Đối thoại với nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun-mi

Chủ nhật - 27/11/2016 16:12
Ngày 23/11/2016, Bộ môn Hàn Quốc học (Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV) phối hợp với Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc tổ chức buổi giao lưu và gặp gỡ “Đối thoại với nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun-mi”.
Đối thoại với nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun-mi
Đối thoại với nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun-mi

Buổi giao lưu có sự góp mặt của đại diện Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc, NXB Nhã Nam, Khoa Đông phương học và một số dịch giả Việt Nam như dịch giả Lê Đăng Hoan (Hội Văn học Việt Nam), dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nhà văn Hwang Sun-mi sinh năm 1963 tại Hongseong (Hàn Quốc). Bà theo học sáng tác tại Đại học Nghệ thuật Seoul. Xuất hiện lần đầu với tư cách một nhà văn vào năm 1995, đến nay Hwang Sun-mi đã xuất bản được hơn 30 cuốn sách bao gồm nhiều thể loại khác nhau. Tác phẩm của Hwang Sun-mi đề cập đến hàng loạt chủ đề như: sự va chạm và dàn xếp giữa truyền thống và hiện đại, vấn đề cùng sinh tồn và việc theo đuổi tự do… Tất cả được lồng ghép và rải rác đan xen giữa các mô típ truyền thống. Cô được biết đến nhiều nhất với tư cách một tác giả văn chương kỳ ảo, với tư duy phê phán văn minh hiện đại.

Nhà văn Hwang Sun-mi tại buổi giao lưu

Một số tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hwang Sun-mi đã được dịch sang tiếng Việt như: “Cô gà mái sổng chuồng”, “Phiếu bé hư”, “Chú chó xanh lông dài”, “Những người bạn ở thung lũng mặt trời”, “Cá voi đỉnh núi”…

Năm 2011, hai cuốn sách “Phiếu bé hư” và “Cô gà mái sổng chuồng” đã đạt kỷ lục tại Hàn Quốc khi bán được hơn 1 triệu cuốn. Cuốn “Cô gà mái sổng chuồng” còn được chuyển thể sang thành kịch bản phim hoạt hình và trở thành tác phẩm có lượt người xem nhiều nhất trong lịch sử phim hoạt hình Hàn Quốc. Tác phẩm còn được chuyển thể nhiều lần trên sân khấu kịch. Thông qua các sáng tác của nhà văn Hwang Sun-mi, không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều cảm nhận được niềm tin và tình yêu với cuộc sống và con người xung quanh. Đó cũng chính là lý do mà mà các tác phẩm của nhà văn Hwang Sun-mi nhận được sự yêu thích của công chúng và bà cũng nhận được nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước.

Chia sẻ cảm xúc trong buổi giao lưu, nhà văn Hwang Sun-mi cho biết bà rất ngạc nhiên và vui mừng khi nhận được sự chào đón nổng nhiệt của sinh viên Trường ĐHKHXH&NV và các em nói tiếng Hàn rất tốt. Chính vì vậy mà dù đây là lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng bà có cảm giác thân thuộc và thoải mái. Bà cũng cảm thấy hạnh phúc khi nhìn những tác phẩm của mình được dịch sang tiếng Việt và đến với đông đảo độc giả Việt Nam, trong đó có rất nhiều độc giả trẻ. Và buổi giao lưu này cùng những tình cảm của các bạn sinh viên tại đây sẽ là những kỷ niệm và kinh nghiệm quý giá trong cuộc đời bà.

Tại buổi nói chuyện này, nhà văn Hwang Sun-mi đã chia sẻ quan niệm của bà về ý nghĩa một tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, cách xây dựng nội dung và ý tưởng cho các tác phẩm, cùng những trăn trở suy tư trong qúa trình tư duy, lựa chọn chất liệu cuộc sống đưa vào tác phẩm.

Nhà văn cho rằng văn học dễ dàng đi vào tấm lòng và tâm hồn con người và đến từ những điều cơ bản, sâu thẳm nhất trong trái tim con người. Bà viết những tác phẩm dành cho thiếu nhi dựa trên sự quan sát và trải nghiệm của chính những người thân yêu xung quanh, như con cái, bố mẹ và gia đình. Những nhân vật chính trong các câu chuyện bà viết là động vật nhưng phản chiếu tính cách, số phận, những khao khát của chính con người. Người lớn có thể nhìn thấy cuộc sống và trăn trở của chính mình trong đời thường qua nhưng nhân vật ấy. Các tác phẩm của bà cố gắng truyền đạt những giá trị và bài học của cuộc sống qua những trải nghiệm của một người trưởng thành nhưng biểu đạt bằng các nhân vật, chi tiết, bối cảnh sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu với trẻ con. Chính vì thế các em thiếu nhi có thể học được nhiều điều từ những đúc rút ấy. Và người lớn cũng có thể thấu hiểu khi đọc truyện và muốn đồng hành cùng con, giúp đỡ con trong hành trình khám phá các giá trị cuộc sống. Những cuốn sách cho thiếu nhi nhưng lại bao hàm những giá trị sống cho các thế hệ.

Nhà văn Hwang Sun-mi chia sẻ rằng bà cũng gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình viết, đôi khi là cả những áp lực về deadline và áp lực về sự kỳ vọng của người đọc. Bà có thói quen lưu giữ toàn bộ những bản nháp cùng những chính sửa của các tác phẩm. Để góp nhặt các chi tiết, bà còn có thói quen ghi lại tất cả những gì xảy ra và những gì để lại cho mình cảm xúc trong ngày. Bà cũng chia sẻ rằng bà yêu thích công việc viết văn và luôn thấy hạnh phúc khi được sống với công việc này mỗi ngày. 

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây