Ngôn ngữ
GS.TS Vũ Đức Nghiệu/ Ảnh: Thành Long
- Thưa thầy, xuất phát từ thực tiễn nào mà Trường ĐHKHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại triển khai xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế và các đề thi kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Việt cho học viên nước ngoài ?
GS.TS Vũ Đức Nghiệu: Thực tế thì mong muốn của chúng ta về việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và bài thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho học viên là người nước ngoài, đã có từ lâu. Lý do là ở chỗ khoa học dạy tiếng trên thế giới đã và đang càng ngày càng phát triển; cách thức và phương pháp kiểm tra đánh giá, định vị năng lực, trình độ ngoại ngữ đã và đang thay đổi, phát triển nhiều. Trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt với tư cách là ngoại ngữ, chúng ta cần thay đổi cho kịp và phù hợp với những tiến bộ trên quốc tế về lĩnh vực kiểm tra đánh giá này.
Trường ĐHKHXHNV là nơi có truyền thống giảng dạy tiếng Việt từ rất sớm, ý tôi muốn nói là từ những năm mới thành lập của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đến nay, mà hiện nay, số người học tiếng Việt với tư cách là ngoại ngữ ở trong và ngoài Việt Nam cũng như tại trường càng ngày càng tăng nhiều, nên việc xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá, xác định năng lực tiếng Việt của học viên đã trở thành một nhu cầu cấp thiết, cần phải làm.
Chính vì thế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học KHXH&VN đã chỉ đạo, giao trách nhiệm và tạo điều kiện cho chúng tôi tổ chức thực hiện đề án xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá và các đề thi kiểm tra đánh giá này.
- Mọi hình thức tổ chức kiểm tra đánh giá đều nhằm mục đích đánh giá chính xác năng lực của người học và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tổ chức kỳ thi. Trên hai phương diện này thì cách thi mới này có những ưu điểm nổi bật nào so với cách thi cũ, thưa thầy ?
GS.TS Vũ Đức Nghiệu: Về mục đích kiểm tra đánh giá thì đúng như vậy, phải làm sao để đánh giá cho chính xác được năng lực, trình độ của người học. Theo cách thi mới, kết quả đánh giá khách quan hơn vì bộ tiêu chí và các bài thi cụ thể sẽ bao gồm nhiều nội dung kiểm tra đánh giá về các kỹ năng ngôn ngữ và năng lực ngôn ngữ hơn các cách kiểm tra đánh giá mà chúng ta thường dùng từ trước đến nay.
Thứ nữa, trước nay cách mà chúng ta thường làm là: kiểm tra đánh giá trình độ nào thì ra đề ở trình độ ấy, để biết học viên có đạt được trình độ ấy hay không; còn theo cách mới này thì đánh giá được căn cứ trên hệ thống 10 tiêu chuẩn, gồm 51 tiêu chí, mỗi đề thi là một “phổ” các câu hỏi, các yêu cầu trải dài từ trình độ đầu tiên đến trình độ cuối cùng (theo thang đo 6 mức, 3 trình độ của khung tham chiếu châu Âu); người dự kiểm tra đánh giá sẽ tự do thể hiện năng lực ngôn ngữ của mình; cuối cùng thì việc chấm điểm tự động nhờ công nghệ sẽ cho biết người thi được bao nhiêu điểm, đạt trình độ nào.
Về mặt tổ chức và cách thức kiểm tra đánh giá thì chắc chắn là với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, công việc sẽ được thực hiện tiện lợi hơn về rất nhiều mặt, từ không gian tổ chức đến nhân lực tổ chức, cách chấm điểm, tính điểm... Cái đích mà chúng ta tiến đến là: ai, ở đâu, lúc nào cũng có thể làm thủ tục đăng ký và dự thi kiểm tra đánh giá được, miễn là họ muốn và họ ngồi bên một máy tính có nối mạng internet.
Sinh viên nước ngoài trong buổi kiểm tra thử trình độ theo phương thức mới tại Trường ĐHKHXH&NV/ Ảnh: Hương Giang
- Nội dung kiến thức được xây dựng và tổ hợp trong bộ tiêu chuẩn và đề thi này có khác biệt gì so với ngân hàng đề của cách thi cũ, thưa thầy ?
GS.TS Vũ Đức Nghiệu: Khác, nhưng không phải là tuyệt đối khác, càng không phải là phủ nhận các kiểu ngân hàng đề thi kiểu cũ. Khác là khác ở phương tiện, cách thức thực hiện kiểm tra đánh giá. Ở đây, các năng lực thể hiện các kỹ năng ngôn ngữ: nói, nghe, đọc, viết được kiểm tra bằng nhiều “phép thử” khác nhau và được phát hiện qua nhiều yêu cầu, “thử thách” khác nhau. Điều này được thể hiện ngầm ẩn trong các đề thi; và người dự kiểm tra đánh giá thì thông qua bài làm sẽ thể hiện được hết các năng lực ngôn ngữ của mình.
- Trong kỳ thi thử nghiệm, các sinh viên nước ngoài thích cách thi mới, nhưng cũng có ý kiến cho là đề thi hơi khó hơn so với cách thi truyền thống, và thỉnh thoảng có chút trục trặc về hệ thống. Thầy nghĩ thế nào về những phản hồi trên ?
GS.TS Vũ Đức Nghiệu: Bình thường thôi; và đó là những thông tin rất hữu ích cho chúng tôi, mặc dù đã có dự liệu trước. Chúng ta chưa có truyền thống và kinh nghiệm nhiều về việc tổ chức thực hiện kiểm tra đánh giá kiểu này. Tất cả sẽ được chúng tôi phân tích cẩn thận để tiếp tục rút kinh nghiệm, chỉnh sửa, bổ sung trên con đường tiến triển lâu dài đang ở phía trước.
- Với cách thi này thì việc đăng ký thi và cấp chứng chỉ sẽ được thực hiện như thế nào ?
GS.TS Vũ Đức Nghiệu: Cái này, đối với công nghệ thông tin bây giờ, không có khó khăn gì đáng kể đâu. Có hướng dẫn cụ thể trên Website về thủ tục đăng ký trực tuyến để tham dự kiểm tra. Dễ thôi.
- Khi triển khai nghiên cứu, thực hiện đề án này, đâu là khó khăn lớn nhất mà nhóm chuyên gia thực hiện đề án phải khắc phục ?
GS.TS Vũ Đức Nghiệu: Khó khăn thì cái gì mà chúng ta chẳng khó khăn, nhất là về tài lực. Nhưng tôi không muốn nói đến khó khăn, mà muốn nói rằng các thành viên trong nhóm thực thi công việc này đã làm việc trong điều kiện và với tinh thần mà bạn khó có thể tưởng tượng được. Nhóm của chúng tôi có 11 người: chị Nguyễn Việt Hương, chị Nguyễn Thị Thuận, anh Nguyễn Chí Hoà, anh Trần Nhật Chính, anh Vũ Văn Thi, anh Nguyễn Hồng Cổn, anh Nguyễn Văn Phúc, anh Đào Văn Hùng, anh Nguyễn Thiện Nam, anh Nguyễn Văn Hiệu và tôi. Là người được giao trách nhiệm chủ trì thực hiện đề án này, tôi rất cảm ơn các thành viên trong nhóm. Nếu mỗi người giảm sự cố gắng của họ đi một tí thôi, thì chắc chắn hôm nay tôi chưa có gì để nói với bạn được đâu.
- Trường ĐHKHXH&NV có hơn 45 năm truyền thống đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài, lại là một trong số ít địa chỉ chính thức được giao việc tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Việt của người nước ngoài; vậy việc tổ chức kiểm tra đánh giá theo cách thức mới này có ý nghĩa như thế nào đối với việc đổi mới công tác đào tạo của Nhà trường ?
GS.TS Vũ Đức Nghiệu: Tôi không nói thì chắc bạn cũng có thể đã thấy rồi. Việc kiểm tra đánh giá sẽ có tính toàn diện hơn, mềm dẻo và linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người muốn tham dự kiểm tra đánh giá.
Một trong những công việc cần làm để đổi mới toàn diện giáo dục của chúng ta hiện nay là đổi mới công tác kiểm tra đánh giá. Đổi mới là đổi mới ở cái phương thức tổ chức thực hiện để có được sự đánh giá đúng hơn, tốt hơn về năng lực, kiến thức và kỹ năng, chứ không phải chỉ là ở chỗ có dùng máy tính và công nghệ thông tin để kiểm tra đánh giá hay không. Trong việc mà chúng ta đang nói ở đây, máy tính và công nghệ thông tin là công cụ, là phương tiện công nghệ hỗ trợ rất đắc lực, rất hữu hiệu cho việc thực hiện một phương thức kiểm tra đánh giá hoặc thực thi công việc giảng dạy, học tập.
- Xin cảm ơn thầy về những trao đổi trên.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn