Ngôn ngữ
Trường Nhân Văn đối với những đứa học khối C như tôi ở trường cấp 3 tôi không phải là một ngôi trường “hot” như luật, cảnh sát hay báo chí, nhưng tôi yêu Nhân Văn đơn giản là vì nó nhân văn đúng như tên gọi.
Nhân văn của tôi không quá hiện đại, cũng không quá cũ kĩ, nó chỉ mộc mạc, yên lặng và con người Nhân văn cũng thế. Tôi yêu trường Nhân văn, một tình yêu nhẹ nhàng và sâu lắng. Các thầy cô hay trêu chúng tôi rằng dạy sinh viên trường nhân văn với trường tự nhiên là hai trường gần nhau nhưng cá tính khác hẳn nhau, một bên thì ồn ào còn một bên thì lặng lẽ.
Trường Nhân văn tôi không nhiều con trai như các trường khác, có lẽ bởi đầu vào của trường chủ yếu là khối C nên vậy! Nhưng không vì thiếu nam nhân mà trường tôi không được như các trường khác, nam nhân trường chúng tôi ít nhưng các bạn ấy thật thà và lễ độ. Con gái nhân văn tôi thấy như đúng cái danh được trường bạn nói đó là dịu dàng, duyên dáng nhưng dí dóm. Con gái nhân văn có một nét gì đó rất hiền, ngoan và giản dị. Hôm tôi đi sang trung tâm Đại học Quốc Gia ở Xuân Thủy cùng với một số bạn của tôi, hôm đó có cả con gái của các trường khác nữa nhưng khi đi thang máy xuống mọi người nói chúng tôi là con gái trường Nhân văn à? Tôi không biết con gái Nhân văn tại sao lại dễ nhận ra đến thế! Phần lớn sinh viên trong trường là người từ các tỉnh lẻ, một số ít các bạn gốc ở Hà Nội, dù đến từ mọi nơi nhưng sinh viên trường tôi thấy hòa đồng, không phân biệt với nhau và còn thân thiện nữa. Khi tôi đi ra ngoài tôi thấy mọi người hay phân biệt người tỉnh này với tỉnh kia, thế nhưng ở trường chúng tôi không có sự phân biệt đó. Mọi người thường hay giúp đỡ lẫn nhau và cũng rất dễ gần, quen thuộc.
Các thầy cô trong trường tôi cũng thấy gần gũi và dễ mến, tôi rất kính trọng các thầy cô trong trường, thầy cô rất tâm huyết và nhiệt tình với công việc. Tôi thấy ngày càng yêu mên các thầy cô khi được học các buổi học với các thầy cô. Điều mà tôi thích và tự hào với các bạn trường khác của tôi là các thầy cô trường tôi không bao giờ mắng sinh viên, nhưng cũng không bao giờ có chuyện văn hóa phong bì ở trường tôi! Tôi thấy ở khoa tôi, một số thầy cô còn giúp đỡ, hỗ trợ học phí cho sinh viên. Tôi thật tự hào vì điều đó! Nhân văn của tôi không có chuyện gian lận trong thi cử, học thật và thi thật, tôi rất tự hào về điều đó! Chúng tôi vẫn hay đùa với nhau, thi học kì của trường còn nghiêm hơn thi đại học ở một số trường khác.
Sinh viên trường tôi tuy nhiều con gái nhưng không kém năng động, các hoạt động của trường, các câu lạc bộ, các khoa lúc nào cũng sôi nổi và vui vẻ. Tôi đã tham gia clb Hoa Đá năm nay là năm thứ 2 rồi, tôi thấy Hoa Đá là gia đình thứ 2 của tôi, Hoa Đá là câu lạc bộ giành cho những sv khuyết tật trong trường. Tôi rất khâm phúc các anh các chị trong câu lạc bộ, các anh chị là những người khuyết tật về thể chất nhưng tôi thấy các anh chị, các bạn không khuyết tật về tinh thần, họ là những tấm gương cho tôi noi theo! Các anh chị hội viên trong câu lạc bộ là những người khuyết tật, họ không được như tôi và các bạn sinh viên khác về mặt cơ thể, nhưng có những thứ tôi không bao giờ có được như các anh chị và các bạn ấy đó là nghị lực, anh, chị và các bạn ấy không chỉ tham gia hoạt động sôi nổi nhiệt tình mà còn học rất giỏi. Anh Vũ Trung Hiền, chị Nghiêm Thị Thu Trang.. các anh chị đều rất giỏi và đồng thời cũng là những chủ nhiệm tài ba của clb. Những buổi đi tình nguyện cùng mọi người trong câu lạc bộ tôi mới thấy được rằng cuộc sống thật ý nghĩa, làm cho tôi yêu cuộc sống này hơn! Anh Chu Đức Liêm là một hội viên của câu lạc bộ, anh là sinh viên K56 khoa Lịch sử, anh bệnh rất nặng nhưng vẫn luôn giúp đỡ người khác, anh vẫn luôn nở nụ cười trên môi vượt qua mọi khó khăn, tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì được học ở trường và được biết các anh chi, mọi người trong câu lạc bộ. Đúng như cái tên của nó, câu lạc bộ Hoa Đá, những hội viên của câu lạc bộ cũng như sinh viên của trương luôn vươn những mầm sống của mình lên mạnh mẽ và tươi đẹp như những cây hoa đá kia…. Hạnh phúc là sẻ chia
Tôi yêu khoa của tôi, yêu khoa Tâm lý học, chẳng biết tự bao giờ tôi thích ngành tâm lý, tôi đã chọn nó và quyết tâm sẽ theo nó trong những năm tới! Khoa tâm lý của tôi thầy cô, anh chị và bạn bè thân nhau như những người trong gia đình. Tôi mến mộ các thầy cô của tôi, thầy cô rất thân thiện và gần gũi với chúng tôi. Khi vào đại học cũng như các bạn khác tôi nghĩ làm sao các thầy cô ở Đại học thân quen như cấp 3 được, nhưng tôi đã nhận ra rằng thầy cô ở nơi đâu cũng gần gũi, yêu thương và tâm huyết với học sinh của mình. Chuyến đi tình nguyện tháng 1 vừa rồi của khoa ở Chế Cu Nha huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái đã cho tôi bao kỷ niệm tôi không bao giờ quên! Tôi thấy tình cảm thầy trò, bạn bè sát lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn sau chuyến đi, chúng tôi đã mất cả mấy tháng trời chuẩn bị và chuyến đi của chúng tôi không uổng công sức, cả đoàn xe đều say xe khi đi lên đến nơi bởi những chặng đường hiểm trở, vòng vèo của núi rừng Yên Bái, nhưng nó nhanh qua đi khi xuống xe chúng tôi được đón nhận bởi những ánh mắt yêu thương của các em của đồng bào ở Chế Cu Nha.Ba ngày không quá nhiều nhưng đủ để lại trong tôi tình cảm dành cho nơi đây! Chúng tôi lên bản đến với đồng bào, thăm cuộc sống của đồng bào nơi đây, ít nhiều chúng tôi hiểu thêm được cuộc sống của đồng bào vùng cao, một phần của tổ quốc! Những ánh mắt của các em, những giọt nước mắt của các em khiến chúng tôi không muốn rời xa nơi đây, cả chúng tôi, cả các em dù mới gặp nhau nhưng có những tình cảm thắm thiết dành cho nhau, tình cảm ấy mãi là những kỷ niệm, tình cảm thiêng liêng mà tôi nhớ mãi…
Tôi yêu cả cái nắng chói chang ở sân trường, tôi yêu những cơn mưa mùa hạ ở trường, nó thật đẹp và thật ấm áp! Tôi thích đứng trên cây cầu sang đường trước cổng trường để ngắm đường phố vào mỗi tối, tôi thích tia sáng của bóng đèn khi chiếu qua hang cây bên sân AB và BC, nó có cái gì đó khiến tôi thấy thú vị.
Tôi yêu Nhân văn chỉ thế thôi! Mỗi ngày trôi đi, sống dưới mái trường nhân văn tôi thấy mình trưởng thành hơn, suy nghĩ chin chắn hơn nhưng cũng yêu cuộc sống hơn, đơn giản vì tôi yêu Nhân Văn và yêu cuộc sống của tôi.
Tác giả: Vũ Thị Lương - K58 Tâm lý học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn