Ngôn ngữ
1. “CÁI CẠM BẪY ĐIỆN BIÊN PHỦ” CỦA NGƯỜI PHÁP
Sau nhiều thất bại lớn, để mất quyền chủ động trên chiến trường chính Bặc Bộ Việt Nam, nước Pháp thực dân đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Là một viên tướng được đào tạo bài bản, có nhiều chiến tích, lại tình nguyện sang làm Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, chắc hẳn Đại tướng Henri Navarre có những ý tưởng quân sự, chính trị rất cao kiến khiến chính phủ Pháp và Chính phù Mỹ tin tưởng, đặt niềm hy vọng lớn. Quả vậy, khi tới Đông Dương, với kế hoạch mang tên mình, H.Navare đã tạo nên những tình huống chiến tranh mới mà những viên tướng tiền nhiệm chưa nghĩ ra. Đó là trong Đông Xuân 1953- 1954, dựa vào nguồn ngân quỹ lớn do Chính phủ Mỹ và Chính phủ Pháp chuẩn chi (750 tỷ frangce), ông ta chủ trương không đánh lớn ở Bắc Bộ, mà tập trung xây dựng khoảng 100 tiểu đoàn cơ động mạnh, để sang Đông Xuân 1954- 1955 sẽ mở cuộc giao chiến lớn tiêu diệt các đại đoàn chủ lực của Việt Nam, kết thúc chiến tranh có lợi cho Pháp.
Thông qua kế hoạch Navare, người Pháp đã định đánh bầy đối phương trong chiến cuộc Đông Xuân 1953- 1954 và trận Điện Biên Phủ trên ba phương diện chính
Thứ nhất, nguyên tắc chung của quân sự là bí mật mưu đồ, kế hoạch tác chiến, nhưng H.Navare lại phô trương ý đồ của mình một cách rầm rộ, bằng một chiến dịch tuyên truyền rất rộng rãi. Bộ máy tuyên truyền của Pháp cả ở chính quốc và tại Đông Dương đẫ hết lời ca ngợi kế hoạch của vị tổng tư lệnh quân viễn chinh. Sau này, khi chọn Điện Biện Phủ làm trận đánh quyết chiến chiến lược, họ cũng khẳng định chắc chắn rằng đó là “pháo đài bất khả chiến thắng”, thách đố Việt Minh giao chiến. Sự tuyên truyền như vậy thực chất là kế “Hư trương thanh thế”, áp đảo đối phương bằng sức mạnh trước trận đánh, chủ yếu là sức mạnh hậu phương, hậu cần, sức mạnh của tiền bạc, quân số, vũ khí.... Với mưu kế thổi phồng sức mạnh hậu phương, sức mạnh hậu cần, Pháp hy vọng tạo ra hình ảnh là đang ở thế mạnh, là người nắm quyền chủ động trên chiến trường, để làm yên dư luận chính quốc, động viên tinh thần binh sĩ viễn chinh và làm đối phương bị chóa mắt, nể sợ, co vào phòng ngự, hoặc có chấp nhận giao chiến lớn thì cũng sẽ thua trận.
Thứ hai, H.Navarre nói không đánh lớn ở Bắc Bộ trong Đông Xuân 1953- 1954 để đối phương chủ quan, sơ hở, bộc lộ lực lượng, ra đòn trước, nhất là Bắc Bộ. Những đến tháng 10-1953, ông ta lại rầm rộ mở cuộc hành binh lớn đánh vào Tây Nam Ninh Bình và bắc Thanh Hóa (chiến dịch Hải Âu). Đây là vùng tự do chiến lược của Việt Nam, nơi có Đại đoàn 320, 304 của Việt Nam đứng chân. Âm mưu của Pháp là buộc ta phải bộc lộ lực lượng, bị động chấp nhận trận giao chiến lớn chưa có chuẩn bị. Nếu Việt Nam giao chiến lớn, phải điều động các đại đoàn chủ lực đến, sẽ bị kéo vào bị động đối phó với Pháp, tạo điều kiện cho quân Pháp đánh lớn, tiêu diệt lớn, giành lại quyền chủ động như ý đồ của họ. Nếu không giao chiến lớn, Việt Nam sẽ bị mất một chỗ đứng chân, một cơ sở hậu cần quan trọng, thậm chí mất cả vùng tự do chiến lược Thanh- Nghệ- Tĩnh và Đại đoàn 320 sẽ bị tiêu diệt.
Thứ ba, khi chiến dịch Hải Âu thất bại và phát hiện chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ (Lai Châu) thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, làm trận giao chiến có ý nghĩa quyết chiến chiến lược. Pháp cho rằng chiến trường Điện Biên Phủ là nơi “lý tưởng cho Việt Minh”, sẽ thu hút được chủ lực của Việt Nam đến giao chiến. Vi Việt Minh nghĩ rằng đây là vùng rừng núi, hợp với sở trường tác chiến của các đại đoạn bộ bình mà Việt Nam có. Nhưng phần thắng cuối cùng lại về phía Pháp, vì nếu đánh nhanh thì Việt Nam thiếu vũ khí tối tân, chưa có kinh nghiệm chỉ huy đánh chính quy hiện đại; còn muốn đánh lâu dài, sẽ không giải quyết được vấn đề tiếp tế, do chiến trưởng ở quá xa các vùng hậu phương lớn. Trong khi đó, phia Pháp, do vấn đề hậu cần sẽ được bảo đàm bằng máy bay vận tải, có vũ khí hiện đại, có công sự phòng ngự vững chắc, nên sẽ tiêu diệt được các đại đoàn chủ lực Việt Nam và giữ vững được vùng Tây Bắc Việt Nam, Thượng Lào,...
Rõ ràng, “Cái cạm bẫy Điện Biên Phủ” (Lepiège Dienbienphu- từ ngữ của người Pháp) mà Pháp tạo ra cho đối phương, có ẩn ý sâu xa từ nhiều khía cạnh, trong đó quan trọng nhất là ông ta tự đặt ra những mâu thuẫn để cái bẫy đối phương. H.Navarre đã giả vờ như bị động về kế hoạch, bị động về thời gian, bị động về địa điểm, bị động về lực lượng trong trận Điện Biên Phủ. H.Navarre nghĩa rằng đối phương sẽ cho đó là những sai lầm của người Pháp và sẽ bị sập bẫy lao vào trận đánh do tư duy theo hướng của mình. Đó là một mưu sâu, kế hay không thể coi thường, rất xứng danh với viên đại tướng của một quân đội nhà nghề, từng là Tổng Tham mưu trưởng lục quân của khối quân sự NATO.
2. NGƯỜI BỊ SẬP BẪY Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ
Điều bất ngờ mà người Pháp tạo ra trong chiến cuộc Đông Xuân 1953- 1954 và trận Điện Biên Phủ, như là một “bàn cờ thế” mà chỉ đi sai một nước là đối phương sẽ thua cả cuộc cờ, trớ trêu, cuối cùng chính họ lại bị Việt Nam cho “sập bẫy”.
Về kế hoạch, chủ trương tác chiến của Việt Nam được Bộ Chính trị và Hồ Chí Minh vạch ra tháng 9-1953 là “Tập trung một bộ phận chủ lực đánh vào những nơi địch yếu, sơ hở, nhưng quan trọng về chiến lược mà địch không thể bỏ, để phân tán chủ lực địch ra khỏi đồng bằng Bắc Bộ, đến giao chiến ở những địa bàn bất lợi, tạo điều kiện cho ta diệt địch, giải phóng dân và đất; khi đã kéo địch ra khỏi đồng bằng, sẽ cho một bộ phận chủ lực khác đánh vào đồng bằng, phảt triển chiến tranh nhân dân, diệt thêm một bộ phận binh lực khác của chúng...”.
Theo chủ trương đó, có thể là “hữu ý”, cũng có thể là “mưu kế”, rõ ràng lúc đầu Việt Nam cũng không có chủ trương đánh lớn ở Bắc Bộ và nhất là trong Đông Xuân 1953- 1954, cũng không coi Điện Biên Phủ là hướng chiến lược chủ yếu. Nhưng đến tháng 12- 1953, Việt Nam đã linh hoạt thay đổi đổi phương châm chiến lược, quyết định chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến cho cuộc kháng chiến. Nghĩa là Việt Nam đã quyết định “tương kế- tựu kế”, dùng mưu kế địch để thực hiện mưu kế mình, dường như bị mắc bẫy của Pháp, song thực chất là cài bẫy trở lại quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đó là chuyển từ không đánh lớn sang đánh lớn ở Bắc Bộ, từ chỗ định đánh vào nơi quân Pháp có sơ hở sang đánh vào nơi quân Pháp có phòng bị với hệ thống công sự vững chắc, từ chỗ chỉ đánh vào nơi địch yếu sang đánh vào nới địch mạnh nhất Đông Dương...
Sự phá bẫy và cài bẫy trở lại của Việt Nam về cách đánh (từ chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc, đánh chắc thắng) đã có nhiều công trình đề cập. Ở đây chỉ nói thêm về sự phá bẫy trong lĩnh vực hậu cần, thể hiện sinh động ở công tác huy động nhân tài vật lực của hậu phương cho tiền tuyền và cách tổ chức tiếp tế cho mặt trận.
Trên góc độ vấn đề hậu phương, hậu cần, việc chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược là một cái bẫy lý tưởng của H.Navare, như là sự bất ngờ lớn, buộc Việt Minh phải bị động lựa chọn có vẻ như là “5 ăn, 5 thua” nhưng thực chất là để đánh lừa Việt Minh, kéo Việt Minh sập bẫy. Phía Pháp cho rằng, dù Việt Nam lựa chọn như thế nào thì cuối cùng cũng sẽ là bên thua cuộc. Vì không đánh lớn Việt Nam sẽ không kết thúc được cuộc kháng chiến, sẽ bị thất thế trên bàn đàm phán; nếu đánh lớn và đánh nhanh thì không đủ vũ khí hiện đại và trình độ chỉ huy, còn bao vây đánh lấn dài ngày sẽ không có đủ lương thực, thực phẩm... H.Navarre cho rằng, chỉ riêng vấn đề hậu cần, tuy cả hai bên đều khó khăn, song khó khăn của Việt Minh lớn hơn và chắc chăn không thể khắc phục được, dù đánh theo phương án nào.
Quả thật, vấn đề hậu cần, nói cụ thể hơn là sự tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí cho bộ đội tác chiến ở các chiến trường trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954 nói chung, cho chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công hay thất bại của tiền tuyến. Điều bất ngờ lớn mà phía Việt Nam đã gây ra cho người Pháp trong trận Điện Biên Phủ là đã xây dựng và huy động được nguồn nhân lực, vật lực to lớn của hậu phương và tổ chức vận chuyển được nguồn lực đó cho mặt trận. Cách thức mà Việt Nam tao ra điều bất ngờ đó là thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, tổ chức vận tài theo lối “cung-trạm” và lấy vùng từ do Thanh- Nghệ- Tĩnh làm hậu phương chính.
Sau các chiến dịch lớn thời kỳ 1950- 1952, nhất là kinh nghiệm của chiến dịch Tây Bắc, vấn đề tổ chức tiếp tế cho bộ đội được Tổng cục Cung cấp của Quân đội nghiên cứu và đi đến ý tưởng tổ chức vận tải theo lối “cung, trạm”. Nghĩa là chia tuyến vận tải từ hậu phương ra tiền tuyến thành các cung đường gọi là hậu tuyến, trung tuyến và hỏa tuyến. Hậu tuyến do hậu phương phụ trách, có nhiệm vụ huy động sức mạnh hậu phương theo yêu cầu của mặt trận, đưa lên tuyến vận tải chiến lược. Trung tuyến do cả hậu phương và quân đội cùng phụ trách, đưa nguồn lực huy động được ra phía trước, giao cho hậu cần quân đội. Hỏa tuyển do lực lượng hậu cần của quân đội phụ trách, đưa nguồn lực đến các đơn vị tác chiến. Ở các cung đường đó lại có các trạm. Trạm là nơi tiếp nhận nguồn lực từ phía sau đưa lên và chuyển giao cho phía trước, nơi lực lượng vận chuyển nghỉ ngơi, đặt kho tàng, trạm xá, nơi sửa chữa phương tiện sau một chặng vận tải.
Từ những đề xuất của Ban kinh tế Chính phủ do Tổng cục cung cấp báo cáo lên, ngày 27-7-1953, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập cơ quan đặc trách công tác chi viện tiền tuyến là Hội đồng cung cấp mặt trận(). Sự ra đời của HĐCCMT các cấp là kết quả của một quá trình suy nghĩ, đúc rút kinh nghiệm của Đảng, Chính phủ và Quân đội Việt Nam trong quá trình lãnh đạo, tổ chưc thực hiện công tác chi viện chiến trường cũng như công tác xây dựng và bảo vệ hậu phương, là một sáng tạo quan trọng của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một bất ngờ đối với người Pháp về vấn đề tổ chức tiếp tế mặt trận.
Phía Pháp biết rõ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh là nơi đất rộng, người đông, tinh thần cách mạng cao, lương thực, thực phẩm dồi dào so với vùng tự do Việt Bắc hay vùng mới giải phóng Tây Bắc. Song họ cho rằng nơi đây cách mặt trận trên 500 cây số, không có xe cơ giới, đường sá hiểm trở, luôn bị không quân Pháp đánh phá, ngăn chặn, nên vùng hậu phương này sẽ không phát huy được vai trò của nó cho tiền tuyến. Họ không ngờ rằng, với việc thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận và cách tổ chức vận tải theo cung trạm, biết dựa vào vùng “Hoan Diễn” này, Việt Nam đã làm nên kỳ tích mới về huy động và phát huy sức mạnh hậu phương cho tiền tuyến.
Tính tổng hợp, từ giai đoạn chuẩn bị cho đến lúc kết thúc chiến dịch, HĐCCMT đã huy động được 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thịt và thực phẩm khô. Riêng hậu phương Thanh-Nghệ-Tĩnh, dân công các loại huy động được 214.924 người với 14.500.000 ngày công. Mỗi chiếc xe đạp thồ được từ 165 kg lên 215 kg rồi 250 kg, sau đó lên 320 kg. Trong đợt tiến công thứ III, Thanh Hoá huy động tới mức kỉ lục: 120.000 người (25.000 nữ), 10.075 xe đạp thồ...
Chính người Pháp cũng đã phải thừa nhận sự bất ngờ của họ về sức mạnh của hậu phương Việt Nam và khá năng tổ chức chi viện tiền tuyến sáng tạo, hiệu quả của Việt Nam.
Trong cuốn "Tấn thảm kịch Đông Dương" do E.Kri-e-gơ (E.Krieg) chủ biên, các tác giả Pháp đã viết ở tập III-Cái cạm bẫy Điện Biên Phủ (Lepiège Dien bien phu) về sai lầm này của H.Navarre như sau: "Người ta đã khẳng định với Navar và Navar cũng tin rằng Việt Minh không tiếp tế được tới Điện Biên Phủ; rằng bọn cu ly muốn tới được đó thì sẽ ăn hết 4/5 những gánh thực phẩm của họ; rằng việc cung cấp đạn dược sẽ không cho phép địch lợi dụng số lượng quân nhiều hơn quân Pháp mà chúng có thể tập hợp được. Và cũng bởi vì, mặc dầu đã có sự chứng minh hàng ngày, Navar vẫn còn tin rằng không quân của ông ta với những phương tiện đã rất thiếu rồi-còn có thể phá huỷ những đường tiếp tế của Việt Minh”. “Tướng Navar không nghĩ rằng Giáp (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp- N.Đ.T chú thích) đang động viên hàng vạn đàn ông và đàn bà, 50.000 hay 80.000? Không ai biết được đúng số lượng. Đoàn người đó đã bắt đầu thành một đàn kiến rất lớn đi tiếp tế quân đội, đang kéo lên vùng dân Thái.... Khi tạo nên con nhím Điện Biên Phủ, Navar tưởng kéo được Việt Minh đến đó. Ông ta tưởng nắm được thế chủ động, mà ông ta thường vẫn than phiền rằng đội quân viễn chinh đã bỏ mất từ năm 1950. Trong khi ông ta thản nhiên tưởng tượng mình đang nhử được Việt Minh thì ông ta không biết rằng ông ta đang để cho Võ Nguyên Giáp vận quân xiềng ông lại (...) Chính ông ta (Võ Nguyên Giáp) chứ không phải Navar đang đánh bẫy ở vùng dân Thái- ở cái vùng rất thân thương đối với chỉ huy địch. Và đến ngày 20-11-1953 con nhím mang tên Navar đã sa vào bẫy đó" ().
Chính người Pháp cũng đã phải thừa nhận sự bất ngờ của họ về sức mạnh của hậu phương Việt Nam và khá năng tổ chức chi viện tiền tuyến sáng tạo, hiệu quả của Việt Nam. Béc-na-phôn (Bernard Fall), nhà sử học, trong cuốn "Việt Minh 1945-1960" (Le Viet Minh 1945-1960) đã nói về thắng lợi của Việt Nam ở Điện Biên Phủ rằng: "Trước hết và trên hết là những chiến thắng về tổ chức tiếp tế" (). Bản thân H.Navarre sau này, trong cuốn hồi kí "Đông Dương hấp hối" (L'Agonie de L'Indochine) của mình cũng đã thú nhận: "Trong lĩnh vực quân sự, bài học đầu tiên là không nên đánh giá quá thấp những khả năng của đối phương" (). I-von Pa-nhi-nét, học giả Pháp, trong cuốn "Mắt thấy ở Việt Nam" đã ghi lại lời than thở của một viên sĩ quan Pháp chua chát thừa nhận sự bất ngờ và thất bại của họ cũng như thắng lợi của Việt Nam trong “cái cạm bẫy về lĩnh vực tiếp tế” cho chiến dịch Điện Biên Phủ, là: "Than ôi! máy bay của ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh"().
Một viên trung tướng không quân (vốn là trung úy phi công quân lực Pháp ở Điện Biên Phủ) đã trao đổi, thừa nhận với tác giả bài viết này (N-Đ-T), tại Paris, rằng lực lượng không quân Pháp đã rất nỗ lực vận tải cho mặt trận cũng như ném bom ác liệt các tuyến vận tải của Việt Nam, song do thời tiết bất lợi và sự di chuyển rất kín đáo, khôn khéo của bộ đội, dân công Việt Nam nên hiệu quả các trận oanh tạc rất hạn chế. Rằng người Pháp bị khuất phục ở Điện Biên Phủ có nguyên nhân quan trọng là bị Việt Nam phá bẫy về vấn đề tiếp tế, do bất lực trước ý chí và hiệu quả của công tác hậu phương, hậu cần của Việt Nam().
Tóm lại, Đông Xuân 1953- 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ là một thời điểm và địa bàn tiêu biểu về việc sử dụng mưu kế, về nghệ thuật cài bẫy và phá bẫy của cả hai phía Pháp và Việt Nam. Cuộc đọ chí, đọ trí và đọ lực toàn diện, quyết liệt, trong đó có vấn đề hậu phương, hậu cần của hai bên trong trận Điện Biên Phủ mà thắng cuộc cuối cũng đã thuộc về Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chắc chắn vẫn là một đề tài nghiên cứu lý thú, một bài học lịch sử hay cho hậu thế.
Tác giả: PGS.TS Ngô Đăng Tri
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn