Buổi tập huấn có sự tham dự và chỉ đạo của PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn); PGS.TS Bùi Thành Nam (Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng phòng Đào tạo) cùng đại diện lãnh đạo và trợ lí đào tạo sau đại học của các khoa/viện/bộ môn.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Thành Nam chia sẻ: “Trong năm học 2023-2024, công tác tuyển sinh và đào tạo sau đại học của Nhà trường đạt được kết quả rất khả quan, hoàn thành và vượt chỉ tiêu, đặc biệt là tuyển sinh bậc tiến sĩ đạt trên 200%. Công tác xét công nhận học vị và trao bằng cho các tân thạc sĩ, tân tiến sĩ được tiến hành kịp thời, trang trọng, để lại ấn tượng rất tốt đẹp đối với người học và gia đình. Có được kết quả đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ phía Ban lãnh đạo Nhà trường, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các đơn vị đào tạo, sự nỗ lực của các thầy cô giảng viên hướng dẫn, trợ lí sau đại học và các cán bộ phòng chức năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh giáo dục có nhiều thay đổi, quy chế mới từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ quản; sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ sở giáo dục, công tác tổ chức đào tạo đại học cũng đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, hôm nay phòng Đào tạo đề xuất tổ chức buổi gặp gỡ để tất cả các cán bộ tham gia công tác quản lí đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ từ các đơn vị đào tạo, phòng chức năng có dịp cùng chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo sau đại học tại Trường ĐHKHXH&NV”.
PGS.TS Bùi Thành Nam phát biểu tại hội nghị
Các đại biểu tham dự buổi tập huấn đã lắng nghe cán bộ phụ trách công tác đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại phòng Đào tạo trình bày báo cáo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về một số thay đổi trong quy chế, văn bản hướng dẫn mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội liên quan đến đào tạo sau đại học; một số vướng mắc các học viên (HV), nghiên cứu sinh (NCS) thường gặp phải trong quá trình hoàn thiện hồ sơ bảo vệ.
TS Hoàng Văn Quynh, Phó Trưởng phòng Đào tạo nhấn mạnh một số điểm lưu ý trong lịch trình tổng quan đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐHKHXH&NV.
Về công tác tổ chức quản lí đào tạo tiến sĩ, ThS Lê Thị Kim Tân lưu ý: sau khi có quyết định công nhận học viên, các đơn vị đào tạo trên cơ sở lịch trình đào tạo Nhà trường đã ban hành kế hoạch học tập chi tiết đến từng tháng cho NCS, đó chính là căn cứ để theo dõi được tiến độ thực hiện, giúp NCS hoàn thành đúng lịch trình đào tạo và bảo vệ đúng hạn.
Giải đáp băn khoăn của các đơn vị đào tạo về tiêu chí cán bộ hướng dẫn, ThS Lê Thị Kim Tân nhấn mạnh: Trong Quy chế 3638/QĐ-ĐHQGHN ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Giám đốc ĐHQGHN đã quy định rất rõ về tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ tham gia hướng dẫn độc lập, hướng dẫn chính, hướng dẫn phụ và đồng hướng dẫn. Chính vì vậy, cán bộ trợ lí sau đại học, lãnh đạo phụ trách công tác đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ của các đơn vị đào tạo cần nắm rõ tất cả các hướng dẫn này để đề xuất danh sách cán bộ hướng dẫn, cán bộ tham gia hội đồng, tránh tình trạng đề xuất không đúng sẽ phải chỉnh sửa nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ bảo vệ của NCS.
ThS Lê Thị Kim Tân cũng bày tỏ mong muốn cán bộ trợ lí sau đại học của các khoa/viện/bộ môn cũng như lãnh đạo đơn vị cần tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc người học, cảnh báo học vụ cho nghiên cứu sinh, hỗ trợ, hướng dẫn NCS một cách tận tình để NCS thực hiện đúng quy chế đào tạo, hoàn thiện bảo vệ luận án trong thời gian sớm nhất, với chất lượng cao nhất.
Về công tác tổ chức, quản lý và đào tạo thạc sĩ, ThS Đinh Văn Nam nhấn mạnh những điểm mới trong quy chế đào tạo, một số lưu ý trong công tác chăm sóc học viên, người học, hạn chế tối đa trường hợp học viên hết hạn tối đa theo quy định.
ThS Nguyễn Đình Trung bày tỏ mong muốn các đơn vị đào tạo lưu ý tiến độ hoàn thành hồ sơ bảo vệ, sau bảo vệ cho học viên đã quy định cụ thể trong lịch trình đào tạo để tránh ảnh hưởng quyền lợi của người học.
Phát biểu tại buổi tập huấn, đại diện các đơn vị đào tạo ghi nhận và đánh giá cao sự chuyên nghiệp, tận tình, sát sao của bộ phận phụ trách công tác đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại Phòng Đào tạo. Điều đó đã góp phần rất lớn vào thành công chung trong công tác đào tạo của Nhà trường, lan toả một hình ảnh Nhân văn Hà Nội chuyên nghiệp, chu đáo, nhân văn đối với đông đảo người học trong cả nước.
Bên cạnh đó, đại diện các khoa cũng cởi mở chia sẻ một số băn khoăn và đề xuất giải pháp để công tác đào tạo sau đại học tiếp tục đạt được thành công hơn nữa trong thời gian tới.
PGS.TS Phạm Hoàng Giang, Trưởng khoa Triết học bày tỏ khó khăn trong việc thực hiện quy định về tham gia nghiên cứu khoa học đối với các học viên, NCS công tác tại các cơ quan không phải giảng dạy, nghiên cứu.
PGS.TS Trịnh Thị Linh, Trưởng khoa Tâm lí học, mong muốn Nhà trường có hướng dẫn cụ thể về danh mục các hoạt động đào tạo nào, tham gia thời lượng bao nhiêu thì NCS sẽ đáp ứng đủ điều kiện quy định.
PGS.TS Hoàng Thu Hương, Phó Trưởng khoa Xã hội học đề xuất Nhà trường có thể cấp tài khoản vnu cho NCS và HV sớm ngay sau khi có quyết định công nhận để NCS, HV có thể khai thác nguồn tài liệu của ĐHQGHN.
TS Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng, phát biểu tại Hội nghị
PGS.TS Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa Thông tin - Thư viện trao đổi tại Hội nghị
TS Nguyễn Quang Anh, trợ lí sau đại học Khoa Du lịch học có trao đổi về giải pháp hỗ trợ NCS hoàn thành việc bảo vệ chuyên đề tiến sĩ, tiểu luận tổng quan trong thời gian quy định
Khép lại buổi tập huấn, PGS.TS Bùi Thành Nam thay mặt phòng Đào tạo, gửi lời cảm ơn đến ban lãnh đạo các khoa/viện/bộ môn, thầy cô giảng viên, cán bộ trợ lí sau đại học đã chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành cùng với phòng chức năng để công tác đào tạo sau đại học của Trường ĐHKHXH&NV trong nhiều năm qua được thực hiện theo đúng quy định và chất lượng ngày càng nâng cao.
PGS.TS Bùi Thành Nam nhấn mạnh: “Những buổi trao đổi như hôm nay là vô cùng cần thiết, bởi đây là dịp chúng ta cùng chia sẻ những băn khoăn, tâm tư để cùng thấu hiểu nhau hơn, cùng thảo luận, đề xuất những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn của công tác đào tạo sau đại học tại mỗi đơn vị. Chúng ta vẫn phải thống nhất: mọi hoạt động đào tạo đều phải tuân thủ theo đúng quy chế, quy định mới nhất của nhà nước, cơ quan chủ quản. Các lãnh đạo phụ trách và trợ lí công tác đào tạo sau đại học của khoa cần phải nắm rất vững, hiểu tường tận về các quy chế, quy định để hướng dẫn người học một cách chính xác, tường minh. Trong quá trình thực hiện cần phải tăng cường hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người học, thông tin kịp thời những thay đổi trong quy chế đào tạo để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của NCS, HV. Các thầy cô trợ lí sau đại học của đơn vị cần có sự gần gũi, quan tâm và hỗ trợ kịp thời để NCS, HV có thể thực hiện việc học tập, bảo vệ luận văn, luận án một cách thuận lợi nhất, đúng thời hạn và chất lượng cao nhất”.
Một số hình ảnh tại Hội nghị