…”.
Bài thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” có khổ thơ trên, khi vừa được ngâm lên, ai cũng hiểu “ngày gặp mặt” chính là ngày hòa bình đầu tiên, là ngày vui chiến thắng. Danh ngữ “ngày gặp mặt” trong bài thơ ở đây có tính biểu tượng: biểu tượng cho một niềm tin, một quyết tâm và một hy vọng hướng về tương lai cuộc chiến.
Cũng không ai nghĩ rằng cuộc chiến tranh kéo dài đến thế, “giọt nước mắt để giành” mãi đến tận chục năm sau.
Năm 1971, hàng nghìn sinh viên từ các trường đại học trên miền Bắc nô nức lên đường ra trận. Lệnh động viên tuyển quân, lấy sinh viên từ các trường đại học vào quân đội được hiểu như một thời khắc mà đất nước đã phải dùng đến “của để giành”, dùng đến những “lá bài cuối cùng” cho cuộc kháng chiến giành độc lập tự do. Ý thức được trách nhiệm và hoàn cảnh lịch sử đó, sinh viên đại học trúng tuyển nghĩa vụ càng quyết tâm, sẵn sàng ra trận.
Sinh viên, cán bộ Đại học Tổng hợp Hà Nội nô nức lên đường nhập ngũ ngày 6/9/1971
Trong đội ngũ những trung đoàn sinh viên lên đường năm đó có chúng tôi: 20 sinh viên khóa 15 của Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đúng là một cuộc chia tay không ai rơi nước mắt. Trong số 20 chàng trai ra đi hôm đó có một chàng trai buồn nhất, trông như “nước mắt đã chảy vào trong”. Anh buồn vì có một bài thi anh chưa được biết điểm. Đó là bài thi môn Văn học phương Tây của thầy Nguyễn Văn Khỏa. Anh cảm thấy bài thi thời lượng 180 phút ấy anh đã viết rất say sưa, tâm huyết, nhưng có thể lạc đề, điểm kém, phải thi lại. Trong lễ xuất quân, thầy Nguyễn Văn Khỏa không ra tiễn chúng tôi. Mọi người đều đoán là vì thầy ở xa, vốn là Trung đội phó trung đội quân báo trong kháng chiến chống Pháp, một cựu chiến binh, nay sức khỏe kém, không thể đạp cái xe đạp cọc cạch kiểu xe thồ chiến dịch Điện Biên Phủ lâu nay thầy vẫn đạp đi dạy mà vào dự lễ tiễn được. Nhưng thầy đã viết mẩu thư ngắn, nhờ người cầm vào như một lời nhắn cho 9 sinh viên đã làm bài thi môn của thầy: “Tôi giữ lại 9 bài thi của các em, những người ra trận. Không được học tiếp lên năm thứ 2, các em chẳng cần ghi điểm học bạ nữa. Tôi chờ ngày các em chiến thắng trở về, đến tôi chơi, nhận lại bài. Các em yên tâm lên đường. Tất cả các em đều xứng đáng nhận điểm cao nhất, thậm chí điểm 10. Bởi vì chẳng có môn học nào lớn hơn môn học của tình yêu Tổ quốc. Viết đơn tình nguyện nhập ngũ là các em đã giành điểm thủ khoa của môn học lớn đó rồi. Chúc các em chiến thắng !”
Đọc lời nhắn nhủ động viên của thầy Khỏa như vậy, nhưng chàng trai có khuôn mặt buồn đó vẫn chẳng vui lên được. Anh chỉ thở dài, lên xe… Bước vào thao trường huấn luyện, anh say mê tập bắn mọi loại súng và nghiên cứu tìm hiểu mọi loại binh khí. Trong lúc đồng đội ngại mang vác nặng, chỉ thích giữ súng tiểu liên AK cho gọn nhẹ, anh lại tình nguyện giữ súng trung liên, một loại súng vác nặng nhất trong đại đội bấy giờ. Sau ba tháng huấn luyện kỹ chiến thuật bộ binh, các tiểu đoàn sinh viên chúng tôi được chia nhỏ về các sư đoàn và các quân binh chúng khác nhau.
Lại một cuộc chia tay. Chia tay giữa những người đàn ông, và dĩ nhiên là cũng “không hề rơi nước mắt”.
Nhiều người còn nhớ: buổi chia tay đồng đội sang sư đoàn khác, anh cứ đứng tần ngần, vì sư đoàn đó được vào Nam trước, đơn vị anh còn phải chờ, đi sau. Không tiễn được các bạn đi thêm một đoạn đường, vì tiểu đội anh còn phải đi lĩnh gạo về cho đại đội, anh đứng bên hàng cây bạch đàn, buồn rười rượi, với đôi mắt “đầy hoàng hôn trong mắt trong”. Bạn bè đồng đội chẳng thể nào quên dáng anh mảnh khảnh đứng ven đường tiễn bạn với đôi mặt đượm buồn. Đôi mắt như báo trước một điều gì chẳng lành đang chờ anh phía trước.
Vào chiến dịch Quảng Trị, anh vẫn là người giữ súng trung liên. Thấy anh gầy nhỏ, Tiểu đoàn trưởng định chuyển anh sang tiểu đội thông tin, nhưng anh thiết tha xin ở lại, trực tiếp chiến đấu, với lý do “quen dùng súng trung liên rồi”. Trong các trận đánh giữ thành cổ Quảng Trị, anh là một trong những tay súng trung liên xông xáo, quả cảm nhất. Thấy anh hay đi đầu đội hình xuất kích, trung đội trưởng nói nhỏ với anh: “Gặp địch, người đi đầu dễ bị quân phục kích xả loạt đạn đầu. Mày con một, chết thì ai nuôi mẹ mày ?”. Nghe thủ trưởng khuyên vậy, anh cười, cải chính luôn: “Thủ trưởng đọc nhầm lý lịch em rồi. Trung đội mình đang có mấy người con một, cứ để em đi đầu, che đạn cho chúng nó. Em có cả chị gái và em trai nữa đấy. Mà chắc gì đã bắn trúng được em”. Sau khi “đả thông tư tưởng” cho chỉ huy, anh vẫn tiếp tục đi đầu, chiếm vị trí của người xuất kích hành quân số một. Trung đội anh lập nhiều chiến công, giữ vững các chốt quanh thành Quảng Trị.
Giữa những ngày bom đạn khốc liệt trong thị xã Quảng Trị, anh vẫn không nguôi nỗi nhớ cha mẹ, quê hương, nhớ giảng đường đại học, và tất nhiên nhớ cả bài thi môn học thầy chưa trả. Có lần anh tâm sự: nếu sống trở về, đến nhận bài anh sẽ đề nghị thầy Khỏa chấm bài thi của anh thật sòng phẳng, khách quan, giống như chấm cho các bạn ở lại học tiếp. Anh sẵn sàng nhận điểm kém, thi lại, chứ không thích thầy cho điểm 10, kiểu cộng điểm “ưu tiên bộ đội”. Nỗi nhớ của anh cũng mỏng manh và nhanh như tia chớp, tan nhanh qua những trận đánh dồn dập bảo vệ vùng đất Quảng Trị vừa giải phóng.
Năm năm trôi qua. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cùng cả nước, chúng tôi đều là những người chiến thắng. Từ các sư đoàn khác nhau, các mặt trận khác nhau, chúng tôi lục tục trở lại trường đại học, học tiếp. Hẹn nhau “một ngày đẹp giời”, chúng tôi đến thăm thầy Khỏa, nhận điểm bài thi 5 năm trước. Chúng tôi kéo nhau đến thăm thày, có cả những sinh viên đợt nhập ngũ khác, dễ đến cả trung đội. Một trung đội lính không súng rậm rịch leo cầu thang lên gác hai của một ngôi nhà cổ, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Căn phòng nhỏ của vị giáo sư độc thân trở nên chật chội, xanh rờn màu áo lính. Thầy Khỏa rất vui, khuôn mặt thầy bừng sáng. Thầy cầm tập bài thi mới tìm thấy trong đáy tủ và bắt đầu phân tích đề bài mình ra. Thầy đọc lại đề thi.
Đề thi: “Bình luận vở kịch Ham-lét của Shakespeare, nhà phê bình Nga Bielinxki viết: “…Kết cục, công chúa Ofélie chết, nhà vua Clodius chết. Không có cái thiện, cũng không có cái ác. Tất cả rồi cũng qua đi, tất cả rồi cùng mai một.” Hãy bình luận lại ý kiến trên”.
Thầy bảo chúng tôi: Thầy không cho ai điểm kém, chỉ có điểm cao hay thấp thôi. Vì đây là đề thi có tính thách đố, gài bẫy một chút, buộc người làm bài phải giải mã bằng chiếc chìa khóa riêng của mình… Nhiều em khi thấy cái tên Bielinxki đã choáng, nghĩ rằng tất cả những người Nga nổi tiếng thế giới thì nói gì cũng là chân lý. Nhiều em đã cố phân tích, chứng minh rằng ý kiến của Bielinxki là đúng. Những bài đó thầy chỉ cho điểm trung bình. Viết hay đến mấy cũng bị trừ điểm, bị phạt vì cái tội sùng bái cá nhân. Duy có một bài thầy cho điểm cao nhất, vì người làm bài có chính kiến rõ ràng, lập trường dứt khoát. Trước tiên bạn ấy viết có ngầm ý phê phán tôi - người ra đề, là đã không cho biết xuất xứ của ý kiến. Bielinxki viết trong bài báo nào, viết khi nào, ở đâu, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể nào. Khi phân tích nội dung vở kịch, người viết đã chủ động xuất phát từ một quan niệm nhất quán về bản chất của văn chương, nghệ thuật, là chủ nghĩa nhân văn. Nghệ thuật không thể là trò chơi vô tư, “không có cái thiện, cũng không có cái ác”, thờ ơ trước cuộc sống xã hội. Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng đấu tranh cho điều thiện, chống cái ác, đấu tranh cho chiến thắng của cái đẹp và tình người. Cuối bài, người viết như bị lạc đề, nhưng thực ra không lạc, mà là kết nối tấn bi kịch của người phương Tây xa xôi từ hàng mấy thế kỷ trước với cuộc chiến tranh giữ nước của người Việt Nam hiện tại, người viết đã kết nối văn chương với hiện thực cuộc đời. Rõ ràng là người viết đã phê phán ý kiến của nhà phê bình Bielinxki từ chỗ đứng của người Việt Nam cầm súng. Em viết với tâm thế của người chuẩn bị nhập ngũ thì phải. Đấy là bài của … Nguyễn Chí Thành. Nguyễn Chí Thành đâu, nhận lại bài này !
Không có ai lên tiếng nhận bài. Thầy Khỏa nhìn vào từng khuôn mặt sinh viên, những sinh viên mà mình chưa hề nhớ tên. Thầy lật sang bài thi khác, nói thêm: “Nếu Thành không đến thì ai cầm hộ cho bạn ấy cũng được. Ai nhận nào ?”. Thấy chúng tôi im lặng nhìn nhau và tránh nhìn vào mắt thầy, bằng linh cảm của người lính già trận mạc, thầy hiểu ngay. Thầy trò chúng tôi trong phòng đều thẫn thờ, cúi mặt, tránh nhìn vào mắt nhau. Một sinh viên mạnh dạn lên tiếng nói nhỏ: “Trong một lần xuất kích, trong lần xuất kích ngày 20 tháng 8 năm 72, giữ thành cổ Quảng Trị, đi đầu đội hình, Thành rơi vào ổ phục kích địch, đạn vào ngực, không về nữa”.
Căn phòng chật chội của người lính Điện Biên năm xưa im phăng phắc. Chúng tôi nhìn thấy lần đầu tiên giọt nước mắt người đàn ông già rơi xuống trang giấy bài thi. Nước mắt thầy rơi vào điểm 5/5 của Nguyễn Chí Thành. Mực đỏ chấm điểm làm con số 5 trong khung Lời phê bài thi nhòe ra như giọt máu.
Chính đó là lúc tất cả chúng tôi cùng chợt nhớ câu thơ Việt Nam vang lên từ năm 1966, câu thơ đã vô tình biến thành mệnh lệnh của một thời đại:
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt !
Các cựu chiến binh là sinh viên, cán bộ Đại học Tổng hợp Hà Nội dâng hoa Đài Kỷ niệm
Tác giả: Phạm Thành Hưng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn