Tin tức

Ngôn ngữ và Tư duy: Một tiếp cận

Thứ tư - 12/11/2014 12:02
Ngôn ngữ và Tư duy: Một tiếp cận
Ngôn ngữ và Tư duy: Một tiếp cận

Sách dày 430 trang do Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành quý 4 năm 2013. (Ảnh: Thành Long)

Tập sách chuyên luận này, như tên gọi, được bắt đầu từ tư tưởng ngôn ngữ và tư duy là mối quan hệ quan trọng nhất, có tính bản chất và là cốt lõi của mọi lí luận ngôn ngữ từ xưa đến nay. Nói như vậy là vì mối quan hệ này bao trùm lên hết thảy yếu tố của hệ thống ngôn ngữ và mọi sự kiện của các hoạt động ngôn ngữ. Hơn nữa, nó là cốt lõi bởi vì có giải quyết được các mối quan hệ này thì mới có cơ sở để nhìn ra được hàng loạt những vấn đề khác trên các bình diện khác nhau của ngôn ngữ học từ cấu trúc đến ngữ nghĩa và dụng ngôn. Gần đây, nhiều vấn đề của ngôn ngữ học ứng dụng (Kí hiệu học ngôn ngữ, Giáo dục ngôn ngữ, Các dịch vụ thông tin ngôn ngữ,v.v.) trong các tiếp cận cũng không thoát li khỏi quỹ đạo của vấn đề này.

Tuy nhiên, do chỗ nó là vấn đề cơ bản và cốt lõi nên ngôn ngữ và tư duy cũng là vấn đề rất khó, rất phức tạp, đa giải pháp, đa cách tiếp cận và rõ ràng không dễ mổ xẻ, phân tích các quy luật và hiện tượng một cách hệ thống và đầy đủ. Công trình của chúng tôi cũng chỉ là một sự tham gia nhỏ nhoi vào chân trời rộng lớn này.


GS.NGND Đinh Văn Đức nguyên là chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học

Lí luận ngôn ngữ cho vấn đề này là khởi đầu, ít ra cũng từ người Hi Lạp cho đến nay, từ logic luận, hay từ hình thức luận đến ngữ nghĩa luận, không nhà ngôn ngữ học nào, trong thực tế, không để mắt tới mối quan hệ này bởi vì ai cũng phải xác lập chỗ đứng cho mình trước khi giải quyết vấn đề cụ thể khác. 

Đầu thế kỉ XX, F. de Saussure đã đưa ra nhiều định luận rất quan trọng, nhưng suy cho cùng đằng sau những quan điểm quan trọng nhất về lí luận ngôn ngữ của ông vẫn là mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy mà một trung tâm là vấn đề cương vị của người bản ngữ trong sử dụng hệ thống kí hiệu. Vấn đề này cũng là một vấn đề căn bản trong học thuyết sau đó của N.Chomsky. Là nhà ngôn ngữ học lớn vào bậc nhất thế kỉ XX, N.Chomsky trong tư cách một nhà ngôn ngữ học hình thức luận triệt đển nhưng chính ông cũng chưa lúc nào rời khỏi mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy qua những lí luận tiêu điểm của ông như: ngữ pháp phổ biến và ngữ pháp đặc thù, ngữ năng và ngữ thi ( trong thụ đắc ngôn ngữ), ngôn ngữ và tâm thức, chi phối và ràng buộc, lí thuyết về tối thiểu luận,v.v.

Riêng chúng tôi, tác giả của tập chuyên luận này, quan tâm đến vấn đề này từ khi được theo học lí thuyết ngôn ngữ học, đặc biệt là từ chương trình ngôn ngữ học sau đại học. Tuy nhiên, không phải ngày một, ngày hai đã có thể nhận diện được vấn đề này một cách hệ thống mà phải qua một lộ trình nhiều năm với những trải nghiệm thực tế trong ngôn ngữ học và Việt ngữ học. Từ chỗ suy nghĩ bước đầu, chúng tôi đã gắng tìm kiếm một cách tiếp cận để đi tới những bài giảng đầu tiên cho vấn đề này ở bậc cử nhân ( Lớp sinh viên K.27) vào năm học 1986-1987, tức là tính đến nay đã hơn 1/4 thế kỉ. Sau đó đã nâng vấn đề này lên thành chuyên đề “Ngôn ngữ và Tư duy” cho lớp cao học thứ nhất (1997). Trong quá trình đó thì bản thân chúng tôi có nhiều thay đổi trong nhận thức , có thêm các yếu tố bổ sung và cách tiếp cận riêng của mình. Và chuyên luận hôm nay có được là trên cơ sở những bài giảng của nhiều năm mà chúng tôi đã thực hiện và thông qua những trao đổi, thảo luận trong những seminar với đồng nghiệp, với sinh viên và học viên cao học cũng như các nghiên cứu sinh.

Nhớ lại trước đó, để chuẩn bị cho công việc này, thì cũng có một sự tình cờ may mắn: trong mấy năm (1974-1978) theo học chương trình nghiên cứu sinh về Ngôn ngữ học tại Liên Xô, tôi đã gặp được người thầy hướng dẫn, một chuyên gia lớn trong địa hạt này, GS. A.N.Sevtrenko ( (. 1907-1987). Nhà ngôn ngữ học Ucraina xuất sắc đã hướng đạo tôi khi theo học chương trình Ngôn ngữ học đại cương. Chương trình này thực tế rất rộng lớn nên khó lòng tiếp cận được mọi khía cạnh. Ông khuyên tôi chọn nội dung nào là cơ bản nhất, quán xuyến mọi vấn đề. Thầy đưa cho tôi đọc một vài tài liệu có tính chất nhập môn để sơ khởi tiếp cận vấn đề, sau đó ít lâu ông cho tôi tiếp xúc với cuốn sách: Ngôn ngữ và Tư tưởng (1867) của A.Potevnja, nhà ngôn ngữ ưu tú của Ukraina cuối thế kỉ XIX, người mà lí luận dường như đã kề cận được nhận thức luận biện chứng trong vấn đề này (nhất là qua khái niệm “ Hình thức bên trong của từ”). Thực tình khi đọc cuốn sách này tôi không hiểu lắm vi chưa đủ cái phông cơ bản cho vấn đề, nhưng dần dần do được thầy giới thiệu, phân tích trong quá trình viết luận án (liên quan đến vấn đề ngữ nghĩa của từ loại) tôi mới vỡ dần ra những bình diện của mối liên hệ giữa ngôn ngữ và tư duy.

Tiếp theo, được tiếp cận những lí luận ngôn ngữ trong thế kỉ XX về vấn đề này đã dần cho tôi hiểu rằng ngôn ngữ và tư duy rất thống nhất với nhau trong chức năng phản ánh và khả năng biểu hiện. Tuy nhiên, từ thế giới hiện thực đến việc biểu đạt những tư tưởng bằng ngôn ngữ thì trí tuệ đã kinh qua các khúc xạ, và đặc biệt mỗi lần như vậy, ngữ nghĩa ngôn từ lại được sinh ra từ một sự sáng tạo cả trên phương diện giao tiếp lẫn phương diện nghệ thuật. Ngôn ngữ ngày nay không chỉ là hình ảnh của thế giới mà còn có cả chất thơ và cảm xúc của con người nữa. Nhận thức về ngữ nghĩa học của chúng tôi dần dần được củng cố bởi nguyên tắc: với tư duy, ngôn ngữ không biểu đạt logic trực mà chỉ thông qua biểu nghĩa. Logic biểu hiện cái đúng/sai (chân/nguỵ) còn ngông ngữ thì biểu đạt nghĩa. Những khúc xạ của nghĩa ngôn ngữ còn biểu thị tư duy văn hoá của người bản ngữ trong cấu trúc cũng như trong dụng ngôn.

Các giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo đã nhắc nhở khi biết chúng tôi quan tâm đến vấn đề này. Thầy Cẩn nói “ Nên dè chừng, chuyện tư duy với ngôn ngũ là khó lắm đấy, đừng có đơn giản hoá, cẩn thận kẻo dễ quay lại với logic Port –Royal thế kỉ XVII hay là lối luận logic hồi đầu thế kỉ XIX”. Thầy Cao Xuân Hạo có lần tâm sự: “ Tôi rất nản chuyện này bởi lẽ ở ta, cho đến thời nay, vẫn có người đơn giản tới mức nhầm lẫn đáng tiếc, coi ngôn ngữ như là phương tiện biểu đạt logic trực chỉ, trong khi ngôn ngữ chỉ biểu nghĩa thôi”. Tôi nhận thức được tinh thần đó, củng cố niềm tin của mình, gắng theo hướng nhìn mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy từ nghĩa học và dụng ngôn.

Mùa hè năm 1970, bạn đọc Việt Nam được biết công trình: Meaning and the Structure of Language” ( Nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ) của W.L.Chafe vừa xuất bản ở Mĩ, qua bản dịch tiếng Nga. Đó là cuốn sách hiếm hoi thời đó viết về ngữ nghĩa theo quan niệm mới. Thầy Cao Xuân Hạo giảng giải cho chúng tôi về nó (1973), và nhờ vậy, khi đọc cuốn sách này thì chúng tôi mới vỡ ra tieu điểm của cú pháp chính là các cấu trúc nghĩa của ngôn ngữ. Phải đợi đến cuốn sách: Tiếng Việt- Sơ thảo ngữ pháp chức năng, tập 1 (1991) của Cao Xuân Hạo, sau khi đọc rất kĩ cuốn sách thầy gửi cho, tôi nhận ra ràng vấn đề quan trọng của ngôn ngữ và tư duy không phải chỉ liên quan đến những biểu thức logic hay những hư từ, những cấp độ ngôn ngữ, đơn vị ngôn ngữ,v.v. là những gì trước đó tôi hằng giảng cho sinh viên mà ngôn ngữ và tư duy còn nằm rất sâu trong các hoạt động ngôn ngữ, trong cái cơ chế lưỡng phân ngôn ngữ và lời nói của F.de Saussure, trong ngữ năng và ngữ thi của N.Chomsky, rồi tiếp theo mở rộng đến những bình diện khác của ngôn ngữ học, đặc biệt là nghĩa học và dụng học. Tiếp theo đó một cuốn sách khác đã ảnh hưởng nhiều đến hiểu biết của chúng tôi trong vấn đề này là cuốn: Nghĩa và sự hoạt động: Lai lịch phê phán Dụng luận (“Meaning and Action: A Critical history of Pragmatism” của H.S Thayer (1968), một chuyên khảo có tính phê bình một Dụng luận từ cái nhìn của chính triết học phương Tây. Từ phương diện phi thực chứng nhìn vào vấn đề dụng luận ta có thể hiểu thêm cách nhìn của các nhà dụng học, kí hiệu học Bắc Mĩ và Tây Âu. Cũng từ đó có cơ sở để hiểu cái tư cách ngữ nghĩa của các tác giả mà trong đó cốt lõi là ảnh hưởng của mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy đến lí thuyết lưỡng diện và tam diện của kí hiệu nói chung và ngôn ngữ nói riêng, cũng như ảnh hưởng của nó tới việc nghiên cứu dụng ngôn trong điều kiện những nền văn hoá bản ngữ khác nhau.

Cuốn sách này, thực ra, mới chạm đến một vài nội dung rất quan yếu về ngôn ngữ và tư duy, chủ yếu là trên phương diện ngữ pháp và ngữ nghĩa. Những phân tích sâu liên quan đến âm vị học, trên nguyên tắc cần có, đành phải gác lại, quả thật là do sự hạn chế về năng lực hiểu biết và trình độ của chúng tôi trọng địa hạt này. Cũng có phương tiện nên tách ra thành một vấn đề riêng sẽ sâu hơn, ví dụ như mối quan hệ giữa tư duy, ngôn ngữ và văn hoá, ở đây chúng tôi cũng chỉ dám đề cập đến một vài khía cạnh.

Chúng tôi, trong sách, luôn luôn đặt ra rất nặng vấn đề ngôn ngữ và tư duy trong quan hệ với người bản ngữ, coi đây là trụ cột hết sức quan trọng theo tinh thần học thuyết của F.de Saussure: ngôn ngữ là ngôn ngữ của người bản ngữ, văn hoá là văn hoá của người bản ngữ xuất phát từ tư duy của người bản ngữ. Vai bản ngữ đã có ảnh hưởng lớn đến tư duy và ngôn ngữ trong hệ thống ngôn ngữ và bao trùm lên các hoạt động ngôn ngữ (tức là phương diện dụng ngôn bản ngữ). Chúng tôi gắng tìm kiếm một cách hiểu riêng trong cái chung là lí luận về phản ánh, về quá trình khúc xạ mang tính sáng tạo nghệ thuật của ngôn ngữ: từ thực tại đến tư duy bản ngữ, từ tư duy đến ngôn ngữ, từ ngôn ngữ đến các loại hình ngôn ngữ đến cách dụng ngôn của mỗi ngôn ngữ. Tất cả làm thành một tuyến, xuyên suốt với các khúc xạ khác nhau, với sự nội địa hoá cho từng ngôn ngữ cụ thể, v.v.

Chúng tôi, trong nhiều năm, đã lần lượt giới thiệu cho sinh viên và học viên cao học những nội dung này nhưng không năm nào hoàn toàn giống năm nào mà cố gắng cập nhật những thông tin cụ thể, chẳng hạn như trong giai đoạn đầu thì chúng tôi chú ý nhiều hơn đến phương diện cấu trúc ngôn ngữ, về sau chúng tôi bổ túc thêm về nghĩa học và dụng học. Trong quá trình ấy, chúng tôi được sự tiếp sức của các nhà Việt ngữ học, trong đó, chúng tôi rất cảm ơn những công trình nghiên cứu của các tác giả Hoàng Phê, Đỗ Hữu Châu, Lí Toàn Thắng, Nguyễn Văn Hiệp, Trần Văn Cơ v.v. và anh chị em đồng nghiệp khác. Phải nói rằng vấn đề này ngày càng đa dạng hơn về nội dung cũng như phương pháp, theo đó chưa thể dừng lại ở những gì đã nghĩ được. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ cân nhắc chọn những cái gì cảm thấy là chín đưa vào giảng đường đại học, nơi đã cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời để chia sẻ những suy nghĩ với anh chị em sinh viên, các học viên cao học và nghiên cứu sinh cũng như với các đồng nghiệp. Tác giả đã được cơ hội trao đổi và đặc biệt là đã có cả những phản biện quý báu làm cho chúng tôi ngạc nhiên khiến phải xem xét lại, điều chỉnh lại những suy nghĩ của chính mình. Những cuộc trao đổi gần đây nhất và bổ ích là giữa chúng tôi với GS. Lý Toàn Thắng, một chuyên gia về ngôn ngữ học tâm lí và GS. Nguyễn Văn Hiệp, một chuyên gia về ngữ nghĩa - ngữ pháp, những người hậu kì đã chuyển sang hướng nghiên cứu tri nhận luận ngôn ngữ. Chương sau cùng của cuốn sách này chúng tôi viết ra là trên tinh thần trao đổi đó.

Tập sách này được viết trong một quá trình nhiều năm. Tuy vậy, cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn cảm thấy chưa thật ưng ý bởi vì lí luận thì đang tiếp tục tiến lên, còn thực tiễn ngôn ngữ thì ngày càng phong phú, cho nên tham vọng nhỏ nhoi ở đây của chúng tôi cũng chỉ là trình bày một cách tiếp cận của cá nhân có dịp làm việc trong địa hạt này với một tình cảm tha thiết và nhiệt tình khôn nguôi đối với một vấn đề mà mình cảm thấy hứng thú từ rất lâu rồi.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các đồng nghiệp đã có những cuộc trao đổi rất bổ ích và nhiệt tình, đóng góp cho chúng tôi cả những ý tưởng và phương pháp trong khi chúng tôi tìm cách định hình nội dung cuốn sách.
Trong quá trình chuẩn bị bản thảo này, chúng tôi xin có lời cảm ơn hết sức chân thành với PGS.TS Phạm Văn Tình – Phó Tổng biên tập Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong địa hạt xuất bản đã giúp đỡ chúng tôi một cách ân cần. Chúng tôi xin có lời cảm ơn sâu sắc tới Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho chúng tôi cơ hội ra mắt sản phẩm nhỏ nhoi của mình với bạn đọc xa gần.
Nhân đây, cũng xin có lời cảm ơn chân thành sâu sắc Khoa Ngôn ngữ học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi tôi đã có nửa thế kỉ được trú chân và làm việc ở bộ môn và trên giảng đường, có cơ may thường xuyên giới thiệu và chia sẻ những ý tưởng học thuật của mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc và cho đến tận hôm nay, sự chia sẻ đó vẫn đang còn được tiếp tục.

Tác giả: GS.NGND Đinh Văn Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây