Đánh giá chất lượng đồng cấp chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành KHQL

Thứ hai - 14/12/2015 22:59
Sáng nay (ngày 15/12/2015), Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã khai mạc chương trình đánh giá chât lượng đồng cấp chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Khoa học Quản lý.
Đánh giá chất lượng đồng cấp chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành KHQL
Đánh giá chất lượng đồng cấp chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành KHQL

Tham dự lễ khai mạc, về phía đoàn chuyên giá đánh giá chất lượng đồng cấp có TS. Phạm Văn Thuần, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN làm trưởng đoàn; ThS. Vũ Thị Mai Anh, Viện Đảm bảo chất lượng làm thư ký đoàn; TS. Tô Thị Thu Hương làm ủy viên.

Về phía Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN có PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá chương trình Khoa học Quản lý; ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện các phòng ban chức năng trong trường, các cán bộ giảng viên Khoa KHQL.

PGS.TS Trần Thị Minh Hòa,  Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá chương trình Khoa học Quản lý đang phát biểu khai mạc chương trình

Kiểm định chất lượng đơn vị đào tạo là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình hợp tác quốc tế và là một nhiệm vụ quan trọng được ĐHQGHN đã đặt ra cho các đơn vị thành viên, nhằm vừa thực hiện quy định của pháp luật vừa thể hiện tính trách nhiệm của đơn vị đào tạo đối với xã hội.

Mục đích của hoạt động tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo là hoạt động đánh giá mức độ đáp ứng các Tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo do ĐHQG quy định đối với các chương trình đào tạo ở các trình độ đào tạo. Từ đó nhằm đánh giá thực trạng chất lượng và cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và để đăng ký kiểm định chất lượng.

Tháng 6/2015, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã ban hành quyết định về việc thành lập "Hội đồng tự đánh giá CTĐT cử nhân ngành KHQL chất lượng cao" với 17 thành viên. Để thực hiện kế hoạch tự đánh giá, Khoa KHQL dã lên kế hoạch thực hiện rất chi tiết và  tiến hành cuộc họp toàn bộ khoa để phổ biến kế hoạch và phân công công việc rõ ràng theo các tổ chuyên trách.

Hoạt động này đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của toàn thể lãnh đạo , giảng viên và sinh viên trong toàn Khoa. Qua đó làm cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa có ý thức và trách nhiệm hơn về đảm bảo chất lượng giáo dục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phân công, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, vị thế, trách nhiệm của Khoa trước người học và xã hội.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá chương trình Khoa học Quản lý nhấn mạnh: Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là một trường đại học có uy tín, bề dày truyền thống. Từ nhiều năm nay, Nhà trường luôn là một đơn vị đi đầu ĐHQGHN trong việc kiểm định và tự kiểm định chất lượng.

Bản thân Nhà trường đều thống nhất quan điểm rằng khi tham gia kiểm địnhh tức là chúng ta sẽ xác định được mình đang ở đâu, mình đang có những điểm mạnh gì, mình đang còn những hạn chế, điểm yếu gì để từ đó đề xuất ra những phương hướng, giải pháp để làm sao nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo môi trường học tập, nghiên cứu khoa học tốt nhất, tiến tới đại học nghiên cứu trong tương lai.

TS. Đào Thanh Trường, Chủ nhiệm Khoa Khoa KHQL đang trình bày báo cáo

Sau phần phát biểu khai mạc, TS. Đào Thanh Trường, Chủ nhiệm Khoa KHQL đã thay mặt tập thể, cán bộ giảng viên và sinh viên trong khoa báo cáo tóm tắt bản báo cáo đánh giá chương trình đào tạo cử nhân ngành khoa học quản lý hệ chất lượng cao.

Sau phiên khai mạc, trong buổi sáng, đoàn đánh giá sẽ triển khai đánh giá các minh chứng tại Khoa và  tổ chức phỏng vấn. Dự kiến, chương trình đánh giá chất lượng đồng cấp chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Khoa học Quản lý sẽ diễn ra trong hai ngày, từ ngày 15 đến hết ngày 16/12/2015.

Một số điểm mạnh căn bản của CTĐT ngành KHQL hệ CLC

1. Chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

Khoa KHQL đã xây dựng chương trình đào tạo theo lộ trình phù hợp với tình hình chung của Nhà trường và ĐHQGHN. Chương trình có sự khác biệt với khung chương trình KHQL hệ chuẩn như bổ sung một số học phần về quản lý: lý thuyết trò chơi, địa chính trị…; ở điều kiện ngoại ngữ (chứng chỉ B2 hoặc tương đương); sinh viên bảo vệ bằng tiếng anh; bắt buộc sinh viên nghiên cứu khoa học (điều kiện tiên quyết để được làm khóa luận)…

Chương trình thiết kế được dựa trên các triết lý giáo dục hiện đại, có tham khảo nội dung các chương trình đào tạo về khoa học quản lý của các nước trên thế giới cũng như kết quả điều tra nhu cầu xã hội, phản ánh qua các ý kiến phản hồi của sinh viên năm cuối, cựu sinh viên, giảng viên, chuyên gia và các nhà tuyển dụng phù hợp với thực tiễn quản lý ở Việt Nam.

Các khối kiến thức, số lượng học phần và lịch trình học tập được phân bổ hợp lý. Khoa chủ trương tăng thời lượng cho các môn chuyên ngành.

Khoa đã công khai chương trình đào tạo và bản mô tả chương trình đào tạo qua nhiều kênh thông tin khác nhau, đã tạo ra sự thuận lợi cho sinh viên, cố vấn học tập, các nhà quản lý đào tạo trong quá trình sử dụng.

Chương trình có tính liên thông cao từ cử nhân đến thạc sĩ.

Chuẩn đầu ra của toàn bộ chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của từng học phần cụ thể, dễ dàng đo lường được về kiến thức, kỹ năng và thái độ giúp người học có định hướng phát triển năng lực học tập cũng như khả năng chuyển đổi nghề nghiệp trong tương lai hoặc tiếp tục theo đuổi mục đích học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu của xã hội và của người học.

2. Chiến lược dạy và học

Chiến lược dạy và học được xác định rõ ràng về triết lý từ sinh viên đến đội ngũ giảng viên; đổi mới phương pháp giảng dạy…tạo ra sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên khá cao.

Môi trường học tập tạo sự chủ động cho sinh viên được phát huy, tạo sự đồng thuận trong toàn khoa.

Đội ngũ giảng viên giảng dạy cho chương trình được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao (hầu hết là TS, PGS và GS) có kinh nghiệm sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy quốc tế, nắm vững các phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá tiên tiến; đồng thời phải là những chuyên gia để gợi mở cho sinh viên khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện.

TS. Đào Thanh Trường đang trình bày về nội dung thu nhập của sinh viên sau khi ra trường

3. Nghiên cứu khoa học

Thành tích nghiên cứu khoa học của  giảng viên trong khoa xứng tầm với đơn vị đào tạo hệ chất lượng cao. Một số đề tài Khoa học cấp Nhà nước, nghị định thư, đề tài cấp bộ, cấp ĐHQGHN đã và đang được thực hiện.

Chi bộ Khoa đã ra nghị quyết mỗi giảng viên trong khoa phải có công trình công bố trên tạp chí ISSN (yêu cầu cao hơn mức Nhà trường) và mỗi giảng viên phảo đảm nhận từ 2-3 học phần trong khung chương trình của khoa.

4. Người học và tư vấn cho người học

Nguồn sinh viên đầu vào được tuyển chọn tốt, không chỉ từ những thí sinh đăng ký trực tiếp vào khoa mà cả sinh viên các khoa khác trong trường.

100 sinh viên hệ chất lượng cao có việc làm sau khi tốt nghiệp

Việc đào tạo chương trình chất lượng cao luôn nhận được sự quan tâm, đồng thuận của toàn khoa. Khoa có sự phần công đội ngũ cố vấn học tập phụ trách các lớp chất lượng cao nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, có kinh nghiệm và trình độ ngoại ngữ.

Các hoạt động ngoại khóa luôn được chú trọng.

Nhà trường và Khoa luôn chú trọng việc thu thập ý kiến phản hồi của các bên liên quan để thiết kế, xây dựng, điều chỉnh các chương trình đào tạo, cải tiến nâng cao chất lượng các học phần, phù hợp giữa đào tào và sử dụng lao động.

 

Tác giả: Đình Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây