Ngôn ngữ
Sau gần hai năm học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, điều tôi luôn tự hỏi, đó là mình thu được gì từ ngôi trường này? Nếu vẫn còn là một sinh viên năm nhất, đó sẽ là một câu trả lời làm mất lòng mọi người yêu quý ngôi trường này. Nhưng khi bước vào năm học thứ hai, mọi thứ với tôi khác, rất khác. Tôi có thể thắng thắn nói với tất cả mọi người rằng, tôi không quan tâm cho lắm đến những tri thức trong sách hay trong bài giảng mà thầy cô đưa đến cho tôi, nó chỉ chiếm khoảng 20% điều tôi cần ở ngôi trường này, và 80% còn lại, tôi học được cách ứng xử, cách sống rất “chuẩn” – hay nói khái quát nhất, đó chính là kỹ năng sống. Thầy cô ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cho tôi điều đó. Đó là điều vô giá và đáng trân trọng hơn bất cứ thứ gì.
Bắt đầu sang năm học thứ hai, tôi đã tự đưa mình vào một hoàn cảnh trớ trêu, để rồi tôi mới nhận ra 80% kia nó đáng giá với tôi như thế nào. Sau một mùa hè vui chơi thoải mái và tạm hài lòng với kết quả sau một năm học, tôi bước vào năm thứ hai. Cô Thanh – cô giáo trên Khoa của tôi có gọi thông báo cho tôi, rằng tôi đủ điều kiện để được chuyển sang lớp chất lượng cao của Khoa (năm nhất tôi học ở lớp chuẩn). Bạn biết đấy, tôi là một đứa sinh viên nguyện vọng hai và năm nhất tôi học theo kiểu vẫn cố gắng đạt kết quả tốt nhưng không mặn mà với khoa mình chọn cho lắm. Tôi biết mình có khả năng được cất nhắc sang lớp chất lượng cao ngay từ khi thi vượt tiếng anh, tôi qua chuẩn đầu ra của lớp chất lượng cao và sau năm nhất, kết quả tích lũy của tôi đạt trên loại giỏi. Tôi biết điều đấy, cả lớp tôi cũng biết điều đấy. Mấy đứa ở lớp hay hỏi tôi: liệu mày có chuyển không? Tôi đã từng khăng khăng trả lời rằng tôi không chuyển. Lý do à? Tôi không mặn mà lắm với ngành học, vậy có lý do gì tôi phải học thêm gần 20 tín chỉ, học nhiều hơn, áp lực hơn, và lớp học thì chỉ có vỏn vẹn chục người ? Tôi đã từng nghĩ, nếu tôi học ở lớp đó, chắc tôi sẽ mất đi cái tính năng động, sôi nổi vốn có. Tôi sợ cứ phải ganh đua với nhau quá mức rồi tới lúc nói xấu nhau, mất đoàn kết.
Tôi đã trả lời cô Thanh rằng “Em cảm ơn cô, nhưng em không có nguyện vọng chuyển lớp đâu cô ạ”. Vậy đấy! Cứ thế tôi học ở lớp cũ được hơn một tháng. Sau đó tôi gặp vài chuyện từ lớp cũ. Thật ra chuyện cũng chẳng có gì, nhưng tôi biết, có những thứ dù tôi có cố gắng giải quyết và dù cho nó có ổn thỏa, thì với mọi người – những người gây chuyện với tôi, thì điều đó với họ, đó chỉ là một sự “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tôi chợt nghĩ lại câu hỏi của cô Thanh. Tôi tự hỏi, liệu chuyển sang lớp mới, mình sẽ như thế nào? Tôi nhận ra, mục đích của mình khi đi học là gì – là học! Vậy nếu tôi vẫn học ở lớp cũ, tôi có thật sự chú tâm hoàn toàn cho việc học không? Khi mà những người xung quanh tôi cố gắng tạo thêm bức xúc và áp lực cho mình? Câu trả lời là không. Vậy là, sau hơn một tháng kể từ khi bắt đầu năm học, tôi xin chuyển lớp.
Do đã quá thời gian kể từ khi cô Thanh gọi cho tôi, nên thủ tục chuyển lớp của tôi gặp vài rắc rối. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hoang mang đến vậy. Tôi không biết phải bắt đầu mọi thứ từ đâu. Và hơn hết, tôi sợ khi bị thầy cô hỏi lý do thay đổi quyết định. Tôi gọi cho cô Thanh đầu tiên. Cô bảo tôi làm đơn xin chuyển lớp. Thật sự tôi quá kém khoản viết đơn. Nghĩ cả ngày trời tôi vẫn chẳng biết trình bày làm sao cả. Rồi tới lúc viết được cái đơn, tôi phải đi xin chữ ký của các thầy cô dạy môn riêng của lớp chất lượng cao kỳ đó. Phiền phức! Tôi ghét các thủ tục hành chính. Kể từ lúc phải chạy loanh quanh xin chữ ký, làm giấy tờ, có được sự giúp đỡ của các thầy cô, tôi mới hiểu được hết tấm lòng của các thầy cô ở trường đại học này.
Các thầy cô đều trong khoa đều rất nhiệt tình, tận tình hướng dẫn rồi động viên tôi rằng sang lớp chất lượng cao sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, môi trường học cũng tốt hơn, nhớ phải cố gắng nhiều hơn nữa… Lúc đấy tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Đến bước khó khăn nhất là khi tôi phải gặp thầy Hùng – chuyên viên phòng đào tạo để sắp lại thời khóa biểu. Tôi chưa tiếp xúc với thầy nhiều, nhưng bạn bè tôi, mười đứa thì cả mười đều kêu ca rằng thầy khó tính, rồi thì thầy đang sợ như thế nào. Tôi chưa bao giờ sợ giáo viên nào cả, tôi chỉ kính trọng tất cả các thầy cô thôi. Vì tôi nghĩ, thầy cô có làm gì mình đâu mà phải sợ. Tới lúc lên phòng đào tạo gặp thầy, khí phách đấy của tôi vơi bớt đi một nửa. Vẻ mặt hơi cáu của thầy, ánh mặt nghiêm nghị làm tôi hơi run. Sau khi trình bày với thầy, thầy chỉ im lặng sắp xếp lại thời khóa biểu cho tôi. Giữa hai thầy trò chỉ có hỏi và đáp trong đúng khuôn khổ của công việc. Lẽ ra, tôi đã xong việc với thầy. Thế nhưng, chẳng biết tại sao, tôi lại quay lại phòng đào tạo ba lần chỉ trong 30 phút và nằng nặc xin thầy sửa lại thời khóa biểu cho tôi. Thầy vẫn không nói gì và sửa. Đến lần thứ ba, thầy mệt mỏi hỏi tôi: “Bây giờ em muốn thời khóa biểu của em như thế nào?”. Đó có lẽ là nét mặt mà tôi không bao giờ quên được. Mệt mỏi có, khó chịu có, nhưng lại mang đến cảm giác rất gần gũi. Khi kể lại câu chuyện cho bạn bè mình, chúng nó chỉ kêu trời lên, nói tôi chơi với cọp, “liều mạng”, không biết sợ là gì… Thực sự tôi chẳng thấy sợ, chỉ có sự kính trọng, nể phục đối với cách cư xử của các thầy cô mà thôi.
Nhân văn trong tôi là những kỷ niệm gắn với các thầy cô. Sự giúp đỡ của các thầy cô khiến tôi càng thêm nể phục. Có những lúc tôi chán, tôi muốn bỏ mọi thứ. Tôi nhắn tin và gọi điện cho 1 vài thầy cô thân thiết. Những lúc đấy, nghe những lời tâm sự của thầy, của cô, mà cảm thấy mình kém cỏi quá. Còn bao nhiêu thử thách nữa, vậy mà một đứa như tôi – vốn có tiếng mạnh mẽ, lại bỏ cuộc nhanh như thế hay sao? Có lúc tôi chợt nghĩ, có lẽ, định mệnh đã gắn tôi với ngôi trường này rồi. Vừa ghét, vừa yêu, vừa chán lại vừa muốn khám phá. Mỗi ngày đến trường, quả thật là một ngày vui. Không chỉ được gặp bạn, không chỉ có kiến thức, mà quan trọng nhất là được học các kỹ năng sống cần thiết từ thầy cô, từ bạn bè để vững vàng hơn trong cuộc sống. Đó mới thực sự là thứ mà tôi cần, đó mới là thứ mà tôi thực sự trân trọng.
Tôi thích thầy hiệu trưởng vì tôi quá ngạc nhiên với vốn hiểu biết sâu rộng của thầy, tôi thích cô Hạnh bởi sự ấm áp thân thiện mà cô trao cho học trò, tôi thích thầy Hùng vì thầy cho tôi thấy một nghị lực phi thường trong cách giải quyết công việc, cách thầy chịu đựng áp lực từ mọi thứ, tôi thích thầy Hải vì sự tận tâm, tôi thích thầy Tâm vì thầy luôn cho tôi những lời khuyên lúc tôi áp lực thi cử, tôi thích thầy Tùng vì thầy dạy cho tôi quá nhiều điều từ cuộc sống và cách làm sao để sống thanh thản, tôi thích chị Vinh vì chị cho tôi ánh mắt tin tưởng rằng tôi có thể làm tốt mọi thứ… Còn rất rất nhiều nữa. Tất cả tôi đều khắc ghi một cách rõ ràng đến khó tin. Tất cả đã giúp tôi ứng xử “chuẩn” đối với các mối quan hệ trong xã hội mà tôi đang có, và nó còn giúp tôi sống một cách nhẹ nhàng hơn.
Bằng đại học với bạn quan trọng không? Tôi thì cho rằng, bằng đại học cũng quan trọng, nhưng tôi trân trọng các kỹ năng sống mà tôi được học ở ngôi trường này hơn. Đó là điều mà không gì có thể mua được, hay trao đổi được. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình biết cách thu thập những thứ vô giá ấy. Như vậy khiến tôi cảm thấy mình “giàu” dù cho điều kiện cuộc sống của tôi không bao giờ được như vậy. Cứ mỗi ngày trôi qua, tôi càng cảm thấy yêu ngôi trường này hơn, theo cách riêng của tôi. Tôi thích như vậy, đi thu lượm sự trải nghiệm từ cuộc sống thú vị hơn rất nhiều so với việc bạn chỉ đến trường và tiếp thu kiến thức từ sách vở. Nếu cho tôi chọn lại, chắc chắn tôi vẫn sẽ chọn trường Nhân văn. Bởi vì, tôi yêu Nhân văn mất rồi!
Tác giả: Nguyễn Thùy Linh - K58 Triết học CLC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn