Tin tức

VNU-USSH hợp tác với Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo

Thứ tư - 15/05/2024 22:01
Đây là nội dung được thống nhất tại buổi làm việc và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội và Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 12/5/2024 vừa qua.
Về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội có sự tham dự của GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Bùi Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, cùng đại diện lãnh đạo Bảo tàng Nhân học, Phòng Hợp tác và Phát triển, Phòng Quản lý và Nghiên cứu khoa học.
Buổi làm việc có dự tham dự của Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Hải Ấn và Hòa thượng Thích Bửu Chánh - Phó trưởng ban.
Phát biểu tại phiên ký kết văn bản hợp tác và Tọa đàm khoa học về quy hoạch các trung tâm văn hóa Phật giáo, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn dẫn lời của cố Giáo sư Trần Văn Giàu rằng “bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo; Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta”. Hiệu trưởng nhấn mạnh đến tính nhập thế của Phật giáo và đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo trong tiến trình lịch sử dân tộc, ủng hộ kế hoạch hình thành một số trung tâm văn hóa Phật giáo tại những địa bàn chiến lược về văn hóa - xã hội. Giáo sư bày tỏ niềm tin tưởng rằng, các trung tâm văn hóa Phật giáo đó sẽ đồng thời là những không gian văn hóa – xã hội cộng đồng có đóng góp thiết thực vào ổn định xã hội, đoàn kết nhân dân, phát triển du lịch địa phương… theo đúng tinh thần “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định, với đội ngũ gần 400 nhà khoa học trình độ cao – liên ngành rộng hiện đang công tác tại hơn 30 lĩnh vực chuyên môn sâu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ đồng hành và chia sẻ các nhiệm vụ chuyên môn của Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian tới, trong đó có Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam. Nhà trường cũng mong nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nghiên cứu và đào tạo các chương trình Tôn giáo học, Công tác Tín ngưỡng – Tôn giáo ở cả ba bậc cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ.
Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội và Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết biên bản hợp tác giữa hai đơn vị
Theo nội dung của biên bản hợp tác, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội và Ban Văn hóa Trung ương, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam sẽ cùng phối hợp thực hiện các đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu… về văn hóa Phật Giáo; phối hợp thực hiện các hội thảo khoa học về văn hóa Phật giáo; tọa đàm khoa học, truyền thông, trước tác, biên tập và xuất bản ấn phẩm liên quan đến lĩnh vực văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai đơn vị sẽ phối hợp tổ chức khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu về văn hóa Phật giáo, xây dựng hồ sơ khoa học về văn hóa Phật giáo có giá trị, nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Tại buổi làm việc, các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp cho Đề cương đề án “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng” của Ban Văn hóa Trung ương, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.
 

Video: Ký kết hợp tác văn hoá giữa Ban văn hoá T.Ư với Trường Đại học KHXH&NV (nguồn: Bchannel)


Tin bài liên quan:
Hội thảo khoa học “Tinh thần nhập thế của Nữ giới Phật Giáo Việt Nam xưa và nay”
Một số khuynh hướng mới và chủ đề mới trong nghiên cứu tôn giáo đương đại: Tiếp cận nghiên cứu đa ngành và liên ngành
Thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng

Tác giả: Bài và ảnh: Thùy Dung - Đặng Hồng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây