Đổi mới, sáng tạo để thành công

Chủ nhật - 25/08/2013 09:47
Năm học 2012-2013, Trường ĐHKHXH&NV đã đạt được những kết quả toàn diện trên nhiều mặt hoạt động. PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) tổng kết những thành tích nổi bật và cho biết những định hướng quan trọng của Trường trong năm học tới.
Đổi mới, sáng tạo để thành công
Đổi mới, sáng tạo để thành công
Năm học 2012-2013, Trường ĐHKHXH&NV đã đạt được những kết quả toàn diện trên nhiều mặt hoạt động. PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) tổng kết những thành tích nổi bật và cho biết những định hướng quan trọng của Trường trong năm học tới.

- Xin thầy cho biết những thành tựu quan trọng mà Trường ĐHKHXH&NV đã đạt được trong lĩnh vực đào tạo năm học vừa qua?

Trước hết phải nói rằng, nhờ nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh của một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu mà Trường ĐH KHXH&NV đã có lộ trình và những bước đi vững chắc để hướng tới sự hoà nhập, thích nghi với thực tiễn phát triển của đất nước và xu thế quốc tế hoá trong giáo dục, đào tạo hiện nay. Trên cơ sở ấy, trong thời gian qua, tinh thần không ngừng đổi mới và sáng tạo là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt các hoạt động, định hướng phát triển của Nhà trường.

Thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực đào tạo của Trường là đã chuyển đổi thành công 23 chương trình đào tạo ở bậc ĐH và 54 chương trình SĐH theo chuẩn đầu ra. Nhờ đó đã tạo ra tính liên thông cao giữa các ngành đào tạo và giữa đào tạo ĐH với SĐH. Lấy yếu tố chất lượng làm tiêu chuẩn hàng đầu, các CTĐT được xây dựng trên cơ sở có sự tham khảo CTĐT của các trường đại học có thứ bậc cao ở khu vực và thế giới đồng thời phát huy được tối đa nguồn lực trí tuệ của các đơn vị, của đội ngũ chuyên gia, giảng viên trong toàn Trường. Việc chuyển đổi này còn thể hiện nhận thức rõ ràng và sâu sắc cũng như năng lực thích ứng của một trung tâm đào tạo trước những vận động, yêu cầu xã hội và nhu cầu phát triển nội tại của các ngành học của Trường ĐH KHXH&NV.

Để không ngừng bổ sung về tri thức, mở rộng tầm kiến văn của người học và tạo cơ hội việc làm cho các em sinh viên, Nhà trường đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng các CTĐT bằng kép, ngành kép, ngành chính – ngành phụ. Khởi đầu tốt đẹp với việc xây dựng thành công CTĐT bằng kép ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, sắp tới các CTĐT bằng kép ở một số ngành có sức hút xã hội như: Khoa học Quản lí, Xã hội học, Báo chí, Quốc tế học, Đông phương học… sẽ được triển khai. Theo kế hoạch, việc xây dựng thành công các chương trình đào tạo này sẽ đưa số chương trình đào tạo của Trường từ 23 chương trình lõi, hạt nhân lên đến 122 chương trình. Nhà trường hi vọng đây sẽ là một phương thức, mô hình đào tạo hiệu quả và phù hợp với nhu cầu người học trong bối cảnh hiện nay đồng thời qua đó tận dụng được thế mạnh liên thông về CTĐT của Trường.

Bên cạnh đó, các chương trình liên kết hợp tác đào tạo quốc tế cũng đang được triển khai tốt và sắp tới sẽ mở rộng thêm các CT liên kết 2+2, 3+1 với các đối tác. Nhà trường cũng đang thực hiện 2 chương trình ĐT thạc sĩ “Quản lí chính sách công và doanh nghiệp” (MAPE) và “Tâm lí học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên” hợp tác với ĐH Toulouse le Mirail (Cộng hoà Pháp). Trường cũng đang xây dựng chương trình “Tâm lí học xã hội trong lao động, hướng nghiệp và môi trường” với trường đại học này. Bên cạnh đó, Trường ĐH KHXH&NV cũng đã phối hợp với các đối tác xây dựng thành công 3 Trung tâm Việt Nam học ở Trung Quốc và Đài Loan. Năm học vừa qua, Trường ĐH KHXH&NV đã được Ban Tổ chức TƯ và Văn phòng 165 giao nhiệm vụ đào tạo khoá 1 lớp Thạc sĩ Quản lí Khoa học và Công nghệ. Trong khoá học, từ chương trình đào tạo, cách thức tổ chức, quản lí đến việc chuyển giao tri thức, tiếp thu công nghệ… đều được thực hiện đúng tiến độ và đạt kết quả tốt. Kết quả là, đã có 36/38 học viên bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ và nhiều anh chị em đã đạt thành tích xuất sắc. Trên cơ sở đó, Nhà trường đang tích cực phối hợp với Đại học Lund, Thuỵ Điển để thực hiện nhiệm vụ đào tạo khoá 2 mà Ban Tổ chức TƯ, Văn phòng 165 và ĐHQG HN giao cho.

Có thể nói, chính chất lượng của các CTĐT đã tạo nên uy tín của Nhà trường và sự tin cậy đối với xã hội cũng như người học. Những năm qua, số lượng thí sinh dự thi vào các ngành đào tạo của Trường rất ổn định. Bên cạnh các khối thi đại học truyền thống như C, D các khối thi mới như A, B ngày càng được nhiều thí sinh đăng kí. Điểm chuẩn đầu vào ĐH của Trường luôn thuộc nhóm cao.


PGS.TS Nguyễn Văn Kim trả lời phỏng vấn của báo chí tại kì thi tuyển sinh đại học năm 2013.

- Trong năm học tới, Trường định hướng những mục tiêu trọng tâm nào trong hoạt động đào tạo?

Hoạt động đào tạo của Trường ĐHKHXH&NV sẽ nhằm vào 4 mục tiêu chính:

Một là, không ngừng nâng cao và bảo đảm chất lượng đào tạo. Nhà trường luôn coi chất lượng là mục tiêu hàng đầu bởi đó chính là thương hiệu, uy tín và danh dự của tập thể Nhà trường.

Hai là, gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa đào tạo và nghiên cứu. Hiện nay cũng như những năm tiếp theo, công tác nghiên cứu phải được đặc biệt coi trọng để hỗ trợ đào tạo ĐH, SĐH. Trên thực tế, những kết quả nghiên cứu mới nhất đã được vận dụng rất sinh động, hiệu quả trong bài giảng của giảng viên trên các giảng đường ĐH.

Ba là, quốc tế hoá các CTĐT để hoạt động đào tạo của Trường luôn thích ứng, và bắt kịp xu thế phát triển của đất nước cũng như trình độ phát triển giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của cộng đồng đại học khu vực, thế giới. Quốc tế hoá chương trình đào tạo không chỉ đơn giản là ở việc dạy và học bằng tiếng Anh mà phải thể hiện ở nội dung, hàm lượng tri thức, phương pháp, quan điểm nghiên cứu, cách thức tiếp cận tiên tiến của mỗi giảng viên trong từng môn học.

Bốn là, đặt ra kế hoạch, xây dựng lộ trình để tiếp tục mở thêm các ngành và chuyên ngành đào tạo mới nhằm luôn tự làm mới mình, tạo nên sức hấp dẫn của các CTĐT với người học. Sự đa dạng hoá các ngành, chuyên ngành đào tạo một mặt là nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, mặt khác là sự thể hiện tầm nhìn và tư duy của Nhà trường về xu thế phát triển của đất nước cũng như các ngành KHXH&NV trong bối cảnh hiện nay.

Nếu thực hiện tốt 4 mục tiêu trên thì tôi tin rằng Trường ĐH KHXH&NV sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nữa trên phương diện đào tạo.


Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề 'Hiệp định Paris 1973: 40 năm nhìn lại' do Trường ĐHKHXH&NV cùng các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với các chuyên gia đến từ Đại học Paris I, Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng, Đại học Monperllier, Đại học Lyon (Cộng Hoà Pháp), Đại học Hawaii Pacific (Hoa Kì), Đại học Greifswald (CHLB Đức) tổ chức vào ngày 17/01/2013..

- Thầy có nhắc đến tinh thần đổi mới và sáng tạo như là kim chỉ nam trong các hoạt động của Nhà trường, vậy tinh thần ấy đã thể hiện như thế nào trong hoạt động NCKH?

Năm vừa qua cũng là năm đặc biệt thành công của Trường ĐHKHXH&NV trong hoạt động nghiên cứu. Trường đã được giao chủ trì nhiều đề tài cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ, Nafosted, Nghị định thư và các nghiên cứu theo đề nghị của các địa phương. Năm học vừa qua, Trường được giao 11 đề tài cấp Nhà nước và 01 đề tài Nghị định thư (tương đương cấp Nhà nước). Chưa bao giờ Trường có thành công lớn như vậy trên phương diện NCKH.
Thành công đó là sự thể hiện những đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, cách thức tổ chức công việc, phát huy nguồn lực trí tuệ của đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong Trường. Có thể nói, cách thức và tư duy tổ chức các hoạt động NCKH của đội ngũ cán bộ và nhà khoa học trong Trường đã thực tiễn, năng động hơn và phát huy được cao hơn vai trò của các Nhóm nghiên cứu mạnh cũng như các chuyên gia đầu ngành. Các Nhóm nghiên cứu, nhà khoa học trong Trường đã luôn bám sát, gắn kết các định hướng nghiên cứu khoa học của các chuyên gia, đơn vị với các định hướng nghiên cứu lớn của đất nước để chủ động trao đổi, làm việc với Ban chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu và các cơ quan chức năng để đề xuất, xây dựng các đề án, đề tài nghiên cứu.

Về phía Trường, nhờ huy động được nguồn lực trí tuệ của nhiều chuyên gia, sự hợp tác trong nước, quốc tế mà Trường ĐH KHXH&NV đã tăng cường, phát huy được năng lực nghiên cứu, tiếp tục khẳng định được vị thế của một Trường đại học phát triển theo định hướng nghiên cứu. Sắp tới, theo kế hoạch của Bộ KHCN và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV mong muốn có nhiều nhà khoa học của Nhà trường sẽ có điều kiện tham gia vào một nhiệm vụ khoa học lớn, góp phần biên soạn bộ “Quốc sử” (Lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh), dự kiến gồm 3 sản phẩm chính, 24 tập, triển khai trong 2013 và thực hiện liên tục trong khoảng 5 năm.


Một trong những nhiệm vụ khoa học lớn của Nhà trường là nghiên cứu về biên giới, chủ quyền biển đảo, tác động của các tổ chức khu vực, quốc tế, chính sách của các nước lớn...

- Một trong những định hướng quan trọng được Thường trực Hội đồng KH-ĐT Nhà trường thông qua trong một phiên họp gần đây là “tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học lớn”, xin thầy nói rõ hơn về các nội dung này?

Hiện nay, hệ thống đề tài của Trường khá phong phú, trải rộng ở các lĩnh vực: Lịch sử, Văn hoá, Xã hội, Chính sách, Công nghệ… Những định hướng cơ bản của các đề tài đó được xác định là:

Một là, tập trung làm rõ những giá trị truyền thống, những chuyển biến cơ bản của đời sống KT-XH ở Việt Nam, những biến đổi trong quan hệ xã hội, sự phân tầng xã hội, nguồn vốn xã hội, vai trò và chức năng của gia đình, quá trình đô thị hoá, nghiên cứu về chính sách và chuyển giao KHCN v.v… Mục tiêu của các đề tài là làm rõ xu thế, những thuận lợi, khó khăn, những thách thức đặt ra cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Hai là, một số đề tài nghiên cứu đã tập trung đi sâu nghiên cứu các vấn đề xã hội, của quá trình giao lưu, hội nhập và tiếp biến văn hoá, tư tưởng, những chuyển biến trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, vai trò của các tổ chức xã hội truyền thống, luật tục, tri thức bản địa và việc phát huy vai trò của nguồn lực tri thức bản địa trong sự phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội v.v…

Ba là, giải quyết các vấn đề cấp bách mà xã hội Việt Nam đã và đang đặt ra trong xu thế hội nhập, khu vực hoá và toàn cầu hoá như các nghiên cứu về biên giới, chủ quyền biển đảo, tác động của các tổ chức khu vực, quốc tế, chính sách của các nước lớn… Một số công trình nghiên cứu cũng tập trung vào các địa bàn chiến lược như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Kết quả của các nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của các địa phương, đồng thời chuẩn bị những cơ sở và luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách, khẳng định mô hình và triết lí phát triển của Việt Nam.

Từ việc triển khai các đề tài nghiên cứu, có thể nhận thấy nếu trước đây phần lớn các đề được thực hiện theo hướng chuyên ngành thì đến nay đã ngày càng có thêm các đề tài triển khai theo hướng liên ngành, với sự tham gia của nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Bên cạnh đó, tinh thần cởi mở và hợp tác trong NCKH, đặc biệt là hợp tác quốc tế là một yếu tố then chốt đem lại những thành công cho Nhà trường. Bởi sự phát triển của một trường đại học hiện nay phải luôn đặt trong những mối liên hệ rộng lớn. Mối quan hệ hợp tác với các trường đại học khu vực và thế giới đã và đang tạo đà cho những phát triển mới trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Trong thời gian tới, hoạt động NCKH của Trường ĐHKHXH&NV sẽ tiếp tục được triển khai theo định hướng này.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khai giảng năm học 2012-2013 của Trường ĐHKHXH&NV, ngày 14/9/2012.

- Năm học 2012-2013, Trường ĐHKHXH&NV có 02 sự kiện lớn, đó là việc đón đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khai giảng năm học mới và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đến thăm và làm việc với các nhà khoa học của Trường. Xin thầy cho biết ý nghĩa của hai sự kiện trên đối với sự phát triển của Nhà trường?

Đây là hai sự kiện rất quan trọng, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về KHXH&NV như Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá cao bề dày truyền thống và những đóng góp to lớn của Nhà trường và của nhiều thế hệ các nhà giáo, nhà nghiên cứu đối với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo của đất nước. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: KHXH&NV là những ngành khoa học gánh vác trách nhiệm quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng các quan hệ xã hội, các giá trị, chuẩn mực đạo đức, lối sống, nhân cách con người Việt Nam. Bởi vậy, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN có vai trò và trách nhiệm to lớn, phải là đơn vị đi đầu, thực hiện tích cực, có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, để giáo dục đào tạo thật sự là quốc sách hàng đầu, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Trong chuyến thăm đầu năm 2013, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng rất quan tâm đến những đổi mới và thành tựu nổi bật của Trường trong những năm gần đây. Bộ trưởng đánh giá cao uy tín của đội ngũ chuyên gia Nhà trường, với hơn 20 công trình, cụm công trình khoa học đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. Bên cạnh đó là sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, giảng viên với 94% hiện có trình độ sau đại học…

Có thể nói rằng, đây là những niềm vui và động lực lớn cho đội ngũ cán bộ, sinh viên và học viên của Nhà trường trong chặng đường sắp tới. Các chuyến thăm và làm việc của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng giúp Nhà trường thêm vững tin về những định hướng phát triển, nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo cũng như sự phát triển của đất nước.

- Một trung tâm đào tạo KHXH&NV hàng đầu, có bề dày truyền thống, có những dấu ấn đáng nhớ trong sự phát triển của nền khoa học giáo dục nước nhà trong quá khứ, sẽ đối mặt với những thách thức và cơ hội nào trong bối cảnh hiện nay?

Trên con đường đi của Trường ĐHKHXH&NV có nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều thuận lợi, đòi hỏi lãnh đạo Nhà trường, lãnh đạo các đơn vị phải có nhận thức đúng, phân tích và dự báo chính xác những xu thế phát triển mới, định vị rõ sứ mạng và nhiệm vụ của mình. Điều cần chú ý là, đôi khi chính từ trong những thách thức, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chúng ta lại có thể tìm ra những kiến giải mới cho sự phát triển.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang ngày càng quan tâm hơn đến KHXH&NV. Tuy nhiên, cần có thêm những chủ trương, chính sách cụ thể, cần có những khảo sát cơ bản để đánh giá khoa học và khách quan hơn về hiện trạng đội ngũ, thực tế năng lực đào tạo, nghiên cứu KHXH&NV; cần có những thay đổi trong cách thức tổ chức, quản lí, tạo dựng cơ chế cho sự phát triển mặt khác các cấp quản lí cũng cần hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho KHXH&NV. Trên cơ sở ấy, cùng với những nỗ lực nội tại, Nhà trường sẽ có thêm điều kiện và động lực mới để phát triển.

Thách thức còn nhìn thấy ở cơ sở vật chất của Trường còn có những hạn chế. Nhà trường hiện chỉ có không nhiều các phòng nghiên cứu, phòng tư liệu, phòng học đạt chuẩn. Không gian học tập, nghiên cứu cho cán bộ, sinh viên còn hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu và yêu cầu phát triển của Nhà trường. Tuy nhiên, Nhà trường sẽ luôn tìm cách đổi mới trong hoàn cảnh và điều kiện của mình, khắc phục một phần khó khăn để mỗi bước đi là mỗi bước tiến vững chắc đến mục tiêu mà mình đã đặt ra.

Một thách thức nữa là sự chuyển giao giữa các thế hệ. Sự chuyển giao đó đang diễn ra giữa thế hệ các nhà khoa học đầu tiên, có công xây dựng Trường KHXH&NV và đội ngũ các nhà khoa học, quản lí hiện nay. Tuy có những khó khăn nhất định về tổ chức, nhân sự trong việc triển khai công tác đào tạo, NCKH ở một số đơn vị nhưng các thế hệ đi trước đã để lại những di sản vô cùng quý báu đối với sự phát triển của Nhà trường cũng như các đơn vị. Chính sự trao truyền tri thức, tinh thần trách nhiệm giữa các thế hệ, sự nhiệt huyết, lòng đam mê khoa học của các Thầy là những giá trị thiêng liêng, tạo nên sức mạnh và nội lực đặc biệt của Nhà trường. Đội ngũ cán bộ, viên chức hiện nay đều tâm huyết với nghề, luôn cố gắng gìn giữ bản sắc, truyền thống quý báu của Trường. Tập thể Nhà trường đang cố gắng phát huy những giá trị của một cộng đồng đại học, tiếp tục xây dựng một tinh thần đại học, ở đó mọi người cùng đồng lòng, chung sức xây dựng Trường ĐHKHXH&NV. Mặt khác, hiện nay cán bộ, giảng viên trong Trường không chỉ tích cực tiếp thu các tri thức, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước mà còn chủ động mở rộng tầm kiến văn để tiếp nhận những thành tựu KH&CN từ bên ngoài. Trong những năm qua, Trường thường xuyên có khoảng 1/3 số lượng cán bộ, giảng viên được cử đi trao đổi, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài. Điều đó cho thấy dòng chảy tri thức giữa trong nước và quốc tế đã tạo nên những dòng đối lưu, làm nên nền tảng, cơ sở cho sự phát triển và hội nhập của Nhà trường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây