Khoa Báo chí và Truyền thông: khẳng định bản sắc và thế mạnh riêng

Thứ ba - 13/08/2013 05:05
Ấn tượng mà sản phẩm đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông mang lại là sự năng động, kiến thức nền vững, kĩ năng và sự thích nghi nghề nghiệp tốt cùng đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội.

Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐHKHXH&NV) nhiều năm qua là một trong những địa chỉ đào tạo hấp dẫn đối với xã hội. Ấn tượng mà sản phẩm đào tạo của Khoa mang lại là sự năng động, kiến thức nền vững, kĩ năng và sự thích nghi nghề nghiệp tốt cùng đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội. Trên nền tảng ấy, Khoa tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đem đến những cơ hội học tập và nghề nghiệp rộng mở hơn nữa cho người học.

Khoa đầu ngành

Khoa Báo chí và Truyền thông thành lập năm 1990, đến nay đã có 23 năm xây dựng và phát triển. Cho đến nay, Khoa vẫn giữ vững vị thế là cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu của cả nước.

Cơ cấu các tổ bộ môn của Khoa hiện nay khá ổn định, gồm: Báo in – Báo trực tuyến, Phát thanh – Truyền hình, Nghiên cứu Truyền thông, PR-Quảng cáo. Đội ngũ cán bộ có 60 giảng viên cơ hữu và kiêm nhiệm, thỉnh giảng, trong đó có những nhà khoa học, nghiên cứu có học hàm, học vị cao, nhiều nhà báo, chuyên gia truyền thông, những nhà quản lí, những người đang làm nghề trong lĩnh vực báo chí và truyền thông. Khoa là một trong những cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên hoàn chỉnh hệ thống đào tạo các bậc, hệ, từ cử nhân tới tiến sĩ, từ hệ chính quy đến hệ vừa học vừa làm.

Chương trình học của ngành Báo chí được xây dựng nhằm đảm bảo các mục tiêu của sản phẩm đầu ra về: kiến thức, kĩ năng và đạo đức nghề nghiệp. Chương trình gồm các khối kiến thức về khoa học cơ bản; khối kiến thức về lĩnh vực cận chuyên môn; khối kiến thức cơ bản của ngành và khối kiến thức chuyên ngành. Sinh viên được trang bị những kiến thức nền căn bản về khoa học XHNV, kiến thức nền về truyền thông, kiến thức về từng lĩnh vực báo chí chuyên sâu như báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, PR… Ngoài ra, kĩ năng và đạo đức nghề nghiệp cũng là một nội dung rất được chú trọng trong chương trình đào tạo, đảm bảo cho sinh viên báo chí ra trường có thể làm nghề một cách chuyên nghiệp và có tinh thần trách nhiệm cao với xã hội.

Hội thảo Báo chí về môi trường tại Việt Nam do Khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức tháng 5/2012.

Hội thảo Báo chí về môi trường tại Việt Nam do Khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức tháng 5/2012.

Khẳng định bản sắc riêng

Không phải ngẫu nhiên mà trong tương quan so sánh với các cơ sở đào tạo khác, sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐHKHXH&NV) khi ra trường làm việc luôn được đánh giá cao về năng lực nghề nghiệp. Họ trưởng thành và thích nghi nhanh chóng ở nhiều vị trí công tác khác nhau. Nhiều cựu sinh viên Khoa đã từng chia sẻ, chính kiến thức nền rất toàn diện về KHXH&NV được thụ hưởng từ những giáo sư, chuyên gia hàng đầu, chính tư duy khoa học và phương pháp nghiên cứu được rèn giũa trong nhà trường đã giúp họ có cái nhìn khoa học, khách quan và thực tiễn khi phân tích và đánh giá các vấn đề diễn ra trong cuộc sống. Nói cách khác, Khoa Báo chí và Truyền thông được hưởng một lợi thế rất lớn khi trực thuộc một trường đại học cơ bản, đầu ngành, với truyền thống đào tạo và nghiên cứu chất lượng và uy tín nổi tiếng trong, ngoài nước. “Chất” riêng của sinh viên báo chí là nằm ở bề sâu của kiến thức khoa học, xã hội; ở tư duy và góc nhìn sắc sảo; ở bản lĩnh và nhiệt huyết cống hiến của những người có tri thức và có cá tính sáng tạo riêng. Cho đến nay, bằng năng lực và cá tính ấy, hàng ngàn sinh viên báo chí đã và đang góp phần xây dựng nên một thương hiệu riêng không thể trộn lẫn – thương hiệu Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐHKHXH&NV.

Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông được thực hành với những thiết bị hiện đại tại Trung tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông.

Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông được thực hành với những thiết bị hiện đại tại Trung tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông.

Những năm trước đây, khả năng thực hành nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn bị coi là một điểm hạn chế đối với sinh viên đại học nói chung, trong đó có sinh viên báo chí. Nhưng đến nay, quan điểm này đã không còn đúng nhờ những bước đổi mới sáng tạo và quyết liệt trong hoạt động đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông. Ngay từ những năm đầu tiên, sinh viên đã được giảng dạy và truyền nghề bởi những nhà báo có uy tín trong nhiều lĩnh vực báo viết, phát thanh, truyền hình… Trường cũng có Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông (CMP) – với trang thiết bị phát thanh và truyền hình, trường quay, giảng đường hiện đại ngang các cơ quan báo chí, đài truyền hình hiện nay – hỗ trợ rất mạnh cho Khoa về hoạt động thực hành nghề nghiệp cho sinh viên. Khoa kí kết hợp tác chính thức với nhiều đơn vị báo chí, trong đó có Báo Pháp luật để các nhà báo chuyên nghiệp tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo theo hướng tiệm cận hơn với môi trường hoạt động nghề nghiệp thực tế. Sản phẩm của sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông hiện được đăng tải đều đặn trên báo Pháp luật số ra hàng ngày. Khoa cũng có quy định mới trong thực hiện khoá luận tốt nghiệp, cho phép sinh viên thay vì làm khoá luận truyền thống thì có thể thực hiện một sản phẩm truyền hình và bảo vệ trước Hội đồng. Quy định này những năm qua nhận được sự hưởng ứng của sinh viên và cho thấy những tín hiệu tích cực. Sinh viên đã được khơi gợi cảm hứng mạnh mẽ hơn đối với nghề nghiệp tương lai. Nhiều bộ phim tốt nghiệp của sinh viên đủ chất lượng để phát sóng trên đài truyền hình. Đặc biệt, có những bộ phim do sinh viên thực hiện đạt các giải thưởng cao tại các kì liên hoan phim lớn.

Những hướng đi mới

Năm 2013, Khoa Báo chí và Truyền thông lần đầu tiên tuyển sinh một ngành đào tạo mới là Quan hệ công chúng (QHCC). Trước đó, Khoa là nơi giảng dạy môn QHCC đầu tiên ở Việt Nam. Môn học này đã được đưa vào giảng dạy chính tại Khoa Báo chí và Truyền thông cũng như nhiều khoa khác trong Trường từ nhiều năm trước, nhằm đặt nền tảng ban đầu cho ngành học mới.

Chương trình đào tạo ngành QHCC được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của Đại học Maryland (Hoa Kì), có sự tham vấn của các nhà tuyển dụng, các chuyên gia về QHCC, trên cơ sở một khảo sát cụ thể về nhu cầu sử dụng nhân lực ngành QHCC trên thị trường lao động Việt Nam.

Sinh viên ngành QHCC sẽ được trang bị khối kiến thức cơ bản về KHXH&NV, kiến thức nền tảng về truyền thông và quản trị tổ chức, quản trị thương hiệu, những kiến thức về lí luận và nghiệp vụ QHCC như quan hệ với giới báo chí, truyền thông, tổ chức sự kiện, xây dựng các chương trình, chiến dịch, kế hoạch PR để thích ứng với từng yêu cầu của khách hàng… Có nhiều môn trong chương trình học sẽ do các giám đốc, quản lí cấp cao của các công ty truyền thông – với kinh nghiệm thực tiễn dày dặn – trực tiếp giảng dạy.

Khoa Báo chí và Truyền thông đã kí thoả thuận hợp tác chiến lược với ba công ty truyền thông hàng đầu (Công ty truyền thông T&A, Công ty Ogilvy Việt Nam; Công ty truyền thông Lê Bros) để triển khai rất nhiều hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực QHCC. Theo đó, sinh viên có cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp của mình ngay từ những năm đầu tiên.

Có thể nói, ngành QHCC có tiềm năng trở thành một thế mạnh mới của Khoa khi tiếp tục tận dụng được các lợi thế và kinh nghiệm đào tạo của Trường, của Khoa và của ngành Báo chí đem lại. Ngành học mới cũng sẽ góp phần khẳng định vị trí cơ sở đào tạo hàng đầu về Báo chí – Truyền thông của Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV.

Không chỉ là những hoạt động giải trí, những chương trình ngoại khoá của sinh viên Khoa BC&TT thực sự là những buổi thực hành hữu ích.

Không chỉ là những hoạt động giải trí, những chương trình ngoại khoá của sinh viên Khoa BC&TT thực sự là những buổi thực hành hữu ích.

Trong năm qua, đào tạo bằng kép cũng là một hướng đi nhiều triển vọng mà Khoa muốn hướng đến. Với lợi thế của phương thức đào tạo tín chỉ, sinh viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch học tập, rút ngắn thời gian học, tích hợp các môn học để theo học cùng lúc 2 văn bằng. Trong tương lai, các chương trình bằng kép của ngành Báo chí, ngành Quan hệ công chúng với các ngành đào tạo khác trong và ngoài trường sẽ được triển khai nhằm đem đến cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn cho sinh viên Báo chí và Truyền thông. Sinh viên ngành Báo chí sau 4 năm học, cũng có thể tích luỹ kiến thức một năm nữa để nhận thêm bằng cử nhân ngành QHCC. Sự liên thông năng động này thể hiện những cố gắng của Khoa trong việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của người học.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây