Ngôn ngữ
Từ giữa thế kỷ XX trở lại đây, nhân loại đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn và cực kỳ sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những biến đổi to lớn đó đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội trên quy mô toàn cầu. Trên thực tế, xã hội loài người đã chứng kiến bước ngoặt vô cùng to lớn để chuyển sang một thời đại mới về chất, đó là thời đại tri thức mà động lực của thời đại này là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới. Không giống như các cuộc cách mạng trước đó, trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới lần này, thế mạnh của các yếu tố sản xuất truyền thống như các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sức lao động rẻ không còn mang ý nghĩa quyết định. Trong tiến trình phát triển xã hội, các ngành có hàm lượng tri thức cao với sức cạnh tranh cực kỳ to lớn đã đưa chất xám, trí tuệ và tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) dịch chuyển lên vị trí hàng đầu.
Nhà nước Việt Nam đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách mới, tạo điều kiện cho KH&CN đổi mới mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế quốc dân. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đồng bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển KH&CN quốc gia đến năm 2020, gắn kết mục tiêu phát triển KH&CN với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nền kinh tế. Cơ chế quản lý tổ chức và hoạt động KH&CN được đổi mới đã bước đầu giải phóng sức sáng tạo của cộng đồng các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp KH&CN, hy vọng sẽ tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật, thúc đẩy ứng dụng kết quả KH&CN trong các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, năm 2014 Việt Nam xếp hạng thứ 132/143 trên thế giới về tiềm lực kinh tế GDP tính trên đầu người, nhưng Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO xếp hạng về trình độ đổi mới sáng tạo 71/143 quốc gia, và xếp thứ 5/35 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tiềm lực KH&CN có bước phát triển nhanh. Các tổ chức KH&CN công lập trong những năm gần đây được chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nguồn lực tài chính dành cho KH&CN được Luật Khoa học và công nghệ 2014 quy định ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước, và tổng đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN năm 2014 đạt khoảng 1,3% GDP, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố và hàng trăm doanh nghiệp lớn thành lập quỹ phát triển KH&CN, đặc biệt có doanh nghiệp dành tới 20% lợi nhuận sau thuế cho hoạt động KH&CN. Hệ thống các khu công nghệ cao cũng đã được đầu tư phát triển, với 3 khu công nghệ cao quốc gia, 8 khu công viên phần mềm tập trung, 12 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương.
Trong những năm gần đây, thị trường công nghệ và các dịch vụ KH&CN đã bước đầu hình thành, hứa hẹn tiềm năng lớn. Các quyền về tài sản trí tuệ, quyền giao dịch và mua bán công nghệ được Nhà nước bảo hộ. Hàng năm có trên 100 sáng chế của người Việt Nam được xác lập, hàng vạn nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam được bảo hộ. Dịch vụ tư vấn, giám định, định giá tài sản trí tuệ và công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được tăng cường. Các chợ công nghệ và thiết bị Techmart, hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ giữa các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KH&CN nói riêng đã được triển khai, hoạt động sáng tạo được toàn xã hội quan tâm.
Trên tay bạn đọc là cuốn sách Doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Từ lý luận đến thực tiễn với nội dung tập trung làm rõ nội hàm, vai trò của doanh nghiệp KH&CN, các thiết chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN. Bên cạnh đó, tập thể tác giả đã phân tích kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đặc biệt, cuốn sách đã mô tả khách quan thực tiễn tại Việt Nam trên cả hai phương diện: các thể chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp này trước và sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về doanh nghiệp KH&CN (Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007), cũng như một số biện pháp, chính sách đề xuất cho phát triển loại hình doanh nghiệp đặc thù này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam tổng hợp và phân tích khá toàn diện về nhiều khía cạnh khác nhau, cả lý luận và thực tiễn liên quan đến doanh nghiệp KH&CN. Các tác giả đã rất công phu, tham khảo, cập nhật nhiều công trình, tài liệu nghiên cứu, tập hợp nhiều dữ liệu thực tiễn và cấu trúc các chương sách một cách hệ thống đi từ những nội dung cơ bản nặng tính lý thuyết đến những vấn đề cụ thể mang tính thực tiễn và những giải pháp đề xuất có tính khả thi.
Cuốn sách là kết quả chắt lọc từ thực tiễn gần 10 năm thực hiện chính sách nhằm hình thành doanh nghiệp KH&CN ở Việt Nam, thật sự hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới, các nhà nghiên cứu, các nhà công nghệ, các nhà sáng chế và những doanh nhân có tinh thần khoa học, mang lại cách nhìn đổi mới với lực lượng quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, đó là doanh nghiệp KH&CN.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc!
Tác giả: TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn