Ngôn ngữ
Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam (thuộc Khoa Lịch sử) được thành lập vào năm 1998 (lúc đầu có tên gọi là Lịch sử văn hóa Việt Nam), do GS. Trần Quốc Vượng - một trong những nhà khoa học hàng đầu xếp trong “tứ trụ” của khoa Lịch sử - làm Chủ nhiệm. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, trước yêu cầu thực tiễn của xã hội trong quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hoá, hội nhập quốc tế, năm 2004, Bộ môn Lịch sử Văn hoá Việt Nam đổi thành Bộ môn Văn hoá học. Năm 2009, Bộ môn đổi tên thành Văn hóa học và Lịch sử Văn hoá Việt Nam, phát triển theo hướng đẩy mạnh những nghiên cứu về Văn hóa học cũng như nghiên cứu về văn hoá Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh tảng nền nghiên cứu về lịch sử.
Trải qua gần hai thập kỷ xây dựng và trưởng thành, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh. Chính các Thầy Cô giáo trong bộ môn và Khoa từ những ngày đầu thành lập bộ môn cho đến nay luôn là người thắp lửa, truyền niềm say mê với lịch sử - văn hóa Việt Nam cho biết bao thế hệ học trò. Trong những hồi ức về thời sinh viên, những bài giảng và những buổi nói chuyện của Thầy Trần Quốc Vượng, Thầy Nguyễn Hải Kế, cô Lâm Mỹ Dung… hay những buổi điền dã “vừa học vừa chơi” ở chùa Dâu, chùa Sủi, giỗ họ ở Nguyệt Áng, xem hầu đồng ở Thái Bình, đi dập văn bia ở Tây Hồ[1]… đã nhen lên trong lòng bao học trò khoa Lịch sử niềm yêu thích, say mê khám phá về lịch sử-văn hóa Việt Nam. Trong những chuyến đi khảo sát, điền dã đó sinh viên chuyên ngành đã được tìm hiểu về nhiều kiến thức phong phú trong thực tế từ những món ăn, bộ trang phục cho đến những công trình kiến trúc đình chùa đền miếu, những hội hè đình đám, những phong tục tập quán ngàn đời của ông cha…Trong phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam luôn là một trong những bộ môn có số lượng sinh viên tham gia làm báo cáo rất đông, trao đổi thảo luận phong phú và sôi nổi. Rất nhiều sinh viên với niềm đam mê lịch sử - văn hóa dân tộc, với niềm kính trọng, ngưỡng mộ, với cái tình chỉ muốn được “theo”[2], được học với các Thầy Cô trong bộ môn đã theo học chuyên ngành. Nhiều cựu sinh viên của chuyên ngành đã chia sẻ: nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn học chuyên ngành Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam!
Với 15 khóa sinh viên chuyên ngành (khoảng hơn 300 sinh viên) đã tốt nghiệp, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam càng chứng tỏ rõ hơn ưu thế của mình trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bộ môn đã đảm bảo tốt tiến độ và chất lượng giảng dạy các chuyên đề của chuyên ngành, từ những vấn đề về Lý thuyết, Phương pháp nghiên cứu Văn hóa học cho đến những vấn đề cụ thể như Văn hóa làng xã, Đô thị và văn hóa Đô thị ở Việt Nam; Tiếp xúc và giao lưu văn hóa; Tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội ở Việt Nam; Âm nhạc, Mỹ thuật, Ẩm thực Việt Nam truyền thống… Những kiến thức được các Thầy Cô trao truyền không chỉ là nền tảng tốt cho sinh viên hoàn thành nhiệm vụ học tập mà còn là hành trang quý giá cho các thế hệ sinh viên khi tốt nghiệp ra trường. Đối với những sinh viên đã từng học chuyên ngành thì đều nhận thấy rằng “kiến thức của ngành và chuyên ngành là những kiến thức cơ bản, quan trọng, phục vụ cho công việc và cuộc sống suốt cả cuộc đời”[3]; dù biết kiến thức về văn hóa là vô cùng vô tận vẫn luôn cần trau dồi học hỏi[4], nhưng những kiến thức của chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam luôn là hành trang đầu tiên, quan trọng để người học tự tin, vững vàng bước đi trên con đường của riêng mình[5]; hay luôn tâm niệm học văn hóa để giải quyết mọi việc bằng văn hóa/ theo cách có văn hóa luôn là tốt nhất[6].
Sinh viên học chuyên ngành Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam luôn có ấn tượng tốt đẹp không chỉ với các Thầy Cô giáo của Khoa và Bộ môn mà còn với nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực về văn hóa học ở Việt Nam. Nhiều Thầy/Cô ở ngoài trường cũng đã tích cực tham gia giảng dạy trong chuyên ngành như những giảng viên kiêm nhiệm. Đây không chỉ là cơ hội cho sinh viên được học hỏi những kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành mà còn là cơ hội cho nhiều sinh viên thể hiện mình để tìm kiếm những công việc tại các cơ quan nghiên cứu. Nhiều sinh viên ngay trong quá trình học tập đã trở thành những cộng tác viên, được tham gia các đợt điều tra, khảo sát, các đề tài nghiên cứu do các chuyên gia, giảng viên kiêm nhiệm này phụ trách, và tiếp tục phát triển công việc sau khi tốt nghiệp. Sinh viên chuyên ngành Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam có thể trở thành nhà nghiên cứu, giáo viên, giảng viên theo đúng chuyên ngành đào tạo (đặc biệt khi môn Cơ sở văn hóa Việt Nam ngày càng được coi trọng, giảng dạy như môn cơ sở tại các trường Cao đẳng và Đại học); hoặc làm việc tại các cơ quan quản lý văn hóa như Bộ/Sở/Phòng/ Ban Văn hóa các cấp; nhiều cựu sinh viên đã thành công với những công việc “tay ngang” như phóng viên, biên tập viên, quản lý nhân sự, đối ngoại, marketing, kinh doanh… nhờ vốn kiến thức rộng mở, phong phú của chuyên ngành.
Từ năm 2014, việc đào tạo của bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam càng được thúc đẩy, mở rộng khi ĐHQG chính thức phê duyệt và mở mã chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam ở bậc Sau đại học. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội được học Thạc sĩ theo đúng chuyên ngành mình đã được đào tạo để đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công việc nói chung cũng như yêu cầu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói riêng. Trong thời gian tới, bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, đảm bảo tốt hoạt động đào tạo các bậc Cử nhân và Thạc sĩ, tiến tới mở mã ngành đào tạo ở bậc Tiến sĩ, đảm bảo yêu cầu về hoạt động đào tạo liên tục từ bậc Cử nhân đến Thạc sĩ và Tiến sĩ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực văn hóa của đất nước.
Thông tin tuyển sinh
[1] Vũ Diệu Trung, sinh viên khóa 42, chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam, hiện là cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
[2] Phạm Cao Quý, sinh viên khóa 43, chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam, hiện là cán bộ Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
[3] Võ Hoài Thương, sinh viên khóa 42, chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam, hiện là giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Vinh.
[4] Vũ Diệu Trung, sinh viên khóa 42, chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam, hiện là cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
[5] Nguyễn Thị Linh, sinh viên khóa 49, chuyên ngành Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam, hiện là giáo viên trường PTTH Văn Lâm, Hưng Yên.
[6] Phùng Ngọc Trung, sinh viên khóa 56, chuyên ngành Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Hoài Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn