Ngôn ngữ
Có hơn 20 năm làm việc gần gũi cùng GS.NGND Nguỵ Như Kontum, GS.NGND Phan Hữu Dật (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) vẫn bùi ngùi khi nhắc đến những kỉ niệm về người tiền nhiệm. Trong kí ức của ông, GS Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHTHHN là một trí thức lớn có tấm lòng yêu nước và hết lòng vì sự nghiệp khoa học và giáo dục của đất nước. Ông đã có công lớn trong việc xây dựng Trường ĐHTHHN trở thành một đại học cơ bản, đầu ngành và có uy tín cao trong và ngoài nước.
GS Nguỵ Như Kontum là người gốc Huế. Cụ thân sinh của ông làm công chức thời Pháp thuộc ở Kontum. GS. Nguỵ Như Kontum thời trẻ rất thông minh, học giỏi có tiếng trong nước, được cấp học bổng toàn phần sang học đại học ở Pari, là thạc sĩ Vật lí người Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp. Ở Pari, ông trở thành học trò và làm việc trong phòng thí nghiệm của bà Mari Curie và ông Frédéric Joliot-Curie – hai nhà Vật lí nguyên tử trứ danh của Pháp, từng nhận giải thưởng Nobel Hoá học. GS. Nguỵ Như Kontum đã có khởi đầu đầy hứa hẹn như vậy. Nhưng ông đã lựa chọn một ngã rẽ khác: đó là trở về Việt Nam và tham gia vào phong trào cách mạng. Để từ đó, công việc và sự nghiệp khoa học của ông mãi được ghi nhận trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước.
Năm 1941, GS Nguỵ Như Kontum ra Hà Nội dạy ở Trường Bưởi lúc phong trào Việt Minh chống Pháp đang dâng cao trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nhiều trí thức và sinh viên, thanh niên học sinh tổ chức mít tinh ủng hộ cách mạng ở Khu học xá Đông Dương. Lúc này, GS Nguỵ Như Kontum đã là Giám đốc Khu học xá Đông Dương. Ông cùng nhiều giáo sư khác lên diễn đàn phát biểu ý kiến đồng thanh ủng hộ Việt Minh. Ngày 23/8/1945, GS Nguỵ Như Kontum cùng các GS Trường Bưởi đã kí một bức điện đòi Bảo Đại thoái vị, giao quyền cho Việt Minh thành lập Chính phủ. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Hồ Chủ tịch đã có những chính sách quan tâm, động viên và đoàn kết các nhà trí thức tham gia xây dựng chính quyền non trẻ. GS. Nguỵ Như Kontum bấy giờ là một trí thức lớn rất có uy tín và ủng hộ cách mạng đã nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của mình với việc xây dựng nền khoa học và giáo dục cách mạng lúc bấy giờ.
Ngày 19/12/1946, Pháp gây hấn, cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Ở Hà Nội, cơ sở cách mạng phải chuyển lên phía Bắc và một thời gian sau, chuyển sang khu vực Nam Ninh ở Trung Quốc. Trong số những trí thức cao cấp của mình được điều sang khu học xã Nam Ninh để giảng dạy cho bậc đại học thì có GS. Nguỵ Như Kontum. Bản thân GS Kontum cũng từng giữ chức Giám đốc Trung học vụ (trực thuộc Bộ Giáo dục). Ông cùng nhiều trí thức khác đã không quản ngại khó khăn khoác ba lô rời Hà Nội lặn lội lên núi rừng Việt Bắc cùng toàn dân chống Pháp.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi Hà Nội được giải phóng, Nhà nước khôi phục lại hệ thống đại học ở miền Bắc, chủ yếu ở Hà Nội. Năm 1956, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ kí Quyết định thành lập 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y. Trường ĐHTHHN được xác định là trường đại học khoa học cơ bản, đầu ngành và trọng điểm. Vấn đề được đặt ra, ai sẽ là Hiệu trưởng của Trường ĐHTHHN?
Trong một lần đến 19 Lê Thánh Tông, thấy tượng bán thân của GS Kontum, GS Phan Hữu Dật đã làm một bài thơ cảm hoài về vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHTHHN.
Gặp lại người tiền nhiệm
Về cõi vĩnh hằng rồi
Tưởng không còn trở lại
Sáng nay được gặp người
Lòng vui như mở hội
Bỏ cuộc sống đế vương
Rời trời Tây về nước
Bao năm lái đò ngang
Khách sang sông nờm nợp
Không keo kiệt bao giờ
Với ai cần xin chữ
Đám môn sinh bây giờ
Bủa trải khắp bốn bể
Không nghĩ tới anh hùng
Mà bao người không bằng
Âm thầm khi sống gửi
Còn thác về ung dung
Trở lại nơi trần thế
Không màn của phù vân
Chỉ làm tên đầy tớ
Ngày đêm gác cửa Trường
Người hoá đá trầm mặc
Đời tri ân tặng hoa
Người rồi cập bến giác
Đá rồi cũng trổ hoa.
Khi ấy, các giáo sư của Trường ĐHTHHN đều là những tên tuổi rất nổi tiếng và có uy tín trong giới khoa học như: bên KHXH có GS. Đặng Thai Mai, GS. Trần Đức Thảo, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giàu…, bên KHTN thì có các tên tuổi như: GS. Lê Văn Thiêm và GS. Nguỵ Như Kontum… Cuối cùng, GS. Nguỵ Như Kontum, người không phải là Đảng viên, được chọn làm Hiệu trưởng, GS. Lê Văn Thiêm là Phó Hiệu trưởng. Đó là một quyết định “hợp lòng người” của Hồ Chủ tịch lúc bấy giờ. Và “cầm trịch” giữa một tập thể toàn những nhà khoa học lỗi lạc nhưng cũng nhiều cá tính, lại đúng vào thời kì đầu tiên xây dựng nền móng của Trường ĐHTHHN, bằng uy tín và năng lực của mình, GS. Kontum đã tập hợp, đoàn kết được các trí thức lớn ấy cùng chung tay xây dựng nên một trường trọng điểm đầu ngành có uy tín lớn trong và ngoài nước. Ở vị trí lãnh đạo cao nhất, gắn bó gần 25 năm với Trường từ những ngày khó khăn nhất, cho đến khi đã đặt được những nền tảng đầu tiên cho sự phát triển bền vững và đúng hướng của Trường, rồi gặt hái những thành quả sau này, công lao của GS. Kontum là rất lớn. Trong lịch sử nền giáo dục Việt Nam thì Giáo sư là Hiệu trưởng có nhiệm kì lâu nhất, lại là Hiệu trưởng của một trường đại học cơ bản hàng đầu, có vị trí rất quan trọng trong nền giáo dục cách mạng Việt Nam. GS. Kontum cũng chính là người được Bác Hồ lựa chọn và kí quyết định bổ nhiệm. Chỉ như vậy thôi đã đủ thấy được trí tuệ và tầm vóc của GS. Kontum!
Trường ĐHTHHN phát triển trong hoàn cảnh khó khăn vì chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ. Trường phải đi sơ tán ở Bắc Thái, Đại Từ, Thái Nguyên. Khi đi sơ tán, tất cả cơ sở vật chất, kể cả thư viện, phòng thí nghiệm đều phải đem đi. Tại nơi sơ tán, Trường phải dựa vào dân để có cơ sở vật chất cho nhiệm vụ đào tạo. Giảng viên và sinh viên Nhà trường còn tham gia cùng dân quân du kích địa phương đi bắt phi công Mĩ… Rồi khi trở về Hà Nội, điều kiện giảng dạy và học tập cũng cực kì khó khăn. Năm 1979, Trung Quốc điều động 60 vạn quân tràn vào 6 tỉnh biên giới của Việt Nam. Thời gian đó cả Trường ĐHTHHN trang bị, quân sự hoá thành một trung đoàn, gọi là Trung đoàn tự vệ. Cả Trung đoàn đó kéo lên xây dựng phòng tuyến sông Cầu – phòng tuyến có từ thời Lí Thường Kiệt chống quân Tống để bảo vệ Thăng Long – để chặn bước tiến của Trung Quốc từ 6 tỉnh biên giới kéo về Thủ đô Hà Nội… Thời kì GS. Kontum làm Hiệu trưởng, Trường cũng tổ chức nâng cao chất lượng tuyển sinh trong thời chiến. Trường ĐHTHHN được phân công vào coi thi và chấm thi ở Nghệ An. Do bom đạn, nên hành trình đi rất vất vả, lúc đi đường quốc lộ, lúc men đường núi từ Hà Nội, Hoà Bình vào Nghệ An. Có lần đi với ông đến Thanh Hoá thì gặp triều cường, ngập hết cả, tất cả những người trong đoàn coi thi phải xuống đẩy xe… GS. Nguỵ Như Kontum cũng đích thân trải nghiệm những gian khổ ấy như mọi cán bộ khác. Rồi một thời gian, xảy ra hiện tượng mất đoàn kết nội bộ kéo dài dai dẳng trong tập thể Trường, gây khó xử cho người lãnh đạo… Giữ trọng trách lớn trong hoàn cảnh nhiều khó khăn và phức tạp như vậy nhưng GS. Kontum chưa lúc nào bị ngã lòng mà vẫn kiên trì theo Đảng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao với tất cả sự tận tâm tận lực.
GS. Kontum cũng có vai trò rất lớn trong việc gây dựng nề nếp nghiên cứu khoa học, giúp Trường ĐHTHHN trở thành lá cờ đầu về NCKH trong phạm vi toàn quốc. Không chỉ đối với giảng viên mà cả trong sinh viên, phong trào NCKH cũng phát triển rất mạnh. Do vậy mà trong chiến tranh hay thời bình, Trường ĐHTHHN giữ được thế mạnh và bản sắc riêng chính là nhờ “chất” khoa học ấy. Uy tín và tên tuổi của Trường ĐHTHHN cũng là ở tầm ảnh hưởng học thuật ấy.
Ngoài làm Hiệu trưởng, GS. Kontum còn là Chủ tịch Công đoàn Giáo dục của Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học Chuyên Nghiệp, là Uỷ viên đoàn Chủ tịch của UBTW Mặt trật Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là Hội trưởng Hội Vật lí Việt Nam, tham gia ban lãnh đạo của Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình thế giới của Việt Nam. Tầm ảnh hưởng xã hội của ông cũng rất rộng.
Về mặt con người, GS. Kontum là một tấm gương sáng với lối sống đạo đức, trong sạch, giản dị. Ông đặc biệt rất ủng hộ lực lượng trẻ, sẵn sàng tạo điều kiện nâng đỡ những người trẻ có tài năng. Đối với sinh viên, Giáo sư còn như một huyền thoại về sự uyên bác và nhân cách lớn của một nhà khoa học. Thầy Hiệu trưởng đầu tiên ấy đã tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên Trường sống, học tập và chiến đấu, cống hiến cho lí tưởng cách mạng, cho sự độc lập thống nhất của đất nước. Khi đã nghỉ hưu, cán bộ giảng dạy của Trường ĐHTHHN, dù là thầy cô giáo hay công nhân viên mà ai ốm đau, ông đều quan tâm đến thăm hỏi.
Cuối đời, cuộc sống của ông rất khó khăn. Có lần tôi đến thăm, gặp lúc ông ăn cơm trưa, Giáo sư chỉ vào đĩa cá và nói với tôi: “Anh Dật xem này, tôi ăn cá của mèo”. Tôi nghe mà rơi nước mắt. Lần thứ hai, tôi đến thăm ông, Giáo sư cầm quả cà mà nói: “Tôi đang nghĩ ăn nửa quả hay ăn cả quả đây !”. Cuộc đời của một nhà khoa học lớn, một nhân sĩ yêu nước có công với cách mạng, là người Thầy lớn, là tượng đài của biết bao thế hệ học trò cũng có lúc khó khăn thiếu thốn đến vậy.
Năm 1991, trong một cuộc họp của Uỷ ban TWMTTQVN tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, GS. Kontum được cử vào dự. Phiên họp chưa xong, ông ốm. Ông ra Bắc bằng máy bay đến thẳng bệnh viện. Sau đó một thời gian ngắn thì ông qua đời. Lễ tang của ông được tổ chức ở 18 Lê Thánh Tông. Giảng đường của Đại học Đông Dương cũ được mang tên giảng đường GS. Nguỵ Như Kontum. Bức tượng bán thân của ông cũng được đặt tại giảng đường này như một lời ghi nhận: “GS. Nguỵ Như Kontum sẽ còn mãi cùng với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn