Ngôn ngữ
Sách dày 270 trang, do Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành quý III năm 2014. (Ảnh: Thành Long)
Với sáu chương, cuốn sách nhỏ này sẽ cùng độc giả khám phá những bí ẩn căn bản nhất, bao gồm cả lý luận và thực tiễn về nghề quan hệ công chúng trên thế giới và ở Việt Nam. Từ những vấn đề đơn giản nhất như thuật ngữ, khái niệm, đặc trưng cốt lõi về quan hệ công chúng ở chương Một, chương Hai đem đến những nét sơ thảo về lịch sử hình thành và phát triển quan hệ công chúng trên thế giới. Ngược dòng lịch sử, có thể thấy rõ những mầm mống gốc rễ của hoạt động quan hệ công chúng đã xuất hiện và tồn tại từ buổi bình minh của xã hội loài người. Nhưng phải đến cuối thế kỷ XIX, quan hệ công chúng mới trở thành một lĩnh vực hoạt động chuyên nghiệp, bởi nó hội tụ đầy đủ các điều kiện cơ bản gồm sức nóng cạnh tranh cao độ của nền kinh tế và nhu cầu minh bạch hóa thông tin của công chúng. Trong chương Ba, độc giả sẽ tìm hiểu mô hình tổ chức và hoạt động quan hệ công chúng chuyên nghiệp hiện nay. Theo đó, hai mô hình tổ chức quan hệ công chúng nội bộ và công ty dịch vụ quan hệ công chúng đã và đang ngày càng phát triển chuyên nghiệp, nhưng vẫn có tương tác, phối hợp với nhau để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ thường xuyên và đặc biệt của các tổ chức, khách hàng yêu cầu. Chương Bốn khái quát các quy trình cơ bản để thực hiện hoạt động quan hệ công chúng, với nhận định rằng quan hệ công chúng là một cuộc đua liên tục, mà điểm kết thúc của một chặng đua này là điểm xuất phát của một chặng đua tiếp theo. Để các hoạt động quan hệ công chúng có hiệu quả thì các tổ chức cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, và đầu tư bài bản cho truyền thông, quan hệ công chúng. Tiếp đó, để nghề quan hệ công chúng ngày càng phát triển lành mạnh, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp trong hoạt động quan hệ công chúng sẽ được thảo luận ở chương Năm. Người mới vào nghề quan hệ công chúng sẽ có thể hình dung lộ trình phấn đấu và hoàn thiện mình như thế nào để đạt đến trình độ chuyên nghiệp trong nghề. Là một nghề đã có hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển tại Việt Nam, quan hệ công chúng đã đồng hành cùng với bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Chương Sáu sẽ tìm về những dấu ấn khởi đầu của nghề quan hệ công chúng ở Việt Nam, những năm tháng bị lãng quên rồi trở lại một cách tươi mới và không ngừng phát triển vào thời gian gần đây.
Cuốn sách này được tác giả định hình và nghiên cứu tích lũy trong hơn một thập kỷ, từ khi còn là học viên cao học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội, 1998) và nghiên cứu sinh tại trường Cao học Truyền thông, ĐH Sogang (Seoul, Hàn Quốc, 2010) cho đến nay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, cuốn sách đến nay mới được xuất bản. Trong quá trình đó, chúng tôi đã sử dụng tư liệu của sách này để nghiên cứu và giảng dạy các môn về quan hệ công chúng cho các hệ đại học, sau đại học tại nhiều cơ sở đào tạo báo chí và truyền thông trên cả nước. Tác giả vô cùng cảm tạ các thầy giáo, cô giáo, đồng nghiệp, các anh chị em sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, gia đình và bạn bè đã hướng dẫn, giúp đỡ, góp ý, động viên tác giả hoàn thiện bản thảo cuốn sách. Vì quan hệ công chúng vẫn là một lĩnh vực phức tạp, còn chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam, đồng thời bản thân tác giả cũng còn nhiều hạn chế về năng lực khảo cứu, cuốn sách này sẽ không tránh khỏi những sai sót. Tác giả chân thành kính mong quý độc giả góp ý, chỉ bảo để có thể khắc phục trong những công trình tiếp theo. Mọi góp ý xin vui lòng gửi qua e-mail: huyenanh02@yahoo.com. Xin trân trọng cảm ơn.
Tác giả: TS Nguyễn Thị Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn