Ngôn ngữ
(Đọc Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975, chuyên luận của Nguyễn Bá Thành, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016)
1. Có thể nói lần đầu tiên công bố một chuyên luận toàn diện, sâu sắc và thú vị về nền thơ Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ 1945 - 1975. Sẽ có nhiều ý kiến trao đổi rất trái chiều nhau xung quanh công trình này, chúng tôi hình dung như thế, nhưng đó là một dấu hiệu tốt khi chúng ta đang cố gắng từ bỏ lối tư duy một chiều, đơn giản và dễ dãi trước bất kì sự xuất hiện sự kiện nào trong đời sống xã hội và văn chương. Phải nói ngay rằng để hoàn thành công trình lớn này, đồng nghiệp của chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để có thể sưu tầm và sở hữu một khối lượng tài liệu đồ sộ với hàng nghìn trang, không chỉ ở Việt Nam mà cả những nước ở trời Á - Âu - Mỹ (như Nhật Bản, Pháp, Italia, Hà Lan, Bỉ, Mỹ). Nhưng công sức có thể bỏ ra rất nhiều mà kết quả thu về lại ít ỏi nếu vẫn chỉ theo tập quán cũ, phương pháp cũ, nghĩa là “là ta mà cứ mê ta”. Có thể nói lần đầu tiên thơ Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 được nhìn nhận như một thực thể thơ thống nhất, đa dạng và phức tạp bởi thời tiết chính trị và những biến thiên lịch sử trong thời đại bão táp 30 năm cách mạng và chiến tranh, trong bối cảnh đất nước bị chia cắt dằng dặc 21 năm trời, trong cùng một thời kì mà trên cùng lãnh thổ tồn tại nhiều chính thể khác nhau, loại trừ nhau. Đã có một thời gian dài bị quy định bởi những quan điểm nghiên cứu có phần máy móc nên khi nói đến thơ Việt Nam 1945 - 1975, giới nghiên cứu thường khoanh vùng, khoanh tròn diện mạo thơ dân tộc Việt thời kì này chỉ là thơ cách mạng, chỉ là thơ được sáng tác trong thung thổ chính trị - văn hóa của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Động thái ấy không sai nhưng chưa đủ, là phiến diện, thiếu khách quan, thậm chí thiếu công bằng. Và nếu như thế thì con cháu chúng ta mai sau sẽ chỉ tri nhận được một nền thơ khuyết - nghĩa là chỉ có những vần thơ lửa cháy, nhiệt huyết tranh đấu mà thiếu đi những tiếng lòng tha thiết, đa thanh sắc của cả một cộng đồng Việt từ Bắc chí Nam, đều là con Rồng cháu Tiên. Có thể nói lần đầu tiên tác giả công trình đã mở toang cánh cửa thơ ca dân tộc trong một thời kì đau thương nhất, bi tráng nhất, tự hào nhất nhưng cũng đa dạng, phong phú và phức tạp nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại thế kỷ XX. Nói một cách chính xác thì, công trình thể hiện một tinh thần đổi mới trong nhiên cứu văn học chẳng hạn, khi không phải là cố gắng “hạ bệ” Thơ mới 1932-1945, mà là định vị lại nó trên thi đàn hiện đại trong sự so sánh nghiêm túc, khoa học với thơ Việt Nam giai đoạn 1945-1975: “Nhưng nếu đứng từ góc độ toàn cảnh, nhìn chung tất cả mọi bộ phận, trường phái và toàn bộ các khu vực, ta sẽ có một cái nhìn lạc quan, một nhận định khác hẳn. Rằng, thơ Việt Nam 1945-1975 là một nền thơ phát triển rực rỡ nhất, tự do nhất, nhiều thành tựu nhất. Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) xét cả về số lượng cũng như chất lượng nghệ thuật, xét cả ý nghĩa của thơ đối với đời sống tinh thần của xã hội, xét trên phương diện loại hình tác giả, loại hình nhân vật trữ tình và hình tượng trung tâm, cũng như xu hướng hiện đại hóa về ngôn ngữ và biểu tượng thi ca…không thể nào so sánh với thành tựu thơ 1945 - 1975” (tr. 44). Chúng tôi hình dung ý kiến này của nhà nghiên cứu sẽ gây hấn cảm xúc với giới lý luận - phê bình lâu nay vốn không dễ dàng từ bỏ những xác tín có tính thiên kiến của mình khi nhận định về tiến trình và các hiện tượng văn chương tiêu biểu.
2. Chuyên khảo gồm 4 chương lớn: Chương 1/Quan niệm văn học Việt Nam 1945 - 1975 như một chỉnh thể; Chương 2/Thơ dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chương 3/Thơ dưới chính thể Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa; Chương 4/Những đặc điểm chung của thơ Việt Nam 1945-1975. Như vậy có thể thấy, nội dung của chương 1, 3 và 4 thể hiện lao động nghề nghiệp nghiêm túc của nhà nghiên cứu theo tinh thần đổi mới - chỉ có thể hòa nhập được với thế giới hiện đại khi chúng ta thực sự thống nhất từ bên trong, xét riêng về văn hóa, văn chương. Rộng hơn là dân khí và dân trí cũng cần trên một nền tảng thống nhất hữu cơ. Đó chính là sức mạnh nội tại của chúng ta không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà rộng ra là trong chính trị, kinh tế, văn hóa và đạo đức. Để có một cấu trúc công trình thuyết phục độc giả, nhà nghiên cứu đã cùng lúc vận dụng tổng hợp sức mạnh và hiệu ứng tối đa của các phương pháp nghiên cứu (loại hình học, xã hội học, văn hóa học, thi pháp học,…). Nhưng điều quan trọng nhất để nhà nghiên cứu đi sâu vào cấu trúc của một nền thơ thống nhất, theo tinh thần khoa học, đó chính là tiếp cận thơ Việt Nam 1945-1975 từ góc nhìn tư duy nghệ thuật. Làm tiền đề cho công cuộc nghiên cứu thơ Việt Nam 1945 - 1975, chính tác giả đã công bố hai công trình có chất lượng khoa học cao: Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam (1996) và Tư duy thơ hiện đại Việt Nam (2012). Nghiên cứu thơ Việt Nam 1945 - 1975 từ góc nhìn tư duy nghệ thuật đã giúp tác giả thoát khỏi cái bẫy của những định kiến xã hội, chính trị, đạo đức bấy lâu nay khống chế chúng ta trong đời sống và hoạt động khoa học, văn học nghệ thuật. Chẳng hạn, nương theo tư duy nghệ thuật và tư duy thơ mà trong công trình này tác giả có thể tự tin và xác quyết đối tượng nghiên cứu khi đặt các thi sỹ Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền bên cạnh các nhà thơ lớn Hồ Chí Minh, Tố Hữu và Chế Lan Viên. Đây là phương pháp loại hình tác giả, nó không quá câu nệ những tiêu chí chính trị - đạo đức, chỉ tuân theo đặc trưng của kiểu nhà văn và kiểu tư duy nghệ thuật, đặc biệt là tư duy thơ. Âu đó cũng là một sự công tâm trong nghiên cứu. Công tâm giúp đổi mới cái thói quen xếp hạng thứ bậc nghệ sỹ theo địa vị xã hội và quyền chức.
Tinh thần đổi mới và phương pháp khoa học đã cho phép nhà nghiên cứu thư thái và bình tĩnh dành hẳn chương 3 (với độ dài 185 trang) chỉ để khảo cứu Thơ dưới chính thể Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Có đồng nghiệp tỏ ra lo lắng cho tác giả đang giống như nghệ sỹ biểu diễn xiếc trên dây. Mạo hiểm và nguy hiểm đón chờ bất kì lúc nào. Nhưng đọc vào văn bản sẽ thấy yên tâm vì: chứng cứ đầy đủ (hiểu là nguồn tư liệu phong phú, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng), nhưng quan trọng hơn là cách làm, tức thao tác khoa học thì cẩn trọng, minh bạch, công bằng, phân minh. Mười tiểu mục của chương này (Thơ dưới chính thể Quốc gia Việt Nam/Khái quát về lực lượng sáng tác thơ dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa/Những nhà Thơ mới tiếp bước trên con đường cũ/Phê phán hiện thực như là một cảm hứng chủ đạo/Xu hướng đấu tranh công khai trong thơ đô thị miền Nam/Tư tưởng chống Cộng trong thơ đô thị miền Nam/Tư duy thơ hướng nội/Hình tượng Tổ quốc đau thương và người lính sầu hận/Biểu hiện tình dục trong thơ đô thị miền Nam/Du nhập các quan điểm triết học và nghệ thuật hiện đại phương Tây), theo chúng tôi, là bằng chứng sinh động của một tinh thần nghiên cứu khoa học dân chủ. Nó chinh phục ngay cả những độc giả khó tính nhất, thậm chí bảo thủ nhất. Chúng tôi nghĩ, tinh thần minh triết trong nghiên cứu giúp tác giả công trình sớm hay muộn, và dẫu khó khăn đến mấy cuối cùng sẽ bảo vệ được chính kiến và chân lý.
3. Tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc một cách khoa học của công trình nghiên cứu thể hiện đặc sắc ở cách chứng minh thuyết phục tính thống nhất cao độ của một nền thơ Việt trong chương 4: Những đặc điểm chung của thơ Việt Nam 1945-1975 (Khát vọng độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước/Xu hướng tự do trong vận động thể loại/Thơ dài và trường ca phát triển/Quá trình hiện đại hóa ngôn ngữ và hình ảnh thơ). Chúng tôi nghĩ, không phải như ai đó thiếu thiện chí cho rằng đây là một sự “lai ghép”. Thực tiễn là tiên quyết. Tác giả đã khái quát các đặc điểm thơ trên nền một thực tiễn thơ phong phú từ các bộ phận khác nhau, các xu hướng và phong cách khác nhau hình thành dưới những chính thể khác nhau. Nhưng như một quy luật - trăm sông đều đổ về biển. Chính cái gọi tinh thần dân tộc đã quy tụ và thống nhất văn hóa, văn học nghệ thuật, trong đó có thơ ca. Ở đây không chỉ có chuyện tình hay lý, mà là thấu tình đạt lý.
4. Chúng tôi muốn nói đến văn phong nghiên cứu như một ưu điểm của công trình Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945 - 1975. Say mê, nhiệt hứng, tha thiết với nền thơ dân tộc, đó là tình cảm thường trực của tác giả. Chất men đó giúp nhà nghiên cứu thoát được lối hành văn chính xác nhưng lạnh lùng và khô cứng. Viết phê bình có văn đã khó, viết nghiên cứu có văn lại càng khó. Cái bề ngoài đôi khi tỏ ra “gàn” của một ông đồ Xứ Nghệ bỗng không còn đâu bóng dáng trên từng trang văn. Có lẽ cái chất văn uyển chuyển này khiến độc giả không cảm thấy mệt mỏi trên hơn 500 trang sách của một công trình nghiên cứu lớn. Đơn cử trường hợp Vũ Hoàng Chương - một đại biểu của “những nhà Thơ mới tiếp bước trên con đường cũ”. Những nhận định về Vũ Hoàng Chương, theo cách viết của nhà nghiên cứu, là vừa chính xác vừa uyển chuyển: “ Những tập thơ của ông sau Thơ mới dường như vẫn tiếp tục cái phong cách lãng mạn giai đoạn trước. Những suy nghĩ và cảm xúc về cách mạng chỉ dừng lại ở cái nhiệt tình lửa rơm buổi đầu, sau đó ta không gặp lại nữa” (tr. 253-254). Nhưng là thể tất khi viết: “ Thơ say của ông trước 1945 vẫn là đỉnh cao của sự đóng góp cho nền thơ dận tộc. Nhìn chung cả giai đoạn 1954 -1975, nếu gạt cái ngộ nhận chính trị ra ngoài, thì thơ ông đã để lại cho người đọc khá nhiều ấn tượng, mà sâu đậm nhất chính là một tấm lòng nặng trĩu của ông đối với quê hương đất nước, đặc biệt là đối với Thăng Long ngàn năm lịch sử” (tr. 257-258).
Công trình Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975 không phải không có những điều bất như ý với độc giả, điều đó khó tránh khỏi. Trên tinh thần cởi mở hiện nay, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng cuốn sách sẽ mang lại cho văn giới một cái nhìn mới mẻ, có tính phát hiện về một nền thơ dân tộc thống nhất. Đọc cuốn sách này chúng tôi kì vọng nó sẽ gây men cho bất kì ai yêu mến nền thơ ca dân tộc thời hiện đại./.
Tác giả: Bùi Việt Thắng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn