Tin tức

Nơi cho “ra lò” nhiều đại sứ cấp cao

Thứ hai - 04/11/2013 10:54
Đầu những năm 70 của thế kỉ trước, trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, có một cơ sở đào tạo rất nổi tiếng đối với người nước ngoài ở Việt Nam, có cái tên giản dị: Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đã 45 năm trôi qua, Khoa giờ mang một diện mạo mới, được giao thêm những nhiệm vụ mới, song vẫn mang trong mình cốt cách đậm nét của một đơn vị có uy tín, có truyền thống và bản sắc riêng về đào tạo Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên USSH đã có bài phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam (Chủ nhiệm Khoa).
Nơi cho “ra lò” nhiều đại sứ cấp cao
Nơi cho “ra lò” nhiều đại sứ cấp cao
Nơi cho “ra lò” nhiều đại sứ cấp cao

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt).

Cái nôi đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài

- Xin thầy cho biết, giai đoạn ban đầu đóng vai trò như thế nào trong việc đặt nền móng cho sự phát triển của Khoa sau này?

Trước khi nói đến thời điểm thành lập Khoa vào năm 1968, tôi muốn nhắc đến tiền thân của Khoa là Tổ Việt ngữ thuộc Khoa Ngữ Văn, đã được hình thành từ cuối những năm 50 của thế kỉ trước. Tổ Việt ngữ đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài trong giai đoạn những năm 1960. Từ năm 1965 đến năm 1969 có 31 giáo viên tham gia giảng dạy tại tổ Việt ngữ. Đến năm 1968, do đòi hỏi cấp bách của thực tế, Bộ ĐH&THCN lúc đó đã có quyết định thành lập “Khoa dạy tiếng Việt Nam cho lưu học sinh nước ngoài gọi tắt là Khoa Tiếng Việt”. Khoa trở thành cơ sở chính thức đầu tiên được giao thực hiện một nhiệm vụ chính trị quan trọng lúc bấy giờ là đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài.

- Đâu là những thành tích nổi bật nhất của Khoa trong lĩnh vực đào tạo tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài?

Khoa đã đào tạo được hàng nghìn người nước ngoài đến Hà Nội học tiếng Việt, lịch sử, văn học, văn hoá và nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là đã tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác ngoại giao cho nhiều nước. Nhiều phiên dịch viên, nhiều cán bộ ngoại giao cao cấp của các nước đều đã học chương trình đại học tại Khoa Tiếng Việt. Khoa cũng đã cử hàng trăm lượt giáo viên đi làm nghĩa vụ quốc tế, giảng dạy tiếng Việt tại Căm-pu-chia trong thời gian từ năm 1979 đến 1991. Nhiều cán bộ cao cấp của chính phủ Căm-pu-chia, của chính phủ Lào đều đã được học tiếng Việt tại Khoa. Trong những năm 1970-1980, Khoa là cơ sở đào tạo duy nhất tại Việt Nam, nên có thể thấy là hầu như người nước ngoài nào muốn học Tiếng Việt bài bản đều theo học tại đây.

 

- Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong hoàn cảnh chiến tranh, hẳn có nhiều kỉ niệm đáng nhớ, thưa thầy?

Trong hồi ức về Khoa, thầy Phan Văn Hải, người về tổ Việt Ngữ từ năm 1965 và về hưu vào năm 1995, kể lại: “Ngày 5/5/1967, máy bay Mĩ ném bom xuống khu công nghiệp Thượng Đình, cách nhà D Đại học Ngoại ngữ và kí túc xá Mễ Trì một cách đồng hẹp. Ngày 6/5/1967, cấp trên quyết định đưa lưu học sinh nước ngoài đi sơ tán. 4 giờ sáng ngày 7/5/1967, tất cả thầy cô giáo và lưu học sinh từ nhà B7bis Bách Khoa, đi xe đạp nhắm hướng thôn Hưu Tràng (Đan Phượng, Hà Tây) mà tập kết. Trong hoàn cảnh sơ tán chiến tranh, Tổ Việt ngữ và Ban quản lí lưu học sinh đều ở xa Ban Giám hiệu Trường Đại học Tổng hợp và Văn phòng Bộ ĐH&THCN. Việc liên hệ rất khó khăn. Có nhiều việc cấp thiết không thể xin ý kiến quyết định kịp thời của Bộ và Trường. Mỗi lần có việc cần thì cán bộ Ban quản lí lưu học sinh phải từ Hưu Tràng lên Đại Từ (Bắc Ninh), đi đêm bằng xe đạp qua các trọng điểm đánh phá của máy bay Mĩ như ga Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên…”

Gần đây, trong một hội thảo quốc tế ở nước ngoài, tình cờ tôi được gặp GS. Chúc Ngưỡng Tu, một trong những nhà Việt Nam học nổi tiếng của Trung Quốc, người đã dịch bộ ba tiểu thuyết “Ông Cố vấn” của nhà văn Hữu Mai sang tiếng Trung. GS. Chúc Ngưỡng Tu kể cho tôi nghe về những năm tháng học Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam tại nhà B7 Bis. Âm vang làm GS nhớ nhất trong những năm tháng chiến tranh gian khổ của Việt Nam là câu “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách bầu trời Hà Nội … km… Mọi người hãy nhanh chóng xuống hầm trú ẩn”.

- Từng có một câu chuyện vui là Khoa có “chuẩn đầu ra” là… Đại sứ?

Nhiệm vụ chính của Khoa chắc chắn không phải là đào tạo ra Đại sứ nhưng lại có một thực tế là nhiều cựu sinh viên cũ của Khoa (kể cả tiền thân là Tổ Việt ngữ), lại trở thành các nhà ngoại giao cao cấp. Đặc biệt là cho đến nay, có hơn 10 cựu sinh viên đã trở thành Đại sứ của các nước tại Việt Nam như các đại sứ Lí Gia Trung, Tề Kiến Quốc, Hồ Càn Văn của Trung Quốc, đại sứ Anteni Valeriou của Ru-ma-ni, đại sứ Fredesman Turro Gonsalez của Cu ba, Đại sứ Saadi Salama của Palestine…

Vào một buổi chiều tháng 8, tôi nghe tiếng gõ cửa phòng làm việc, thấy một người đứng tuổi châu Á xuất hiện. Anh tự giới thiệu bằng tiếng Việt rằng mình là người Mông Cổ, sinh viên cũ của Khoa từ năm 1978 đến 1982, bây giờ là Đại sứ nước CHND Mông Cổ tại Việt Nam. Còn có một sinh viên cũ – sinh viên đầu tiên trong cuộc đời dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của tôi – tên là Saadi Salama, người Palestine. Khi đó tôi 21 tuổi còn Saadi 19 tuổi. 31 năm sau gặp lại nhau, anh Sadi đã là Đại sứ của Palestine tại Việt Nam.

Tôi rất cảm động trước những cuộc gặp mặt bất ngờ và đáng quý như vậy. Chúng tôi đã trồng quả, gieo hạt say sưa và không ngờ sau này mình đã bội thu như vậy. Những sinh viên mà chúng tôi dạy dỗ tận tâm, yêu quý, coi như những bạn bè, người thân của chính mình thì nay, họ đã mang tất cả những kiến thức và tình cảm ấy hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Hội thảo khoa học về nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học và tiếng Việt ngày 19/10/2013.

Hội thảo khoa học về nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học và tiếng Việt ngày 19/10/2013.

Việt Nam học – hướng đi mới nhiều trăn trở

- Từ năm 2008, Khoa đổi tên thành Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển gì trong định hướng phát triển của Khoa?

Đây là bước chuyển có tính chiến lược. Trước đây, Khoa chỉ đào tạo Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài, nay Khoa có nhiệm vụ đào tạo Việt Nam học và Tiếng Việt không chỉ cho người nước ngoài mà còn cho cả sinh viên Việt Nam nữa. Trước đây Khoa chỉ đào tạo chương trình cử nhân Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài, nay là 2 chương trình: Việt Nam học, Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam. Trong chương trình Việt Nam học lại có chuyên ngành A dành cho người Việt Nam, chuyên ngành B dành cho người nước ngoài. Hai chuyên ngành A và B này khác nhau ở chỗ, sinh viên Việt Nam thì chú trọng vào ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung), sinh viên nước ngoài thì chú trọng vào kĩ năng tiếng Việt.

Việt Nam học là một ngành học có tính liên ngành cao bao gồm nhiều lĩnh vực từ ngôn ngữ đến lịch sử, văn hoá, văn học, kinh tế, môi trường, xã hội và phát triển. Những nghiên cứu trong lĩnh vực Việt Nam học cũng có những thành tựu nhất định để chúng tôi có thể kế tục. Mở ngành Việt Nam học, chúng tôi đang đi theo một xu hướng phát triển hợp quy luật khoa học và thực tiễn giáo dục hiện nay.

- Đào tạo Việt Nam học của Khoa so với các đơn vị đào tạo khác có gì khác biệt?

Dĩ nhiên, điểm chung là lớn vì chúng ta đều có mã ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tất cả các cơ sở đào tạo Việt Nam học. Tuy nhiên điều tạo nên sự khác biệt là chúng tôi cung cấp tri thức nền rộng và tạo điều kiện để sinh viên có thể đi sâu vào một số lĩnh vực cụ thể như: du lịch, báo chí, văn phòng, tư vấn, dạy tiếng. Đặc biệt, so với các đơn vị khác, sinh viên Việt Nam học của chúng tôi sẽ có ưu thế rõ về giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài.

Chúng tôi đào tạo các cử nhân Việt Nam học phục vụ nhu cầu đa dạng của cuộc sống, của xã hội và đất nước. Khoa đang có các điều kiện tốt để mở các chương trình sau đại học về Việt Nam học, trước hết là chương trình Thạc sĩ, sau đó là Tiến sĩ.

Chúng tôi có nhiều ưu thế để phát triển hướng đi mới, đó là: sự ủng hộ tạo điều kiện của ĐHQGHN và Trường ĐHKHXHNV; đội ngũ giáo viên được đào tạo cơ bản, có trình độ, có nhiều kinh nghiệm quốc tế; quan hệ quốc tế rộng, là Khoa Việt Nam học duy nhất hiện nay tại Việt Nam vừa có sinh viên quốc tế vừa có sinh viên Việt Nam được đào tạo chính thức.

Khuôn viên Khoa Việ Nam học và Tiếng Việt.

Khuôn viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt.

- Khoa gặp khó khăn nào là cơ bản trong việc thực hiện nhiệm vụ mới này?

Dù đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm nhưng Khoa cũng vấp phải tình trạng khó khăn chung là sự hẫng hụt sắp tới là các giáo viên có kinh nghiệm đã và sẽ lần lượt nghỉ hưu, vấn đề khoảng cách thế hệ là thách thức không nhỏ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm đào tạo liên ngành dù đã có nhưng chưa mang tính hệ thống cao.

Tuy nhiên, chỉ mới sau 4 khoá tuyển sinh ngành Việt Nam học cho sinh viên Việt Nam, số lượng sinh viên nộp đơn thi vào ngày càng tăng. Với khoá đầu tiên, Khoa còn phải tuyển nguyện vọng 2, năm ngoái và năm nay, điểm chuẩn của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã đứng ở “top” 5 trong 16 đơn vị đào tạo của Trường. Tôi cho rằng, đó là dấu hiệu tích cực đầu tiên và đáng mừng, cho thấy nhu cầu xã hội đối với ngành học này là không nhỏ và Khoa có uy tín nhất định đối với xã hội.

Dạy Tiếng Việt để thấy yêu hơn văn hoá dân tộc

- Là người đem văn hoá Việt Nam ra nước ngoài, cũng có điều kiện trải nghiệm văn hoá nhiều dân tộc trên thế giới, đó có phải là một điều hạnh phúc?

Đối với tôi thì chắc chắn đó là một may mắn. Hạnh phúc lớn nhất của người dạy tiếng Việt là ngày hôm nay thấy sinh viên nói tiếng Việt tốt hơn hôm qua và ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay. Không chỉ tôi mà các đồng nghiệp đủ mọi thế hệ đều là những “sứ giả” truyền bá văn hoá Việt Nam ra thế giới thông qua tiếng Việt. Chúng tôi tự hào về điều này. Khi dạy tiếng Việt thì chúng tôi học được tiếng Việt nhiều hơn, kiến thức cũng phải rộng và tổng hợp hơn. Mỗi ngày tới lớp lại là một ngày cảm nhận và khám phá thêm về tiếng Việt, về văn chương, về lịch sử, về văn hoá và xã hội Việt Nam. Chúng tôi cũng tự hào là rất nhiều giáo viên của Khoa đã đang là những sứ giả về Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam tại các Trung tâm Việt Nam học, các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Ngay cả một số giáo viên đã nghỉ hưu nhưng vẫn được nhiều trường Đại học nổi tiếng mời qua thỉnh giảng như Đại học Tổng hợp Malaysia, Đại học Ngoai ngữ Seoul…

Ngoài ra, do được tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, chúng tôi có cơ hội so sánh được những sự tương đồng và dị biệt về ngôn ngữ, về văn hoá, về lối sống, về ẩm thực… Điều đó mang lại những trải nghiệm “đa văn hoá” rât hữu ích cho công việc và cuộc sống của mỗi cá nhân.

Lớp K55 Việt Nam học - khoá đầu tiên tuyển sinh sinh viên Việt Nam.

Lớp K55 Việt Nam học - khoá đầu tiên tuyển sinh sinh viên Việt Nam.

- Là Chủ nhiệm Khoa vào thời điểm hiện nay, thầy sẽ tập trung vào điều gì và coi trọng điều gì?

Đây chắc chắn là một trách nhiệm nặng nề của Ban Chủ nhiệm Khoa hiện tại. Khoa sẽ tập trung vào yếu tố nguồn lực con người, làm sao để mỗi người trong đơn vị đều phát huy được điểm mạnh của mình cho sự nghiệp chung của Khoa, cố gắng tạo điều kiện để cán bộ trẻ phát triển. Kết nối các thế hệ, kết nối các tiểu hệ thống thành mạng lưới là một trong những mục tiêu mà chúng tôi đang thực hiện. Tuy nhiên, để phát triển, Khoa phải có một chiến lược tổng hợp được cụ thể hoá thành 5 cặp nhiệm vụ: Giáo viên tốt, sinh viên tốt – Chương trình tốt, giáo trình tốt – Nghiên cứu tốt, ứng dụng tốt – Quan hệ Quốc tế tốt, chuyên nghiệp hoá tốt – Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần thật tốt cho cán bộ viên chức của Khoa. Trong tương lai, Khoa sẽ là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu có chất lượng hàng đầu của Việt Nam về Việt Nam học. Điều này chính là kì vọng và nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao cho ngành Việt Nam học của Trường ĐHKHXH&NV trong chuyến thăm và làm việc tại Trường vào năm 2008.

- Cảm ơn Thầy và xin chúc Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt thành công với những nhiệm vụ mới!

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây