Ngôn ngữ
Năm 1960, tôi học lớp cuối cấp 3.
Một hôm, ở khu tập thể trường cấp 2 tranh nứa của tôi ở tỉnh, vợ một thầy giáo dạy Văn, cùng nhà, mang về cho chồng một cuốn sách mới. Chị là người bán sách. Thấy sách mới, tôi háo hức hỏi thầy: "Chú ơi, sách gì thế ạ? Cho cháu xem với.” Tôi cầm cuốn sách trên tay: Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, tập I, tác giả là Hoàng Xuân Nhị. Chú Ba giải thích: "Ông Hoàng Xuân Nhị là người Hà Tĩnh với chú, bà con ông Hoàng Xuân Hãn, nay đang là Giáo sư ở Trường Đại học Tổng hợp ngoài Hà Nội, Cử nhân văn chương ở Đức về đấy. Đây là cuốn sách văn học Nga đầu tiên ở nước ta đấy.” Ít hôm sau, chú cho tôi mượn cuốn sách, tôi đọc ngấu nghiến. Lần đầu tiên tôi biết đến khái niệm văn học Nga với các tên tuổi các tác gia: Pushkin, Lermontov, Gogol,… và tôi nhớ cho đến hôm nay câu thơ Pushkin mà tác giả dịch:
Tôi yêu Tổ quốc tôi, một tình yêu kỳ lạ
Mà lý trí tôi không cưỡng nổi bao giờ
Những tục truyền huyền bí tự ngàn xưa
Sự bình thản đầy tự hào tin tưởng.
Rồi cơ may tôi được nhập học Khoa Ngữ văn một năm sau đó (1961).
GS. Hoàng Xuân Nhị
Tựu trường một ngày mưa, tôi thấy thầy Nhị lần đầu tiên ở Đại giảng đường 19 Lê Thánh Tông khi thầy Giám đốc (Hiệu trưởng) Ngụy Như Kontum giới thiệu các khoa trưởng. Thầy đứng dậy, quay xuống mỉm cười đáp lễ. Chúng tôi cũng đứng dậy. Dáng cao lớn, mái đầu bạc trắng, da dẻ hồng hào, đôi mắt sáng, nụ cười hiền hậu, thầy mặc một cái áo cộc tay ba túi màu trắng và chiếc quần xanh công nhân xắn một gấu. Rất giản dị nhưng vẻ sang trọng. Năm ấy thầy vừa 47 tuổi và cũng vừa được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Khoa học Xã hội (Văn + Sử) của Trường mà tiền nhiệm là các thầy Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo và Trần Văn Giàu. Hình ảnh thầy theo tôi suốt đời về biểu tượng một vị Giáo sư Khoa trưởng. Hình ảnh ấy cũng gợi cho tôi một thang giá trị mà sau này tôi may mắn được theo và gắng phấn đấu trong sự nghiệp chuyên môn của mình. Nhưng phải 35 năm nữa...
Cuối buổi lễ nhập trường, thầy dẫn đám sinh viên mới đi thăm thư viện (Hội trường Lê Văn Thiêm bây giờ) với câu phát ngôn rất lạ: "Các đồng chí theo mình”. Đời thuở từ khi lớn lên, đèn sách ở trường phổ thông, tôi chưa thấy thầy cô nào gọi học trò bằng đồng chí cả. Nhưng thầy thì suốt đời gọi chúng tôi như vậy.
Giảng đường đại học đối với chúng tôi có nhiều sự lạ. Lạ nhất là không khí học tập hăng hái, chăm chỉ. Tuy quần nâu, áo vải, nhiều người còn đi chân đất nhưng lũ sinh viên chúng tôi nhiệt tình và ý chí không kém. Ngoài thầy Nhị, thầy Bạch Năng Thi, thầy Hoàng Như Mai, thầy Lê Đình Kỵ, thầy Đinh Gia Khánh, thầy Đỗ Đức Hiểu ngoại bốn mươi thì các thầy trong khoa đều trẻ và thân thiết với sinh viên.
Qua các thầy, chúng tôi mới biết thầy Nhị ở quê nghèo Hà Tĩnh, chăm học từ nhỏ, sau khi đỗ tú tài thì được học bổng sang Pháp rồi sang Đức học tiếp, đỗ cử nhân văn chương. Rất giỏi tiếng Pháp và tiếng Đức. Thầy đã dịch Chinh phụ ngâm khúc ra tiếng Pháp và được khen, được thưởng. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đáng lẽ thầy học tiếp chương trình Tiến sĩ thì thầy về nước. Thầy chọn bưng biền Nam Bộ để theo nghiệp kháng chiến. Thầy làm công tác văn hóa, giáo dục gần Xứ ủy Nam Bộ những năm gian khó rồi trở thành cán bộ cốt cán và Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ trước khi đi tập kết. Một lần đến lớp, tôi thấy thầy đeo một huy hiệu lạ, không phải huân chương hay huy chương, hỏi ra mới biết đấy là huy hiệu “Thành đồng Tổ quốc” tặng cho những người kháng chiến chín năm có thành tích ở Nam Bộ, thầy rất tự hào. Ở khoa Ngữ Văn còn có một người nữa có huy hiệu đó là thầy Nguyễn Hàm Dương, nguyên chiến sĩ đoàn tàu không số chở vũ khí từ Thái Lan đến khu 9 cùng thời.
Thầy Nhị chưa dạy chúng tôi ngay. Phải đến năm thứ ba và thứ tư thì thầy mới lên lớp cho chúng tôi hai môn. Tuy nhiên, trước đó, trên cương vị Khoa trưởng, thầy dùng uy tín của mình thường xuyên mời nhiều học giả danh tiếng đến khoa thuyết giảng cho sinh viên: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,… nhờ đó chúng tôi học được khá nhiều kiến thức và thực tế. Là sinh viên chúng tôi đâu dám đến gần thầy mà chỉ gặp thầy ở văn phòng khi có việc phải xin phép hay lảng vảng xem thầy đánh bi-a với anh Phan Trác Cảnh, trợ lý chuyên nghiệp của thầy (sau này là ông chủ hiệu sách cũ nổi tiếng số 5 phố Bát Đàn, Hà Nội) ở hành lang khoa. Thầy hay cười và vẫy chào chúng tôi.
Khoa Ngữ văn ngày ấy đóng ở làng Láng trong một khuôn viên thanh bình rộng rãi (bao gồm đất đai của hai trường: Đại học Ngoại thương và Ngoai giao hôm nay) với không gian sống, học tập và hoạt động thật thoải mái, cho dù còn rất nghèo. Trong hai năm học, thầy Nhị đã dạy cho chúng tôi hai giáo trình và chuyên đề: Văn học Nga Xô viết và Phê bình mỹ học. Thầy đã nhường văn học Nga thế kỷ 18-19 cho nhóm thầy trẻ: Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Trường Lịch, Trương Quang Chế, Bùi Xuân An.
Buổi lên lớp đầu tiên của thầy, chúng tôi háo hức vì được học với GS Chủ nhiêm khoa. Còn thầy thì bình thản nhẹ nhàng. Vẫn trang phục truyền thống như năm trước: áo cộc ba túi và quần xanh công nhân. Thầy cầm cái tẩu nhỏ gõ nhẹ vào hộp sắt đựng thuốc lá trên tay. Thầy hiền từ nhìn chúng tôi và nói nhẹ đủ nghe: "Mình dùng tiết đầu để tâm sự với các đồng chí”. Thầy không bắt đầu bằng học thuật mà bằng lòng yêu nước của người trí thức. Thầy bảo các đồng chí lớn lên trong một nước đã độc lập, không thấy hết cái khổ của người mất nước. Thầy kể: Một đêm giao thừa dương lịch ở Paris trước Thế chiến thứ hai, nhóm sinh viên quốc tế tổ chức liên hoan, mỗi người kể một câu chuyện về quê hương mình, sau đó các bạn đề nghị mọi người giới thiệu quốc kỳ và hát quốc ca nước mình. Đến lượt mình, thầy lúng túng và đau khổ. Giới thiệu cái gì đây khi nước mất? Nuốt nước mắt vào trong, thầy kể về lá cờ dựng ở hội làng và hát một khúc ngắn dân ca Nghệ - Tĩnh. Các bạn hoan nghênh còn thầy thì khóc. Lớp chúng tôi chùng hẳn xuống.
Thầy căn dặn chúng tôi vài điều: Gắng học cho dân, cho nước và cho mình. Vì thế phải nâng cao khả năng tự học và trau dồi ngoại ngữ. Không có hai thứ ấy thì không phát triển được. Thầy kể là thầy đã từng học thuộc từ điển Larousse để tự đọc sách và dịch thuật, đêm đông phải nhúng chân vào chậu nước lạnh để tỉnh ngủ mà ngồi học (lớp tôi có một sinh viên đã học thuộc được Từ điển Nga-Việt của Nguyễn Năng An - sinh viên ấy là nhà thơ Anh Ngọc giỏi giang sau này). Thầy đã tự học tiếng Nga trong nửa năm để rồi đọc sách viết Lịch sử văn học Nga và dịch bộ Mỹ học mác xít. Thầy đã gây cảm hứng mạnh mẽ trong nhóm sinh viên chúng tôi lúc đó.
Phải nói thực là thầy, cũng như thầy Lê Đình Kỵ, không phải là những diễn giả hùng biện, nhưng các bài giảng của thầy với lối nói nhỏ nhẹ, chậm rãi rất “chất” trong các phân tích sâu và những thông tin thầy cung cấp. Thầy phân tích cho chúng tôi rất sâu sắc về Gorky với các thiên truyện Người mẹ, Chim ưng, Trái tim Đan cô,… bi kịch lịch sử của các nhân vật của Solokhov trong Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Số phận con người,… những điều thật mới mẻ và đáng nhớ. Khi giảng văn học Nga, nhờ tri thức uyên bác về văn học phương Tây, thầy luôn cho chúng tôi nghe những phân tích so sánh với văn học Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha. Qua lời thầy, chúng tôi biết các vở kịch thơ trong văn học Anh của Sếchxpia được tái hiện trong tiếng Pháp và tiếng Đức nhờ tài năng của Charles Hugo (con trai Victor Hugo) và nhà thơ Đức Sleghen.
Khi giảng về Phê phán Mỹ học hiện đại, thầy không quên dẫn chúng tôi từ Mỹ học cổ đại Hy Lạp qua Phục hưng đến thời cận đại, cả mỹ học Nga của Secnưsepxki. Một lần thầy hỏi chúng tôi: Có ai biết nguồn gốc của phát ngôn: Mọi lý thuyết đều xám cả, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi?”. Tôi thì nghĩ một triết gia nào đó. Một bạn tôi trả lời: "Câu ấy của Gớt ạ”. Thầy bảo đúng nhưng người ta đã dịch không sát. Rồi giải thích: "Đó là câu nói của quỷ Mephixto với ông bác sĩ trong truyện thơ Phaoxtơ của Gớt khi ca ngợi vẻ đẹp của cơ thể người đàn bà. Nguyên văn không phải là "cây đời mãi mãi” mà đúng ra là "cây vàng của cuộc sống thì…”. Học thì phải hành, thầy bắt chúng tôi viết tiểu luận nhận xét thẩm mỹ vể tác phẩm: "Truyện núi đồi và thảo nguyên” của Aitmatov qua hai truyện ngắn: "Người thầy đầu tiên” và “Cây phong non trùm khăn đỏ”, xêmine vài buổi, mỗi đứa trình bày ý riêng rồi thầy mới cho điểm.
Trên quan điểm học thuật, thầy luôn chính thống, không mấy chia sẻ mỹ học với phái Hegel trẻ và chủ nghĩa tự do của Garodi, Lucas,… Thầy rất nghiêm và có tính nguyên tắc. Một lần, trong lớp, một anh lớn tuổi (sau này là cán bộ phòng tổ chức) bị thầy mời ra khỏi lớp và không cho học tiếp chuyên đề nữa vì tội… cười tếu trong lớp khi thầy đang giảng về một vấn đề lý luận quan trọng. Thầy ra cho chúng tôi những đề thi khá khó và cho điểm cũng khá chặt.
Đời sinh viên kết thúc trong ầm ào của chiến tranh (1965) tôi được ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, dưới "trướng" của thầy nhưng ở một chuyên môn khác là Ngôn ngữ học. Nhà trường phải rời Hà Nội tản cư lên rừng núi Việt Bắc, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi già trẻ theo thầy vào cuộc sống mới. Đến nơi hạ trại, thầy đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống thời chiến, để lại Hà Nội chiếc xe máy Simson quen thuộc thầy đã đi nhiều năm. Thầy tham gia với chúng tôi đào hầm, làm nhà nứa lá, thắp đèn dầu đọc sách. Thầy vẫn chậm rãi, ung dung và vui vẻ, có hôm đi nhận gạo ăn, mưa to suối lũ lớn thầy để ba lô gạo lên lưng trâu và nhờ sinh viên ôm chặt để trâu bơi qua suối. Chuyện này thành sự kiện khi sinh viên K8 viết “Sơ tán diễn nghĩa” tặng thầy đề từ một chương: "Hoàng chủ nhiệm cưỡi trâu qua suối”.
Nhóm giáo viên chúng tôi có thầy Hàm Dương, thầy Thuật và tôi ở chung nhà gần thầy Nhị dưới thung nên tôi có dịp gần gia đình thầy. Thầy cũng tích cực tăng gia với cây trồng vật nuôi. Thầy bảo: "Mình quen rồi, hồi chín năm ở bưng biền còn khổ hơn nhiều mà vẫn sống được”. Chúng tôi thường trao đổi sản phẩm với thầy (rau, trứng, bầu và đôi khi cả gà). Thầy hướng dẫn chúng tôi nuôi vịt lấy trứng bằng sắn tươi (phải luộc chín rồi mới thái ra cho vịt ăn), hơn chúng tôi thầy còn câu cá để cải thiện bữa ăn vì thầy đã quen kênh rạch Nam Bộ. Dầu thiếu thốn, thầy vẫn khuyên và nhắc chúng tôi chuyên cần đọc sách, tự học còn thầy vẫn mài miệt sách vở, viết lách, trong đó có viết vở kịch Kiều mà đội văn nghệ sinh viên K8 đi diễn các nơi, về cả… Hà Nội.
Tuy nhiên, thầy Nhị không chỉ là Giáo sư, thầy là Chủ nhiệm khoa, phải quán xuyến nhiều chuyện. Thời bình cũng như thời chiến, anh em rất nể thầy, muốn để thầy tập trung làm chuyên môn nên đã đỡ đần thầy nhiều việc, tôi nhớ các thầy phó khoa: Trương Văn Vinh, Hoàng Hữu Yên, Tôn Gia Ngân, Nguyến Văn Tu, Đỗ Đức Hiểu, và các trợ lý: Phan Trác Cảnh, Nguyễn Xuân Hòa, Bùi Khánh Thế, Nguyễn Ngọc Sơn,… nối tiếp nhau hết mình lo việc cho thầy khiến cho thầy có lúc cũng không nhớ việc và ít để ý đến chi tiết. Tôi nhớ, mùa hè năm 1972 chiến tranh ác liệt, bom Mỹ liên miên, trường và khoa lại một lần nữa phải chuyển lên Hiệp Hòa, Hà Bắc. Một hôm, tôi mang lương đến cho thầy. Nhận xong thầy hỏi: "Thế đồng chí có biết khoa ta nay đang ở đâu không? Mình muốn đi thăm anh em”. Tôi hơi ngỡ ngàng nhưng hiểu ra ngay bèn nói với thầy các thông tin. Hôm sau, mới 4 giờ sáng, thầy đã đạp xe đạp một mạch lên Hà Bắc thăm anh em và kiểm tra khoa. Lại một chuyện khác nữa. Hồi ở Đại Từ, một hôm tôi sang nhà thầy đổi gạo lấy mỳ, thầy nói với tôi: "Các đồng chí trẻ nên giữ nghiêm kỷ luật sinh hoạt Đảng, mình đi họp đều mà ít thấy gặp đồng chí”. Tôi thanh minh: "Thưa thầy, em có là đảng viên đâu ạ”. Bình thản thầy bảo: "Vậy à, thế thì phải gắng lên. Để mình giới thiệu cho”. Tôi vội thưa: "Dạ không được đâu ạ, thầy sinh hoạt ở tổ khác còn em là bên ngôn ngữ quản ạ”. Thầy lại bảo: "Sao thế, mình là đảng viên, lại là thủ trưởng ở đây sao không được, mình biết hết anh em mà.” Thầm cảm ơn thầy nhưng tôi không dám nói tiếp nữa sợ thầy phật ý.
Thầy Nhị là người hiền hậu, chân thực nhưng có cá tính. Có những giai thoại vui về thầy mà mãi sau này tôi mới hiểu, ví như chuyện được mời đi ăn cỗ, ăn xong những gì còn lại thầy vẫn thu lại chia phần cho thầy và anh em với lời giải thích: "Họ đã cho mình tức là của mình”. Lần khác trên đường công tác, dừng lại uống nước, thầy đứng ngoài quán không vào và nói với anh em: "Mình có bình nước đây rồi, các đồng chí cứ vào uống rồi góp tiền trả nhá!”. Lần khác nữa, thấy nhà thầy có giàn bầu sai quả, thầy Dương sai tôi sang “liên hệ”. Thầy Nhị dẫn tôi ra giàn hái cho một quả, rồi thầy lại bảo tôi chọn quả nữa. Tôi chọn và chỉ, thầy cắt tiếp và nói: "Quả trước tôi cho các đồng chí, còn quả này thì phải trả tiền cho mình”. Sau này có dịp sống ở châu Âu tôi mới hiểu là thầy sống rất Tây, mọi việc minh bạch, không xã giao, màu mè, không sĩ chứ không phải là thầy “ki” như có người nghĩ.
Năm thầy bảy mươi tuổi (1984), khoa ta mừng thọ thầy ở nhà ăn Ký túc xá Lò Đúc. Đang lúc khó khăn nhất, chỉ có chuối, kẹo bột và nước trà. Thầy vui và chúng tôi cũng vui. Anh Mã Giang Lân kính thầy:
Chén vui nhớ buổi hôm nay,
Chén mừng xin hẹn ngày thầy tám mươi.
Nhưng... thầy đã dừng lại ở tuổi 78.
Tiễn đưa thầy ở tòa nhà chính đường Lê Thánh Tông, tôi nhớ hình ảnh nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt, đã yếu lắm có hai người đỡ, vẫn cố đến viếng thầy. Rồi GS Trần Đại Nghĩa cũng yếu không kém đến chia tay người bạn Ba Lê thuở ấy cùng về nước theo kháng chiến.
Một phần tư thế kỷ thầy đã đi xa, khoa Ngữ văn nhớ đến thầy, người thầy, người chủ nhiệm đáng kính thuở khoa hàn vi nhưng vô tiền khoáng hậu với cả một thế hệ.
Vào hạ năm Giáp Ngọ, 2014
Tác giả: GS.TS. NGND Đinh Văn Đức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn