Tham dự buổi họp còn có TS. Myriam de Loenzien - Giám đốc Nghiên cứu và BS. Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Điều hành.
GS. Laetitia Atlani-Duault - Chủ tịch Viện Ký ức Covid-19 mong muốn trong tương lai có thêm nhiều nghiên cứu Covid theo hướng khoa học xã hội
GS. Laetitia Atlani-Duault - Chủ tịch Viện Ký ức Covid-19 chia sẻ: Đại dịch Covid-19 và sức ảnh hưởng lên toàn cầu đã tạo nên nhiều xáo trộn lớn trong xã hội và để lại những hậu quả lâu dài. Vì vậy, thế hệ hiện nay và mai sau cần ghi nhớ và lưu trữ tốt những nghiên cứu và diễn biến đại dịch, để có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những biến cố có thể xảy ra trong tương lai.
Từ thời điểm thành lập cách đây 4 năm, Viện Ký ức Covid-19 đã tiến hành xuất bản nhiều ấn phẩm, podcast và tổ chức thành công nhiều hội thảo về chủ đề Covid-19. Tuy nhiên, các sản phẩm của Viện hiện còn đang gặp khó khăn trong các hướng nghiên cứu tiếp cận từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn. Vì vậy với tư cách là trường cơ sở nghiên cứu và đào tạo về các ngành lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam, các nghiên cứu và các ghi chép của trường ĐH KHXH&NV trong và hậu đại dịch sẽ góp phần hoàn thiện các nghiên cứu của Viện trong tương lai.
BS. Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Điều hành Viện Ký ức Covid-19 tin rằng các nghiên cứu Covid-19 tại Việt Nam cần được chia sẻ rộng rãi
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về hợp tác nghiên cứu, đồng xuất bản trong tương lai. GS. Laetitia Atlani-Duault cũng trân trọng mời trường ĐH KHXH&NV tham dự và đóng góp các nghiên cứu tại hội thảo Covid được tổ chức sắp tới.
PGS.TS. Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Trong thời gian diễn ra đại dịch và hậu đại dịch, Trường ĐH KHXH&NV đã xuất bản nhiều nghiên cứu và tổ chức thành công nhiều hội thảo về Covid-19, đặc biệt là từ các khoa như Xã hội học, Tâm lý học, Bộ môn Tôn giáo học. Với mục tiêu lan tỏa năng lượng tích cực và nhân văn trong giai đoạn khó khăn, nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện và các hoạt động phục vụ cộng đồng như Siêu thị 0 đồng, tư vấn Sức khỏe tâm thần miễn phí trong đại dịch, hỗ trợ tiêm phòng cho sinh viên và giảng viên,...
PGS.TS. Đào Thanh Trường hi vọng: Sự kết hợp của trường ĐH KHXH&NV và Viện Ký ức Covid-19 sẽ không chỉ đưa những nghiên cứu khoa học xã hội tại Việt Nam đến gần hơn với độc giả quốc tế, mà còn làm sâu sắc thêm sự trao đổi học thuật trong mối quan hệ thân tình Việt-Pháp.
Viện Ký ức Covid-19 được thành lập tại Đại học Paris vào tháng 05/2020, với mục tiêu thu nhập, lưu trữ và phân tích những dấu tích và ký ức về đại dịch này. Theo đó, Viện sẽ tạo dựng kho dữ liệu số, làm cơ sở cho các cuộc thảo luận và để chính phủ và người dân chuẩn bị cho các khủng hoảng trong tương lai. Nhằm tiếp tục phát triển và chuẩn bị cho tương lai, Viện Ký ức Covid-19 tập hợp các lĩnh vực khác nhau (nghiên cứu, y tế, pháp luật, tư pháp, các hiệp hội, các cộng đồng tôn giáo, các nghệ sỹ...) để cùng nhau nghiên cứu về đại dịch Covid-19 và cùng xây dựng các chiến lược ứng phó cho các nguy cơ dịch bệnh diễn ra trên nhiều phương diện.