Ngôn ngữ
Nghiên cứu về cuộc Kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam nói chung không phải là đề tài mới. Nhưng tính mới của công trình này là cách tiếp cận nghiên cứu vấn đề từ góc độ quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ "tay ba" giữa Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc.
Kế thừa kết quả nghiên cứu của những người đi trước, cộng với nguồn tài liệu phong phú, đa dạng ở cả trong và ngoài nước, tác giả đã thành công trong việc phân tích sự vận động của quan hệ tam giác giữa Việt Nam với hai nước XHCN lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc trong giai đoạn từ 1954 đến 1975.
Cuốn sách có bố cục 8 chương, chặt chẽ, khoa học, logic. Trong phần đầu, tác giả đã trình bày cơ sở lý luận của quan hệ tam giác chiến lược, sự hình thành, đặc trưng và hàm ý của nó đối với trường hợp Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả đi sâu phân tích cơ sở hình thành quan hệ tay ba Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc, tiến trình vận động cũng như kết quả của các quan hệ này qua các giai đoạn của cuộc chiến tranh. Cuối cùng, tác giả đánh giá một cách toàn diện tác động của quan hệ tam giác Việt - Xô - Trung đối với cục diện chiến tranh, với mỗi nước, khu vực và thế giới. Những bài học mà tác giả rút ra sau khi nghiên cứu quan hệ tam giác Việt - Xô -Trung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Đó là trong hoạt động đối ngoại, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, phải có đường lối độc lập tự chủ, khôn khéo, chủ động, cân bằng quan hệ giữa các nước lớn với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
“Tính mới của công trình là tiếp cận nghiên cứu từ góc độ quan hệ "tay ba" giữa Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc” (GS. Vũ Dương Ninh).
Có thể nói, công trình nghiên cứu của PGS.TS. Phạm Quang Minh đã đề cập đến một vấn đề hết sức phức tạp, nhưng cũng rất thú vị. Phức tạp bởi vì có sự đan xen, phụ thuộc và liên quan mật thiết lẫn nhau giữa ba chủ thể Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc. Thú vị bởi vì, mỗi một vấn đề cần được nhìn nhận và xem xét từ các góc độ khác nhau. Sự phát triển của quan hệ tam giác Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là một ví dụ điển hình của chính trị quốc tế thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong cuộc chiến đó, mỗi nước đều có mục tiêu, đường lối và phương thức riêng nhằm đạt được mục đích cuối cùng của mình. Tất cả những điều này cho thấy sự phức tạp của quan hệ tam giác Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc. Nhờ có bản lĩnh và trí tuệ, cách xử lý tỉnh táo và khôn khéo, Việt Nam đã tự bảo vệ được lợi ích quốc gia, đưa cuộc kháng chiến đến thành công.
Công trình nghiên cứu của PGS.TS. Phạm Quang Minh càng có ý nghĩa khi được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015) .
Với tất cả những suy nghĩ đó, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc công trình nghiên cứu giá trị này.
Tác giả: GS. Vũ Dương Ninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn