Tin tức

"Cha tôi"

Chủ nhật - 15/11/2015 22:14
"Cha tôi"

Nhớ lại mùa đông của 2 năm trước, khi đó đã 3h sáng trong căn nhà trọ nhỏ, tiết trời hôm đó rất lạnh tôi vẫn cặm cụi viết, ý tưởng cứ liên tục nảy ra trong đầu tôi cùng với những lời thầy giảng khắc ghi trong đầu tôi khiến tôi quên mất thời gian. Kết quả là tới tận 5h sáng tôi mới làm xong bài tiểu luận để sáng sớm nộp bài cho thầy.

Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất thời sinh viên của tôi, kỷ niệm đó gắn liền sâu sắc với người thầy đáng kính – thầy Tô Long.

Tôi vốn là một cô gái năng động, thích kinh doanh nên khi biết trong chương trình học của mình có môn “ Đại cương quản trị kinh doanh” tôi đã rất hứng thú, tôi dành riêng cho môn học này những ưu tiên đặc biệt, tôi đầu tư rất nhiều thời gian và trí tuệ để học tập sao cho tốt nhất. Kết thúc kỳ học, tôi dành số điểm ấn tượng, cảm giác hài lòng và thỏa mãn của một cô sinh viên là điều không tránh khỏi, nhưng lớn hơn thế rất nhiều tồn tại trong suy nghĩ của tôi là hình ảnh của người thầy đáng kính.

Chẳng ít lần trong các giờ giải lao của buổi học tôi vẫn thường nói chuyện với thầy những suy nghĩ của tôi trong cuộc sống, thầy luôn lắng nghe và cho tôi những lời khuyên bổ ích, những gợi mở kích thích tôi suy nghĩ và hành động. Để rồi dù không còn học thầy nữa nhưng tôi vẫn giữ liên lạc, và hỏi ý kiến của thầy về những dự định của mình trong cuộc sống.

Có lẽ ít ai tin và biết về hoàn cảnh đặc biệt của tôi, từ nhỏ ba mẹ tôi đã sớm ly hôn, lớn lên trong hoàn cảnh của 1 cô bé thiếu thốn về tình cảm của ba, tôi luôn có cảm giác thiếu thốn một người chỉ dẫn, nâng nhẹ mỗi khi tôi vấp ngã trong cuộc sống, thế nhưng tôi lại có cảm giác an tâm hơn khi là học trò của thầy.

Ở trường đại học, tôi thấy mình thật may mắn, tôi nhận được tình yêu thương sự quan tâm của các thầy cô, với tôi cuộc sống của một cô sinh viên trở nên đẹp hơn bao giờ hết khi được làm con của thầy cô. Tôi đã từng nói với thầy, đối với tôi thầy giống như một người cha luôn sẵn sàng nghe đứa con nhỏ lắm chuyện than thở buồn phiền còn tôi thì luôn sẵn sàng kể cho thầy nghe những đổi thay trong cuộc sỗng của tôi, chuyện học tập, chuyện bạn bè, thậm trí cả chuyện tình yêu nam nữ.

Bản thân tôi cũng tự ý thức được thầy rất bận, ngoài tôi ra thầy còn có rất nhiều các sinh viên khác, vì thế tôi cũng tự cố gắng để bản thân không làm ảnh hưởng tới công việc của thầy. Tuy nhiên, từ ngày là học trò của thầy cho tới giờ, chưa một lần nào nói chuyện với thầy mà tôi không thấy vui, dù chẳng ít lần tôi suy sụp ủ rũ nhưng cứ nói chuyện với thầy xong tôi lại thấy tinh thần của mình tốt hơn rất nhiều.

Nhiều lần bạn bè tôi cũng hỏi, tôi là cháu hay họ hàng gì của thầy à sao thầy tốt với tôi thế, tôi vẫn cười tươi nói với mọi người một cách dõng dạc tôi là học trò của thầy. Một cô học trò đích thực, kính trọng thầy, từ trên giảng đường cho tới ngoài cuộc sống tôi đều coi thầy như một tấm gương.

Tôi không hiểu quá nhiều về thầy, với chiếc xe thầy đi nhiều người nói với tôi thầy giàu lắm, tôi lại càng thấy quý thầy hơn vì sự giản dị và gần gũi của thầy. Tôi cũng quen không ít các bạn sinh viên khoa thầy, mọi người cũng đều có suy nghĩ như tôi vậy. Trong rất nhiều hoạt động của trường, nhất là giải bóng đá, tôi thấy rất trân trọng hình ảnh của các thầy cô ra sân cổ vũ cho sinh viên của mình thi đấu, thầy cũng vậy, thầy luôn dành thời gian để tới sân dù đôi khi rất bận, sự có mặt của thầy như tạo thêm động lực cho các bạn sinh viên.

Thời gian trôi thật nhanh, giờ đây tôi đã là một cô sinh viên năm cuối,những trải nghiệm đã qua càng giúp tôi hiểu sâu sắc những lời thầy dạy. Những vấp ngã trong cuộc sống trên đất Hà thành khiến tôi trở nên mạnh mẽ hơn, thêm yêu và trân trọng cuộc sống này hơn. Tôi vẫn đang từng ngày từng ngày chuẩn bị những hành trang cho mình trên ngôi trường thân yêu mang tên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Tôi tự nhận thấy trách nhiệm của bản thân mình nhất là khi thầy từng nói thầy tự hào khi có một cô học trò như tôi. Mỗi lần có thành tích tôi luôn muốn khoe với thầy ngay để thầy vui lòng, việc làm đó của tôi như một đứa trẻ nhỏ muốn làm ba vui lòng từ những việc nhỏ nhất.

Nhân Văn trong tôi là như vậy đó, là tình thầy trò thiêng liêng cao quý biết nhường nào. Ở nơi đây, tôi được học tri thức của thầy cô, học cách sống sao cho có ích cho bản thân và cho cộng đồng. Tôi muốn biến những ước mơ, dự định của mình đã từng chia sẻ với thầy thành sự thật. Tôi mong tới ngày ấy, khi trưởng thành tôi sẽ tới để gặp thầy cùng gia đình nhỏ hạnh phúc của mình để thầy luôn tự hào về tôi.

Tôi muốn nói với thầy rằng “ Thầy ạ, dẫu mai này khôn lớn, dù bận rộn con vẫn luôn nhớ tới thầy, con sẽ kể cho con của con nghe những bài học của thầy đã từng dạy cho con, dạy con của con biết kính trọng lễ phép với thầy cô”.

Con cám ơn thầy rất nhiều!

Tác giả: Nguyễn Võ Hoài Nam - K57B Khoa học quản lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây