Tin tức

NGƯT Đặng Thị Hạnh: Đôi điều cảm nhận

Thứ năm - 17/10/2013 06:44
“Tôi sinh ra ở Huế, vào một năm rất dễ nhớ, 1930. Nhưng kí ức xa nhất về thời thơ ấu của tôi, nghĩa là về chính bản thân tôi lại được đặt ở một làng quê Nghệ An. Đấy chẳng qua cũng chỉ là vào một trong những buổi chiều mà trời làng Quỳnh, sau một ngày nắng nóng ghê gớm, đột nhiên phủ đầy mây rồi mưa rơi xuống rào rào…”. Đó là những câu mở đầu cuốn tự truyện Cô bé nhìn mưa của PGS. Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh.
NGƯT Đặng Thị Hạnh: Đôi điều cảm nhận
NGƯT Đặng Thị Hạnh: Đôi điều cảm nhận

PGS Đặng Thị Hạnh

PGS.NGƯT Đặng Thị Hạnh. Hà Nội, 2013.

Thoạt tiên, nếu chỉ đọc qua mấy dòng đầu của cuốn hồi ức nặng trĩu những kỉ niệm này, hẳn ít ai nghĩ đấy lại là những dòng viết của một nhà giáo, nhà khoa học, thậm chí là một nhà khoa học rất yêu tính “hàn lâm” và sự chính xác. Nhưng nếu biết PGS. Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh là một trong những người “con gái yêu” của học giả Đặng Thai Mai, người đã từng nhiều năm gắn bó với nền văn hoá Pháp, người từng được “thấm đẫm” trong không khí văn chương một thời của cha, thì ta lại chẳng ngạc nhiên chút nào. Suốt hơn nửa thế kỉ “bầu bạn” với văn chương, chữ nghĩa, chưa bao giờ biết mệt mỏi trong việc học hỏi bể kiến thức vô tận của văn chương, luôn biết tiết chế trong từng câu chữ, Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh, trái lại, khiến cho ta luôn ngạc nhiên rằng, tại sao ở cái tuổi gần 80 (thời điểm xuất bản cuốn tự truyện), bà vẫn còn viết những câu văn trẻ trung và “tươi mát” như thế”. Có may mắn được là học trò và đồng nghiệp của bà trong suốt gần 40 năm qua, tôi đã hiểu được ít nhiều con người, tính cách, phong thái làm việc của bà. Ấy là tôi cứ “liều mạng” nói vậy. Chứ hiểu được đến bao nhiêu, mỗi con người luôn là một thế giới chứa đựng vô vàn những điều bí ẩn và mới mẻ, tôi không dám khẳng định là với những dòng viết ngắn ngủi này, đã có thể phác hoạ đầy đủ bức chân dung về bà. Với những con người như bà, cần đến nhiều phác hoạ, may ra mới hi vọng có được một bức chân dung đầy đủ.

Tôi vẫn nhớ, năm tôi bước chân vào khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, lúc ấy người ta hay quen gọi là Tổng hợp Văn, cô giáo Đặng Thị Hạnh vẫn còn rất trẻ. Hình như chỉ vào tuổi 40 thì phải. Trong trí nhớ nhạt nhoà ít ỏi của tôi lúc bấy giờ, cô Hạnh của ngày ấy không khác mấy với cô Hạnh bây giờ. Ấy là tôi muốn nói đến cái vẻ ngoài hơi có phần “khắc khổ”, gầy gò của một người mà lẽ ra căn cứ vào nguồn gốc xuất thân cũng như hoàn cảnh sống bấy giờ, phải hoàn toàn ngược lại mới đúng. Ở Phó giáo sư – Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh có những nét phẩm chất mà trong suốt cả một thời gian dài, gần như rất ít có sự thay đổi: thoạt đầu mới gặp thì có vẻ hơi nghiêm khắc, lạnh lùng, nhưng nếu hiểu, quen và tiếp xúc lâu thì thấy sự dung dị, mộc mạc toát ra trong từng cử chỉ, dáng điệu, lời nói. Nhìn vẻ bề ngoài, ít ai biết bà là một trong những người con gái “ưu tú” của một gia đình trí thức lớn (bên cạnh giáo sư Đặng Thị Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Đặng Thanh Lê, PGS Đặng Anh Đào, PGS Đặng Thai Hoàng, PGS Đặng Xuyến Như). Cha của bà, học giả Đặng Thai Mai, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo Dục, chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn, Viện trưởng Viện Văn học, một chuyên gia hàng đầu trong đội ngũ những nhà nghiên cứu văn học ở nước ta thời kì đầu. Với tôi, được quen biết và làm việc với Phó giáo sư Đặng Thị Hạnh trong suốt gần 40 năm qua, quả là một niềm vinh hạnh rất lớn. Làm việc bên cạnh bà tại bộ môn văn học nước ngoài, khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã phát hiện ra ở người “thầy” rất đáng kính trọng này những vẻ đẹp lấp lánh, mà tôi tin rằng không phải ai cũng dễ dàng có được.

 

Trước tiên đó là vẻ đẹp của sự dụng dị, mộc mạc, chất phác của một người vốn không bao giờ thích “sự phô trương, màu mè”. Sinh ra trên mảnh đất miền Trung (làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của cuộc đời, cũng có lúc từng là Hiệu trưởng một trường Trung học lớn ở Hà Nội (trường Trương Vương), nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh luôn giữ được vẻ giản dị, chân thật, cởi mở, đáng mến. Quen biết lâu với bà, tôi thấy những nét tính cách này gần như không hề thay đổi. Khi cần phải bộc lộ hay tìm hiểu một sự thật gì, người con gái của học giả Đặng Thai Mai không bao giờ biết vòng vo, bà bao giờ cũng nói thẳng tuột những suy nghĩ của mình, không sợ bị mất lòng, không bao giờ khen ai chỉ để lấy lòng, cũng không bao giờ “dập vùi” ai khi thấy họ thật “đáng ghét”. Sự thật là tiêu chí số một trong tất cả các phát ngôn của bà. Tôi nhớ có lần trước bài viết của một đồng nghiệp khoa Văn về một khái niệm trong văn chương Pháp (“cận văn học”), được đăng tải trên tờ tạp chí chuyên ngành khá uy tín (Tạp chí Văn học), do tác giả kia không hiểu lắm khái niệm, nhưng lại cứ “bô bô” khoe sự hiểu biết của mình, bà đã viết bài trên chính tờ tạp chí này, phân tích một cách khoa học khái niệm văn chương kia, và cuối cùng kết luận bằng một câu ngắn gọn, thâm thuý (“thiết tưởng sự nghiêm túc (và hiểu biết) cần đến mức nào với người đọc và người viết hiện nay”), nhưng để nó ở dưới phần chú thích, để người nhận được sự góp ý, không bị “bẽ mặt”. Bản thân tôi, trong suốt cả gần 40 năm qua, rất ít khi được bà khen, thậm chí không ít lần bị “chê”. Chỉ gần đây nhất, sau khi hoàn thành công trình Tuyển tập Thi pháp hiện đại – Một số vấn đề lí luận và ứng dụng của giáo sư Đỗ Đức Hiểu, ngay lập tức tôi trân trọng tặng bà, vì biết bà rất quan tâm đến cuốn sách này. Chỉ ngay ngày hôm sau, bà đã gọi điện trao đổi với tôi từng chi tiết bài tổng luận tôi viết về thầy Đỗ Đức Hiểu. Vẫn rất thẳng thắn, chân thành, bà nói với tôi: “Em viết được đấy, viết như thế là đã làm rõ được về cơ bản sự nghiệp của thầy, nhưng giá như với vấn đề này […] đào sâu thêm chút nữa thì sẽ tốt hơn…”. Lời khen hiếm hoi của bà với tôi trong suốt nhiều năm qua chỉ là như vậy, thế nhưng tôi vẫn trân trọng yêu quý nét tính cách mộc mạc, chân thành đó của bà.

Trong khoa học, Phó giáo sư Đặng Thị Hạnh là người luôn biết tự lượng sức mình, biết tiết chế trong tất cả mọi hành vi, cả trong phát ngôn lẫn công bố công trình, trước tác. Trong suốt cả cuộc đời làm khoa học của mình, đọc nhiều, hiểu biết rộng, nhưng Đặng Thị Hạnh không bao giờ “phô trương” kiến thức, không tự coi mình là “vị thánh nhân” có thể biết được tất cả mọi thứ trên đời. Có lẽ vì thế, trong suốt hơn nửa thế kỉ lao động khoa học của mình, Đặng Thị Hạnh không bao giờ lấy thước đo “số lượng” những công trình khoa học là chuẩn mực để mình phấn đấu. Trái lại, tôi biết, bà là người hết sức thận trọng, tiết chế trong mọi hoạt động khoa học của mình, ở tất cả mọi hoạt động khoa học dù nhỏ hay lớn. Bà không bao giờ đánh đổi lao động tri thức để lấy tiền bạc và “hư danh”, mặc dù cho đến lúc này, tôi biết bản thân bà không phải là người dư dật tiền bạc. Bà từng kể với tôi, có tờ báo đặt bà những bài viết ngắn nhưng sẵn sàng trả nhuận bút tiền triệu mà vẫn từ chối. Đúng ra, bà chỉ viết những gì tâm đắc. Chỉ những gì hết sức hiểu biết, hiểu “đến ngọn đến ngành”, bà mới phát ngôn. Những cuốn sách bà viết và in ra cho đến lúc này, có thể đếm được trên đầu ngón tay (Văn học lãng mạn và hiện thực Pháp, viết chung với Lê Hồng Sâm, Bộ Lịch sử văn học Pháp các thế kỉ XIX, XX, viết chung với nhiều tác giả, chuyên luận Tiểu thuyết V.HugoNhững gương mặt văn xuôi Pháp thế kỉ XX và một số bài báo, công trình dịch thuật khác, thật ra không nhiều so với khả năng hiểu biết rộng lớn của một nhà khoa học như bà, nhưng giá trị khoa học của chúng thì lại vô cùng lớn. Trong cuốn hồi kí Cô bé nhìn mưa (NXB Phụ Nữ xuất bản năm 2008), bà đã đã nói rất chân thành về nét đặc biệt này: “Tôi thích viết hơn dạy và thích đọc hơn viết”. Tôi tin những bộc bạch của bà là thật sự chân thành. Tôi nhớ lại ngày mới ra trường, được nhận là “đệ tử” của bà, dạy cùng bà các giáo trình văn học cổ điển và lãng mạn Pháp, hễ có chỗ nào mời dạy là bà lại “nhường tôi: “Hinh đi dạy đi, chỗ ấy có tiền”. Dù khi ấy còn rất non nớt, được lời của bà, tôi rất hăm hở. Là nhà giáo ưu tú từng nhiều năm trực tiếp đứng lớp và tham gia quản lí, nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh luôn thừa nhận, với mình, ở cả hai lĩnh vực này đều rất “hạn chế”. Mười năm là Hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học Trung Vương đối với bà là cả một cả một sự “đày ải nặng nề”. Sau này khi được rời khỏi chức vụ “lãnh đạo”, trở về giảng dạy tại khoa Văn, tôi luôn nhớ không bao giờ bà nhận cương vị lãnh đạo, dù chỉ là một chức vụ rất nhỏ như phó chủ nhiệm bộ môn. Bà chân thành bộc bạch rằng, bà không phải là tuýp người thầy có năng khiếu dạy học và lãnh đạo. So với người đồng nghiệp cùng trang lứa, nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm, bà thừa nhận mình “kém” hơn hẳn về điều này. Gần đây tôi nhớ có lần gọi điện cho tôi, bà cứ “lăn tăn” về bài viết của một người học trò, nhưng cũng là một đồng nghiệp tại khoa Văn học (PGS Hữu Đạt), in trên một tờ báo nọ khen bà “dạy hay”. Tôi không nghĩ lời “khen” của người bạn đồng nghiệp với bà không đúng. Nhưng trong điện thoại nói chuyện với tôi, bà cứ nhất quyết khẳng định rằng, lời “khen này” không phù hợp với mình. Bà không thừa nhận một người khác khen bà về một điều mà bà chưa đạt tới. Lại có một chuyện khác cho thấy một phẩm chất đặc biệt trong công việc khoa học của bà. Bà kể với tôi, có lần một vị chuyên viên nào đó chưa hỏi ý kiến trước đã gửi đến nhờ bà phản biện cho một luận án tiến sĩ về Hemingway. Bà đã thẳng thắn nói với vị chuyên viên kia rằng, về chuyên môn bà không thể đảm nhận được công việc này. Mặc dù ai cũng biết một nhà nghiên cứu thông thái đọc nhiều, hiểu rộng như bà, đây hoàn toàn là một công việc trong tầm tay. Nhưng trước sự trung thực và chính xác trong việc đánh giá một công trình khoa học, bà kiên quyết từ chối. Đôi khi, nói chuyện với tôi, bà phàn nàn rằng sao bây giờ người ta đánh giá nhận xét một công trình khoa học dễ dàng và đơn giản như thế. Có những Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh, thầy phản biện không hề nắm vững chuyên môn luận án của nghiên cứu sinh vẫn có thể viết được những lời nhận xét trơn tru, đọc trước hội đồng nghe có vẻ rất “khoa học”, nhưng thực ra đó chỉ là những điều trống rỗng, thiếu trách nhiệm…

Trung tướng Hồng Cư giúp PGS Đặng Thị Hạnh ghi lại thông tin từ một cuộc nói chuyện qua điện thoại.

Trung tướng Hồng Cư giúp PGS Đặng Thị Hạnh ghi lại thông tin từ một cuộc nói chuyện qua điện thoại.

Nghỉ hưu đã gần 30 năm nay, nhưng cho đến lúc này, không có lúc nào Phó giáo sư – Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh quay lưng lại với văn chương. Gần như trước bất cứ một sự kiện văn chương nào diễn ra hàng ngày, bà đều nắm bắt, hỏi han, tìm hiểu, và có lúc thì tham gia trong khả năng mình có thể. Năm nay đã bước sang tuổi 84, sức khoẻ không còn nhiều, thậm chí sau lần mổ gần đây nhất, mắt bà không còn nhìn rõ. Nhưng khát vọng tri thức trong bà thì không có lúc nào cạn vơi. Nếu muốn tìm hiểu điều gì, bà lại nhờ người bạn đời – trung tướng Hồng Cư đọc cho nghe, khi cần viết gì, lại đọc lên thành tiếng cho trung tướng Hồng Cư chép lại. Không thể ôm đồm nhiều, bà vẫn nhận lời cùng tham gia dịch bộ tiểu thuyết vô cùng khó đọc Đi tìm thời gian đã mất của M.Proust. Và trước bất cứ một điều gì cần đến sự trung thực và chính xác trong chữ nghĩa, bà vẫn kiên trì quyết liệt đến cùng, để bảo vệ tính chính xác trong khoa học. Gần đây nhất, có lần gọi điện cho tôi, bà tâm sự: “Hinh này, cái đầu đề tác phẩm À la recherches du temps perdus, mà một thành viên của nhóm dịch cứ nhất quyết đòi chuyển ngữ sang tiếng Việt là Tìm lại thời gian đã mất, trong khi bấy lâu nay, người ta vẫn dịch Đi tìm thời gian đã mất. Chỉ nội việc thêm, bớt có một chữ thôi (Đi tìm và Tìm lại), khi thấy đòi hỏi của người bạn dịch kia không chính đáng, bà vẫn cương quyết bảo vệ đến cùng. Bà nói, tiếng Pháp trong nguyên bản có chữ À la…đã có nghĩa là Đi tìm, vậy cớ gì phải thay đổi. Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô vàn những ví dụ có thể kể ra về phong cách khoa học hàng ngày của con gái học giả Đặng Thai Mai, khiến tôi không thể không cảm phục bà. Một người làm khoa học, nghĩa là không bao giờ vì sự “nể nang” mà nhượng bộ. Chân lí là thước đo duy nhất của khoa học.

Với những đóng góp tích cực trong việc quảng bá văn học Pháp tại Việt Nam, với hơn nửa thế kỉ miệt mài cống hiến cho khoa học và đào tạo, ngày 21 tháng hai vừa qua, Phó giáo sư – Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh đã vinh dự được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ hàn lâm. Trong buổi lễ long trọng nhưng cũng hết sức giản dị ấy tại Trung tâm văn hoá Pháp, tôi may mắn được mời dự trong số khách rất ít ỏi quen biết của bà. Tâm sự với tôi, bà nói rằng không thích phô trương, không coi đây là một điều gì quá “to tát”, nên thấy không cần thiết phải mời nhiều. Khi được mời phát biểu, cũng vẫn với dáng người nhỏ bé, giọng nói khiêm nhường, “kị sĩ hàn lâm” Đặng Thị Hạnh nhẹ nhàng tâm sự những điều rất dung dị như bà vẫn nói thường ngày, vẫn không thích nói những điều “to tát”. Còn tôi, tôi luôn cảm nhận, phía bên trong người phụ nữ trí thức thông thái bình dị kia là cả một đại dương mênh mông những bài học cuộc sống, mà có lẽ đi hết cả cuộc đời này, tôi cũng không thể nào học cho hết được.

Ngày đầu năm học, tháng 9/2013

Tác giả: Trần Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây