Kí sự từ Trường Sa

Thứ ba - 13/08/2013 05:25
Kí sự của PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa trong nửa sau tháng 4 vừa qua.
Kí sự từ Trường Sa
Kí sự từ Trường Sa

1. Những ngày qua, Đoàn công tác số 8 đã đến thăm đảo Trường Sa Lớn, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông, Phan Vinh và vùng đảo chìm Tốc Tan, điểm cực đông, xa đất liền 600km, của hành trình đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Ngày 25 tháng 4, lãnh đạo đoàn và một số thành viên cũng đã đến thăm các điểm A, C của đảo Thuyền Chài và sáng nay thăm đảo An Bang nổi tiếng. Một tuần đã trôi qua thật nhanh kể từ khi đoàn rời cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh để theo tàu HQ 561 ra đảo. Bộ tư lệnh Hải quân đã tổ chức chuyến đi đúng vào dịp quân dân vùng biển đảo trọng thể kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Trường Sa. Biết bao cảm xúc dâng trào đã được sẻ chia giữa các đồng chí lãnh đạo đoàn và thành viên trong đoàn với cán bộ, chiến sĩ cũng như cư dân trên quần đảo. Trong suốt chuyến đi, không có một cuộc gặp gỡ nào mà không rạng rỡ những nụ cười, vang vọng lời ca tiếng hát và cũng thật bịn rịn, khó cầm lòng trước mỗi cuộc chia tay.

Từ năm 2005 đến nay, Bộ Tư lệnh Hải quân đã có sáng kiến tổ chức các đoàn công tác ra thăm, kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa. Và năm nay, các anh cũng có kế hoạch tổ chức một số chuyến đi cho thân nhân của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa ra thăm đảo. Có lẽ các chiến sĩ ở Trường Sa cũng đã trở nên thân quen với các cuộc gặp gỡ. Nhưng, những người con kiên trung ở vùng biển đảo tiền tiêu ấy vẫn còn mong lắm những vòng tay, tình cảm, hơi ấm từ đất liền cùng những tấm lòng của đồng bào cả nước dành cho Trường Sa.

Lộ trình của chuyến công tác

Lộ trình của chuyến công tác

2. Trên hành trình đến Trường Sa, nhiều đêm biển rung, tàu lắc nhiều thành viên trong đoàn đã không ngủ để thức cùng Trường Sa, thức với những người giữ đảo. Trong điệp trùng của sóng vỗ đại dương, tôi cứ miên man nghĩ suy về hành trình lịch sử dân tộc. Các thế hệ cha ông đã mở mang bờ cõi, khẳng định cương vực ở phía Tây đồng thời tiến hành những cuộc trường chinh không mệt mỏi về vùng đất phương Nam, châu thổ Cửu Long. Trong tiến trình dân tộc đầy hào hùng, rất đỗi tự hào và trí tuệ đó, chúng ta cũng đã tiến về phía biển, với đại dương bao la. Các thế hệ tiền nhân đã vượt lên chính mình, vượt lên những định chế truyền thống, những níu kéo của thể chế nông nghiệp, của những không gian làng xã nhỏ hẹp, của tư duy châu thổ để tiến về với đại dương mênh mông. Chúng ta mãi tự hào về những huyền thoại gắn với thời lập quốc. Ngay tự thời bấy giờ, trong lịch sử, văn hóa Việt Nam đã có những bộ phận hợp thành của đại dương, của truyền thống văn hóa biển. Trong tư duy vũ trụ luận thuở hồng hoang đã ghi nhận, xác nhận sự giao cảm, tâm thức của người xưa về các đợt biển tiến, biển lùi; về các cuộc thiên di, chuyển cư lớn; về năng lực khai phá, chinh phục tự nhiên và mối liên hệ gắn bó, hết sức mật thiết giữa biển với lục địa. Trong sự sinh thành của dân tộc, biển cả, đại dương không chỉ là môi trường sống mà còn là môi trường tiếp giao văn hóa của các cộng đồng cư dân cổ ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc Việt Nam.

3. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi cả dân tộc ta đã phải gồng mình lên tiến hành cuộc kháng chiến giải phóng đất nước. Trong các đoàn quân đi dọc dải Trường Sơn năm ấy có thế hệ cha, anh chúng ta. Trong những bức thư gửi về quê nhà, các chiến sĩ năm xưa đã viết về dải Trường Sơn hùng vĩ, về vẻ đẹp tự nhiên, của hệ động thực vật phong phú và cả những âm thanh của núi rừng mà những người sinh trưởng từ đồng bằng chưa một lần lắng nghe, trải nghiệm.

Năm 1975 đại thắng, Tổ quốc thống nhất, chúng ta không chỉ phục hưng được nền độc lập dân tộc, làm chủ những không gian rộng lớn từ Mục Nam Quan đến đất mũi Cà Mau mà Tổ quốc Việt Nam còn có thêm Biển Đông rộng lớn. Ý thức sâu sắc về vị thế và tầm quan trọng của biển đảo, trong những ngày mà cả dân tộc dồn sức cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác, cả thế giới hướng về Việt Nam chứng kiến cuộc rút lui chiến lược của người Mỹ và cuộc tháo chạy của chính quyền Sài Gòn, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các chiến sĩ Hải quân đã bí mật, bất ngờ, dũng mãnh tiến ra giải phóng Trường Sa. Chủ quyền Việt Nam đã được khẳng định ở giữa Biển Đông dậy sóng. Nhờ đó, mà chúng ta có thể làm chủ một không gian biển rộng lớn trên 1 triệu km2, gấp ba diện tích đất liền.

Bình minh ở đảo Trường Sa, 5h33' ngày 21/4/2013.

Bình minh ở đảo Trường Sa, 5h33' ngày 21/4/2013.

Dựa vào điểm tựa Trường Sơn hùng vĩ, vào thế mạnh của các châu thổ, trong công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cả dân tộc đang tiến ra biển lớn, hội nhập với môi trường đại dương. Chúng ta đã và đang có những nỗ lực lớn để phát triển kinh tế biển, lập các đội tàu đánh bắt xa bờ, phát triển công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, tổ chức các dịch vụ trên biển, phát triển du lịch biển v.v… Làm chủ biển khơi, chúng ta không chỉ có thể khai thác dầu khí (ngành công nghiệp đem lại nguồn thu quan trọng cho đất nước), mà còn có thêm cơ hội, điều kiện mở cánh cửa dân tộc với khu vực và thế giới. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, bão tố và hiểm nguy có thể diễn ra bất thường ở Biển Đông nhưng thế dân tộc đang lên, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo để tự tin hội nhập với thế giới. Trong tầm nhìn lâu dài, chúng ta đã từng bước làm chủ các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để tiến hành thăm dò, khai thác biển, phát triển kinh tế biển. Khoa học – công nghệ biển trong đó có công nghệ sinh học biển, phát triển năng lượng biển… đang ngày càng được coi trọng và tương lai, khi những nguồn tài nguyên “truyền thống” không còn dồi dào nữa thì các ngành khoa học, công nghệ mới sẽ trở thành triển vọng phát triển của Việt Nam và nhiều quốc gia thế giới.

Đất nước đã có nhiều đổi thay kể từ sự kiện 30 tháng tư năm ấy. Trong tấm lòng với Trường Sa hôm nay có tình cảm chung của dân tộc và cả hào khí của Trường Sơn năm xưa; có ý chí, quyết tâm mở đường Hồ Chí Minh trên biển và cả tinh thần, lòng kiên trung của bao thế hệ, cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì chủ quyền biển đảo và vì tương lai phát triển của đất nước.

Chuẩn bị lên đảo Trường Sa. Sáng 21/4/2013.

Chuẩn bị lên đảo Trường Sa. Sáng 21/4/2013.

4. Ra Trường Sa, mỗi thành viên trong Đoàn công tác số 8 đều muốn đem theo về những kỷ vật từ biển. Một nhành san hô nhỏ, những con ốc biển, một trái bàng vuông… mỗi đặc sản nổi tiếng của Trường Sa đều trở nên quý giá đối với những người từ đất liền ra đảo. Nhưng, theo chỉ đạo của chỉ huy đoàn, để bảo vệ không gian xanh cho các đảo và vì sự phát triển bền vững của môi trường, tất cả thành viên trong đoàn đã chạy đua với thời gian, gắng công ghi lại hình ảnh, ghi vào trong ký ức vẻ đẹp tự nhiên, sức hấp dẫn kỳ lạ của các dải san hô, của những đàn cá, của hệ thực vật, thủy sinh phong phú, đa dạng của Trường Sa. Thỉnh thoảng ở Trường Sa vẫn thấy những đoàn cá heo nổi lên đùa giỡn với sóng nước, bơi lượn quanh thân tàu và nhiều khi dường như chúng muốn dẫn tàu ra với đại dương xanh thẳm. Chúng là loài vật thông minh, hết sức thân thiện với con người. Ngư dân yêu mến, tin cậy và thường mong nhờ vào chúng.

Hệ sinh thái và tiềm năng to lớn của Biển Đông, của Trường Sa, Hoàng Sa là tặng phẩm của tự nhiên dành cho những con người dũng cảm. Tuy nhiên, theo cách hiểu của chúng ta ngày nay, ngay cả các nguồn tài nguyên với trữ lượng lớn của đại dương cũng không phải là vô tận. Chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế để thực thi một Chiến lược biển đúng đắn. Biển cả và đại dương cần những người hiểu nó, hòa đồng với nó. Khai thác tự nhiên nhưng vẫn phải lường tính đến khả năng tái tạo, giữ sự cân bằng của thế giới tự nhiên. Các thế hệ người Việt đã sống dựa vào tự nhiên và thực tế tự nhiên đã nâng đỡ cuộc sống của con người. Đó là kinh nghiệm, tri thức truyền đời mà cha ông ta để lại đồng thời cũng là triết lý sống, triết lý phát triển giàu tính nhân văn hiện nay của chung cộng đồng quốc tế.

Đến với Trường Sa, tôi lại nhớ đến những ghi chép quý giá của nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII. Trong tác phẩm nổi tiếng “Phủ biên tạp lục”, tác giả đã cho biết từ thời Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Chu… các chúa Nguyễn đã tổ chức đội Hoàng Sa, Bắc Hải và cử đi khai thác sản vật tự nhiên, thu lượm hóa vật trên các tàu, thuyền buôn qua lại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đến thăm các đảo Trường Sa, đôi khi đây đó chúng ta vẫn thấy xác của những con tàu đắm. Chúng tôi chưa rõ và không có điều kiện khảo sát cụ thể lịch sử của các con tàu này, để xác định xem chủ nhân của chúng là ai? Đó là loại tàu gì: tàu đánh cá, vận tải, tàu buôn hay thám hiểm bị đắm? Và, chúng đã hiện hữu ở Trường Sa từ bao giờ, nguyên nhân nào v.v…?. Nhưng điều chắc chắn là, từ nhiều thế kỷ trước đây, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đã nằm trong một trong những tuyến chính của Hệ thống hải thương châu Á. Theo các thương nhân, thủy thủ phương Tây thì tuyến biển đại dương ở vùng Hoàng Sa, Trường Sa tuy có những thuận lợi trong việc neo đậu tàu, tránh bão nhưng cũng ẩn chứa nhiều hiểm nguy đặc biệt là những diễn biến khó lường của những vùng xoáy, các dòng hải lưu và sự ẩn hiện của các bãi san hô ngầm. Hẳn là trong lòng biển Trường Sa còn có nhiều thuyền, tàu đắm. Những phát hiện gần đây ở Cù Lao Chàm, ở vùng biển Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau… đã và đang thôi thúc chúng ta cần phải sớm phát triển các ngành khoa học nghiên cứu về biển trong đó có: Hải sử, Khoa học quản lý biển, Khảo cổ học dưới biển, Nghiên cứu địa chất, môi sinh… mà trên hết là sự phối kết hợp để xây dựng một Viện nghiên cứu biển quốc gia theo hướng Tiếp cận liên ngành nhằm gắn kết giữa đào tạo chuyên gia với nghiên cứu, tập trung khảo cứu những vấn đề cơ bản, đề xuất những chính sách, giải pháp cho việc giải quyết những vấn đề lớn của đại dương đồng thời cũng cho tương lai phát triển của đất nước một cách khách quan, toàn diện.

Bao biến động của lịch sử đã qua đi nhưng trước sau biển cả và đại dương vẫn luôn gắn liền với hành trình dân tộc. Chúng ta luôn cảm nhận thấy vẻ đẹp kỳ vĩ, tiềm năng kinh tế to lớn của đại dương nhưng chúng ta cũng hiểu rõ ràng rằng, những con người hiện đại vẫn còn chưa thật hiểu thấu, đầy đủ về biển, những quy luật vận động, sinh thành của biển. Việc hiện thực hóa Chiến lược biển bằng các chính sách cụ thể là yêu cầu bức thiết đã và đang đặt ra đối với các cấp, cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam hiện nay.

5. Cùng tham gia, lãnh đạo Đoàn công tác số 8 lần này là Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa – Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc – Nguyễn Văn Trì, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân – Phan Tuấn Hùng, đồng chí Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân và nhiều đồng chí lãnh đạo, chuyên gia cao cấp của các bộ, ban ngành, các tỉnh và nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp, phóng viên báo chí cùng các nhà hoạt động xã hội khác. Trong đoàn hành trình ra Trường Sa, trong số trên 200 thành viên đoàn công tác còn có sự tham gia của các em sinh viên nhiều trường đại học. Sự tham gia của các em đã đem lại cho biển đảo nhiều cảm xúc, niềm vui và khoảng thời gian tươi trẻ.

Điều đặc biệt là, tham gia đoàn còn có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Đồng chí Trương Mỹ Hoa đã nhiệt thành đến dự cuộc gặp mặt, triển khai, quán triệt kế hoạch công tác của đoàn ở Nhà khách Hải quân 1A Tôn Đức Thắng chiều ngày 18 tháng 4. Sớm hôm sau, từ 5 giờ sáng, nguyên Phó Chủ tịch nước lại trực tiếp đến cảng Cát Lái để dự Lễ xuất quân, động viên cán bộ, chiến sĩ. 10 giờ ngày 21 tháng 4, đồng chí Trương Mỹ Hoa và một số thành viên đoàn công tác đã ra đảo, phát biểu nhân việc khánh thành Trường Tiểu học Trường Sa. Trường được xây dựng theo sáng kiến và sự đóng góp hết sức nhiệt tình của các thành viên và những người ủng hộ Quỹ Vừ A Dính mà Bà là Chủ tịch kiêm Trưởng ban chỉ đạo Chương trình vì học sinh Trường Sa thân yêu. Tấm lòng của các thành viên Quỹ Vừ A Dính trong sự phối hợp với báo Pháp Luật Tp. Hồ Chí Minh đã đem lại cho Trường Sa ngôi trường đầu tiên giữa vùng biển đảo.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (phải) thăm phòng học Trường Tiểu học TT Trường Sa, ngày 21/4/2013.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (phải) thăm phòng học Trường Tiểu học TT Trường Sa, ngày 21/4/2013.

Như vậy là, cùng với sự kiện chính quyền, nhân dân huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc rước Phật ngọc ra Trường Sa với sự hiện diện trang trọng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Đại đức Thích Nguyên Cao và một số nhà tu hành, thì sự kiện khánh thành ngôi trường mới, hiện hữu khang trang ở vùng biển đảo với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đồng chí Lê Đức Vinh và toàn thể các thành viên trong đoàn công tác đã trở thành một dấu mốc văn hóa – chính trị ở Trường Sa. Sau lễ khánh thành, nguyên Phó Chủ tịch nước, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo đoàn đã đi thăm từng phòng học, xem xét hệ thống sách giáo khoa, thư viện, đồ dùng học tập… của các em học sinh. Thiết chế văn hóa ở Trường Sa đang ngày càng hoàn thiện, góp phần thiết thực, hiện thực hóa một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân về Dân sự hóa các hoạt động ở các vùng biển đảo.

Trong suốt chuyến đi, điều mỗi thành viên trong đoàn đều nhận thấy và cảm phục là tinh thần tổ chức, kỷ luật, ý chí chiến đấu, sự tận tụy của các chiến sĩ trên tàu HQ 561 cũng như của tất cả các cán bộ, chiến sĩ trên các vùng đảo. Trong những câu chuyện với các anh trên đảo Trường Sa Lớn, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài, An Bang… các anh luôn niềm nở, chân tình nhưng cũng luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn nguyên tắc, kỷ luật quân đội. Các anh đến từ nhiều vùng quê: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ… hoàn cảnh, giọng nói khác nhau nhưng tất cả đều cùng có chung vẻ rắn rỏi, cương nghị trong sắc da ngăm đen mặn nồng của sóng và gió biển. Từ người sĩ quan chỉ huy từng 30 năm gắn bó với biển đảo đến các tân binh mới ra đảo vài tháng đều cùng có chung một lý tưởng, một niềm tin, một tinh thần sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Vườn rau trên đảo Phan Vinh. Ngày 24/4/2013.

Vườn rau trên đảo Phan Vinh. Ngày 24/4/2013.

Nhưng, như người xưa vẫn nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” những người canh giữ đảo xa trong lúc đảm đương trọng trách bảo vệ chủ quyền đất nước chắc hẳn luôn nhớ về quê nhà, nhớ về một mái ấm gia đình, thèm được nghe tiếng nói cười của con trẻ. Mạng Viettel và các chuyến vận tải tương đối thường xuyên đã nối kết đất liền với hải đảo. Nhưng, cũng thật khó để các anh có thể giữ trọn trách nhiệm của người chồng, người con mỗi khi các đấng sinh thành, người thân gặp sự bất thường, mệt yếu, ốm đau! Thật khó để có thể nói hết, viết hết về những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của các anh trong những công việc thường ngày để giữ sự bình yên cho đất nước, bảo đảm môi trường thuận lợi cho việc triển khai các dự án nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình kết hợp kinh tế với quốc phòng đồng thời xây dựng hệ thống bảo đảm, an sinh, tạo dựng niềm tin để ngư dân yên tâm cho thuyền ra khơi xa, bám biển, đánh bắt dài ngày trên biển.

Điều mà chúng tôi luôn cảm nhận thấy là từ Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh, đồng chí Phó Tư lệnh Vùng 4 Phan Tuấn Hùng, các cán bộ tăng cường của Bộ Tư lệnh Hải quân đến các sĩ quan chỉ huy trên đảo, trên tàu HQ 561 đều thể hiện những phẩm chất tuyệt vời của người chỉ huy, anh bộ đội Cụ Hồ. Các anh không chỉ có tư duy quân sự sắc sảo, năng lực phân tích, xử lý tình huống quyết đoán, chính xác, thấu hiểu những thách thức, biến động của đời sống chính trị khu vực mà còn tận tường chu trình của từng con nước, luồng lạch ra vào các đảo, thấu hiểu tấm lòng, gia cảnh của từng cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, nhà giàn dù đó là cứ điểm xa xôi nhất. Nhìn cách các anh giao tiếp với anh em, trao đổi công việc, chỉ đạo những việc cần làm cụ thể trên mỗi đảo… chúng tôi luôn cảm nhận thấy giữa các anh với cán bộ, chiến sĩ trên đảo dường như tự lâu đã thực sự hình thành một tình cảm thiêng liêng, máu thịt.

Ca nô vào giàn DK1-20. Ngày 27/4/2013.

Ca nô vào giàn DK1-20. Ngày 27/4/2013.

Ở Trường Sa, tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nhà chiến lược quân sự, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi: “Tướng sĩ một lòng phụ tử – Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Các vị chỉ huy Hải quân đã hiểu quân và thương quân đến vậy! Sức mạnh của Trường Sa hôm nay, sự yên bình của vùng biển đảo không những có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của toàn quân và toàn dân; của các cuộc vận động, đấu tranh ngoại giao; của cách thức tổ chức, hiệp đồng sẵn sàng chiến đấu giữa Hải quân với các quân, binh chủng; của tri thức và công nghệ, vũ khí hiện đại mà còn có trách nhiệm, tình cảm gắn bó giữa các tướng sĩ trong binh chủng Hải quân anh hùng. Trách nhiệm và tình cảm ấy đã tôi rèn niềm tin sắt đá, tạo nên bức trường thành vững chắc ở Biển Đông bởi những người canh giữ biển đảo.

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây