Tin tức

Nỗi đau còn đó

Thứ ba - 28/07/2015 06:41
Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị thương binh nặng tập trung có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất (trực thuộc Bộ lao động thương binh và xã hội) được thành lập từ ngày 3/4/1965. Sau gần 50 năm hoạt động đơn vị đã tiếp nhận, quản lí, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho 1000 thương – bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường về đây an dưỡng, điều trị phục hổi chức năng lao động.
Nỗi đau còn đó
Nỗi đau còn đó

 

Đến nay, đơn vị chỉ còn đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ chính sách cho 97 thương bệnh binh hạng nặng 1/4 ( với tỷ lệ thương tật từ 81 % đến 100 % ). Trong đó có 1 thương binh bị thương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ; 67 người bị thương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; 29 người bị thương trong thời kì bảo vệ xây dựng đất nước. Về đặc thù thương tật, 90 % là bị thương vào cột sống gây liệt nửa người cho nên di chuyển sinh hoạt chủ yếu bằng xe lăn, xe lắc. Do di chứng của vết thương cột sống dẫn đến nửa người phía dưới bị teo cơ, mất cảm giác cho nên trong mọi sinh hoạt không tự chủ được; mắc thêm các chứng bệnh tiểu đường, huyết áp cao….Cá biệt có đồng chí bị thương nặng nhiễm chất độc màu da cam…sinh ra con bị khuyết tật rất thương cảm. Nhiều thương binh còn mang trong mình mảnh đạn,vẫn bị nằm trong cột sống, trong đầu, mỗi lần trái gió trở trời cơn đau lại hành hạ tê buốt tận xương tủy, tạo ra những cơn co giật gây đau đớn, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ.

Dưới tán lá xanh mát, rì rào gió thổi là 97 con người, 97 số phận đã hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp Tổ quốc vĩ đại. Chiến tranh đã qua đi nhưng những di chứng chiến tranh không tha cho họ. Họ lại tiếp tục gánh chịu nỗi đau của chiến tranh gây ra. Họ tiếp tục chiến đấu với bệnh tật trên giường bệnh, giành giật sự sống cho chính mình dù chỉ là còn hơi thở, để tiếp tục sống, cống hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Thương binh Hoàng Xuân Thịnh, nhập ngũ năm 1961 tham gia chiến trường Quảng Ngãi, trong một trận đánh một tiểu đoàn đổ bộ, không may một trái bom phá nổ ngay vị trí anh nấp, một mảnh bom găm vào cột sống buộc anh phải ngồi xe lăn suốt đời. Quê anh ở miền Tây Nghệ An nơi có người vợ hiền chịu khó đảm đang, tham gia tích cực công tác dân quân tự vệ. Chị đã từng ngồi trên mâm pháo bảo vệ sân bay dã chiến Trường Sơn. Rồi vác đạn, lấp đường ray phục vụ chiến đấu cho sân bay dẫn đến chị bị sụn xương, viêm đã khớp nặng. Thương binh Nguyễn Quốc Trường quê ở Hà Nam cũng mang trong mình một nỗi đau như thế. Tham gia chiến trường mền Tây Nam Bộ bị mảnh bom phá chém vào sọ não, cột sống và vào phổi. Anh kéo vạt áo lên chỉ vào lưng, có chỗ lõm bằng nửa bàn tay mất hẳn. Anh cho biết, một mảnh bom đã khoét sâu vào ngực, để đảm bảo an toàn cho phổi, buộc phải hy sinh một một phần máu thịt để giành lấy cuộc sống.

Ở một căn hộ khác mà chị điều dưỡng Nguyễn Thị  Kim Phương dẫn chúng tôi đến thăm thương binh Nguyễn Văn Mão. Anh nằm nhỏ thó trên giường bệnh. Đôi chân phù nề dính bết bông vào gạc trắng. Trên vách tường treo Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng 1 và Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 2. Phần thưởng cao quý của Nhà nước giành cho anh, cho những gì anh đã cống hiến, đã hy sinh mất mát. Anh tham gia chiến dịch Thừa Thiên, A Sầu, A Lưới, rồi chiến dịch Mậu Thân và bị chất độc màu da cam, một chất độc chết người mà cả nhân loại lên án.

Bao nhiêu năm anh nằm điều trị ở đây là từng đấy ngày chị đi cùng chăm sóc. Chúng tôi lặng người đi trước cử chỉ, giọng nói nhẹ nhàng và trước vẻ đẹp ngỡ ngàng của chị. Có chị, anh vượt qua nỗi đau, không chỉ nỗi đau thịt da mà cả nỗi đau tinh thần. Đã một lần mang thai với hy vọng mong manh nhưng đã không đến với anh chị. Hơn bốn mươi năm anh nằm trên giường bệnh là từng ấy năm và hơn thế nữa chị tiếp tục làm người vợ bên giường bệnh để chăm cho anh từng thìa cơm, hớp cháo. Chị đang làm một việc tưởng như bình thường nhưng chính chị đang thay mặt cho Đất nước làm nhiệm vụ thiêng liêng để xóa bớt nỗi đau cho những người đã chịu nhiều mất mát.

Trong chuyến đi thường niên trong dip 27/7 PGS.TS Đặng Xuân Kháng, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học KHXH và NV cho hay : “Năm nay Công đoàn, Cựu chiến binh trường thăm hỏi tặng quà và 15 triệu đồng tiền mặt cho Trung tâm điều dưỡng người có công ở tỉnh Phú Thọ và Trung tâm điều dưỡng người có công tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Món quà tuy không lớn nhưng là tấm lòng tri ân, chúc sức khỏe các đồng chí thương binh nặng. Thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên Nhà trường đối với  các thương bệnh binh và mong vơi bớt nỗi đau, vượt lên khó khăn để sống và tiếp tục cống hiến.       

Một số hình ảnh về chuyến đi thăm:

                                                                                            

Tác giả: Phạm Đình Lân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây