Truyền thống là sức mạnh
Không lâu sau khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45/SL thành lập Đại học Văn khoa tại Hà Nội với mục đích đưa nền khoa học nước nhà “theo kịp bước các nước tiên tiến trên toàn cầu”. Ngày 4/6/1956, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2183/CP thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1956 đến năm 1995 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với tư cách trung tâm nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản hàng đầu của cả nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng từ nơi đây đã sản sinh đội ngũ các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành của đất nước. Những nền tảng cơ bản nhất của nền khoa học Việt Nam đã được xây đắp và khẳng định giá trị.
Tháng 9/1995, trên nền tảng các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức được thành lập và trở thành một thành viên nòng cột của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong gần 80 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn lớn nhất của đất nước, có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản trình độ cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với sự phát triển đi lên của Nhà trường, trong những năm qua, tổ chức Công đoàn của
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ngày càng vững mạnh và phát triển về mọi mặt. Với phương châm tập trung các nguồn lực và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn; thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công đoàn viên, để củng cố, tăng cường sự gắn bó chặt chẽ giữa công đoàn viên và tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Trên cơ sở đó, Công đoàn Nhà trường đề ra mục tiêu đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn bộ phận, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo và người lao động; tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của ngành; tuyên truyền vận động và tham gia đổi mới công tác quản lý; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng Công đoàn Trường ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đưa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sớm trở thành đại học nghiên cứu.
Thành tựu trong công tác chính trị tư tưởng
Trong nhiệm kỳ 2017 - 2023, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban chấp hành Công đoàn Nhà trường đã luôn tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai các hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghị Quyết Đại hội XV Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Nghị quyết XII Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là 7 chương trình công tác toàn khóa của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Các nội dung đã được cụ thể hóa vào kế hoạch và chương trình hoạt động của công đoàn Nhà trường. Các hoạt động được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, cho thấy sự chuyển biến cả về chất và lượng các hoạt động. Các chương trình, kế hoạch của Công đoàn Giáo dục, của Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua nhiều hình thức lồng ghép, phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp với nhiều phương tiện như trang website, nhóm faceboook, zalo, email… góp phần phát huy hiệu quả các hoạt động, tạo sức lan toả rộng rãi trong toàn thể công đoàn viên. Qua đó giúp cho cán bộ nắm được các chủ trương, đường lối, quy định của chính quyền các cấp, đặc biệt là những vấn đề ngành giáo dục đang triển khai, 100% Công đoàn viên được học tập, tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết Công đoàn các cấp.
Đối với công tác chính trị tư tưởng, xác định rõ vị thế, vai trò và sứ mệnh của Nhà trường trong việc bồi dưỡng nhân tài chất lượng cao cho đất nước, chính vì vậy công tác chính trị tư tưởng được Nhà trường đặc biệt chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho công đoàn viên. Thực hiện Nghị quyết lãnh đạo của Đảng các cấp, triển khai thực hiện Chỉ thị 40/CT - TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đến năm 2020, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, đồng thời bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Nhà trường, nên công tác chính trị tư tưởng luôn được Đảng ủy và Ban chấp hành Công đoàn Nhà trường triển khai một cách liên tục, thường xuyên. Công tác chính trị, tư tưởng được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, sinh động thông qua các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa, văn nghệ, kết hợp hoạt động tổng kết, hoạt động về nguồn/tham quan thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử văn hóa của dân tộc. Trong giai đoạn 2017 - 2023, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Nhà trường đã đạt những kết quả quan trọng, trong đó đại đa số công đoàn viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ vững phẩm chất đạo đức nhà giáo, cán bộ viên chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng hành, hỗ trợ đắc lực công đoàn viên trong bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
Với mục tiêu góp phần xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhanh chóng trở thành đại học nghiên cứu, Ban chấp hành công đoàn Nhà trường thường xuyên chăm lo công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, “lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá xếp loại công đoàn viên”. Đồng thời, thông qua những hoạt động này nhằm mục tiêu gắn kết giữa các công đoàn viên trong Trường, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn của các công đoàn viên, nhất là công đoàn viên trẻ đang gặp phải, từ đó có hoạch đề xuất phương án hỗ trợ. Trong nhiệm kỳ 2017 - 2023, Công đoàn Nhà trường đã thực hiện chủ trương xây dựng các hoạt động công đoàn không chỉ là những hoạt động bề nổi, những hoạt động văn hóa tinh thần cho công đoàn viên, không chỉ thuần túy là thăm hỏi, động viên công đoàn viên mà hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới phải bám sát mục tiêu và định hướng phát triển của Nhà trường; phải đồng hành với chính quyền triển khai các hoạt động chuyên môn một cách sâu rộng nhằm hô ứng và đồng hành với chính quyền để thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ của Nhà trường.
Nhiệm kỳ 2017 - 2023 Công đoàn Trường đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn như: “Đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu nhìn từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn” (2017); “Chuẩn chức danh học vị đối với giảng viên trẻ” (2018); “Công đoàn viên với việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu” (2019); “Khai thác học liệu và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, nghiên cứu” (2019); Nghiên cứu vùng cao Việt Nam: Sử học và tiếp cận liên ngành” (2020); “Thiết kế bài giảng đa phương tiện” (2021); “Ứng dụng phần mềm Mendeley để quản lý nguồn tài liệu trích dẫn” (2022); “Đẩy mạnh gắn kết giữa nghiên cứu và công bố quốc tế trong giảng viên” (2022). Thông qua những buổi tọa đàm này đã góp phần giúp công đoàn viên, nhất là đội ngũ công đoàn viên trẻ nhận thấy những điểm còn khuyết thiếu, nhất là trình độ tiếng Anh, kỹ năng viết bài báo khoa học cho các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao (ISI, Scopus), từ đó đề ra những chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ Nhà trường phù hợp với xu hướng phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn Trường liên tục được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được trao tặng nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng như: Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Cờ thi đua của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh có phong trào thi đua xuất sắc năm học 2018-2019
Có thể nói, nhiệm kỳ 2017 - 2023, mặc dù gần 3 năm bị tác động và diễn biến phức tạp bởi đại dịch Covid-19, gây thiệt hại, khó khăn cho hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động đến nhiều mặt của xã hội, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ công đoàn viên Nhà trường. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Công đoàn Trường đã khắc phục khó khăn chủ trì, tham gia nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hiệu quả cho công đoàn viên và cho xã hội. Công đoàn Nhà trường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động; chủ động tham gia công tác quản lý chuyên môn, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng vững mạnh nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” trong giai đoạn mới. Bám sát nghị quyết, kế hoạch nhiệm kỳ, kế hoạch từng năm học, gắn với chuyên môn, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Công đoạn Nhà trường cũng từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn cho phù hợp, tập trung thực hiện có hiệu quả chức năng công đoàn là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo, người lao động.