Ngôn ngữ
Toạ đàm là buổi thảo luận chuyên môn xoay quanh các báo cáo chính của 3 nhà nghiên cứu trẻ của Khoa Đông phương học.
Báo cáo của TS. Võ Minh Vũ (Bộ môn Nhật Bản) về chủ đề “Khảo sát mối quan hệ Nhật - Pháp xung quanh vấn đề Hoa kiều tại Đông Dương thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II”. Báo cáo nhận định: sau khi tiến vào Đông Dương, Nhật Bản đã duy trì sự tồn tại của chính quyền thuộc địa Pháp và thông qua Pháp chi phối Đông Dương. Mục tiêu của Nhật Bản khi đó là bóc lột tài nguyên, trong đó có gạo để phục vụ mục đích chiến tranh và tạo dựng bàn đạp để tiến xuống Đông Nam Á. Tuy nhiên, vào thời gian này, hệ thống phân phối lúa gạo tại Đông Dương nằm trong tay Hoa kiều vốn đang tiến hành những hành động kháng Nhật mạnh mẽ. Do đó, đối với Nhật Bản, việc lôi kéo sự hợp tác của Hoa kiều được xác định là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo có nguồn cung cấp lúa gạo ổn định và góp phần xây dựng Khu vực thịnh vượng chung tại Đông Nam Á. Thông qua khảo sát từ khía cạnh chính trị các hành động, phản ứng của Nhật và Pháp xung quanh nhân tố Hoa kiều, báo cáo làm rõ bản chất của mối quan hệ Nhật - Pháp là một mối quan hệ cạnh tranh dưới hình thức hợp tác, trong đó hàm chưa sự coi thường, thoả hiệp và đối lập.
TS. Võ Minh Vũ (Bộ môn Nhật Bản) trình bày báo cáo
Nhận xét về báo cáo, PGS.TS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN) cho rằng: tác giả đã đúng khi chọn vấn đề Hoa kiều trong mối quan hệ Nhật - Pháp ở Việt Nam trong thời kỳ Thế chiến II để nghiên cứu. Đây là vấn đề phức tạp nhưng thú vị, có thể xem như một trong những “hàn thử biểu” để tiếp cận và nhận định về mối quan hệ Nhật - Pháp ở Việt Nam trong thời kỳ nói trên. Đóng góp có giá trị của bài viết là đóng góp về thông tin, sử liệu trong đó đặc biệt là thông tin từ các nguồn sử liệu và công trình nghiên cứu bằng tiếng Nhật. Đây là những thông tin đặc sắc vì giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài nhìn chung khó tiếp cận các nguồn tin này do không sử dụng được tiếng Nhật.
Báo cáo của ThS. Lê Thị Thu Giang (Bộ môn Hàn Quốc học) với chủ đề “Hàn Quốc trong quan hệ với ASEAN - từ đối tác đối thoại đến đối tác toàn diện (1991-2009)” thì xem xét mối quan hệ Hàn Quốc - ASEAN từ khi thiết lập quan hệ đối thoại cho đến khi trở thành đối tác toàn diện. Qua đó, báo cáo không chỉ cho thấy một cách hệ thống sự phát triển trong quan hệ Hàn Quốc - ASEAN mà còn phản ánh sự vận động chung trong quan hệ quốc tế của khu vực và thế giới. Mặc dù không được coi là những thực thể chính trị có ảnh hưởng lớn nhưng quan hệ Hàn Quốc - ASEAN đã thể hiện vai trò không thể thiếu trong hợp tác phát triển kinh tế và tạo sự cân bằng để đảm bảo an ninh khu vực.
PGS.TS Phạm Quý Long (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXH&NV Việt Nam) nhận xét: đây là một chủ để nghiên cứu rất có ý nghĩa học thuật và mang tính chính trị cao trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại ở khu vực Đông Á nói riêng và trên thế giới nói chung. Bài viết đã cơ bản đánh giá được đúng vai trò và chỉ ra được các đặc trưng chính trong sự chuyển dịch chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong lịch sử thiết lập và xây dựng quan hệ với ASEAN giai đoạn 1991-2009. Nghiên cứu của tác giả công phu, có nhiều nguồn thông tin phong phú và có tính tham khảo tốt cho nghiên cứu, học tập, giảng dạy chuyên ngành quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Quý Long cũng đề nghị tác giả cần phân tích sâu hơn các nội hàm của hai thuật ngữ: đối tác đối thoại, đối tác toàn diện; làm rõ quan điểm nghiên cứu từ góc độ chủ thể là ai; phân tích các nhân tố nội tại của Hàn Quốc - ASEAN ảnh hưởng đến mối quan hệ này; tập trung phân tích khía cạnh chính trị - ngoại giao của mối quan hệ để tạo trọng tâm cho bài viết…
PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) chủ trì buổi toạ đàm
Báo cáo của ThS. Nguyễn Thuỷ Giang (Bộ môn Hàn Quốc học) bàn về “Vấn đề kế thừa và phát huy văn hoá truyền thống Hàn Quốc - hiện trạng và giải pháp”. Bài viết bắt nguồn từ luận điểm coi văn hoá nói chung và văn hoá truyền thống nói riêng là tài nguyên tinh thần cần được thấu hiểu, bảo lưu và phát triển. Hàn Quốc hiện đang vươn mình trở thành “con rồng châu Á” trong lĩnh vực kinh tế nhưng cũng đứng trước nguy cơ mai một các giá trị văn hoá truyền thống do ảnh hưởng của những mặt tiêu cực của xã hội hiện đại. Bài viết đã tìm hiểu và đề xuất những biện pháp, chính sách để giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống dân tộc phục vụ cho phát triển bền vững của văn hoá Hàn Quốc.
Là người bình luận chính cho báo cáo, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu (Bộ môn Nhân học) nhận xét: đây là một chủ đề hay, quan trọng và vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn. Báo cáo được chuẩn bị công phu, dễ đọc, có lập luận rõ ràng, giúp người đọc hiểu về vấn đề bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của văn hoá truyền thống ở Hàn Quốc đương đại. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu cũng cho rằng báo cáo sẽ hay hơn nếu bao quát thêm tài liệu nghiên cứu; gắn kết và chú ý thêm đến khía cạnh lịch sử và tính đa dạng, đa chiều, sự tương tác phức tạp của nhiều chủ thể liên quan đến vấn đề này trong xã hội Hàn Quốc trong bối cảnh hiện đại hoá và toàn cầu hoá.
Các đại biểu dự toạ đàm chụp ảnh lưu niệm
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn