Ngôn ngữ
Trong nghiên cứu về biển, các thành viên Nhóm NCTMCA luôn chú trọng các giá trị tảng nền, đến truyền thống và cơ tầng văn hóa, các lớp dân cư... sống ven biển và trên các hải đảo. Trong tâm thức của người Việt và nhiều cộng đồng cư dân sống ven biển Việt Nam, biển cả và đại dương là môi trường sống, không gian sinh tồn, phát triển. Nhiều huyền thoại, truyền thuyết, triết lý nhân sinh và cả những cảm thức, tri thức khoa học trong kho tàng văn hóa dân tộc... đã được hình thành gắn liền với biển. Các lớp cư dân cổ ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, đã sớm thể hiện năng lực khai thác biển, thích ứng, hòa nhập với môi trường và cuộc sống biển khơi. Trong quá trình tạo dựng nền tảng thiết yếu cho sự ra đời của các nhà nước sơ khai, những cơ sở kinh tế, xã hội, tri thức và di sản văn hóa của các cộng đồng cư dân duyên hải, biển đảo đã góp phần hợp thành ý thức và tư duy của dân tộc. Với ý nghĩa đó, cuộc sống, triết lý nhân sinh của người Việt Nam luôn chứa đựng yếu tố Nước, thấm đượm, hòa luyện với môi trường sông nước. Nước là nguồn sống, là chỉ dấu văn hóa, luôn nhắc nhở chúng ta về một quá khứ xa xưa trong lịch sử sinh thành của dân tộc. Nước còn là biểu hiện của tư duy năng động và chính nó đã tạo nên thế hỗn dung để tổng hòa thành một khái niệm thiêng: “Đất nước”. Khái niệm đó đã trở thành hằng số văn hóa, văn minh của bao thế hệ người Việt.
Từ trong chính môi trường biển cả, sông nước, người Việt đã quen với nếp sống, nếp nghĩ và tự tạo dựng cho mình tri thức, năng lực chế ngự sông nước, chinh phục biển khơi... Các huyền thoại về thời lập quốc như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Chử Đồng Tử - Tiên Dung hay Mai An Tiêm... đều khắc ghi những dấu ấn văn hóa, tình cảm sâu nặng với biển và mối liên hệ giữa đất liền với biển. Trong các không gian ven biển và trên biển, nhiều cộng đồng cư dân đã tiến hành các hoạt động kinh tế, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển giao thương, dịch vụ biển... Biển và môi trường sông nước cũng tạo nên cảm hứng cho sự sáng tạo, truyền bá nghệ thuật đồng thời cũng góp phần tôi rèn bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần cố kết cộng đồng, ý thức về môi trường sống, không gian sinh tồn và vùng đặc quyền kinh tế của mình...
Với mạch nguồn tư duy và cách tiếp cận đó, ở Phần 1 của cuốn sách, các tác giả đã tập trung trình bày những “nhận thức và diễn giải” về các không gian văn hóa, ý thức về biển, chủ quyền và an ninh biển của của các cộng đồng cư dân và chính thể trong bối cảnh, không gian xã hội, văn hóa của khu vực và thế giới. Quá trình hội cư, tụ cư đã tạo nên thế hỗn giao và sắc thái văn hóa đa dạng của những nền văn hóa cổ. Chủ nhân các nền văn hóa cổ như Đông Sơn, Sa Huỳnh - Champa, Phù Nam... đã sớm biết chế tác và sử dụng bè mảng, các loại hình thuyền để làm phương tiện đi lại, khai thác nguồn lợi biển, giao lưu trên sông biển. Tiếp nối truyền thống, vào thế kỷ XVI-XVIII, cư dân Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong cũng đã có thể đóng nhiều loại thuyền và chính họ đã dùng thuyền và cả tri thức, kinh nghiệm của mình để vươn ra khai thác các nguồn lợi biển, làm chủ các chuỗi đảo ven bờ và xa hơn là các quần đảo đại dương như Hoàng Sa, Trường Sa...
Trong các bài khảo cứu, để hướng đến những nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa Việt Nam, các tác giả đã không chỉ làm rõ những nhân tố bản địa, yếu tố nội sinh mà còn có nhiều nỗ lực đi sâu nghiên cứu những yếu tố ngoại sinh, những tác động từ bên ngoài đến lịch sử, xã hội và văn hóa Việt Nam. Trong cuốn sách, cách tiếp cận từ biển (View from the sea) tiếp tục là sự thể nghiệm và trải nghiệm của Nhóm nghiên cứu. Bên cạnh đó, dựa trên trục chính của tư duy và phương pháp nghiên cứu cơ bản của Khoa học lịch sử, quan điểm Nghiên cứu liên ngành, kết hợp giữa Lịch sử với Khảo cổ học, Xã hội học, Nhân học v.v... cũng được phát huy trong nhiều chuyên luận.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam chúng ta thấy, từ truyền thống khai thác biển, thích nghi với môi trường biển đến việc ban hành, thực thi chính sách quản lý biển đảo, bảo vệ các vùng đặc quyền kinh tế... tất cả đều cho thấy một truyền thống sông nước, truyền thống biển và hải thương của người Việt. Trải các triều đại từ Lý, Trần, Lê sơ, đến Mạc, Lê Trung Hưng rồi thời Nguyễn... ở đâu và bao giờ hành trình dân tộc cũng gắn liền với các hoạt động kinh tế, văn hóa biển. Vào thế kỷ XVII-XVIII, cùng với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã có nhiều chính sách năng động, cởi mở để thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại. Các chính sách tích cực, chủ động đó đã đưa quốc gia Đại Việt hội nhập với những phát triển chung của Kỷ nguyên thương mại châu Á (Age of Asian Commerce).
Kế thừa những thành tựu nghiên cứu trước đây (và là thế mạnh của Nhóm), bức tranh hoạt động thương mại biển đã được thể hiện khá sâu đậm ở Phần 2 của cuốn sách. Tôi tin rằng, nhiều vấn đề trình bày đã, đang và sẽ vẫn là chủ đề thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Cùng với một số bài nghiên cứu tổng quan, trong cuốn sách đã có những bài khảo cứu chuyên sâu về hoạt động của các trung tâm kinh tế, cảng thị vùng Bắc Bộ, Trung Bộ đến Nam Bộ. Điều đáng chú ý là, vấn đề nghiên cứu luôn được nhìn nhận trong hệ thống và nhờ có cách tiếp cận hệ thống đó mà quy mô, tính chất của các thương cảng, vai trò của các triều đại... cũng được phác dựng, phân tích toàn diện hơn. Trong cuốn sách, những hoạt động kinh tế công thương của nhà Mạc hay Lê Trung Hưng và cả triều Nguyễn đã được trình bày theo quan điểm mới. Với những chính sách khai mở và tư duy thương nghiệp mạnh mẽ, các triều đại quân chủ đã chuẩn bị được những điều kiện căn bản cho một cuộc hội nhập lớn của đất nước với nền Kinh tế thị trường phổ quát (Mas-market economy) của các dân tộc châu Á. Nhà Mạc cũng như các vương triều Lê - Trịnh, Nguyễn đã thực thi nhiều chính sách, phương thức quản lý mới đồng thời không ngừng khuyến khích sự phát triển của kinh tế công thương.
Trên hành trình tiến về phương Nam của lịch sử Việt Nam, một số bài viết trong cuốn sách đã có những khảo cứu công phu về một dải đất miền Trung với một hệ thống thương cảng trải từ vùng Thanh - Nghệ Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Các cảng thị nổi tiếng miền Trung như Chiêm Cảng - Hội An hay Thị Nại - Nước Mặn, vốn có nguồn gốc từ thời đại Champa, đã được trình bày với những nhận thức mới và được đặt trong những bình diện mới. Một khảo cứu công phu về trung tâm kinh tế như Nghệ - Tĩnh đã giúp chúng ta hiểu thêm chiều sâu lịch sử và vị thế của các cảng thị miền Trung. Trong lịch sử, mà tiêu biểu là thời đại Lý - Trần, Nghệ - Tĩnh từng đóng vai trò là cửa ngõ kinh tế, trung tâm luân chuyển hàng hóa quan trọng của quốc gia Đại Việt. Bên cạnh đó, những vấn đề như mối quan hệ giữa biển và lục địa; quá trình thiết lập và đặc tính của hệ thống thương mại Đông - Tây, mạng lưới giao thương nội Á hay vai trò của các nguồn và hệ thống chợ phiên ví như Cam Lộ,... đã được trình bày sinh động với nhiều thông tin khoa học phong phú, xác thực. Qua các chuyên luận, chúng ta thấy hoạt động kinh tế đối ngoại của quốc gia Đại Việt - Đại Nam luôn có mối liên hệ mật thiết với các hoạt động sản xuất, với các trung tâm giao thương trong nước, quốc tế. Mặt khác, hoạt động kinh tế đối ngoại cũng luôn chịu sự chi phối của các chủ trương, chính sách của chính quyền trung ương cũng như các địa phương.
Để làm rõ công lao, tầm nhìn và tư duy hướng biển của một số triều đại và nhân vật lịch sử, danh nhân, Phần 3 của cuốn sách tập trung trình bày chủ trương, chính sách của chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài cũng như các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cùng sự nghiệp một số nhân vật trong lịch sử Việt Nam với việc xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ những nguồn lợi biển và quan hệ giao thương trên biển. Đây là sự lựa chọn bước đầu của Nhóm nghiên cứu trong số nhiều nhân vật lịch sử cần được nghiên cứu, tôn vinh. Trong tiến trình dân tộc, họ là đại diện cho nhiều giai tầng xã hội từ một viên tướng tài Trần Khánh Dư nổi tiếng với chiến thắng Vân Đồn năm 1288 và tư duy thương nghiệp thời Trần đến chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người khai mở xứ Đàng Trong; Trấn thủ Lê Đình Kiên, người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp chấn hưng Phố Hiến và cuối cùng là một con người, một tính cách và một số phận như Nguyễn Ánh - Gia Long, vị quân vương có công khai sáng triều đại Nguyễn (1802-1945). Triều Nguyễn chính là vương triều để lại nhiều dư ảnh nhất, nhiều quan niệm, chiều kích đánh giá và nghĩ suy nhất trong sự phát triển của lịch sử Việt Nam cận hiện đại.
Các vị anh hùng và quân vương ấy đã sống ở các thời đại, triều đại khác nhau nhưng tất cả đều có tầm nhìn hướng biển và tư duy về biển mạnh mẽ. Theo tôi, chủ đề này cần phải tiếp tục đi sâu và nghiên cứu toàn diện hơn nữa để hiểu thêm về truyền thống hướng biển, quá trình khai phá, đấu tranh xác lập chủ quyền trên biển của người Việt Nam. Trong nội dung cuốn sách, nghiên cứu trường hợp về Lê Quý Đôn cũng giúp chúng ta hiểu sâu hơn về một nhân cách, một cách nhìn về biển, về vị thế và nguồn lợi biển cùng những thách thức từ biển khơi... của một trí thức Nho giáo tiêu biểu triều đại Lê Trung Hưng. Đối thoại hằng xuyên với các dòng thông tin, tri thức Đông - Tây, nhà trí thức, bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn đã tự trang bị cho mình một vốn kiến thức uyên thâm về biển.
Việc phân tích, đánh giá, khảo cứu một số nhân vật lịch sử cho thấy những dấu ấn, tâm thế, cách ứng đối và cả những quyết định của các nhân vật lịch sử. Họ đều muốn vượt qua những ràng buộc, níu kéo của thời gian, của những thói quen, nếp nghĩ và của cả truyền thống tri thức Trung Hoa... để vươn đến một tầm nhìn rộng lớn hơn, tiếp cận với tư duy khu vực và thời đại. Nghĩ suy về hành trạng, tâm thức của người xưa, có thể cho rằng, việc tự mình vươn lên, thoát ra khỏi những khuôn mẫu và định chế để khẳng định vị thế của chính mình, tiếp thu kiến thức của nhân loại, hội nhập với những phát triển chung của nhân loại luôn là một nhu cầu, khát vọng phát triển ngàn đời của dân tộc.
Cuối cùng, cần phải nói rằng, cuốn sách: Việt Nam - Truyền thống kinh tế văn hóa biển do PGS.TS Nguyễn Văn Kim và TS. Nguyễn Mạnh Dũng chủ biên là sự cố gắng, đồng thời ghi nhận một thành quả nghiên cứu mới của Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á. Trong cuốn sách, có những chuyên luận đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, nhưng cũng có những bài viết là kết quả nghiên cứu mới, lần đầu tiên được công bố. Là người nhiều năm gắn bó với công tác quản lý, hoạt động chuyên môn của Bộ môn Lịch sử thế giới, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, tôi xin trân trọng giới thiệu với các nhà nghiên cứu và bạn đọc công trình nghiên cứu thể hiện tinh thần cộng tác cùng những nỗ lực tìm tòi, luôn hướng đến những chủ đề, nội dung nghiên cứu mới của các thành viên Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á.
Hà Nội, Ngày 25 tháng 6 năm 2014
GS. NGND Vũ Dương Ninh
Tác giả: USSH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn